Đầu tư lớn và “tiết kiệm” nhỏ.
Thời gian qua, tỉnh Hà Nam dành ngân sách hàng chục tỷ đồng đầu tư cho hoạt động GD-ĐT của địa phương (sắm các trang thiết bị… phục vụ cho công tác GD-ĐT).
Theo đó, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nam phải chịu trách nhiệm về quản lý tài chính, tài sản, cơ sở vật chất trước pháp luật, trước UBND tỉnh Hà Nam. Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nam hiện tại có bà Đinh Thị Lụa (SN 1972) là Giám đốc sở.Các ông Nguyễn Quang Long, Phạm Anh Tuấn là Phó Giám đốc. Hoạt động quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ việc dạy và học từ nguồn vốn đầu tư ngân sách thuộc trách nhiệm của lãnh đạo sở.
Nhưng hoạt động quản lý vốn đầu tư ngân sách tại Sở GD&ĐT Hà Nam được thực hiện thế nào? Từ tài liệu cho thấy những “bất thường” trong hoạt động quản lý, sử dụng vốn đầu tư công lên tới hàng chục tỷ đồng thông qua hoạt động đấu thầu, lựa chọn nhà thầu thực hiện các dự án đầu tư giáo dục. Vốn đầu tư ngân sách giảm không đáng kể trong hoạt động đấu thầu.Có những nghi ngại về tính công khai, minh bạch, “nhóm lợi ích” trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư tại Sở GD&ĐT Hà Nam.
Cụ thể, đầu năm 2019, UBND tỉnh Hà Nam có quyết định phê duyệt dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị phòng học bộ môn Tin học cho các trường THPT giai đoạn 2017 – 2020 (giai đoạn II). Ngày 8/1/2019 UBND tỉnh Hà nam có QĐ số 62/QĐ- UBND phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu để thực hiện dự án trên. Sở GD&ĐT Hà Nam là chủ đầu tư dự án và đồng thời cũng là đơn vị tổ chức mời thầu, lựa chọn nhà thầu. Dự án này có tổng mức đầu tư là 14.902.900.000 đồng, vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước.
Dự án được chia làm 5 gói thầu: 1 gói thầu tư vấn lập hồ sơ mời thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu giai đoạn II (thực hiện chỉ định thầu rút gọn trong nước, 22.200.000 đồng); 1 gói tư vấn thẩm định hồ sơ mới thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu (26.100.000 đồng, chỉ định thầu); 1 gói thầu tư vấn (gói 4) giám sát lắp đặt thiết bị giai đoạn II (chỉ định thầu, 49.400.000); 1 gói tư vấn (gói 5) tư vấn kiểm toán (116.200.000 đồng, chỉ định thầu).
Giá trị cao nhất thuộc về gói thầu số 03 – cung cấp lắp đặt thiết bị giai đoạn II là 6.158.600.000 đồng (vốn ngân sách, đấu thầu rộng rãi). Sở GD&ĐT Hà Nam thực hiện mời thầu, lựa chọn đơn vị trúng thầu cho gói thầu này. Tháng 3/2019 đóng thầu. Ngày 9/4/2019, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nam ký QĐ số 536/QĐ-SGDĐT quyết định Công ty TNHH máy tính Bách Thành (số 95, đường Biên Hòa, phường Lương Khánh Thiện, TP Phủ Lý, Hà Nam) trúng thầu với giá 6.157.536.000 đồng. Ngày 10/4/2019 lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nam ký thông báo trúng thầu cho nhà thầu trên.
Như vậy, gói thầu trị giá hơn 6 tỉ đồng (thuộc dự án gần 15 tỷ đồng), sau hoạt động đấu thầu được cho là “công khai, minh bạch, khách quan”, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nam chỉ tiết kiệm cho nguồn vốn đầu tư ngân sách vẻn vẹn hơn 1 triệu đồng.
Có không lợi ích nhóm?
Việc đầu tư, thực hiện dự án phải tuân thủ nghiêm túc theo quy định chặt chẽ của Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công...và các văn bản quy phạm pháp luật khác. “Hoạt động đấu thầu để triển khai dự án phải được thực hiện nghiêm túc, đúng pháp luật, đảm bảo tính công khai, minh bạch, công bằng trong quá trình lựa chọn nhà thầu đủ năng lực thực hiện dự án, giảm giá tốt nhất cho đầu tư ngân sách” một chuyên gia về đấu thầu nêu quan điểm.
Mặc dù pháp luật đã quy định rất chặt chẽ, nhưng bằng nhiều cách, giữa chủ đầu tư và nhà thầu vẫn có thể “bắt tay nhau” hình thành nên nhóm lợi ích.
Tài liệu PV có được, ngày 24/5/2019 UBND tỉnh có QĐ số 875/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho dự án mua sắm máy móc, trang thiết bị và hệ thống camera an ninh giám sát phục vụ thi THPT quốc gia năm 2019 trên địa bàn Hà Nam. Dự án do Sở GD&ĐT Hà Nam làm chủ đầu tư, mời thầu. Ngồn vốn ngân sách Nhà nước cho hoạt động chi thường xuyên.
Dự án được chia làm 4 gói thầu. Trong đó gói thầu số 01 về cung cấp lắp đặt thiết bị 1.684.100.000 đồng. Gói thầu này được thực hiện theo hình thức chào hàng cạnh tranh. Ngày 11/6/2019 lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nam tại QĐ số 1071/QĐ-SGDĐT quyết định Công ty TNHH máy tính Bách Thành (số 95, đường Biên Hòa, phường Lương Khánh Thiện, TP Phủ Lý, Hà Nam) trúng thầu với giá 1.683.220.00 đồng. Như vậy ở gói thầu gần 2 tỷ đồng này, Sở GD&ĐT Hà Nam chỉ tiết kiệm được cho vốn đầu tư ngân sách vỏn vẹn 880 nghìn đồng. Tỉ lệ giảm giá cho đầu tư công ở gói thầu gần 2 tỷ đồng này chỉ mang tính chất “tượng chưng”, không thể không khiến dư luận tại Hà Nam đặt nhiều nghi ngại về tính hiệu quả, tiết kiệm trong hoạt động quản lý, sử dụng vốn đầu tư công thông qua đấu thầu tại Sở GD&ĐT Hà Nam.
Công ty TNHH máy tính Bách Thành là nhà thầu quen thuộc của Sở GD&ĐT Hà Nam. Trước đó, ngày 11/12/2017, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nam ký QĐ số 1758/QĐ-SGDĐT phê duyệt liên danh Công ty TNHH máy tính Bách Thành và Công ty TNHH Phát triển công nghệ thông tin 3 Com trúng thầu gói thầu số 03 về cung cấp, lắp đặt thiết bị giai đoạn I (thuộc dự án mua sắm trang thiết bị phòng học bộ môn Tin học cho các trường THPT giai đoạn 2017 – 2020). Giá trúng thầu của liên danh trên là 7.477.008.000 đồng.
Gói thầu trên được Sở GD&ĐT tỉnh Hà Nam làm chủ đầu tư và mời thầu, giá gói là 7.478.300.000 đồng. Như vậy sau đấu thầu được gọi là “công khai, minh bạch” lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nam chỉ tiết kiệm được cho đầu tư công vẻn vẹn 1,2 triệu đồng/gói thầu gần 7,5 tỉ đồng.
Vì sao có những gói thầu thực hiện vốn đầu tư ngân sách trúng sát giá như trên? Những doanh nghiệp này là ai mà có thể dễ dàng ẵm trọn những gói thầu béo bở này? Công tác tổ chức, tư vấn, đánh giá các gói thầu diễn ra như thế nào? Trách nhiệm của lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nam như thế nào trong việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách? Có không “lợi ích nhóm” tại Sở GD&ĐT Hà Nam là những câu hỏi cần được xác minh, làm rõ.
Để những vấn đề trên có được sự nhận thức chung trong cộng đồng, chúng tôi đề nghị Sở GD&ĐT tỉnh Hà Nam và các cơ quan chức năng cần sớm công khai làm rõ những thông tin có liên quan.