Nói về ông, những cầu thủ cùng thời đều nhớ tới biệt danh của ông : “Máy chém số 1 Việt Nam”, nhưng cũng như huyền thoại Tòng “cháy” của Công an Hà Nội, cả đời thi đấu, ông chưa bao giờ phạm lỗi với đội bạn đến mức phải nhận thẻ đỏ.
Năm 17 tuổi ông được Trường huấn luyện Kỹ thuật thể thao Trung ương phát hiện, tuyển chọn ông vào bộ môn điền kinh của trường.
Hai năm ròng rã học điền kinh với bài tập nâng thể lực bằng cách gánh theo gánh đất, chạy lên xuống đồi với chiều dài tổng cộng từ 10 đến 20 km. Tố chất thể thao trong ông khiến ở đội tuyển điền kinh, ông chạy không có đối thủ.
Những tháng ngày tập luyện điền kinh trên Nhổn ( Khu huấn luyện của Trường huấn luyện), ông hay giao lưu và đấu tập với đội bóng đá của trường.
Khi ấy đất nước đang còn chiến tranh và đội bóng của trường lại tuyển toàn những cầu thủ giỏi ở các đội bóng về, nên đội bóng của Trường huấn luyện cũng đồng thời là đội tuyển quốc gia khi có kế hoạch thi đấu giao hữu quốc tế. Ông được Ban huấn luyện đội bóng chú ý, đặc cách cho vào ngay đội 1, đá cùng với các đàn anh như Lê Thế Thọ, Tô Đình Phàn, Hoàng Kính Dịp, Hoàng Ngọc Minh, Lê Đình Chính, Lê Thụy Hải, Lê Mai Tú…
Năm 1969 Trường huấn luyện giải thể, ông được phân về Hải Phòng, đá trung vệ cho Cảng Hải Phòng.
Năm 1970 Hải Phòng đón đội bóng Cuba sang thi đấu. Trận đấy ông “khóa chặt” các cầu thủ tiền đạo đội bạn khiến sau trận đấu, Ban lãnh đạo Cuba xúm quanh để xem giò cẳng cầu thủ Việt Nam thế nào mà đấu tay đôi với các “lực sỹ da đen” của đội Cuba đều giành chiến thắng.
Năm 1971, đội tuyển Việt Nam được cử sang thi đấu tại Cuba và ông Phúc vổ được tuyển chọn vào đội tuyển.
Đội đá hai trận với đội Thanh niên Cuba và kết thúc bằng trận đá với tuyển quốc gia, có Chủ tịch Fidel Castro đến dự khán.
Ngay từ hiệp 1 đội tuyển Việt Nam đã bị ép sân và bị dẫn trước 1 – 0. Dù vậy toàn đội vẫn bình tĩnh phòng ngự và chờ cơ hội phản công. Lối đá ngoan cường của đội tuyển Việt Nam đã được khán giả trên sân nể phục.
Đến cuối trận, nhìn thấy ông Từ Như Hiển đang đứng giữa khe hai trung vệ, ông Phúc vổ phất quả dài để ông Từ Như Hiển sử dụng tốc độ loại bỏ sự đeo bám của hậu vệ Cuba, ghi bàn ấn định tỷ số hòa cho đội tuyển Việt Nam.
Dù trước trận Chủ tịch Fidel Castro đã xuống tặng hoa cho hai đội, nhưng sau bàn gỡ hòa để kết thúc trận đấu, Chủ tịch Fidel Castro lại một lần nữa xuống ôm hôn các tuyển thủ Việt Nam.
Hồi tưởng lại trận đấu để đời của mình trên đất Cuba năm xưa, mắt người cầu thủ già Phúc “vổ” vẫn long lanh ngấn lệ.
Sau khi cùng đội tuyển đi Cuba về, ông cùng nhiều tuyển thủ quốc gia được đội Tổng cục Bưu điện đón nhận.
Đây là đội bóng của công nhân ngành bưu điện được thành lập năm 1957, sau đội Tổng cục Đường sắt được thành lập trước đó một năm.
Lứa cầu thủ đầu tiên là các ông Tạ Khôi, Đặng Văn Thịnh (cóc), Đỗ Văn Lực, Nguyễn Văn Hoàn, Huỳnh Ngọc Ẩn, Tô Đình Phàn, An Hợi (toe), Lưu Mộng Hùng, Trần Minh Đức… do ông Long Hưng Bộ, cựu cầu thủ Nam Bộ và là cán bộ miền Nam tập kết, phụ trách kiêm cầu thủ.
Với thủ môn Trần Văn Vĩnh, Trần Văn Tuấn; cầu thủ Đỗ Văn Lực, Mạc Đức Trọng, Lê Mai Tú, Phúc “vổ”, Giang “đen”, Đăng, Thành, Học, Sự, Hán, Chung, Văn, Tiến, Thắng, Độ, Quyền…, đội TCBĐ đã vào đến trận chung kết giải Hạng A1 năm 1975 được tổ chức trên sân Hàng Đẫy đúng ngày Quốc tế Lao động 1/5, và chỉ chịu thua Thể Công với tỷ số 3 – 1.
Những năm 70,80 thế kỷ trước, mỗi lần đội bóng đá Tổng cục Bưu điện đá, người hâm mộ thường hay chú ý tới ông Phúc vổ.
Kỹ thuật hoàn hảo, có độ tinh quái trên sân, tư duy chiến thuật tốt và đặc biệt là những bước chạy nước rút ở cự ly trung bình khiến ông có ưu thế hơn các cầu thủ cùng vị trí.
Dân điền kinh thứ thiệt nên mỗi lần ông tăng tốc đều làm đối thủ hụt hơi và người xem như bị mê hoặc mỗi lần thấy ông bứt tốc đuổi theo đối thủ.
Thời ông đá hay có những quả thọc sâu chạy dài, nhưng hầu hết tiền đạo Việt Nam lúc bấy giờ đều ngại đua tốc độ với ông. Hễ thấy ông ra chặn là họ chuyền ngay hay tạt cánh. Cũng có quả tiền đạo lừa qua được ông thì ông lại cố rướn để bay người tung cú móc sở trường phá bóng trong tầm khống chế của đối phương. Quả tung móc đấy giới cầu thủ hồi đấy hay gọi là móc Sài Gòn. Trước ông, chỉ có huyền thoại Tòng Cháy ở đội Công an Hà Nội là cầu thủ nhuần nhuyễn kỹ thuật này.
Người ông mình dây, như toàn gân. Tranh chấp trên không hay tì đè ông đều lợi thế vì có cơ bản các kỹ thuật từ môn điền kinh mang sang, và cả những kỹ năng bóng đá được đào tạo bài bản ở Trường huấn luyện.
Khi đội tuyển thi đấu với nước ngoài, ông luôn chắc suất ở vị trí hành lang cánh phải của đội tuyển.
Năm 1984 sân Hàng Đẫy được đăng cai giải bóng đá Quân đội các nước Xã hội chủ nghĩa ( SKDA).
Trong đội hình Quân đội Liên Xô lúc ấy có tuyển thủ quốc gia Vagiz Khidiatullin, dáng dong dỏng với cặp đùi dế và đá cực hay. Có lẽ tuyển thủ đá vị trí hậu vệ này đá hay nhất đội Quân đội Liên Xô lúc bấy giờ.
Hết giải, nhìn lối đá của ông Phúc vổ, người hâm mộ hay ví von ông là Khidiatullin của Việt Nam.
Năm 1977 đội TCBĐ xuống hạng rồi bị giải thể, ông Phúc vổ về đá cho TC Đường sắt, rồi Đo lường Hà Nội. Ở đâu ông cũng được xếp đá chính vì tài năng thiên bẩm của mình.
Ông tâm sự :“Đá bóng là phải đá bằng cái đầu. Một cầu thủ giỏi, một trung vệ hay, phải biết đọc trận đấu, phải nắm được điểm yếu, điểm mạnh của đối phương, thậm chí là những vệ tinh xung quanh. Tôi có cái chân của điền kinh, có cái đầu của một cầu thủ biết đá bóng, có sự lanh lợi, tinh quái để đối phó với mọi đối thủ, nên chưa có ai vượt qua được mình. Đó là điều mà tôi tự hào nhất,”
Nghỉ chuyên nghiệp, ông chơi trong đội bóng Lão tướng Đống Đa. Đây cũng là Câu lạc bộ Lão tướng được thành lập đầu tiên tại Việt Nam. Đội do ông Nguyễn Văn Huy (Huy Lô) và ông Đỗ Văn Lực ( Lực vổ) phụ trách, quy tụ các ngôi sao sân cỏ như ông Bảy Nam Định, Sơn min, Hải lơ, Chung xe ca, Quỳ bại, Hùng xồm, Độ trây, Thịnh cơm v.v… Ở đội Đống Đa, ông đá tiền đạo để thỏa cái thú ghi bàn mà thời chuyên nghiệp ông ít khi được nếm trải.
Đời cầu thủ ông không gặp chấn thương vì tốc độ luôn giúp ông tránh được những pha vào bóng quyết liệt của đội bạn, nhưng một tai nạn giao thông nghiêm trọng năm 2000 đã khiến đời ông phải dính chặt với chiếc xe lăn.
Nửa thân dưới bị liệt hoàn toàn. Những tưởng ông an phận với chiếc xe lăn nhưng khí chất ngạo nghễ lạc quan của ông vẫn đưa ông đi các sân cỏ để dõi theo và động viên những đồng đội và cả các lứa đàn em, đàn cháu đang thi đấu. Ông vẫn ngạo nghễ cười và hướng sự quan tâm của bạn bè, đồng đội tới các cựu cầu thủ khác đang lâm vào những tình trạng bi đát hơn.
Từ nhà ông ở 149 Mai Hắc Đế, hàng ngày ông vẫn đến quán cà phê của Nghiêm Minh, cầu thủ lứa đàn em của ông tại Tổng cục Bưu điện.
Quán của Nghiêm Minh, giới cầu thủ hay gọi là Minh Milu, nằm trên phố Triệu Việt Vương, được coi là bản doanh của các cựu cầu thủ Hà Nội. Vừa hàn huyên cùng giới cầu thủ cả xưa lẫn nay, vừa theo dõi chuyển động của bóng đá trong nước và quốc tế, ông vẫn như Phúc vổ mà mọi người từng biết : Ngang tàng, lạc quan và đam mê bóng đá đến tột cùng.
Theo Chuyện làng quê