Nữ du kích Ngã Năm - Nỗi khiếp đảm của quân thù ở khu vực chi khu Ngã Năm

Sinh ra và lớn lên trong cảnh đất nước chiến tranh, ngay từ nhỏ, Lưu Nguyệt Hồng (chị Ba) đã chứng kiến người dân quê mình bị giặc đàn áp, tra tấn, bóc lột. Lòng căm thù giặc trong cô ngày càng sâu sắc. Năm 1965, khi mới tròn 15 tuổi, Lưu Nguyệt Hồng xung phong vào lực lượng du kích địa phương, tham gia đánh đuổi quân thù.

243011673-10227220459403575-5865370366228649760-n-1632984919.jpg

Trong ảnh là Nữ du kích Ngã Năm - Lưu Nguyệt Hồng chụp năm 1969. Chị sinh năm 1950 ở xã Vĩnh Quới, huyện Ngã Năm (nay là Thị xã Ngã Năm), Sóc Trăng.

Sinh ra và lớn lên trong cảnh đất nước chiến tranh, ngay từ nhỏ, Lưu Nguyệt Hồng (chị Ba) đã chứng kiến người dân quê mình bị giặc đàn áp, tra tấn, bóc lột. Lòng căm thù giặc trong cô ngày càng sâu sắc. Năm 1965, khi mới tròn 15 tuổi, Lưu Nguyệt Hồng xung phong vào lực lượng du kích địa phương, tham gia đánh đuổi quân thù. Ban đầu, cô được phân công làm y tá trong đội biệt động thị trấn Ngã Năm, chủ yếu làm nhiệm vụ cứu thương. Ít lâu sau, nhờ sự nhanh nhẹn, mưu trí và lòng gan dạ Nguyệt Hồng được phân công làm Đội trưởng Đội du kích Ngã Năm. Hễ nghe đến tên chị là địch khiếp vía. Sợ đến nỗi chúng tìm mọi cách để bắt hoặc giết chị. Đi đâu, nghe có người phụ nữ nào tên Hồng là chúng bắt, đánh đập dã man với phương châm “Trăm lần bắt trật cũng có lần bắt trúng”.

Trong cuộc tổng tiến công nổi dậy mùa xuân 1968, chị Ba và đồng đội của mình bao vây, bức rút chi khu Ngã Năm suốt 52 ngày đêm. Cũng trong những ngày đó, chị là người đã hạ lá cờ sọc dưa của giặc ở chi khu Ngã Năm và hiên ngang kiêu hãnh kéo lá cờ nửa đỏ nửa xanh của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lên trên bầu trời chi khu Ngã Năm trong tiếng reo hò của bà con, của đồng đội. Đó là giây phút hạnh phúc nhất trong đời chị. Chị nhớ nhất là Trận đánh ngày 23/11 âm lịch năm 1967 vào chi khu Ngã Năm, theo hiệp đồng, đúng 0 giờ là nổ súng. Thế nhưng, do anh em pháo binh bị lạc đường nên mãi đến 2 giờ trận đánh mới bắt đầu. Lúc đó. Địch chủ động phản công nên bộ đội, du kích phải rút về cố thủ tại đám lá tối trời ở Long Mỹ (Chương Thiện - nay là Hậu Giang) quần nhau với địch cho đến 2 - 3 giờ chiều chúng mới lui quân. Khi đó, chị vừa mới mổ ruột thừa được 1 tháng nên có phần đuối sức nhưng chị vẫn quyết tâm không rời trận địa. Có lúc mệt quá, chị ngủ thiếp đi. Khi giật mình tỉnh lại mới biết mình nằm ngủ giữa hai người đồng đội đã hi sinh. Trận đó chị được anh em trong đơn vị bình chọn xuất sắc nhất.

Năm 2005, chị được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Người nữ anh hùng hết lòng làm việc nghĩa! Cuộc đời mỗi con người là một hành trình. Với bà Hồng, hành trình tìm lại đồng đội, xác minh công trạng để họ được hưởng đầy đủ các chế độ của Đảng, Nhà nước là một chuyến đi không có điểm dừng. Nó đã ngấm vào máu, vào xương thịt và trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của bà. Đến nay, bà không nhớ rõ mình đã giúp bao nhiêu đồng đội được công nhận và hưởng chế độ thương binh, bệnh binh, liệt sĩ. Mỗi trường hợp được giải quyết chế độ trong lòng bà có thêm một niềm vui. Ngoài việc tìm kiếm, đề nghị công nhận thương binh, liệt sĩ cho người có công, bà Hồng còn thường xuyên tổ chức thăm hỏi, tặng quà; đồng thời vận động quyên góp ủng hộ, giúp đỡ gia đình các cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, bệnh nhân nghèo, học sinh nghèo vùng sâu, vùng xa; tổ chức thăm gia đình đồng đội cũ, thăm lại chiến trường xưa để tìm hài cốt liệt sĩ. Với bà, tình đồng chí, đồng đội luôn là tình cảm thiêng liêng nhất, luôn bền chặt và sống mãi theo thời gian.

 

Theo Trái tim Người lính