Di tích Văn Miếu Bắc Ninh - nơi tôn vinh đạo học, ghi dấu tên tuổi 677 bậc đại khoa, trung tâm khuyến học, khuyến tài của tỉnh là địa chỉ mà mỗi mùa Tết Nguyên Tiêu, giới trí thức, người học hành, yêu chữ nghĩa cùng đông đảo người dân lại đến dâng hương, bái yết, tri ân các bậc tiên hiền, tiên triết. Vài năm gần đây, người tặng chữ, người xin chữ ở không gian văn nho này khá nhộn nhịp.
Xã hội Việt Nam trong suốt hàng trăm, hàng nghìn năm được tẩm ướp bởi văn hóa Nho giáo. Không chỉ có thầy đồ, quan lại, bậc hiền tài mới thấm tinh thần của Nho giáo mà tư tưởng này lan rộng trong mọi tầng lớp nhân dân, trong hệ thống trí thức và cả tầng lớp bình dân một thời. Ông đồ là hình ảnh tượng trưng, nét đẹp văn hóa của một thời đã qua, thuộc về lịch sử. Quá khứ chẳng thể nào quay trở lại nhưng hậu thế hôm nay vẫn chưa quên truyền thống và tiếc nuối cho những nét chữ ông đồ.
Bằng mạch nguồn riêng của mình, dòng chảy văn hóa nho học vẫn có một vị trí nhất định nào đó trong đời sống đương đại. Sự trở lại của những ông đồ thời nay đi giày tây, mặc âu phục, gò lưng múa bút lông trên giấy đỏ vẫn gieo vào lòng người nhiều cảm xúc bâng khuâng, hoài niệm dẫu biết rằng bóng hình “người muôn năm cũ” đã khác xưa.
Trò chuyện với “ông đồ” Phạm Văn Thưởng, cán bộ phòng Nghiệp vụ (Ban Quản lý Di tích tỉnh), người viết thư pháp chữ Hán ở di tích Văn Miếu Bắc Ninh được biết: Cốt yếu tinh thần của việc xin chữ ngày xuân không thay đổi, chỉ có điều tính thư nhã không còn như xưa. Có thể do bối cảnh xã hội phát triển, mọi người có quá nhiều bận tâm, không phải ai cũng am tường chữ nghĩa, hay có khả năng thưởng thức, cảm nhận dễ dàng vì thế người xin chữ nay thường gửi gắm những điều thực tế hơn, trực diện hơn, mong muốn hiện thực hóa ước vọng qua con chữ với suy nghĩ đó là điều thiêng liêng...
Người xin chữ nay rất đa dạng, mỗi người xin một chữ mang ý nghĩa với mình. Các gia đình xin chữ cầu an, cầu phúc năm mới; người buôn bán xin chữ Tài, chữ Lộc; người già xin chữ An, chữ Hòa, chữ Khang; học trò xin chữ Cần, chữ Đạt, Đăng Khoa... Như các em học sinh, có thể không biết nhiều về thư pháp nhưng vẫn thích xem ông đồ viết chữ. Được nhận chữ ngày tết hoặc trước các kì thi, các em luôn nâng niu, trân trọng, coi đó như động lực để cố gắng học hành và hy vọng gặp nhiều điều may mắn, tốt lành”.
Tuổi đời mới ngoài 40 nhưng “ông đồ” Thưởng có hơn 20 năm nghiên cứu và tiếp xúc với Hán Nôm, với nghệ thuật thư pháp. Anh tham gia viết chữ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám từ khi còn là chàng sinh viên Hán Nôm của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Trong câu chuyện với tôi, “ông đồ” Phạm Văn Thưởng cứ nhắc đi nhắc lại rằng, nhìn bề ngoài, nghĩ rằng chỉ cần học vài trăm chữ Hán Nôm là có thể viết chữ. Song để trở thành một thư pháp gia chữ Hán thì hay chữ, tốt chữ thôi chưa đủ mà còn phải hội tụ nhiều yếu tố tâm, trí, lực. Với những Thư pháp gia uyên thâm, họ phải trải qua hàng chục năm tầm học, đào sâu nghiên cứu tư liệu, điển tích, điển cố mới có thể nghiêm túc bước vào nghề và với họ thì chẳng khi nào hết việc, luôn được trọng vọng.
Hoặc giả như, có người xin chữ vẫn mơ hồ chưa biết mình đang ở trạng thái nào, không biết mình đang mong ước điều gì thì đó lại là một thách thức, áp lực đối với người cho chữ. Phải tinh tế, nhạy cảm, hiểu lòng người mới chọn được chữ phù hợp khiến người xin hài lòng mà chính bản thân ông đồ cũng cảm thấy nhẹ nhõm, thư thái... Hơn nữa, ông đồ nhiều khi còn là người được lắng nghe những tâm sự thầm kín của người đến xin chữ. Bao suy tư, ước muốn, khát vọng, những điều mà họ có thể chẳng dám chia sẻ với người thân nhưng lại dễ dàng giãi bày, tâm sự với ông đồ. Thế nên, tặng chữ, xin chữ đầu xuân là nét đẹp cần được xây dựng lại để người già thêm tự hào về quê hương, dân tộc mà lớp trẻ cũng hiểu được ông cha rồi tiếp bước kế tục truyền thống hiếu học, khoa bảng quê hương.
Gần một thế kỉ trước, cụ Vũ Đình Liên đã than tiếc cho sự tàn lụi của một nền văn hóa cổ truyền trước sự du nhập của làn sóng văn hóa phương Tây. Ngày nay, những ông đồ trẻ đang cố níu kéo lại chút vàng son xưa cũ. Hi vọng, dần dần, bằng sự nỗ lực của những “ông đồ” như anh Thưởng, nét đẹp văn hóa bút nghiên, chữ nghĩa sẽ lại hiện diện đều đặn trên quê hương Bắc Ninh văn hiến mỗi khi mừng đón Xuân sang.
Tết Nguyên Tiêu tìm lại nét vàng son xưa cũ
ThS. Vương Xuân Nguyên
27/02/2021