Nhớ hát tiều

Hồi tui còn nhỏ xíu (thập niên 60) lâu lâu tới ngày rằm tháng 7 âm lịch, Hội Hoa kiều Chùa Bà ở Cái Vồn hay rước gánh hát Tiều về hát trước sân chùa (cũng là sân chợ trước cái Nhà lồng).

nho-hat-tieu-1637490660.jpgẢnh minh họa do tác giả lựa chọn

 

Bọn trẻ con tụi tui có biết hát Tiều là gì đâu? Nhưng thấy mấy cô đào xinh xắn đẹp như tiên, hát líu ríu như chim, múa thương, đánh kiếm, nhào lộn như phim nên mê tít thò lò. Canh vừa ăn bữa cơm chiều xong là kéo nhau đến sân chùa Bà xí chỗ trước.

Được biết, Gánh hát Tiều là của người Triều châu Quảng Đông, Trung Quốc. Chuyên hát các tuồng tích xưa như:

      * Mạnh lệ Quân, Tiết đinh San, Tam quốc chí, Bao công xử án...

Sân khấu rộng, cảnh trí đẹp và hoành tráng lắm, đoàn hát bố trí một góc trước sân khấu cho ban nhạc gọi là "Tùa lầu cấu", khi bắt đầu hát là trời vừa sụp tối hát một lèo cho tới sáng, ai coi thì coi, không coi nữa thì về ngủ tối mai coi tiếp. Khán giả xem hát chẳng biết hát cái gì nhưng hát xong một lớp có người xướng ngôn viên ra giới thiệu nội dung của lớp hát nên ai cũng... từ từ mà hiểu.

Ai rành tích tàu thì phiên dịch cho người kế bên, dạng tam sao thất bổn. Rằm tháng bảy là tháng mưa ngâu nên cũng có khi đang hát thì trời đổ mưa, bà con chạy tứ tán vô núp trong nhà lồng hay núp vào phía trước hàng ba của hai dãy phố đợi tạnh mưa sẽ ra xem tiếp.

Hát Tiều hát liên tiếp hai đêm, có khi hát luôn ban ngày, hát tới trưa vừa vãn tuồng thì đem đốt ông Tiêu, Ông Hộ (Ông Thiện & Ông Ác) xong là tới mục thí giàn... Mấy anh con trai trong hội Hoa kiều (như Anh Phố con chú Chệt Ẹm, Anh Kía, hia Hoặc... có khi có mặt hia Tỷ ông anh của tôi...) leo tuốt trên nóc chùa Bà từng nắm thẻ được ném ra cho lũ con nít (cô hồn sống), có thẻ thịt heo, thẻ gạo, thẻ đường, thẻ gạo, thẻ muối... cả đám người lớn cũng nhảy vô tranh nhau "giựt" thẻ, thấy dễ vậy chứ lượm được cái thẻ đâu phải là chuyện dễ... có khi tranh nhau rồi tụt cả quần lúc nào không hay. Số tôi là số "nhọ" nên lần nào may mắn lắm mới chộp được một cái thẻ... muối.

Một đoàn hát Tiều coi vậy mà đông lắm, có khi tới gần năm chục người, khi thì đoàn ở Cần Thơ qua, khi thì có đoàn từ Sài Gòn đến. Hát từ đầu hôm tới sáng. Hát đôi ba ngày nên nhiều khi cũng khó xin được phép. Nhất là những năm chiến tranh ác liệt. Đến lúc có Tivi đen trắng ra đời bà con lại thích xem cải lương Hồ Quảng, cũng áo mão xênh xang, cũng tuồng xưa tích cũ tuốt bên Tàu, nhưng hát tiếng Việt nên ai xem cũng hiểu. Từ đó ít có hát Tiều về hát . Bù lại trong nhà lồng chợ có cái Tivi cho bà con xem cải lương.

Bây giờ thì Chùa Bà ở Bình Minh tới những ngày rằm lớn hay tặng quà cho bà con nghèo một cách nhân văn và khoa học hơn. Ai có tên thì tới ngày đến lãnh gạo, mỳ... Có cả cái phong bao tiền lì xì nên không còn cái cảnh thí giàn lượm thẻ nữa, và chắc cũng không còn rước gánh Hát Tiều về hát mỗi khi tới mùa Vu Lan. Chợt Nhớ lắm một loại hình hoạt động nghệ thuật truyền thống của người Hoa thời mình còn con nít ...

Nhớ lắm Cái Vồn ơi.

 (thị xã Bình Minh trước 1975 có tên là chợ Cái Vồn. Chùa Bà Thiên Hậu ngày nay còn có tên là Thất Phủ Miếu nằm ngay Trung tâm khu chợ ngày xưa)

Theo Chuyện làng quê