Sau 16 năm hợp nhất với tỉnh Nam Hà thành tỉnh Hà Nam Ninh, ngày 1/4/1992 tỉnh Ninh Bình chính thức được tái lập. Ông Tống Quang Thìn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình khẳng định, 30 năm - quãng thời gian gần 1/3 thế kỷ không phải là dài so với lịch sử phát triển của vùng đất từng là kinh đô của đất nước, nhưng mỗi người dân Ninh Bình đều cảm thấy rất tự hào về những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua.
Ông Tống Quang Thìn nói: "Thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, hòa nhịp cùng dòng chảy ấy Đảng bộ chính quyền và nhân dân Ninh Bình luôn nêu cao tinh thần đoàn kết chủ động sáng tạo, phát huy các tiềm năng, lợi thế phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức làm biến đổi toàn diện vùng đất cố đô; đưa Ninh Bình có những bước phát triển đột phá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, trở thành tỉnh tự cân đối ngân sách và có điều tiết về ngân sách Trung ương từ năm 2022".
Tại hội thảo đã có hơn 55 báo cáo tham luận của các diễn giả, trong đó có 28 bài tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu ở Trung ương tập trung đánh giá toàn diện về bề dày lịch sử và thực tiễn đặt ra trong quá trình đổi mới, phát triển của Ninh Bình trong tiến trình lịch sử của dân tộc, cũng như thành tựu phát triển trong 30 năm từ khi tái lập tỉnh đến nay. Các đại biểu cho rằng nghiên cứu về lịch sử, văn hoá Ninh Bình trong dòng chảy lịch sử dân tộc, đặc biệt là thành tựu đổi mới, phát triển trong 30 năm qua có ý nghĩa quan trọng đối với Ninh Bình; làm cơ sở để địa phương tiếp tục phát huy những nguồn lực vốn có, tạo động lực phát triển trong tương lai.
Trên vùng đất Ninh Bình hiện lưu lại nhiều di sản quý báu của dân tộc. Nhiều di sản đã được công nhận là di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia, cấp quốc gia đặc biệt và quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản thế giới đã và đang được bảo tồn, phát huy các giá trị, phục vụ nhu cầu sinh hoạt vật chất và tinh thần của nhân dân và du khách.
Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ, trong quá trình lịch sử dân tộc, vua Đinh Tiên Hoàng với nước Đại Cồ Việt không những có công thống nhất sơn hà mà còn đặt nền tảng xây dựng một quốc gia độc lập, một nhà nước tập quyền đầu tiên trong lịch sử. Đó là một thành tựu lớn trên con đường xây dựng và bảo vệ đất nước, một cột mốc trọng đại trong lịch sử dân tộc.
Nhà sử học Dương Trung Quốc nói: "Không phải tự nhiên lịch sử lựa chọn Hoa Lư là cố đô, ở đây chúng ta đang nói đến quá khứ, nhưng chắc chắn nơi đây có một vị trí quan trọng mà người xưa nhắc đến đó là 'địa linh', hiểu theo nghĩa về 'địa chính trị' và đặc biệt là 'địa văn hóa'. Hiểu rõ ý nghĩa này, qua đó tự hào và yêu quý hơn những gì lịch sử để lại, càng phải có trách nhiệm để nghiên cứu và quan tâm đến những tài sản thiên nhiên, di sản văn hóa cùng với những sáng kiến và nỗ lực để thay đổi. Bên cạnh những tiềm năng vốn có chúng ta có thể khai thác du lịch, điều này phù hợp với xu thế chung".
Theo Thạc sỹ Nguyễn Văn Mão (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), muốn phát triển du lịch bền vững thì việc bảo tồn di sản văn hóa và phát triển du lịch có mối quan hệ tương tác và gắn bó hữu cơ với nhau: "Để du lịch Ninh Bình phát triển bền vững cần phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cơ quan liên ngành, đặc biệt là Sở Du lịch và Sở Văn hóa & Thể thao. Đối với chính quyền địa phương cần nâng cao tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đối với người dân ở khu vực các di sản. Bên cạnh đó, doanh nghiệp du lịch kết hợp với các công ty lữ hành tăng cường quảng bá các yếu tố đặc trưng về văn hóa, lồng ghép giá trị văn hóa trong chương trình du lịch, thu hút và giữ chân khách".
Cũng tại hội thảo, các tham luận cũng làm rõ hơn về những địa danh lịch sử, di sản văn hóa cũng như những đóng góp to lớn của các danh nhân Ninh Bình trong quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Ninh Bình./.