Theo tín ngưỡng dân gian của người Việt thì ông Công ông Táo có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa và Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Hoa đã được Việt hoá thành (hai ông, một bà) thần đất, thần nhà và thần bếp. Tuy nhiên dân gian vẫn gọi chung là Táo Quân (ông Táo) hay ông Công.
Sự tích kể rằng Trọng Cao có vợ là Thị Nhi mặc dù ăn ở với nhau tình cảm rất mặn nồng, tuy nhiên đã nhiều năm mà mãi không có con. Vì vậy Trọng Cao kiếm cớ gây sự, lạnh nhạt… đánh đuổi Thị Nhi ra khỏi nhà.
Thị Nhi bị chồng đánh đuổi, tủi khổ…bỏ nhà đi lang thang xa xứ gặp Phạm Lang, hai người đồng cảm kết duyên thành vợ chồng.
Trọng Cao sau khi đánh đuổi vợ nhận thấy mình nóng giận mất khôn, nên rất ân hận. Trọng Cao quyết đi tìm Thị Nhi để chuộc lỗi lầm, nhưng tìm mãi khắp nơi không thấy. Đến mức hết tiền, hết gạo phải đi ăn xin kiếm sống qua ngày.
Một ngày nọ chiều vừa xế bóng Thị Nhi ra cổng gặp một kẻ ăn xin khốn khổ, rách rưới đến xin ăn. Nhận ra chồng cũ, hai người mừng mừng, tủi tủi. Thị Nhi đưa Trọng Cao vào nhà lấy cơm cho ăn, tắm rửa thay quần áo mới. Trời vừa tối thì Phạm Lang đi làm đồng về, sợ Phạm Lang phát hiện ra chồng cũ… Thị Nhi liền giấu Trọng Cao vào trong đống rạ sau vườn. Trọng Cao do nhiều ngày đói khát, mệt mỏi nên ngủ say trong đống rạ.
Nửa đêm Phạm Lang vô tình đốt đống rạ để lấy tro bón ruộng. Thị Nhi thấy lửa cháy liền nhảy vào cứu Trọng Cao. Phạm Lang thấy vợ nhảy vào đống lửa cũng nhảy vào cứu Thị Nhi. Thế là cả ba người đều chết cháy trong đống rạ!
Trước cảnh ba người vì tình, vì nghĩa mà sống chết có nhau, Ngọc Hoàng thượng đế thương tình phong cho ba vị làm Vua Bếp (Định phúc Táo Quân), gia đình Táo Quân gồm hai ông, một bà. Phạm Lang được phong là Thổ Công, Trọng Cao được phong là Thổ Địa, Thị Nhi được phong là Thổ Kỳ.
Ba vị được Ngọc Hoàng giao trông coi đất cát, nhà cửa, bếp núc cho gia chủ. Ngoài việc trông coi nhà cửa, đất cát, bếp núc ba vị thần còn giúp cho gia chủ rước phúc, trừ hoạ… xua đuổi ma quỷ xâm nhập gia cư.
Hằng năm vào 23 tháng chạp ông Công ông Táo cưỡi cá Chép hoá Rồng về trời báo cáo Ngọc Hoàng mọi việc tốt xấu, thiện ác… của gia chủ để Ngọc Hoàng định đoạt.
Lễ cúng ông Công ông Táo, tuỳ theo hoàn cảnh điều kiện của gia chủ để biện lễ, lòng thành là chính (nếu có cá chép sống thì càng tốt). Theo dân gian thì cúng trước giờ Ngọ (12giờ trưa) ngày 23 tháng chạp. Cúng xong nếu có cá chép thì thả cá xuống sông, ao hồ (phóng sinh).
Ngày xưa lễ cúng ông Công ông Táo không nhất thiết phải có cá chép. Bởi vì theo các cụ truyền lại cá chép hoá rồng phải là loài cá chép ta to, sống lâu năm trong ao hồ, sông ngòi tự nhiên và không phải con cá chép nào cũng hoá rồng. Táo Quân cưỡi con nào là do các ngài lựa chọn trong đàn cá sống ở ao hồ, sông ngòi tự nhiên.
Ngày nay xã hội phát triển, như cầu cúng ông Công ông Táo vào 23 tháng chạp rất lớn. Nhưng do ao hồ, sông ngòi bị ô nhiễm… cá chép tự nhiên còn rất ít, nên cung không đủ cầu. Xuất hiện nhiều làng nghề chuyên nuôi cá chép vàng, cá chép cảnh bán phục vụ bà con dịp Tết ông Công ông Táo.
Tục lệ cúng ông Công ông Táo vào ngày 23 tháng chạp là nét văn hoá dân gian có ý nghĩa tâm linh, hướng thiện, cầu phúc, cầu bình an… cho gia đình và xã hội còn được lưu truyền mãi trong nhân gian.
HD21/01/22NH
Theo Chuyện làng quê