Phim điện ảnh Việt đầu năm 2020: “Đuối” cả nội dung, doanh thu

Mùa phim điện ảnh Việt đầu năm 2020 đang dần khép lại. Không ít tác phẩm được kỳ vọng, chờ đợi nhưng lại gây thất vọng cả về nội dung lẫn doanh thu khi công chiếu. Dù chịu tác động bất lợi của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút Corona (COVID-19), song sự thất bại của phim điện ảnh Việt đầu năm gợi lên nhiều âu lo cho chặng đường còn lại.  

Cảnh trong phim “Sắc đẹp dối trá”.

Phim dở tái xuất

Đầu năm 2020, cũng là vụ phim dịp Tết, điện ảnh Việt có gần 10 tác phẩm được tung ra rạp và cạnh tranh cùng những “bom tấn” của nước ngoài. Trước khi đem ra rạp, các nhà sản xuất có chiến dịch truyền thông bài bản để hút người xem. Tuy nhiên, điều này cũng không cứu vãn được tình hình bởi có không ít phim dở, thảm họa.

Là bộ phim được đánh giá táo bạo vì hướng đi khác biệt hoàn toàn so các tác phẩm còn lại, thế nhưng “Đôi mắt âm dương” (đạo diễn Nhất Trung) không thể tạo được bất ngờ. Tác phẩm vẫn khiến người xem liên tưởng đến một số bộ phim kinh dị nổi tiếng thế giới như “The Eye”, “Shutter” của Thái Lan. Ngoài nội dung dễ đoán, yếu tố kinh dị của “Đôi mắt âm dương” chưa đủ độ, khiến bộ phim dù không phải quá tệ song không để lại nhiều dấu ấn. Ngoài ra, diễn xuất của hai ngôi sao được chú ý nhất là Bảo Thanh và Quốc Trường chưa thật sự chinh phục được người xem như họ từng thực hiện ở các phim truyền hình đã tham gia.

“30 chưa phải Tết” lấy mô-típ vòng lặp thời gian theo cách làm phim của nước ngoài, cùng sự tham gia của diễn viên ăn khách gồm: Trường Giang, Mạc Văn Khoa, song cũng không tạo được chú ý. “30 chưa phải Tết” dở tệ vì mọi khâu đều xử lý chưa tới. Sau khi vòng lặp diễn ra, kịch bản trở nên vụng về và loay hoay. Các chi tiết trùng lặp và thay đổi được mô tả không mấy hấp dẫn, nhiều đoạn rất thiếu logic và phi lý. Đôi lúc, vòng lặp cứ diễn ra với rất ít thay đổi khiến người xem thấy nhàm chán và không lôi cuốn. Vì thế, nhiều ý kiến đánh giá dưới mức trung bình, là một trong những tác phẩm được kỳ vọng nhưng lại khá dở trong cách thể hiện.

Tác phẩm vừa ra mắt gần đây là “Sắc đẹp dối trá” (đạo diễn Kay Nguyễn), với lần đầu tham gia diễn xuất của ca sĩ – hoa hậu chuyển giới Hương Giang. Nhưng cũng như những tác phẩm kể trên, phim gây thất vọng vì tiếp tục mắc điểm yếu cố hữu là kịch bản dở, không trọng tâm, ôm đồm quá nhiều chủ đề (chuyển giới, thi hoa hậu, truy sát), nhưng không chủ đề nào được thể hiện kỹ. Người xem xem phim như bị lạc vào mớ hỗn độn về câu chuyện và cách truyền tải nội dung, ý nghĩa.

“Bí mật đảo Linh xà” của cặp đôi đạo diễn Diệp Thiên Hành và Nguyễn Duy Võ Ngọc thậm chí gây thất vọng lớn, bị đánh giá là “phim thảm họa” đầu 2020. Tác phẩm khiến người xem lắc đầu ngao ngán bởi phần kỹ xảo tệ hại, kỹ thuật lồng tiếng cẩu thả, nội dung kém hấp dẫn chủ yếu tập trung vào màn khoe thân.

Trong khi đó, “Tiền nhiều để làm gì?” (đạo diễn Lưu Huỳnh) là sự tổng hợp của chuỗi tiểu phẩm hài ồn ào, kém duyên được chắp vá vụng về cho đủ thời lượng chiếu rạp. Phim được sản xuất ở thời đại 4.0 nhưng gây cảm giác rất cũ kỹ, không bắt kịp trình độ và xu thế điện ảnh hiện nay.

Đâu là tất cả?

Nhiều ý kiến cho rằng, phim điện ảnh Việt đầu năm 2020 ít người xem vì COVID-19 do người xem thận trọng tránh tụ tập nơi đông người. Đây là điều không thể phủ nhận vì theo đại diện cụm rạp Galaxy, đầu năm nay các nhà rạp thất thu, toàn thị trường giảm hơn 20% do người xem ngại đến nơi đông người sợ lây lan dịch bệnh. Chủ rạp Mega GS cũng cho biết sụt giảm 50% lượng vé bán ra, từ khi dịch bệnh bùng phát, Mega GS chỉ bán được cao nhất là 2.000 vé/ngày. Một “ông lớn” là Trung tâm chiếu phim quốc gia cũng thừa nhận, do ảnh hưởng của COVID-19, lượng người xem đến xem phim tại đây giảm mạnh. Số buổi chiếu phim tăng 24%, nhưng số người xem giảm trên 50% so với cùng kỳ năm 2019.

Nhưng liệu rằng, đó có phải là nguyên nhân của sự ảm đạm và trồi sụt doanh thu, chất lượng phim điện ảnh Việt đầu năm 2020? Chia sẻ về điều này, nhà sản xuất – diễn viên Trương Ngọc Ánh cho biết, thành bại của bộ phim phụ thuộc rất nhiều yếu tố như: thời điểm ra mắt, suất chiếu, giờ chiếu, rạp chiếu, công tác truyền thông, nội dung phim. Trong đó, nội dung phim đóng vai trò quan trọng trong việc kéo người xem đến rạp để tăng doanh thu. Theo Trương Ngọc Ánh, phải khách quan nhìn nhận là nhiều phim khởi chiếu trước khi dịch bùng phát mà doanh thu vẫn rất thấp. Điều đó chứng tỏ nội dung phim chưa đủ sức hấp dẫn để kéo người xem đến rạp. Bên cạnh đó, sự khiên cưỡng, chắp vá và vụng về trong xử lý kịch bản khiến các phim Việt gần đây có những “hạt sạn” khó nuốt trôi. Chưa kể, lối diễn của nhiều diễn viên theo lối mòn quen thuộc.