Phát triển khoa học công nghệ năng lượng tái tạo cơ hội không nên bỏ lỡ

Lê Nguyễn

Quy hoạch điện lực quốc gia 2021-2030 và tầm nhìn 2045 (quy hoạch điện VIII) đã được trình Chính phủ vào cuối tháng 3 năm 2021. Do tính chất quan trọng của bản quy hoạch này, lãnh đạo Chính phủ khi đó chưa xem xét, phê duyệt.

Trong bối cảnh Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương phải rà soát và trình lại Quy hoạch điện VIII trước ngày 15 tháng 6 năm 2021. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội  đã tổ chức tọa đàm khoa học trực tuyến để đóng góp ý kiến vào Quy hoạch này. Trong thông cáo báo chí phát đi từ Hà Nội ngày 11 tháng 6 năm 2021, Liên hiệp các Hội cho biết, Quy hoạch điện VIII là một quy hoạch ngành quan trọng và rất phức tạp, cả đầu vào và đầu ra đều ảnh hưởng lớn tới nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Sự tham gia với góc nhìn đa chiều của các nhà khoa học và quản lý từ nhiều bên là rất quan trọng để đảm bảo tính khả thi và tránh lặp lại những khiếm khuyết của các quy hoạch trong giai đoạn trước.

Với vai trò tập hợp đội ngũ trí thức khoa học-công nghệ Thủ đô, thông qua tọa đàm, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội mong muốn chia sẻ góc nhìn khoa học trong các lĩnh vực khác nhau để đóng góp cho Quy hoạch này nhằm đạt tính khả thi cao, bắt kịp với tiến bộ của khoa học thế giới và bảo vệ tốt sức khỏe cho người dân.

dien2-1624356494.jpg
Chú thích ảnh

Chia sẻ tại tọa đàm, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển Cộng đồng, nguyên Đại biểu Quốc hội, PGS. TS Bùi Thị An nhấn mạnh“Ngoài đảm bảo tính khoa học và đa chiều, quá trình xây dựng và ban hành Quy hoạch điện VIII cần đảm bảo tính công khai, minh bạch và chịu trách nhiệm cao của những chuyên gia tham gia trong các hội đồng thẩm định.”

Từ góc nhìn quản lý, Nguyên Cục trưởng Cục An toàn Kỹ thuật và Môi trường, Bộ Công thương, TS. Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng cho rằng: “Dự thảo Quy hoạch điện VIII hiện chưa đáp ứng được yêu cầu của Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về tỷ trọng năng lượng tái tạo theo điện lượng. Đồng thời, hạn chế phát triển điện mặt trời trong 10 năm tới là một sự lãng phí về nguồn tài nguyên trong nước.”

Nhằm làm rõ triển vọng phát triển của các nguồn năng lượng, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh Ngụy Thị Khanh, cho biết “Trong 32,5 GW điện than dự kiến phát triển trong Quy hoạch điện VIII, gần 2/3 (khoảng 20,7 GW) rất khó khả thi trong bối cảnh nguồn tài chính cho nhiệt điện than ngày càng thắt chặt. Nếu tiếp tục đưa những dự án này vào quy hoạch, có nguy cơ sẽ lặp lại những sai lầm của Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), gây ảnh hưởng bất lợi tới đảm bảo cung cấp điện và bỏ lỡ cơ hội thu hút nguồn vốn đầu tư Xanh.”

Cùng chia sẻ quan điểm về quy hoạch tại diễn đàn, chuyên gia kinh tế năng lượng  PGS. TS. Nguyễn Minh Duệ cho rằng “Để thực sự giải phóng được tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo, Quy hoạch điện VIII cần ưu tiên đẩy nhanh tiến độ thị trường điện cạnh tranh, đảm bảo sự tham gia công bằng của các nhà đầu tư và thu hút được nguồn lực xã hội cho phát triển năng lượng.”

Từ góc nhìn môi trường, Giao sư TS. Lê Vân Trình, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật An toàn vệ sinh lao động Việt Nam nhấn mạnh “Nhà máy Nhiệt điện than có nhiều mối nguy hại ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường và sức khỏe người dân”, ông cho biết, ngay cả khi áp dụng công nghệ với hiệu suất cao, các dự án điện than với công suất 37GW, vẫn phát thải tới 247 tấn bụi/h và lượng tro xỉ để lại sẽ lên tới 44 triệu tấn vào năm 2030. Với những tác động như vậy, theo ông“ hạn chế phát triển điện than và tăng cường phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam là rất cần thiết.”

Kết thúc cuộc tọa đàm, chuyên gia đầu ngành và các đại biểu tham dự đã đưa ra thông điệp nêu rõ, quy hoach điện VIII cần ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng lưới điện và cải tiến quản lý vận hành hệ thống để tận dụng tối đa tài nguyên năng lượng tái tạo của Việt Nam.

Phát biểu bế mạc cuộc tọa đàm, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Khoa học Kỹ thuật Hà Nội, Nguyễn Thị Ngọc Thanh nhấn mạnh: “Sự phát triển nhanh của khoa học-Công nghệ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo cho phép các quốc gia đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch năng lượng mà vẫn đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, xã hội. Đây là một cơ hội mà Việt Nam không nên bỏ lỡ.”