Chiều ngày 22-10, Quốc hội đã nghe đại diện Chính phủ báo cáo và thảo luận tại tổ về việc quản lý, sử dụng quỹ BHXH, Bảo hiểm y tế (BHYT) và việc thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 02 năm 2019-2020.
Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết số người hưởng chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần đang có xu hướng tăng cao, điều này gây tác động rất lớn đến chính sách an sinh xã hội chung của quốc gia.
Cụ thể, năm 2020, có 860.741 người hưởng BHXH một lần, tăng 53.652 người (tăng 6,65%) so với năm 2019. Tỷ lệ người hưởng BHXH một lần so với tổng số người tham gia BHXH những năm qua ở mức khoảng 5%, trong đó năm 2017 là 4,83%, năm 2018 là 5,18%, năm 2019 là 5,12% và năm 2020 là 5,32%.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Thảo luận tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, cho biết một trong những nhu cầu quan trọng nhất hiện nay là phải khẩn trương xây dựng và trình Quốc hội ban hành Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, kèm theo đó là Luật về việc làm. Việc sửa đổi sớm sẽ quản lý tốt hơn số lượng người hưởng BHXH một lần.
Hiện Luật quy định 20 năm đóng mới được hưởng chế độ hưu trí, trong khi Nghị quyết 28 của Trung ương yêu cầu phải rút ngắn thời gian này lại. Hướng lộ trình đầu tiên có thể xuống 15 năm, thậm chí có thể tiến tới 10 năm. “Nếu người lao động đóng BHXH mà chỉ chờ từ 10 –15 năm thì người ta còn theo đuổi tiền lương hưu về già, cái này rất tốt” - Chủ tịch Quốc hội nêu.
Chủ tịch Quốc hội cho hay hiện một số lĩnh vực bảo hiểm ngắn hạn hiện số dư còn khá lớn, chẳng hạn số kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là trên 90 nghìn tỷ đồng. Do đó, Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới xem xét và ban hành Nghị quyết để dành 1/3 số tiền kết dư này (khoảng 30 nghìn tỷ) để chi hỗ trợ cho khoảng 13 triệu lao động với 6 mức hỗ trợ khác nhau. Điều này vừa hỗ trợ người lao động, cũng như giảm đóng góp cho doanh nghiệp khoảng 8.000 tỷ đồng.
Cùng cho ý kiến tại phiên thảo luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập đến ba trụ cột an sinh xã hội gồm: Giảm thiểu rủi ro chính là BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; Thứ 2 là khắc phục rủi ro như bảo trợ xã hội, giảm nghèo bền vững, chính sách người có công; trụ cột thứ 3 là phòng ngừa rủi ro trên cơ sở việc làm bền vững, có năng suất cao, phát triển thị trường lao động, nguồn nhân lực.
“Ba trụ cột an sinh xã hội phải đồng bộ, trên cơ sở tổng kết thực tiễn để có cơ sở pháp lý vững chắc, rõ đến đâu, chín đến đâu, thực tế chứng minh là đúng thì phải luật hóa và nâng tầm lên. Cái nào thấy còn nhiều vấn đề thì cho thí điểm, từ thí điểm đó mở rộng dần ra, không cầu toàn, không nóng vội”, Thủ tướng nêu rõ.
Báo cáo trước Quốc hội về tình hình quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2020, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết đến hết năm 2020, số người tham gia BHYT là 87,96 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 90,85% dân số. Trong đó, ngân sách Nhà nước đóng và hỗ trợ mức đóng cho hơn 51 triệu người, chiếm 58%. Tổng số chi do ngân sách Nhà nước đóng, hỗ trợ mức đóng năm 2020 là 39.953 tỷ đồng, bằng 37% tổng số thu tiền đóng BHYT. Riêng năm 2020, tổng thu của quỹ BHYT là 110.395 tỷ đồng, chi là 104.220 tỷ đồng. Về cân đối Quỹ, tổng số thu lớn hơn tổng số chi là 5.071 tỷ đồng. Dự kiến số dư Quỹ lũy kế đến cuối năm 2020 là 32.991 tỷ đồng. Theo Bộ trưởng Y tế việc cân đối Quỹ vẫn được bảo đảm do Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành đã tổ chức triển khai nhiều giải pháp để kiểm soát chi từ Quỹ. Tuy nhiên vẫn còn khó khăn, thách thức cần giải quyết như: Số người tham gia BHYT tăng nhưng phần lớn do ngân sách Nhà nước đóng hoặc hỗ trợ đóng theo mức lương cơ sở nên số thu vào quỹ thấp. Mức đóng không thay đổi trong khi phạm vi, quyền lợi hưởng chế độ bảo hiểm y tế ngày càng được mở rộng. Tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHYT của một số chủ sử dụng lao động vẫn xảy ra ở hầu hết các địa phương... |