Tháp Phổ Minh ghi dấu những đặc sắc kiến trúc thời nhà Trần.
Nét kiến trúc Phật giáo độc đáo
Tháp Phổ Minh nằm trong khuôn viên chùa Phổ Minh, tọa lạc ở thôn Tức Mạc, xã Lộc Vượng, ngoại thành Nam Định, tỉnh Nam Định. Sử sách ghi lại rằng, năm 1308 sau khi Kim Phật Trần Nhân Tông băng hà ở am Ngọa Vân trên ngọn Tử Phong – Yên Tử, con ngài là vua Anh Tông đã đem 7 trong số 21 hạt xá lợi đặt trong cỗ kiệu bát cống bằng đá rồi tháp Phổ Minh được xây dựng lên trên. Xưa kia sân chùa có đặt một chiếc vạc đồng lớn được xếp vào An Nam Tứ Đại Khí nổi danh. Những dấu mốc bằng đá dưới chân tháp chính là dấu còn sót của những chân đỡ của chiếc vạc. Sau khi quân Minh xâm lược đã phá cả tứ đại khí của nước ta với âm mưu làm mất sử sách và những công trình văn hóa để đồng hóa dân ta nên những dấu mốc ấy không còn nữa.
Kiến trúc đặc sắc của chân tháp với hình rồng được khắc vô cùng tinh xảo.
Tháp Phổ Minh gồm 14 tầng, cao 19 m, mặt bằng hình vuông, mọc từ một khoảng sân vuông mỗi chiều 8,6 m, sâu chừng 0,5 m, xung quanh có lan can, mở cửa bốn phía, thềm bậc trang trí rồng đá, sóc đá. Tầng đế tháp xây dựng bằng đá xanh, mang hình bông sen nở xòe trên mặt nước cao 2,2 m, rộng 5,2 m, bốn góc trụ giá đỡ đầu rồng, cửa giữa cuốn cao 1,1 m, rộng 0,8 m. Các tầng trên gạch trần, bốn góc nẹp đá, bốn mặt có cửa cuốn tò vò, thu nhỏ dần theo chiều cao, kết thúc bằng chỏm nhọn hình bầu rượu. Chính ở cấp cuối cùng của phần nền đế trước khi đi vào tầng tháp thứ nhất, người xưa đã sử dụng mặt ngoài của cấp này, dùng thủ pháp tạo ra một vành đai trang trí xen kẽ những cành hoa lá đan chéo nhau và những hoa hình tròn, cánh hoa ngã vòng quanh, còn ở giữa có cánh hoa cất lên và xoáy trôn ốc. Vành đai này là một bức diềm những nét khắc nhỏ tuyệt đẹp, hai thứ hoa lặp đi lặp lại chạy vòng chung quanh tháp, khi ánh sáng chiếu xiên vào, hiện lên như một vòng hoa màu xám dịu dàng và tế nhị. Trọng lượng tháp nặng khoảng 700 tấn, trên một tiết diện nhỏ 30m2 tại vùng chiêm trũng nhưng vẫn đứng vững suốt 7 thế kỷ qua.
Không thuộc vào loại đồ sộ, kiến trúc tháp Phổ Minh với bề ngang hẹp, dáng thanh mảnh, gợi cảm tưởng tâm linh siêu thoát. Nhất là khi đứng dưới chân tháp ngước nhìn lên, các rìa mái cứ nối nhau tầng tầng lớp lớp, hướng thẳng lên nền trời xanh thẳm.
Trang trí tinh xảo
Về chất liệu, tháp là một công trình hỗn hợp giữa gạch và đá. Bệ và tầng dưới của tháp được xây bằng loại đá xanh mịn vừa đẹp vừa có sức nặng, làm tăng độ bền cho móng nền. Mỗi đầu viên gạch đều được chạm dòng chữ “Hưng - Long thập tam niên” và hình con rồng nổi. Các tầng trên đều được xây bằng gạch nung mỏng, nhẹ, rất tiện lợi cho việc xây lắp. Kết cấu của tháp ở các tầng đá chủ yếu dựa vào các mộng và keo vữa kết dính. Ở các tầng trên, ngoài vữa còn có các dây đồng xâu móc qua các viên gạch để làm tăng độ bền vững cho kiến trúc. Về cấu trúc của tháp, sách “Đại Nam nhất thống chí” còn cho biết, ngày xưa người ta xây một cột đá bên cạnh và lấy dây đồng để ràng lấy đỉnh tháp.
Tháp Phổ Minh nổi bật giữa cảnh vật xung quanh.
Trang trí trên tháp cũng rất ấn tượng. Bên cạnh các tượng đá hình cá sấu, hình rồng được tạc ở các thành cửa vào hồ quanh tháp thì các nghệ sĩ đã chạm các lớp cánh sen với nhiều hoa văn hoa dây uốn lượn quanh cửa tháp và trên các mặt tường.
Đỉnh tháp Phổ Minh được thiết kế đơn giản nhưng chắc chắn bất chấp thời tiết và thời gian.
Hàng loạt hoa lá được chạm khắc như vẽ trên đá là những hoa và lá mọc trong ao, trong vườn Việt Nam, do vậy nó luôn gây ấn tượng mạnh mẽ trong tình cảm của người Việt. Đó là hoa sen, hoa cúc, hoa mai… và những dây leo trên giàn hay bờ giậu của nhiều gia đình đã đi vào ca dao, vào thơ văn của dân tộc. Hình khắc rạch trên phần đá của tháp Phổ Minh tạo ra các hoa văn hoa lá, sóng nước, mây trời đơn giản, rất sinh động bao viền quanh thân tháp và các cửa tháp. Sự vận dụng những đường cong khéo léo tạo cho tác phẩm có chất tươi mát, cuồn cuộn và sinh động rất lạ thường.
Tất cả những nét kiến trúc và nghệ thuật trên cho thấy đây là một công trình kiến trúc có giá trị của dân tộc ta. Không chỉ là niềm tự hào của nhân dân, mà còn là tài sản vô giá do tổ tiên ta đã tốn bao nhiêu công sức, trí tuệ, tiền của để tạo dựng trong quá trình lịch sử của dân tộc.