PHÁT TRIỂN ĐIỆN GIÓ NGOÀI KHƠI VỚI QUY HOẠCH ĐIỆN VIII (P2)

TS. Lê Thành Ý

Với bờ biển dài và các nguồn gió dồi dào, Việt Nam có nhiều thuận lợi để phát triển công nghiệp điện gió ngoài khơi. Điện gió ngoài khơi, có thể cung cấp tới 12% tổng lượng điện vào năm 2035, giúp đất nước tránh phát thải hơn 200 triệu tấn CO2 và làm lợi cho nền kinh tế ít nhất là 50 tỷ USD.

hcm-111-1624455509.jpg
Chú thích ảnh

Kỳ 2. Tầm nhìn điện gió ngoài khơi Việt Nam, lộ trình và những khuyến nghị

2.1.Tầm nhìn đến năm 2050

Phân tích tiềm năng phát triển, xem xét cơ hội và thách thức theo các kịch bản tăng trưởng khác nhau; báo cáo lộ trình phát triển điện gió Viêt Nam được thực hiện nhằm vào cung cấp thông tin hỗ trợ Chính phủ trong việc thiết lập chính sách, quy định, quy trình và cơ sở hạ tầng để thúc đẩy sự thành công trong phát triển.

Dựa vào kinh nghiệm từ những nước thành công, các nhà phân tích đã rút ra một số nhân tố nhằm tối đa hóa lợi ích phát triển, bao gồm cả cơ hội và những điều kiện tiên quyết để hiện thực hóa những việc cần làm. Theo đó, tầm nhìn đến 2050 được xem là định hướng mở đường quan trọng.

Phát triển điện gió ngoài khơi là đầu tư cơ sở hạ tầng dài hạn theo một chương trình quốc gia gồm nhiều dự án, được xem xét trong bối cảnh quy hoạch chiến lược năng lượng của nhiều thập kỷ. Việt Nam có thể tăng tốc các dự án điện gió ngoài khơi trong những sắp năm tới; thành công tăng tốc này phụ thuộc vào sự rõ ràng trong tham vọng của Chính phủ và các hành động cần thực hiện để tạo điều kiện cho tăng trưởng.

Theo Ngân hàng Thế giới, tiềm năng kỹ thuật điện gió ngoài khơi củaViệt Nam lên tới 599 GW với 261 GW móng cố định và 338 GW móng nổi. Tiềm năng kỹ thuật này bao gồm tất cả các vị trí có tốc độ gió trên 7 m/giây ở độ cao 100 m, độ sâu biển dưới 1,000 m và quy mô tối thiểu ở 10 km2. Việc thay thế các nhà máy nhiệt điện than bằng điện gió ngoài khơi có thể giúp Việt Nam tránh phát thải hơn 200 triệu tấn CO2 và có thêm ít nhất 50 tỷ đô la Mỹ cho nền kinh tế nhờ kích thích sự phát triển của chuỗi cung ứng địa phương, tạo  hàng nghìn việc làm mới có tay nghề cao và xuất khẩu sang nhiều thị trường thế giới.

Dựa trên 2 kịch bản tiềm năng để phát triển điện gió ngoài khơi, các nhà phân tích đã chỉ ra ở kịch bản tăng trưởng thấp, với việc mở rộng ở mức vừa phải, phát triển điện gió ngoài khơi có thể cung cấp được 5% nhu cầu điện vào năm 2035.  Ở kịch bản tăng trưởng cao hơn, điện gió gió ngoài khơi sẽ đáp ứng đến 12% nhu cầu. Cả 2 kịch bản tăng trưởng yêu cầu những điều kiện hỗ trợ tương tự, nhưng kịch bản tăng trưởng cao với tầm nhìn tham vọng, yêu cầu  hành động phải sớm và quyết liệt hơn.Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra, kịch bản tăng trưởng cao có thể mang lại lợi ích kinh tế lớn hơn nhờ chi phí tổng thể trên một đơn vụ đầu tư thấp.

Kinh nghiệm từ những thị trường điện gió ngoài khơi đi trước cho thấy, các mục tiêu tham vọng dài hạn, có thể là nền tảng cho sự phát triển của ngành. Theo lộ trình phát trển thì mục tiêu 10 GW vào năm 2030 và 25 GW vào năm 2035 có thể hoàn thành, nhưng hệ lụy của  tăng trưởng cao là nguy cơ tác động xấu đến môi trường và xã hội. Điều này đã đặt ra tầm quan trọng của các quy hoạch không gian biển và khung pháp lý về môi trường, trước khi ban hành hợp đồng cho thuê biển.

Từ kịch bản tăng trưởng cao, các nhà phân tích đã thiết lập mô hình tăng trưởng vượt qua mốc công suất 70 GW để cung cấp hàng năm 330 TWh điện năng vào năm 2050. Với công suất hoạt động này, điện gió ngoài khơi sẽ chiếm gần 30% nguồn cung điện của cả nước. Nhu cầu tiêu thụ được thiết lập trên cơ sở dân số lên 110 triệu và lượng điện sử dụng bình quân đầu người từ 1,9 MWh/năm(năm 2017) tăng lên10 MWh/năm trong năm 2050.

Các nhà phân tích tin rằng. công suất 70 GW là một tầm nhìn cân bằng và thực tế đối với điện gió ngoài khơi ở Việt Nam. Cùng với những nguồn tài nguyên tái tạo khác, điện gió ngoài khơi có thể giúp Việt Nam giảm đáng kể lượng phát thải khí cacbon, dần chuyển sang một tương lai không phát thải và đáp ứng được các nghĩa vụ quốc tế. Với nguồn năng lượng gió dồi dào và hấp dẫn, Việt Nam đang thiết lập một danh mục dự án tiềm năng cho thuê khoảng 4 GW/năm vào trước năm 2025 để có thể lắp đặt 3 GW/ năm trước năm 2030. Cùng với các cơ hội xuất khẩu, quy mô thị trường này sẽ giúp Việt Nam có vai trò hàng đầu trong thị trường khu vực.

Với kịch bản tăng trưởng cao, đến năm 2035, ở Việt Nam sẽ có khoảng 1.200 tuabin gió ngoài khơi cỡ lớn, được lắp đặt trong 30 trang trại gió móng cố định và 5 trang trại gió nổi  ngoài khơi. Ngoài ra, còn có 40 dự án gần bờ sử dụng các tuabin nhỏ. Giống như các công trình hạ tầng khác, điện gió ngoài khơi có những tác động tiêu cực nhất định về môi trường sống, ảnh tới ngư dân và người dân địa phương. Những tác động này có thể lên tới tầm cỡ quốc tế và rất khó có thể quản lý.

Điện gió ngoài khơi có tác động tiềm tàng đối với các khu vực được quy định là môi trường nhạy cảm về sinh thái, các khu vực có giá trị về cảnh quan và tác động đến những đối tượng sử dụng biển khác, bao gồm cả ngành công nghiệp dầu khí và đánh bắt cá. Tác động môi trường và xã hội sẽ lan rộng và đòi hỏi phải được đánh giá và quản lý ở mức độ cao hơn. Nếu quy hoạch được không gian biển có cân nhắc đầy đủ các vấn đề về môi trường và xã hội có thể giảm thiểu hoặc tránh được những tác động này.

Phân tích thế mạnh, điểm yếu, cơ hội và nguy cơ (SWOT) đối với Việt Nam khi áp dụng kịch bản tăng trưởng cao, Báo cáo Lộ trình điện gió ngoài khơicho Việt Nam đã chỉ ra những thế mạnh và điểm yếu. Theo đó, nguồn cung điện sạch tại chỗ với quy mô lớn, chi phí thấp và việc làm, lợi ích kinh tế sẽ gia tăng trong dài hạn. Quy mô thị trường lớn hơn sẽ duy trì mối quan tâm lớn của các nhà phát triển quốc tế, khả năng cạnh tranh trong nước, hỗ trợ xuất khẩu, tạo việc làm và nâng cao giá trị gia tăng. Tuy nhiên, trong những năm đầu, chi phí năng lượng sẽ còn cao hơn so với công nghệ truyền thống, một số dự án điện gió gần bờ có thể dẫn đến tác động môi trường xã hội cao.

Đối với cơ hội và thách thức, nhiều nhận xét cho rằng, có nhiều tiềm năng xuất khẩu  điện gió sang  Đông Á, Đông Nam Á và các khu vực khác, nhưng sẽ phải đối mặt với chi phí lớn trong thời gian đầu, đòi hỏi Chính phủ phải đáp ứng những yêu cầu cấp bách trong thực hiện cam kết với quy mô lớn cho điện gió ngoài khơi.Trong trường hợp không có hướng dẫn và tiêu chuẩn rõ ràng, việc phát triển các dự án ban đầu không tốt có thể dẫn tới tác động bất lợi về môi trường và xã hội; điều này gây tổn hại đến uy tín và làm chậm tiến độ đầu tư và triển vọng tăng trưởng tương lai.

2.2.Lộ trình điện gió ngoài khơi và những khuyến nghị

Tầm nhìn dài hạn, rõ ràng về mục tiêu và quy mô dành cho điện gióngoài khơi là bước đi quan trọng để thu hút đầu tư từ các công ty và chuỗi cung ứng toàn cầu, những bên có liên quan, bộ ngành của chính phủ và của người dân.

Lộ trình điện gió ngoài khơi cho Việt Nam đã tập trung vào khuyến nghị đối với Chính phủ, đó là: Cần công bố và truyền thông rộng rãi về tầm nhìn đối với điện gió ngoài khơi trong cơ cấu năng lượng đến năm 2050, nhằm đảm bảo các chính sách và quy định ban hành đều theo sát tầm nhìn này. Các mục tiêu điện gió ngoài khơi cho năm 2030 và 2035 phù hợp với kịch bản tăng trưởng cao và đảm bảo để tất cả các chính sách và quy định tiếp theo đều được cân nhắc để hướng tới những mục tiêu này.

Nhằm giảm chi phí xây dựng và điều chỉnh các mục tiêu lắp đặt theo mức giảm chi phí, cho thuê, cấp phép và mua bán điện là những nội dung quan trọng. Để phát triển một ngành điện gió ngoài khơi bền vững, Việt Nam cần có các quy trình cho thuê và cấp phép vững chắc, minh bạch và kịp thời. Các nhà phân tích khẳng định, cần có đầu tư quốc tế để phát triển tiềm năng điện gió ngoài khơi; để làm việc này, cần có một lộ trình ổn định. Theo đó, Chính phủ cần xây dựng một quy hoạch không gian biển với nguồn tài nguyên tốt cho điện gió, để định hướng cho các đơn vị phát triển vào những khu vực Chính phủ muốn xây dựng các dự án.

Quy hoạch không gian biển phải cân nhắc những vấn đề về môi trường và xã hội, được hướng dẫn bởi các cố vấn chiến lược và cần thu hút sự tham gia của những đối tượng sử dụng. Việc cần làm ngay là lập cơ quan cho thuê và cấp phép điện gió ngoài khơi, hoạt động theo quy trình vững chắc, minh bạch và kịp thời. Những tổ chức này phải đảm bảo các thông lệ quốc tế liên quan tới đánh giá tác động môi trường và xã hội, đủ nguồn lực, quyền hạn và kiến thức để phối hợp các ban ngành của chính phủ và giao tiếp với các bên liên quan.

Cơ quan cho thuê và cấp phép có thể là một phần của các cơ quan hiện có, nhưng phải rõ ràng để mọi người nhận biết. Tổ chức cấp phép phải có trình độ và năng lực cần thiết để đánh giá, cân nhắc lựa chọn những vấn đề về môi trường và xã hội. Các quy trình cho thuê khu vực biển và cấp phép cần được thiết kế sao cho đơn giản, có hạn định về thời gian và nhất quán. Những quy định về nội dung này cần đưa ra trong một khung thời gian thống nhất, nhằm mang lại sự minh bạch, tạo niềm tin cho các đơn vị phát triển và duy trì được tiêu chuẩn cao về bảo vệ môi trường và xã hội.

Chính phủ cần định rõ cách tiếp cận ưu tiên trong đấu thầu cho thuê biển và hợp đồng mua bán điện. Theo đó, chuyển sang cơ chế cạnh tranh để mua điện gió ngoài khơi là việc làm cần thiết. Việc làm này sẽ thúc đẩy mạnh quá trình cạnh tranh giữa các đơn vị phát triển và chuỗi cung ứng, đảm bảo cho việc hưởng lợi từ chi phí thấp do điện gió ngoài khơi mang lại. Một chương trình đấu thầu cho thuê đáy biển toàn diện với quy mô đủ để thực hiện tầm nhìn cho điện gió ngoài khơi sau năm 2030 là cần thiết, để Chính phủ, các bên liên quan và chuỗi cung ứng có được niềm tin từ các dự án quy mô nhỏ và ít rủi ro, trước khi thực hiện các dự án lớn hơn,nhằm đạt mức cho thuê hàng năm đạt 4 GW trước năm 2025.

Chính phủ cần điều chỉnh lại giá mua điện, các điều khoản và điều kiện của giá FIT để đảm bảo hợp đồng mua bán điện (PPA) được bảo lãnh bởi ngân hàng. PPA cần khả thi về mặt tài chính cho các trang trại gió lớn ngoài khơi nhất là tại các khu vực nước sâu. Điều này giúp định hình lộ trình bán điện cho các dự án tiên phong về điện gió ngoài khơi, giúp quy trình cấp phép được khẳng định và chuỗi cung ứng được phát triển. Theo các nhà phân tích, trong chiều hướng giá FIT ngày càng giảm, vẫn cần duy trì cho các dự án đến năm 2025 để Chính phủ có đủ thời gian xây dựng và thực hiện một cơ chế giá cạnh tranh thay thế,

Giảm chi phí vốn cho các dự án điện gió ngoài khơi là động lực chính cho việc giảm chi phí điện và khuyến khích đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Để làm được việc này, các nhà phân tích khuyến nghị Chính phủ cần giữ EVN là một đối tác PPA đáng tin cậy và và giải quyết những quan ngại về khả năng bảo lãnh ngân hàng của các PPA do EVN cung cấp.

Những điều khoản về PPA là rất cần thiết để thu hút các nhà đầu tư và các nhà cung cấp tín dụng quốc tế. Để giảm chi phí vốn cho các dự án điện gió ngoài khơi, Chính phủ cần khuyến khích các biện pháp tài chính khác.Trong đó, cần có sự tham gia của những tổ chức cho vay đa phương, các cơ chế tăng cường tín dụng và áp dụng các tiêu chuẩn xanh.

Sản xuất một lượng điện gió ngoài khơi lớn, rất cần đầu tư vào chương trình nâng cấp lưới điện và cơ sở hạ tầng truyền tải và cảng biển. Chính phủ cần củng cố lại hệ thống truyền tải điện từ Nam ra Bắc để truyền tải được lượng điện gió ngoài khơi lớn từ các khu vực tập trung ở Nam Trung bộ đến các trung tâm dân cư ở miền Bắc. Cách tiếp cận ưu tiên của Chính phủ đối với đầu tư truyền tải là vấn đề quan trọng để tăng tốc và nâng cấp hệ thống truyền tải theo yêu cầu với chi phí tốt nhất tại thời điểm các đơn vị phát triển dự án có nhu cầu.

Cơ sở hạ tầng truyền tải và cảng biển đòi hỏi một khối lượng đầu tư lớn , tạo nguồn vốn cần thiết là một bước đi quan trọng. Chính phủ cần tạo điều kiện đầu tư nâng cấp cảng biển đủ để phục vụ cho sản xuất, xây dựng và vận hành điện gió ngoài khơi. Gấp rút thực hiện vấn đề này là việc cần làm ở những nơi đặt mục tiêu phát triển hoặc nơi mà cơ hội cho chuỗi cung ứng trong nước đang gặp rủi ro. Quy hoạch tổng thể cảng biển hiện đang trong quá trình xây dựng nên cần  sớm đưa vào xem xét cụ thể đối với điện gió ngoài khơi.

Phát triển chuỗi cung ứng, sở hữu hệ thống hạ tầng cảng biển mạnh với đội ngũ công nhân lành nghề; điện gió ngoài khơi Việt Nam sẽ mang lại lợi ích kinh tế đáng kể  Bằng cam kết khối lượng mục tiêu tham vọng, việc thiết lập quy trình toàn diện cho thuê khu vực biển và cung cấp lộ trình bán điện ổn định sẽ thúc đẩy phát triển điện gió ngoài khơi. Thu hút được sự quan tâm từ cộng đồng phát triển điện gió quốc tế sẽ góp phần đẩy nhanh phát triển và tăng trưởng của chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi. Qua đó, sẽ duy trì được công việc đang có, tạo thêm việc làm mới và dẫn đến hoạt động kinh tế có giá trị cao tại Việt Nam.

Từ những vấn đề đặt ra, các nhà phân tích cho rằng, Chính phủ cần tập trung vào đào tạo nhân lực, khuyến khích và tạo thuận lợi đầu tư để xây dựng năng lực chuỗi cung ứng trong nước. Chính phủ cũng cần yêu cầu các đơn vị phát triển chuẩn bị kế hoạch cung ứng có tính đến sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước, hỗ trợ phát triển kỹ năng nhân công bản địa, đổi mới sáng tạo và giảm chi phí năng lượng,

Các liên doanh, giáo dục trong nước cũng như hợp tác quốc tế trong cung ứng và nghiên cứu có vai trò quan trọng trong thúc đẩy nâng cao năng lực trong nước. Chính phủ cần chủ động  khuyến khích chuỗi cung ứng tuabin và sản xuất tuabin tối ưu với tốc độ gió phù hợp với thị trường nhằm hạ thấp chi phí năng lượng.

Thực hiện đánh giá kỹ năng cho ngành và tạo điều kiện để thực hiện một chương trình đào tạo kỹ năng cho đội ngũ lao động trong nước, thông qua hợp tác với các đơn vị phát triển và cung cấp quốc tế sẽ giúp Chính phủ giải quyết được các khía cạnh về môi trường kinh doanh và pháp lý, hiện đang là rào cản đối với đầu tư từ nước ngoài.

Tiêu chuẩn và quy định về bảo vệ lợi ích môi trường và xã hội, thiết kế và lắp đặt các công trình bảo vệ an toàn lao động cho người lao động cùng với khung tiêu chuẩn đánh giá tác động môi trường và xã hội được công nhận rộng rãi cần được coi là ưu tiên hàng đầu ở tất cả các cấp độ của ngành. Theo đó, quy định kỹ thuật và quy phạm thiết kế là yếu tố quan trọng để ngân hàng bảo lãnh thu hút và duy trì sự quan tâm về đầu tư của thị trường.  

Từ những vấn đề đặt ra, các nhà phân tích khuyến nghị Chính phủ sớm xây dựng khung quy định về đánh giá tác động môi trường và xã hội, nhằm đáp ứng yêu cầu của thông lệ quốc tế. Cần có khung tiêu chuẩn và luật pháp về an toàn và sức khỏe lao động theo hướng kết hợp quy tắc tốt của ngành dầu khí với các nguyên tắc an toàn lao động trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi; thiết lập khung quy chuẩn và quy định kỹ thuật, bao gồm cả các tiêu chuẩn thiết kế trang trại gió và các quy định tuân thủ lưới điện.

Điện gió ngoài khơi là phần quan trọng trong tăng trưởng công nghiệp, với tiềm năng cung cấp cho các dự án trong nước và xuất khẩu; ngành công nghiệp này phát triển sẽ kéo theo nhiều lĩnh vực mới. Nếu có hỗ trợ R&D của chính phủ, ngành có thể vừa giúp giảm chi phí năng lượng lại vừa tạo ra giá trị trong nước cao hơn. Liên quan đến những khía cạnh này, các nhà hoạch định chính sách khuyến nghị Chính phủ sớm có biện pháp đầu tư chiến lược vào phát triển cơ sở hạ tầng.

Phát triển điện gió ngoài khơi đặt ra những cân nhắc mới về cho thuê, cấp phép và quy định khác. Việt Nam có thể giải quyết vấn đề này bằng cách đảm bảo cho các cơ quan nhà nước có kỹ năng và nguồn lực cần thiết để đưa ra các quyết định vững chắc và kịp thời. Các cơ quan này sẽ tham gia quản lý môi trường, cho thuê địa điểm, cấp phép và cung cấp các cơ chế hỗ trợ thị trường. Khi đủ nguồn lực, những cơ quan này sẽ tạo môi trường mang lại niềm tin để đưa ra các quyết định kinh doanh. Do điện gió ngoài khơi còn tác động tới các đơn vị quân sự, hàng không và các tổ chức bảo vệ môi trường nên  nhân viên làm việc trong những ngành có kiên quan này cũng cần được đào tạo để sử dụng kiến thức và thực hiện các thông lệ tốt học được ở những nơi khác trên thế giới trong 20 năm qua.

Cạnh tranh làm tăng hiệu quả và đổi mới giữa các đơn vị phát triển và trên toàn chuỗi cung ứng. Điều này sẽ làm giảm chi phí điện và giúp Việt Nam thành công. Với dự báo vào năm 2030, thị trường Đông và Đông Nam Á có thể sẽ đạt hơn 10 GW mỗi năm, Việt Nam có thị trường trong nước 3 GW là một đối tác mạnh ở thị trường khu vực, sẽ  tạo cơ hội cho các đơn vị trong nước cung cấp cho các dự án xuất khẩu, cũng như thúc đẩy cạnh tranh cần thiết để giảm chi phí điện.

Thay lời kết luận

Việt Nam có nguồn năng lượng gió ngoài khơi mang tầm thế giới. Chi phí từ các trang trại điện gió tùy thuộc vào các yếu tố của điều kiện gió và đáy biển, độ sâu của nước và khoảng cách đến bờ. Bằng cách tập trung phát triển bền vững các địa điểm có chi phí thấp nhất, Việt Nam có thể đảm bảo điện gió ngoài khơi là một lựa chọn hợp lý cho người dân, doanh nghiệp và các ngành công nghiệp.

Là ngành phát triển nhanh, kinh nghiệm từ nhiều thị trường cho thấy, điện gió ngoài khơi sẽ đạt mức giảm chi phí tốt nhất trong môi trường cạnh tranh. Phát triển ngành năng lượng này một các bền vững là điều cần để hạn chế việc sử dụng đất đai cho phát triển năng lượng sạch.

Động lực thúc đẩy điện gió ngoài khơi là lợi ích môi trường mang lại, song quan trọng lại là các dự án cần được xây dựng lớn theo hướng giảm thiểu tối đa tác động có hại. Điều này đòi hỏi Chính phủ phải thực hiện một quy trình cấp phép nghiêm ngặt trong thiết kế xây dựng và việc vận hành cần được thực hiện theo các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế tốt. Để có một tương lai bền vững cho ngành, cần tôn trọng quyền của người dân và cộng đồng trong hoạt động tương tác với các trang trại điện gió ngoài khơi ./.