Nồng độ cồn dương tính do ăn trái cây, uống thuốc có bị phạt khi tham gia giao thông?

Vũ Hải Anh

Nước uống hoa quả lên men, socola, 1 số loại thuốc siro, cảm cúm, dung dịch sát trùng miệng họng, thức ăn tinh bột đường để lên men… đều khiến hơi thở dương tính với nồng độ cồn.

Uống rượu bao lâu thì có thể tham gia giao thông?

Bắt đầu từ ngày 1/1/2020, khi lái xe mà có nồng độ cồn trong máu, hơi thở sẽ bị xử phạt sẽ rất nặng. Tuy nhiên, uống nước ngọt, ăn một số loại trái cây, uống thuốc cũng khiến hơi thở có nồng độ cồn. Vậy những trường hợp này có bị xử phạt hay không?

Trao đổi với Ths.BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: "Tôi hoàn toàn ủng hộ luật Phòng, chống tác hại của rượu bia, phạt nặng những trường hợp uống rượu lái xe. Vì nồng độ cồn dù thấp nhưng có trong máu cũng ảnh hưởng tới khả năng lái xe dẫn tới lái xe không an toàn".

Trước câu hỏi uống rượu bao nhiêu lâu có thể lái xe an toàn được rất nhiều người quan tâm, bác sĩ Nguyên cho biết, rất khó có thể biết được khi nào nồng độ cồn âm tính. Vì thời gian từ khi uống rượu để hơi thở âm tính sẽ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: lượng rượu uống, nồng độ rượu (nồng độ hấp thu nhanh nhất 20 độ), uống khi đói sẽ nhanh hấp thu, uống kéo dài hay không, có bệnh lý khác không…

Có những trường hợp uống rượu vào buổi tối hôm trước với lượng nhiều thì ngày hôm sau hơi thở vẫn còn dương tính. Để không bị xử phạt khi tham gia giao thông chuyên gia khuyến cáo không nên uống rượu.

Theo bác sĩ Nguyên không chỉ rượu, bia là đồ uống có cồn cũng gây dương tính trong hơi thở. Một số đồ uống, thức ăn một có chút ít ethanol cũng gây dương tính trong hơi thở. Ví dụ, nước uống hoa quả lên men, socola, một số loại thuốc siro, cảm cúm, dung dịch sát trùng miệng họng, thức ăn tinh bột đường lên men…

Nồng độ cồn dương tính do ăn trái cây, uống thuốc có bị phạt khi tham gia giao thông? - Ảnh 1.

Đo nồng độ cồn trong hơi thở, ảnh minh hoạ.

"Tuy nhiên, mọi người cũng không cần quá lo lắng vì các đồng chí công an sẽ có nghiệp vụ để kiểm tra đúng. Nếu không may ăn đồ ăn, uống thuốc có lượng ethanol nhỏ như trên thì nên đợi 15 phút đến 1 tiếng mới tham giao thông sẽ an toàn", bác sĩ Nguyên nói.

Theo bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế thời gian gầy đây có nhiều thông tin lo ngại rằng việc sử dụng một số loại trái cây cũng dẫn tới kết quả có nồng độ cồn trong hơi thở.

Bà Trang thông tin trong các sản phẩm thực phẩm có đường như: nho, sầu riêng, chuối... dễ để lại nồng độ cồn trong cơ thể nhưng rất nhỏ, không đáng kể và không thuộc đối tượng xử phạt.

Số ca ngộ độc rượu tăng lên ngay đầu năm 2020

Bác sĩ Nguyên cho hay, trong dịp năm mới 2020 vừa qua số lượng bệnh nhân ngộ độc rượu tăng lên… Đa phần các trường hợp ngộ độc rượu này uống tại quán.

Phần lớn người ngộ độc rượu ở độ tuổi trẻ. Các bệnh nhân vào viện ở những mức độ nặng nhẹ khác nhau. Có trường hợp chỉ nôn mửa, nhưng có những trường hợp đến viện trong tình trạng rất nặng nề tụt huyết áp, hôn mê, chấn thương trên người. Hiện nay, bệnh nhân bị ngộ độc rượu thông thường và cả cồn công nghiệp.

Trong Trung tâm có 2 ca khá trẻ bị ngộ độc rượu trong đó có một bệnh nhân chỉ mới 16 tuổi. Hai bệnh nhân vào trong tình trạng bất tỉnh do ngộ độc rượu. Bệnh nhân đã được làm xét nghiệm chẩn đoán và khám sơ bộ chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc rượu thông thường (ethanol) không phải là rượu công nghiệp.

Bác sĩ Nguyên cho biết: "Rượu là chất độc cho cơ thể mà chúng ta vẫn lạm dụng hàng nghìn năm nay. Khoa học chỉ ra rượu gây ra một danh sách bệnh tật nhiều nhất trong các nhóm chất được lạm dụng hiện nay. Rượu tác động tới mọi cơ quan từ thần kinh, tim mạch, huyết học, gan, thận, xương khớp, tiêu hoá…"

Đặc biệt, với người trẻ dưới 18 tuổi uống rượu sẽ gây độc cho cơ thể tác động tới hệ thần kinh và gây ra tổn thương não. Do trẻ chưa chưa phát triển đầy đủ nên rất dễ chịu hậu quả do ngộ độc cấp tính gây ra, tổn thương não, thậm chí teo não.

Bác sĩ Nguyên khuyến cáo, tất cả các nhóm tuổi tránh sử dụng rượu, hạn chế uống rượu ở mức thấp nhất là cách tốt nhất để bảo vệ sức khoẻ.