Trước đó, trên trang Twitter của mình, bà Harris cũng chia sẻ đoạn clip ngắn về cuộc gặp của bà với Phó Chủ tịch nước Việt Nam Võ Thị Ánh Xuân và hình ảnh bà đặt hoa tưởng niệm Thượng nghị sĩ John McCain – người mà bà Harris mô tả là “anh hùng của nước Mỹ”.
Tại các cuộc gặp với lãnh đạo Việt Nam hôm qua (25/8), Phó Tổng thống Kamala Harris khẳng định quan hệ hợp tác Việt – Mỹ trên các lĩnh vực kinh tế, an ninh đang được tăng cường; nhấn mạnh Mỹ sẽ tiếp tục ưu tiên thúc đẩy hợp tác với Việt Nam về kinh tế-thương mại, biến đổi khí hậu, khoa học-công nghệ, hợp tác không gian dân sự, y tế, công nghiệp dược.
Phó Tổng thống Harris cũng khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh, hợp tác trong các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, nâng cao năng lực an ninh hàng hải và hỗ trợ hợp tác phát triển với Việt Nam.
Đáng chú ý, bà Harris thông báo Mỹ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam 1 triệu liều vaccine Pfizer và sẽ chuyển đến Việt Nam trong vòng 24 giờ tiếp đó; cho biết sẽ tiếp tục ủng hộ Việt Nam tiếp cận vaccine nhanh hơn, trong đó có vaccine cho trẻ em, đồng thời hỗ trợ về trang thiết bị y tế, nâng cao năng lực y tế để ứng phó với những nguy cơ dịch bệnh khác về lâu dài./.
Theo ông PHẠM QUANG VINH (Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ nhiệm kỳ 2014-2018), thì chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng thống Mỹ khá đặc biệt. Đây là chuyến thăm cấp cao đầu tiên của nhân vật quyền lực số hai của nước Mỹ. Trong châu Á - Thái Bình Dương, bà chọn Đông Nam Á; trong Đông Nam Á, chỉ chọn 2 nước Singapore và Việt Nam. Rõ ràng trong thông điệp chung của Mỹ về sự gắn bó với Ấn Độ - Thái Bình Dương, họ rất coi trọng Đông Nam Á, nghĩa là ASEAN. Trong ASEAN, Mỹ coi trọng một số đối tác.
Thông báo của Nhà Trắng đưa ra hôm 30/7 về chuyến thăm này cũng nói rất rõ, rằng họ coi Singapore và Việt Nam là hai đối tác quan trọng hàng đầu ở Ấn Độ - Thái Bình Dương vì hoà bình, an ninh, thịnh vượng và trật tự dựa trên luật lệ. Chuyến thăm của bà Harris đến Việt Nam có cả thông điệp về quan hệ song phương và thông điệp khu vực.
Với quan hệ song phương, Mỹ muốn trao đổi một loạt vấn đề hai bên có thể làm sâu sắc hơn, nâng tầm quan hệ Đối tác toàn diện, nhấn mạnh khía cạnh hợp tác phòng, chống dịch bệnh, hồi phục sau đại dịch, duy trì tính bền vững của chuỗi cung ứng…
Ngay cả việc khai trương văn phòng CDC Đông Nam Á tại Việt Nam cũng là cách để kết nối với Việt Nam và khu vực. Hai bên chắc chắn chia sẻ những vấn đề chung của khu vực, trong đó có quan điểm về một khu vực hoà bình, an ninh, thịnh vượng và dựa trên luật pháp quốc tế. Việt Nam cũng rất ủng hộ và có sự song trùng lợi ích.
Khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang phát triển năng động và mong muốn tất cả các nước lớn, các trung tâm kinh tế chính trị lớn tham gia hợp tác xây dựng ở đây. Với ASEAN và các nước trong ASEAN, Mỹ là một đối tác rất quan trọng. ASEAN muốn Mỹ hợp tác cả về an ninh và kinh tế.
Có thể Mỹ sẽ nhấn mạnh vấn đề hợp tác khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng vì đại dịch, hợp tác về biến đổi khí hậu, năng lượng sạch, chống nước biển dâng, khí hoá lỏng…
Một chuyến thăm có ý nghĩa như vậy vào thời điểm Mỹ đang triển khai chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương cho thấy sự coi trọng đối với Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng.
Đoàn Mỹ lần này không chỉ đến với những cam kết mà có những sáng kiến và hành động cụ thể để hai bên phối hợp với nhau. Hãy chờ xem kết quả cuối cùng là những sáng kiến là gì, sau khi họ đã đưa ra hàng loạt sáng kiến ở Singapore về an ninh mạng, y tế, vắc-xin, không gian, chuỗi cung ứng…