Sư thầy Thích Minh Tuệ

Ngọc Ánh

Gần đây, mạng xã hội rộ lên hình ảnh và video về Sư Thích Minh Tuệ, vị sư độc hành với chân trần và y phục chắp vá từ vải vụn, không nhận cúng dường. Câu chuyện này đã thu hút sự chú ý và nhiều phản ứng trái chiều từ cộng đồng, từ kính phục và ngưỡng mộ đến chê bai và miệt thị.

Trước khi trở thành một hiện tượng trên mạng xã hội, nhà Sư Minh Tuệ đã lặng lẽ tu theo hạnh đầu đà gần 6 năm, từng có thời gian ngắn tu hành ở chùa nhưng vì cảm thấy không phù hợp, ông chọn chuyển sang pháp môn này. Độc hành với đôi chân trần và tấm y chắp nối từ vải vụn nhặt được, lõi nồi cơm điện thay cho bình bát, không nhận cúng dường bất cứ thứ gì ngoài phần thức ăn cho bữa duy nhất trong ngày, ông sống đời không nhà cửa, tập trung thân tâm cho việc tìm kiếm sự chứng đạo theo đường lối của Đức Phật. Không thuyết pháp, không thu đồ đệ, không nhận mình là thầy, tu sĩ này nhiều lần khẳng định ông chỉ là một công dân Việt Nam đang tập học theo lời Phật dạy, lời này không hẳn là khiêm nhường mà là sự thành thật. Bản thân Sư Minh Tuệ biết rõ con đường mình phải đi còn rất dài, dù hành trình những năm qua đã giúp xả bỏ nhiều sân si để không còn ích kỷ, thù hận, coi mọi người đều là anh em cha mẹ. "Giờ nếu anh có chửi con, con vẫn coi anh là bạn, người ta có đánh con, con vẫn chúc mọi điều tốt đẹp đến với họ," như ông đã tự nhận.

58838185fb575a090346-1715755374.jpg

Với những người đang một lòng cầu giải thoát như Sư Minh Tuệ, sự tôn vinh, sùng bái hay lời rèm pha, báng bổ dành cho mình đều là chuyện của người đời, không phải vấn đề mà ông đang bận tâm giải quyết. Tuy nhiên, sự hâm mộ hay kính ngưỡng của công chúng nên được thể hiện một cách đúng đắn và trí tuệ, mới không biến những điều tốt đẹp thành rắc rối, phiền não hay thị phi. Nên dành cho nhà sư theo hạnh đầu đà này sự tôn kính đối với bậc chân tu, và sự tôn kính đó không mang ý nghĩa phủ nhận những bậc chân tu đi theo con đường khác. Phật giáo có hàng nghìn pháp môn tu tập, người muốn thành chính quả có thể chọn cách tu hành phù hợp nhất, nỗ lực tinh tiến dựa vào chính mình để tìm cách đạt đến Niết Bàn. Sư Minh Tuệ cũng đang làm đúng như vậy, như rất nhiều nhà sư khác hoặc lặng lẽ ẩn tu, hoặc nhập thế giúp đời mà công chúng không hoặc ít biết đến.

Có lẽ sư Minh Tuệ cũng sẽ được yên tĩnh tu tập nếu ông không sống trong thời đại của mạng xã hội, của thời các Streamer, YouTuber hay TikToker. Sau khi trở thành đối tượng của những nhà sản xuất nội dung trên mạng xã hội, hành trình của tu sĩ này luôn kéo theo hàng nghìn người muốn bày tỏ sự tôn sùng, muốn đi theo học đạo vì tò mò, nghi ngờ hay cũng tìm cách bóc phốt. Và không thể không kể đến một lực lượng hùng hậu những người đi theo ông chỉ với mục đích duy nhất là lợi dụng vị tu sĩ để làm nội dung câu like, câu view trên mạng xã hội. Tuy nói những lời ca tụng, nhưng thực chất họ chỉ coi ông là đối tượng để khai thác, lợi dụng như vẫn làm với mọi nhân vật "hot" trên mạng. Những nhà sản xuất nội dung kiểu này bao vây sư Minh Tuệ một cách thô lỗ và hung hãn. Xem những video livestream được đăng tải, nhiều người cảm thấy cảm cảnh và thương cho tu sĩ bị quay bởi những chiếc điện thoại có tay cầm nối dài lăm lăm giơ lên xung quanh, muốn đi cũng không đi nổi một bước.

Dù phần lớn trong hàng nghìn người vây quanh sư Minh Tuệ là người yêu mến và tôn kính ông, cũng phải nhìn nhận một sự thật rằng đám đông tự phát luôn rất dễ kéo theo những ồn ào, hỗn loạn và ẩn chứa những nguy cơ xung đột. Ngay cả đám đông trên mạng xã hội những ngày qua cũng không ngớt chia phe để tranh cãi, không ít người đã buông lời quá khích, điều đó không có lợi cho an ninh trật tự thế tục, cũng chẳng có lợi cho việc hướng đến phát triển tâm linh.

Riêng đối với sư Minh Tuệ, việc cả nghìn người đi theo và vây quanh với cách tiếp cận quay chụp, livestream, hát hò hay tụng niệm chính là sự quấy quả, làm nhiễu loạn quá trình tu tập của ông. Chẳng những mất đi sự riêng tư, bị chiếm lấy không gian và thời gian dành cho việc thanh tu, đoàn người đông đúc còn có thể mang đến cho ông nhiều rắc rối và phiền toái. Đám đông chật kín con đường tu sĩ này đi qua còn có thể gây mất an toàn giao thông, an toàn sức khỏe và những xích mích dễ nảy sinh trong chốn đông người cũng tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự.

Là người độc hành tu tập, sư Minh Tuệ không mời gọi mọi người đi theo mình nhưng ông cũng không có quyền xua đuổi hay ngăn cản mọi người. Để trở về với đời sống tu hành trầm lặng của một khất sĩ đầu đà, yêu quá hóa phiền là như vậy. Thay vì nối đuôi rồng rắn đi theo sư Minh Tuệ, hãy để cho ông được yên thân tu tập, và hãy nhớ rằng, sùng bái hay dè bỉu cũng chỉ là biểu hiện của những tạp niệm của con người. Các bậc chân tu cũng cần nỗ lực rất nhiều để đến đích cuối cùng của sự tu hành. Cũng đừng cưỡng cầu rằng phải đi theo những tu sĩ đáng trọng như sư Minh Tuệ thì mới có lợi cho sự tu hành của bản thân mình. Đức Phật Thích Ca nhiều lần nhấn mạnh các bậc đạo sư chỉ ra con đường, nhưng để đi đến đích giải thoát thì mỗi chúng sinh chỉ có thể dựa vào bản thân, phải tự mình làm ngọn đèn soi cho chính mình. Sư Minh Tuệ cũng là một cá nhân đang từng ngày nỗ lực như vậy.

Còn đối với những nhà sản xuất nội dung câu view bất chấp, hãy thôi đeo bám và làm phiền, hãy thôi coi ông như một con mồi, một món ăn dọn ra cho những bữa tiệc triệu view trên mạng xã hội. Nhìn từ góc độ thế tục, đó là hành động phản cảm, xấu xí và đáng lên án.

Về chuyện sư Minh Tuệ, giảng viên Nguyễn Thanh Huy, trường Đại học Khánh Hòa chia sẻ: “Vào năm trước, tôi có duyên được biết đến sư Minh Tuệ qua kênh YouTube Nhân Gà Vlog. Hình ảnh sư được quay tại một hang đá ở núi Sạn, Nha Trang, nơi cũng gần nhà tôi. Qua video, sư không thuyết pháp cũng không tự nói về bản thân mà chỉ trả lời, chia sẻ khi được hỏi một cách rất chân thật về hành trình tu tập của mình. Điều mà tôi quan tâm chú ý hơn cả là những chia sẻ về việc thực hành trí giới của sư. Tôi nhận ra sư Minh Tuệ đọc nhiều, hiểu rõ về kinh Nikaya và hành y theo những lời Đức Phật dạy. Từ đó, tôi có nhận định rằng đây là một bậc chân tu.”

Đến hôm nay, sư Minh Tuệ được rất nhiều người biết tới và có sức lan tỏa rộng khắp, vượt ra cả biên giới quốc gia. Câu chuyện về sư Minh Tuệ trở nên nóng hơn bao giờ hết, khắp mạng xã hội tràn ngập những video và hình ảnh về nhà sư. Theo đó là rất nhiều ý kiến và quan điểm khác nhau: kính phục có, ngưỡng mộ có, chê bai, miệt thị cũng có muôn nẻo trần ai. Nhưng may thay, những người nghĩ tiêu cực về sư vẫn là thiểu số.

Sư Minh Tuệ tu theo pháp khổ hạnh đầu đà, một số nhìn vào hành trạng và y áo của ông mà phỉ báng, nào là điên khùng, nào là hành xác thiếu trí tuệ, không theo con đường trung đạo mà Đức Phật khuyến khích. Nhưng những kẻ phỉ báng sư đâu biết rằng sư Minh Tuệ đang thực hành theo đúng chính pháp. Ông làm theo những lời dạy trong kinh nguyên thủy, đó là từ bỏ gia đình, sống đời phạm hạnh, một lối sống trong sạch, thanh tịnh, buông xả tất cả, thiểu dục tri túc. Người ta nhầm lẫn khổ hạnh đầu đà là cách tu khổ hạnh trong sáu năm đầu của Đức Phật đi cầu đạo. Cái khổ hạnh ấy là ép xác, hành xác khiến cơ thể phải chịu nhiều đau đớn, có nguồn gốc từ Bà La Môn. Như vậy, khổ hạnh đầu đà nghĩa nào đó là tiền thân của con đường trung đạo và vẫn gần với nó nhất. Nhiều người lại cho rằng tu hành quan trọng ở trí tuệ chứ không phải làm khổ cái thân, nhưng họ nhầm lẫn giữa trí tuệ thế gian với trí tuệ Phật. Trí tuệ thế gian là khả năng nhận thức của con người có từ di truyền và học hành, trong khi trí tuệ Phật chỉ được khai mở khi người tu phải biết nghiêm trì giới luật. Có giới mới có định, có định mới sinh tuệ. Cho nên Đức Phật nói: "Ở đâu có giới hạnh thì ở đó có trí tuệ” và ngược lại. Thực hành hạnh đầu đà cốt lõi là để chấm dứt mọi phiền não trần cấu vì pháp hành này giúp hành giả có thể hộ trì các căn, không bị chi phối bởi hoàn cảnh, dần đoạn diệt tham sân si.

Đó là lý do vì sao người tu chỉ ăn một ngày một bữa, giảm cái tham ăn. Ngủ ngồi giảm cái tham ngủ vì nằm ngủ sẽ dễ ngủ say ly bì. Mặc ba y, thực chất là một bộ, nhu cầu tối thiểu, giảm sự lệ thuộc, tham ái vào y phục. Một số người lại chỉ trích hạnh đầu đà sao không sống độc cư ở trong rừng mà cứ đi lang thang khắp cả nước làm gì? Thì cũng thưa rằng, thời nay tìm rừng ở Việt Nam như thời Đức Phật tại thế là không thể. Sư cũng từng có thời gian ẩn tu trên núi Sạn. Vậy tại sao sư quyết định lựa chọn cách bộ hành đi khắp đất nước? Như sư đã trả lời, đó là đi học tập và rèn luyện sức khỏe. Thực ra, nếu hiểu sâu thì sư đang thực hành đúng chính pháp Như Lai vì đi như vậy là cách để sư chính niệm thân, thọ, tâm, pháp. Vì phải sống trong khổ, biết khổ, chứng nghiệm khổ thì mới hiểu rõ nguyên nhân của khổ. Khi đó, khổ sẽ tự chấm dứt chứ không phải mong thoát khổ để được lạc. Trên bước đường của sư, nếu sư bị cám dỗ bởi vật chất, tiền bạc, sắc đẹp, tức cái tham dục đã khởi lên, hay cảm thấy bị phiền toái khi nhiều người vây quanh quấy nhiễu, tức cái sân đã nổi lên.

null