Ơn thầy

Ở trên đời này, hẳn không có ai lại không hơn một lần cắp sách tới trường, tới lớp?

 

on-hay-2-1637047919.jpgTác giả chụp cùng các bạn lớp 9G Trường PT cấp 3 Thị xã Thái Bình năm 1963

 

Từ thời “bé bé bồng bông” ta đã được đến lớp vỡ lòng (ngày xưa) và lớp chồi, lớp lá mẫu giáo (bây giờ). Rồi vào tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, rồi cao đẳng, đại học, trung học chuyên nghiệp, Rồi học nghề. Rồi học lên cao nữa … Có người không có điều kiện học chính quy thì học liên thông, chuyên tu, tại chức. Có người không được học chính khoá thì phải học ngoại khoá. Có những người vì hoàn cảnh khó khăn nào đó không được học ở một trường nào thì phải học ở ngoài trường đời, học ở trường học xã hội… Có nhiều người phải lội suối, trèo non, chèo đò vượt sông, lên rừng xuống bể tìm thầy để học lấy một nghề, hay một môn khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật nào đấy.

chuy-q2s-1637050113.jpgHai ảnh trên do tác giả cung cấp: Tác giả 1966 (tân binh Phạm Minh Giang) và ảnh tác giả chụp cùng các bạn lớp 9G Trường phổ thông cấp 3 Thị xã Thái Bình năm 1963, trong ảnh PMG đứng giữa hàng cuối, cổ quàng khăn khố la đấy.

 

Ai cũng phải học.

“Người giỏi mấy cũng phải học. Người dốt mấy cũng học được”.

Không ai là không phải học. Vì thế, người nào cũng cần có thầy giáo.

Thầy giáo. Đó là những người truyền dạy cho ta những kiến thức về văn, sinh, sử, địa, lý, hoá, đại, lượng, hình… Đó là những người truyền dạy cho ta những kiến thức về khoa học kỹ thuật, văn học nghệ thuật, hay chuyên môn nghiệp vụ… để ta có thể tự tin bước vào đời, để ta có “đủ lông, đủ cánh” bay tới những chân trời mơ ước.

Thầy giáo. Đó còn chính là ông bà, cha mẹ đã sinh ra ta, nuôi dưỡng thể chất, tâm hồn ta từ thuở lọt lòng và dõi theo, che chở ta suốt cả cuộc đời.

Thầy giáo. Đó còn là những đồng chí, đồng đội của ta, là anh em bè bạn, là dân làng xóm phố, là quần chúng nhân dân, những con người lúc nào cũng ở bên ta cảm thông, chia sẻ, theo dõi, góp ý, chỉ bảo, giúp đỡ ta lúc thường cũng như lúc khó khăn hoạn nạn…

Có thể nói: trên đời này, đúng như câu nói của các cụ ngày xưa đã truyền dạy “Không thầy đố mày làm nên”. Ai cũng phải học, suốt đời phải học. Học văn hoá, học chính trị, học khoa học kỹ thuật, văn học nghệ thuật, học nghiệp vụ chuyên môn, học nghề, “học ăn, học nói, học gói, học mở”. Học suốt cả cuộc đời chưa hết. Những người thầy giáo ở trường, những người thầy giáo ở gia đình, những người thầy giáo ở ngoài xã hội…. đã dạy ta kiến thức ở đời, đã dạy ta biết điều hơn lẽ thiệt, biết đạo lý làm người…

Mỗi một con người chúng ta lớn khôn lên trở thành những anh hùng dũng sĩ, những giáo sư tiến sĩ, những bác sĩ, kỹ sư, những quân nhân, những nhà chính trị, ngoại giao, doanh nhân, văn nhân, nghệ nhân, những người lao động giỏi, những người công dân tốt của đất nước…chính là nhờ công lao dạy dỗ to lớn của những người thầy yêu kính đó.

Ta chẳng bao giờ dám quên công ơn của những người thầy yêu kính.

Thật đáng buồn thay, trên đời này còn có những học trò không nghe lời thầy, quên ơn thầy, thậm chí, có người còn lừa thầy, phản bạn nữa. Những con người ấy chắc chắn sẽ có ngày phải ăn năn hối lối. Chắc chắn là như vậy.

Theo Chuyện Làng Quê