Sức mạnh của sự im lặng

Hai nhà là hàng xóm mà có phong cách sống trái ngược nhau về khoản ngôn ngữ, nhưng điểm giống nhau là uy lực không phải từ lời nói, mà từ sự im lặng.

su-im-lang-1644195680.jpg 

 

Ở bên nhà Ngôn, hễ không hài lòng điều gì là lão Ngôn chỉ lừ mắt thì cô vợ đang toang toác im như thóc ngay, làm theo “lời không nói” của chồng.

Vậy mà lúc chồng vắng hay đang vui vẻ thì cô vợ phát thanh khiến cả phố nhức tai. Cái đoạn ông chồng ở nhà mới thú vị, cô vợ cứ nói ào ào khi chồng vẫn mỉm cười, chỉ cần ông lừ mắt thì máy hết pin luôn.

Ngược lại, bên nhà Tĩnh, lão đang ba hoa bô-lô ba-la, cô vợ chẳng nói gì, chỉ lì cái mặt ra là lão cũng lập tức tắt loa phóng thanh, không dám nói gì nữa, đến cả ngày như thế.

Nhưng nếu vợ chưa lỳ mặt thì lão tranh thủ nói hết phần người khác. Nghe bảo chỉ có ba người phụ nữ có uy lực với lão như vậy, là mẹ, vợ và cô thư ký ở cơ quan.

Nhưng uy lực của vợ vẫn cao nhất, vì khi chạm mặt hai người phụ nữ kia, chỉ cô vợ dám nói lấn lướt. Riêng với cô thư ký của chồng, chị này cũng chỉ lừ mắt là cô ta len lén tìm đường chuồn.

Trăm dâu đổ đầu tằm, khi bị vợ sếp áp đảo quá, cô thư ký chẳng cần làm gì, chỉ dỗi thôi là sếp đã quýnh cả lên rồi. Bao giờ cũng kết thúc bằng quà của sếp để làm hoà. Vậy nên vợ sếp càng sưng xỉa thì nàng thư ký càng có nhiều quà. Đúng im lặng là một vũ khí thật vi điệu.

Lão bạn tôi nổi tiếng bốc khi ngồi uống bia ở quán, lão nói hết phần người khác từ đầu đến cuối bữa, không biết có phải vì ở nhà không được nói thì đi quán nói bù không? Có điều, chỉ về đến cổng, vừa nhìn thấy vợ là lão ta tắt loa phóng thanh công suất lớn ngay. Thế nên dân gian mới có câu:

“Ra đường sợ nhất công nông

Về nhà sợ nhất vợ không nói gì”.

Hoá ra sự lặng im cũng là một ngôn ngữ biểu đạt lòng mình, và sức mạnh không hề kém bất cứ cách thể hiện bằng ngôn từ nghe được bằng tai.

Mọi người có thấy vậy không?

 

Chuyện làng quê