Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh năm Tân Hợi, đời vua Lê Thánh Tông (tức năm Hồng Đức thứ 22 - năm 1491) tại làng Trung Anh, huyện Vĩnh Lại, Hải Dương - nay là làng Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Ông sinh trưởng trong một danh gia vọng tộc, cha ông là Thái Bảo Nghiêm Quận công Nguyễn Văn Định, mẹ là bà Nhữ Thị Thục tinh thông lý số là con gái của quan Thượng thư Nhữ Văn Lân. Ông mất năm Ất Dậu (1585) hưởng thọ 95 tuổi.
Tương truyền rằng trong một lần đi sứ, quan Thượng thư Lương Đắc Bằng mang về bộ sách Thái Ất thần kinh, nhưng đọc cũng không hiểu hết. Thấy Nguyễn Bỉnh Khiêm đặc biệt thông minh hơn người, quan Thượng thư bèn trao lại cuốn sách quý ấy cho học trò. Truyền thuyết nói rằng nhờ hiểu được cuốn sách ấy mà Nguyễn Bỉnh Khiêm đã viết ra được những lời tiên tri cho hàng trăm năm sau. Những lời tiên tri cho hậu thế ấy chính là trong tập Sấm ký Nguyễn Bỉnh Khiêm mà dân gian quen gọi là Sấm Trạng Trình.
Ngay từ lúc sinh thời, Trạng Trình đã dùng tài lý số của mình để "cứu vãn" cho các vương triều nhà Mạc, nhà Lê, nhà Trịnh cùng tồn tại được một thời gian khá dài để tránh cho nhân dân lâm vào cảnh binh đao lửa đạn. Sau khi ông mất cho đến tận ngày nay đã 500 năm, Sấm Trạng Trình vẫn vang cho muôn dân niềm tin vào vận nước hưng thịnh vững bền. Trong đó có những câu thơ được cho rằng đã ứng nghiệm với sự kiện Giải phóng Thủ đô vào tháng 10 năm 1954.
“Cửu cửu càn khôn dĩ định
Thanh minh thời tiết hoa tàn
Trực đáo dương đầu mã vĩ
Hồ binh bát vạn nhập Tràng An”
Lời sấm này có nghĩa là đất nước ta phải qua 81 năm (cửu cửu) mới thoát khỏi ách nô lệ (nhờ cuộc Cách mạng Tháng Tám), sau đó phải qua 9 năm nữa mới được yên, thể hiện bằng câu “Thanh minh thời tiết hoa tàn”. Đó chính là trận Điện Biên Phủ lẫy lừng ngày 13/2/1954 đúng vào tiết thanh minh. “Thời tiết hoa tàn” tức là ở thời điểm thanh minh đó có một sự tàn lụi, thì chính là sự tàn lụi của ách cai trị của thực dân Pháp.
“Trực đáo dương đầu mã vĩ” tức là cuối năm Ngọ, đầu năm Mùi thì mới có sự thành công. Đó chính là sau chiến thắng Điện Biên Phủ tháng 3/1954, đến 10/10/1954 mới giải phóng Thủ đô và ngày 1/1/1955 Chính phủ mới về tiếp quản Thủ đô. Lời sấm “Hồ binh bát vạn nhập Tràng An” nghĩa là có lính tám Sư đoàn bộ đội Cụ Hồ tiến vào Tràng An – tên gọi cũ của Thủ đô Hà Nội.