Lịch sử không hoàn toàn là dạy cho người ta nhớ các sự kiện lịch sử qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, văn hoá, sáng tạo của dân tộc, loài người từ cổ xưa tới văn minh...
Lịch sử tuỳ theo từng giai đoạn phát triển đất nước không thể tách khỏi các mục tiêu chính trị của đất nước... nhưng chỉ là phù hợp cho từng giai đoạn.
Lịch sử không phải là sự tô hồng hay bôi đen mà là sự nhìn nhận, phân tích khách quan hệ thống, logic, không áp đặt, không đặt tách rời các sự kiện lịch sử và áp đặt nhãn quan hôm nay để phán xét quá khứ dễ rơi vào chủ quan...
Các nhà khoa học Mỹ cho rằng dạy lịch sử là dạy hình thành thói quen của tư duy về quá khứ, rút ra hành động cho hiện tại và định hướng cho tương lai... Hiệp hội Sử học Hoa Kỳ chỉ ra không có quốc gia nào không coi trọng môn học Lịch sử và đưa ra 9 lợi ích của việc giáo dục lịch sử.
Lịch sử là một khoa học và rất gắn với cuộc sống của mọi người không trừ một ai để hình thành thói quen tư duy...
Một công chức làm chính sách hay soạn thảo một văn bản luật pháp nếu không có tư duy lịch sử rất dễ phạm phải sai lầm trong quá khứ do không nghiên cứu kỹ những yếu kém, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm...và hiện tượng tân quan tân chính sách mà xã hội hay nói đến là vậy.
Một người nông dân nơi miệt vườn trồng cây gì, nuôi con gì chăm sóc ra sao, sản phẩm làm ra bán ở đâu cho ai để có hiệu quả... họ đều rút kinh nghiệm từ quá khứ. Những thành công của vụ mùa trước sẽ dạy cho người nông dân thành công hơn ở vụ màu sau nhờ cái tư duy lịch sử được hình thành tự nhiên.
Hậu quả của việc không hình thành thói quen này mà chúng ta hôm nay vẫn còn nhiều dự án nghìn tỉ lãng phí, những tập đoàn nhà nước thua lỗ... nhưng chưa chắc trong các bài học lịch sử kinh tế đầu tư, tuyển chọn cán bộ... đã được mổ xẻ nguyên nhân dẫn đến thất bại để đời sau con cháu ta khôn ra không lặp lại sai lầm. Tại sao người kia đang phủ lấp hào quang chính trị rồi bỗng nhiên phạm lỗi và vào tù...
Hẳn chúng ta còn nhớ vào những năm 1990 chúng ta có khá nhiều bộ gõ font tiếng Việt, rất phức tạp cho người sử dụng... Ấy vậy mà sau hơn 20 năm, chúng ta lại "loạn" các ứng dụng điện tử khai báo Covid-19. Bài học lịch sử về chuẩn hóa và sự điều phối thống nhất quốc gia đã được lặp lại.
Người dạy Lịch sử đòi hỏi có đam mê, kiến thức rất rộng, tư duy phải rất logic, hệ thống, phản biện để tìm đến sự thật... Nếu chỉ chăm chăm vào sách giáo khoa thì coi như dạy sử đã chết 1/2 rồi... Họ sẽ dạy để thi mà không phải dạy để phát triển tư duy và nhân cách.
Nội dung và cách dạy của thầy cô cần có sự thay đổi... nhưng vì triết lý của việc dạy và học sử chưa xác định chuẩn xác thì nội dung và phương pháp cùng đo lường đánh giá dễ rơi vào thế nhồi nhét, áp đặt quan điểm, học sinh bị hạn chế không gian tư duy, tìm tòi sử liệu, chứng cứ và phản biện.
Việc ra đề thi trắc nghiệm đối với môn Lịch sử cũng không thật phù hợp với tư duy bậc cao đòi hỏi suy luận đưa ra một phán quyết hợp lý. Phán quyết về một nhận định sự kiện lịch sử chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố: nhận thức, quan điểm, hiểu biết, văn hoá... Ngay một sự kiện lịch sử đã có thể có những phán quyết khác nhau nếu không dựa vào những cứ liệu lịch sử và lập luận logic.
Ngày nay, cơ quan làm chính sách với mục tiêu là hướng nghiệp phó thác cho học sinh từ lớp 10 đã để Lịch sử là môn lựa chọn theo các môn Khoa học xã hội và Nhân văn. Đây là cách làm gián tiếp khiến cho học sinh sẽ không cảm thấy có nhu cầu học lịch sử do vài năm qua kết quả thi tốt nghiệp môn Lịch sử thường là thấp, nội dung chương trình nặng về nhồi nhét học thuộc các cứ liệu lịch sử, phương pháp dạy không hấp dẫn với học sinh, thi kiểm tra đánh giá không phù hợp. Những nguyên nhân đó khiến cho học sinh chán lịch sử và chọn môn học khác thì mục tiêu phát triển năng lực phẩm chất của học sinh qua chương trình đổi mới sẽ coi như thất bại ít nhất qua môn học Lịch sử.
Nói tóm lại chất lượng học môn lịch sử còn hạn chế là do nhận thức chưa đúng về vai trò, triết lý môn học lịch sử. Bản thân những người làm chương trình, nhiều thầy cô dạy học trò chưa biết làm thế nào để hấp dẫn học sinh học tập môn học này hiệu quả. Ngay cả lợi ích mà học sinh nhận được nhờ tư duy lịch sử được trang bị, cũng như hoàn thiện các kỹ năng, nhân cách về sau này. Học sinh không hiểu về xã hội này trước, hôm nay và trong tương lai sẽ trở thành, cũng như không hiểu những thay đổi trong xã hội, những động lực thay đổi xã hội... thì cũng khó khăn để hình thành công dân toàn cầu cũng như khó làm giàu bản sắc văn hóa của dân tộc.
Bên cạnh đó, nội dung quá nặng về nhồi nhét kiến thức... thiếu cấu trúc trong nội dung khoa học (tỷ lệ giữa các phần lịch sử phát triển, lịch sử cách mạng, lịch sử khoa học công nghệ, lịch sử văn hoá, lịch sử quốc tế...). Phương pháp dạy chủ yếu dạy để thi, không áp dụng các chiến lược dạy học khác nhau để nâng cao hiệu quả học sử. Kỹ thuật thi và đánh giá còn hạn chế khác biệt giữa dạy và thi...chuẩn đầu ra không rõ ràng. Năng lực của giáo viên và của các nhà tham gia biên soạn chương trình còn hạn chế do chưa dày công tìm tòi các cứ liệu lịch sử mà mới đang làm công việc dạy để thi. Tóm lại cái lỗi để học sinh không thích học Lịch sử không phải là lỗi của môn học hay lỗi tại học sinh không chọn, mà lỗi đó chính là lỗi của người lớn.