Nỗi đau

Ôm tấm hình Mẹ cô cẩn thận lau chùi. Trong hình Mẹ nhìn cô đăm đăm . Sắp giỗ Mẹ rồi, mau quá thế là Mẹ đi đã mười một năm. Mười một năm cô ray rứt , nỗi nhớ Mẹ , nỗi ân hận vì cơm áo gạo tiền cô đã không được gặp Mẹ lần cuối.

chu-que1a-1632299545.jpgẢnh minh họa do tác giả cung cấp.

Ngày cô tốt nghiệp cũng là lúc mẹ chọn ngày đính hôn, một cuộc hôn nhân do mẹ quyết định. Chồng cô là bạn học cùng trường, anh học trên cô hai lớp và sau khi đậu tú tài anh nhập ngũ và trở thành sĩ quan. Anh đeo đuổi cô suốt ba năm, trong ba năm đó cô vẫn chỉ xem anh là bạn, còn anh yêu cô nhưng anh hiểu mẹ mới là người có thể giúp anh có được cô.

Mỗi ngày anh đều ghé thăm mẹ, hỏi han chăm sóc mẹ, vào mùa tựu trường anh sắm sửa cho các em cô sách vở mới, các dịp lễ tết anh lo quà cáp đầy đủ như một người con trong gia đình. Đặc biệt, anh không bao giờ quan tâm cô đi đâu cứ chăm bẵm mẹ, cô và anh vẫn xưng hô anh chị như một người bạn bình thường. Đôi lúc cô nghĩ không hiểu anh muốn gì, nhưng với bản tính hồn nhiên cô mặc kệ miễn đừng làm phiền cô khi cô đi chơi với bạn bè.

Ngày đó cô khá xinh lại học giỏi nên vệ tinh rất nhiều nhưng các vệ tinh đó cũng chỉ biết yêu thầm cô và tập tành thơ phú lén để dưới ngăn bàn của cô, tất cả đều biết mẹ cô rất khó nên ít ai dám đến nhà, còn cô chỉ mơ ước đi du học và đôi khi còn mơ làm lãnh đạo.

Anh người trung và hơi nhỏ con, đó là hai đặc điểm mà cô không thích. Cô chỉ muốn lấy chồng người miền Bắc hay chí ít cũng là người miền Nam. Cô nghĩ miền trung khô cằn sỏi đá nên người miền trung sẽ keo kiệt gia trưởng và đàn ông phải cao to vì cô nhỏ con nên muốn con cái sau này giống bố cao lớn .

Tuy không thích, nhưng cô cũng không dám tỏ ý ghét anh vì mẹ rất nghiêm khắc và mẹ coi anh như rể. Thời cô, cha mẹ rất có uy với con cái, cô người Bắc dù sống ở miền Nam nhưng vẫn giữ nguyên các nguyên tắc sống của gia đình nho giáo miền Bắc, đi thưa về trình, con gái lại bị quản chặt việc bạn bè.

Hôm cô đi Mẹ vẫn còn ngủ, thực ra là Mẹ hôn mê mà bác sĩ với trình độ chuyên môn không đủ lại cho rằng Mẹ khá hơn, cô đi mà lòng không yên cứ thấp thỏm. Buổi sáng cô đóng hàng để về. Một cuộc điện thoại làm cô điếng người, em cô báo Mẹ đang hấp hối đợi cô. Cô đứng không vững, nước mắt trào ra . Cô vội ra đặt vé về ngay chiều đó.

Cô đến nhà mười giờ đêm, Mẹ đã ra đi vào lúc bảy giờ sau khi đã cố gắng chống chọi lại thần chết để đợi cô. Các em nghẹn ngào kể lại, Mẹ đã tưởng đi lúc năm giờ các em khóc giữ Mẹ xin Mẹ hãy đợi đứa con gái đầu đang vất vả kiếm cơm ở xứ người.Mẹ đã đợi nhưng không thể!

Mẹ đã cố gắng đợi con, Mẹ hiểu lòng con luôn thương Mẹ. Sự giận hờn với cuộc đời nghiệt ngã của mình, mà cô cứ nghĩ là do Mẹ, đã phút chốc tan biến. Cô hiểu Mẹ đã thương cô vô cùng Mẹ đã thương đứa con gái mà nước mắt và nỗi giận hờn đã theo cô suốt bao năm.

Mẹ ơi! Chỉ có ba giờ chậm trễ mà hơn mười năm nỗi đau theo con không rời, để mỗi lần nhìn ảnh Mẹ trái tim con thắt lại, giận mình. Hình như cả cuộc đời con nỗi đau, nỗi giận cứ là bạn đồng hành vò xé tim con Mẹ ạ.

Mẹ ơi! mười tám ngày trăn trở Mẹ đã khó khăn khi quyết định về với cha hay ở lại với các con.

Mười tám ngày Mẹ đã cùng các con chống chọi lại thần chết, đã có lúc chúng con tưởng mình đã thắng.

Mẹ ơi! bây giờ trong con thời gian mười tám ngày cứ như lưỡi dao cứa vào con để con nhớ rằng Mình đã không cùng Mẹ chiến đấu, mình đã bỏ Mẹ giữa chừng, cơm áo gạo tiền đã cuốn con đi Mẹ ạ.

Cô nghẹn ngào hiểu rằng bây giờ cho đến khi gặp Mẹ, mười tám ngày oan nghiệt đó lại tiếp tục theo cô và lại làm tim cô đau thay cho nỗi đau bao năm vừa tan biến.

Mẹ ơi! con nhớ Mẹ vô cùng......

Theo Chuyện làng quê