Thiền sư viết khúc nhạc tiễn đưa phái bộ

Ông là Tăng thống đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Ông xuất thân trong gia thế đế vương. Ông cũng được vua ra lệnh viết một khúc nhạc để tiễn đưa phái bộ.

khuong-viet-1637077850.jpgThiền sư Khuông Việt. Ảnh internet

 

Ông là Thiền sư Khuông Việt, tên là Ngô Chân Lưu, tu chùa Phật Đà, làng Cát Lợi, Thường Lạc (nay là Vệ Linh, Sóc Sơn, Hà Nội). Sư là người Cát Lợi, hậu duệ nhà Ngô, thuộc đời (hay thế hệ) thứ 4, dòng Vô Ngôn Thông. Đại sư Khuông Việt là vị thiền sư được phong Tăng thống đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Một tài liệu viết: Tăng thống là danh xưng dùng để tôn xưng vị tăng sĩ lãnh đạo tinh thần Phật giáo của một quốc gia hoặc một giáo hội Phật giáo. Xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ IV tại Trung Hoa, Tăng thống ban đầu là chức vụ quản lý tăng sự được triều đình phong và coi là người đứng đầu Phật giáo cả nước thời phong kiến và quân chủ. Ngày nay, Tăng thống được hiểu là người đứng đầu Phật giáo trong một nước, hoặc của một giáo hội và chức vụ này thường do các tổ chức giáo hội quyết định.

Tại Việt Nam, từ thế kỷ X, Vua Đinh Tiên Hoàng thiết trí chức Tăng thống nhưng cũng đồng thời giữ chức Tăng lục. Khuông Việt Đại sư được phong chức Tăng thống và sau đó.

Về Thiền sư Khuông Việt, tác giả Như Hùng viết: Thiền Uyển Tập Anh chép Đại sư Khuông Việt Ngô Chân Lưu (933 – 1011) tu ở chùa Phật Đà, Thường Lạc nay là chùa Đại Bi núi Vệ Linh Sóc Sơn, Hà Nội. Ngài thuộc thế hệ thứ 4 Thiền phái Vô Ngôn Thông. Ngài người hương Cát Lợi huyện Thường Lạc, nay thuộc huyện Sóc Sơn, Hà Nội, thuộc dòng dõi Ngô Thuận Đế (Ngô Quyền). Theo Phả hệ họ Ngô Việt Nam, Thiền sư Ngô Chân Lưu tên huý là Xương Tỷ, anh trai Thái tử - Sứ quân Ngô Xương Xý, con Thiên Sách Vương Ngô Xương Ngập, cháu đích tôn của Ngô Vương Quyền. Ngài dáng mạo khôi ngô tuấn tú, tánh tình phóng khoáng chí khí cao xa, có duyên với cửa Thiền từ năm 11 tuổi.

Năm 969, Ngài được vua Đinh Tiên Hoàng (924 - 979) phong chức Tăng Thống, đây là lần đầu tiên chức Tăng Thống được nói đến trong lịch sử Việt Nam. Hai năm sau, Tăng Thống Ngô Chân Lưu còn được vua ban cho chức Đại Sư. Ngài còn là người sáng tác nhạc phẩm đầu tiên của nền văn học chính trị ngoại giao của nước Việt. Dù vậy, trước hết và trên hết Ngài vẫn là một vị Thiền sư với nội lực giác ngộ thâm sâu, hương thơm tuệ giác và công hạnh đêm ngày tỏa sáng lồng lộng trên bầu trời quê hương. Một khuôn mặt nổi bậc xứng đáng được quy ngưỡng tán dương, đã có những đóng góp vô cùng giá trị to lớn cho dân tộc. Cuộc đời hành hoạt và hóa độ của Đại Sư với ba mươi năm cống hiến và phụng sự nhân sinh, đem cả tấm lòng từ bi rộng lớn, chăm lo cho đạo cho đời một cách trọn vẹn và thủy chung. Ngài cùng bạn đồng học đến chùa Khai Quốc thọ giới cụ túc (Tỳ Kheo) với Thiền sư Vân Phong (? - 956) thuộc thế hệ thứ ba Thiền phái Vô Ngôn Thông. Nhờ đó ngài học rộng kinh điển Đạo Phật, hiểu biết sâu xa tinh yếu Thiền học. Bậc Đại sư vẹn toàn lỗi lạc, một con người vượt trội một nhân cách cao cả một tư tưởng siêu thoát, ngàn năm đã trôi qua nhưng bóng dáng, nhân cách, tư tưởng con người đó vẫn phủ trùm lên vạn nẻo, đêm ngày vỗ về an ủi nhắc nhở dẫn đường đưa lối cho ngàn sau tiếp bước.

thien-su-khuong-viet-1637077932.jpgNăm Ngài bốn mươi tuổi danh tiếng vang dội đến triều đình. Ảnh internet

 

Năm Ngài bốn mươi tuổi danh tiếng vang dội đến triều đình, vua Đinh Tiên Hoàng, một vị vua anh dũng văn võ song toàn, người khai sinh ra nước Đại Cồ Việt, giành lại độc lập sau ngàn năm Bắc thuộc. Vua cho mời Ngài về kinh đô Hoa Lư thăm hỏi, cuộc diện kiến đó ngài đối đáp trôi chảy hiệp ý vua, nhà vua bèn phong cho ngài chức Tăng Thống. Đây là lần đầu tiên chức Tăng Thống được nói đến, về sau đời nhà Trần nhà Lê vẫn còn sử dụng và cho đến tận sau này. Tăng Thống là danh xưng dùng để tôn xưng vị Tăng sĩ có đạo hạnh và đức độ cao, vị lãnh đạo tinh thần tối cao Phật Giáo của một quốc gia hay một Giáo Hội Phật Giáo.

Năm Thái Bình thứ hai (971) vua Đinh Tiên Hoàng còn ban cho Tăng Thống Ngô Chân Lưu hiệu Khuông Việt Đại Sư. Khuông Việt mang ý nghĩa cao quý là khuông phò giữ gìn chấn hưng nước Việt. Điều đó nói lên sự quý kính tôn trọng của nhà vua và cũng thể hiện tấm lòng từ bi hạnh nguyện phụng sự chúng sinh cao cả của Ngài. Đại Sư là bậc thầy lớn, bậc thức giả đạo cao đức trọng, Quốc sư là người cố vấn giúp nhà vua giải quyết những vấn đề đại sự của quốc gia. Trong sách Kiến Văn Tiểu Lục, Lê Quý Đôn (1726 - 1784) biên soạn, Phạm Trọng Điềm dịch, ca tụng Đại Sư Ngô Chân Lưu như sau: “Đinh Tiên Hoàng lúc mới bình định được cả nước liền xếp đặt phẩm cấp tăng và đạo, Ngô Chân Lưu và Trương Ma Ni làm Tăng thống và Tăng lục; Đặng Huyền Quang làm uy nghi. Sau đó Lê Đại Hành kế tiếp cũng rất tôn trọng tăng đạo...Câu thơ của sư Thuận làm cho sứ thần nhà Tống phải kinh phục, văn từ của Chân Lưu vang tiếng trong một thời...”.

Bách khoa wikipedia chép: Lý Giác là người đã từng đi trong phái bộ Lý Nhược Chuyết trong năm trước để sang phong cho vua Lê Đại Hành làm An Nam đô hộ Tĩnh Hải quân tiết độ sứ và đòi vua Lê Đại Hành trao trả hai tên tướng là Quách Quân Biện và Triệu Phụng Huân bị bắt trong cuộc chiến năm 981. Phái bộ của Lý Giác đến Việt Nam lần hai vào năm Thiên Phúc thứ 7 (987). Vua Lê Đại Hành đã nhờ Pháp Thuận và Khuông Việt cùng đứng ra đón tiếp. Pháp Thuận đã đón Lý Giác từ chùa Sông Sách, nay thuộc tỉnh Hải Dương, để đưa về kinh ấp Hoa Lư. Đến Hoa Lư, Khuông Việt đã đứng ra tiếp. Trước khi Lý Giác ra về, vua Lê Đại Hành đã ra lệnh cho Khuông Việt viết một khúc nhạc để tiễn đưa phái bộ. Đây có thể nói là lần đầu tiên văn chương nghệ thuật đã công khai đưa vào phục vụ sự nghiệp chính trị ngoại giao. Đây là một loại từ khúc lưu hành khá phổ biến thời bấy giờ, có thể dùng như lời của một bản nhạc để hát với việc sử dụng các nhạc khí để tấu kèm theo.

Khúc từ này có tên là Ngọc Lang Quy, mà truyền bản nhà Nguyễn viết thành Vương Lang Quy. Đây là một tác phẩm văn học đầu tiên hiện còn của lịch sử ngoại giao Việt Nam, nếu không kể đến các văn thư ngoại giao với Trung Quốc. Đồng thời, nó cũng là bài Nguyễn Lang Quy không những xưa nhất của văn học Việt Nam, mà còn của văn học thế giới, bởi vì những bài từ loại này hiện còn chép trong các sách Trung Quốc như Tống lục thập danh gia từ, Tuyệt diệu hảo từ thiêm, Từ tổn v.v. đều là của những tác giả về sau như Âu Dương Tu (1007-1072), Tô Thức (1037-1101), Hoàng Đình Kiên (1045-1105)...

Tường quang, phong hảo, cẩm phàm trương

Thần tiên phục đế hương

Thiên trùng vạn lý thiệp thương lang

Cửu thiên quy lộ trường

Nhân tình thảm thiết đối li trường

Phan luyến tinh tinh lang

Nguyện tương thâm ý vị Nam cương

Phân minh báo ngã hoàng

 

Trời lành gió thuận, gấm buồm dương

Thần tiên về để hương

Muôn trùng vạn dặm biển mênh mang

Trời xanh xa dặm trường

Tình ray rứt chén lên đường

Bịn rịn sứ tinh lang

Nguyện đem thâm ý vì Nam bang

Phân minh tâu Thượng hoàng.

 

 

Trên 30 năm đại sư Khuông Việt đã phục vụ trong các chính quyền của Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành và đã thể hiện được tài năng nhiều mặt của mình. Không chỉ trong lĩnh vực sinh hoạt Phật giáo mà cả trong lĩnh vực chính trị và ngoại giao. Điều này chứng tỏ nền giáo dục Việt Nam và Phật giáo Việt Nam lúc ấy đã thực hiện tốt chức năng đào tạo những người trí thức có khả năng gánh vác không chỉ việc đạo mà cả việc nước việc dân. Khuông Việt, trong thời gian theo học tại chùa Khai Quốc, đã được Thiền sư Vân Phong dạy những gì hiện không ai biết, và tiểu sử của Vân Phong cũng không ghi nhận có dấu tích nào. Tuy nhiên, quan điểm học thuật của Vân Phong, dẫu có nằm trong dòng chủ lưu của tư tưởng thiền, xoay quanh những vấn đề như sống chết, nhưng đã đưa ra những kiến giải mới phù hợp với hệ tư tưởng thiền của dòng thiền Pháp Vân. Đó là, muốn tránh khỏi sống chết thì hãy ở trong sống chết mà nắm lấy. Nói cách khác, không có chỗ không sống chết bên người sống chết để cho người ta tìm thấy được. Chính trong chỗ sống chết người ta mới tìm được sự không sống chết. Đây rõ ràng phản ảnh tư tưởng "Tây thiên cõi này, cõi này Tây thiên" và quan điểm "Phật ở khắp mọi nơi" của Cảm Thành. Nếu suy rộng ra, thì đây cũng là tư tưởng trong kinh Kim Cương mà Thanh Biện đã đề xuất. Đó là "tất cả pháp đều là Phật pháp". Xuất phát từ một học lý như thế, người ta mới có thể dễ dàng ung dung tham dự vào mọi sinh hoạt của cuộc đời, coi sự hoàn thành việc đời như một chứng tích cho sự hoàn thành việc đạo. Người ta không thể tìm có một thế giới giác ngộ nào khác bên ngoài cuộc đời này. Nói một cách hình ảnh, thì lửa có sẵn trong cây, vấn đề là làm sao cho cây bật ra lửa.

Triết lý hành động của Khuông Việt như thế dựa trên một nhận thức luận coi cuộc đời là nơi mình có thể giải thoát được bằng chính nhận thức của mình. Thế giới giác ngộ cũng như hành động của Phật giáo không nằm bên ngoài cuộc đời, và con người không cần đi tìm bất cứ một thế giới nào khác. Điều này giải thích cho ta tại sao Khuông Việt đã ung dung tích cực tham gia vào việc nước việc dân và có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp bảo vệ độc lập của tổ quốc. Khi đã rời nhiệm vụ Tăng thống và những chính sự khác, Đại sư đã trở về mở trường ở chùa Thanh Tước núi Du Hý của quận Thường Lạc. Tại đây, "học trò tìm tới đông đảo". Dù vậy, Khuông Việt đã không quên ngôi chùa lịch sử của thầy mình, đó là chùa Khai Quốc. Sư cũng thường lui tới giảng dạy tại trường giảng của chùa này. Sử sách đã ghi lại cho ta một người có thể bước theo bước chân của thầy mình, đó là thiền sư Đa Bảo, người có ảnh hưởng đến sự việc lên ngôi của Lý Công Uẩn.

Một hôm, đệ tử nhập thất là Đa Bảo hỏi: "Thế nào là chung thủy của sự học đạo". Sư đáp: "Thủy chung không vật, diệu hư không. Hiểu được chân hư, thể tự đồng". Bảo tiếp: "Làm sao đảm bảo được?" Sư đáp: "Không có chỗ cho người xuống tay." Bảo nói: "Hòa thượng nói xong rồi." Sư lại hỏi: "Ngươi hiểu gì." Bảo bèn hét lên. Ngày 15 tháng 2 năm Thuận Thiên thứ 2 (tức 22 tháng 3 năm 1011), khi sắp cáo tịch, Sư dạy Đa Bảo kệ rằng:

Mộc trung nguyên hữu hoả

Hữu hoả, hoả hoàn sinh

Nhược vị mộc vô hoả

Toản toại hà do manh.

 

Dịch

 

Trong cây vốn có lửa

Có lửa, lửa mới bừng

Nếu bảo cây không lửa

Cọ xát do đâu bùng.

Nói kệ xong, Sư ngồi kiết già mà mất, thọ 82 tuổi