Tìm người thân cho người quá cố

Ông là một người có số phận khá đặc biệt. Tôi biết đến ông khi tôi còn nhỏ. Hàng năm, cứ đến mùa nhãn, mùa hồng ngâm... ông thường trảy quả rồi mang đến nhà cho chúng tôi. Năm 1976, khi cha mẹ tôi xây nhà mới thì ông tới giúp đánh gốc tre...

chuy-lg-q2s-1634952293.jpgKý họa theo trí nhớ khi ông Nhật còn trẻ

Năm 1965, giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc bằng không quân chiến lược, dưới sức ép của bom Mỹ, nhà tôi bị hỏng, chỉ còn lại gian bếp. Gia đình tôi phải tản cư vào vùng hẻo lánh - làng Đạo Hoằng, cách thị xã chúng tôi ở khoảng bốn ki lô mét. Ông không đi sơ tán nên cha mẹ tôi cho ông ở nhờ trong gian bếp, và coi giữ giúp phần đất ở xóm Chiền, thị xã Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Ông sống một mình, cô độc. Tôi nghe cha mẹ tôi nói, ông từng có vợ, con. Nhưng do vợ chồng ông mâu thuẫn gì đó, vợ ông bế con nhỏ bỏ đi biệt tích.

Ông tên là Nhật. Nghe nói, ông có cái tên này do lúc nhỏ, ông sống ở trong trại Nhật.

chu-lg-q3s-1634952320.jpgẢnh tác giả chụp lần tới thăm ông Nhật năm 2017

Năm 1969, để thuận tiện cho việc học hành của anh em chúng tôi, cha mẹ tôi quyết định mua vài sào đất ở làng Vẽn, xã Định Trung (cách xóm Chiền hai ki lô mét), sinh sống. Rồi sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, miếng đất ở thị xã cha mẹ tôi cho ông, để ông ở...

Ông cứ sống một mình ở đó, và làm thuê kiếm cơm ăn, áo mặc. Hồi tôi học cấp 2, khi đi học qua, thỉnh thoảng tôi lại ghé thăm ông. Có lần, đúng vào bữa trưa, ông vừa nấu chín cơm. Mở vung nồi cơm, có một vài con cá nhỏ như ngón tay và một nắm rau. Ông bảo, hấp thức ăn vào cơm cho khỏi phải nấu nhiều. Ông là người rất vui tính. Người ông bé nhỏ mà săn chắc.

Học xong phổ thông, tôi thoát ly, mấy chục năm xa quê. Điều kiện cuộc sống khó khăn nên tôi cũng chẳng có dịp tới thăm ông. Nghe người ta bảo, ông gánh hàng thuê cho một số gia đình tiểu thương ở chợ Vĩnh Yên. Sau khi nghỉ hưu, năm 2017 tôi mới về quê sinh sống, đến thăm ông. Ông đã già và cuộc sống thật khó khăn, không nơi nương tựa, buồn tẻ...Khi tôi giới thiệu xong, ông nhớ ra, bảo: "Mày lớn thế này rồi cơ à? Nếu mày không giới thiệu, tao cũng chả nhớ ra". Tôi bảo: "Anh cũng gần tám mươi, em cũng gần sáu mươi, hơn ba mươi năm rồi còn gì" (chúng tôi gọi ông ấy là anh, vì ông ấy thích thế, mặc dù ông ấy chỉ kém cha tôi 19 tuổi. Cha mẹ tôi hay gọi ông ấy là cậu Nhật). Tôi hỏi ông: "Thế con anh giờ ở đâu? có bao giờ về thăm anh không?" Ông bảo: "Nó ở ngoài Vân Tập" (xã Vân Tập cách thị xã Vĩnh Yên khoảng bảy đến tám ki lô mét, thuộc huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc).

Sau đó ít lâu, tôi có gặp và hỏi một người hàng xóm cũ khác, bác ấy bảo: có lần con gái ông Nhật tìm về, nhưng ông ấy không dám nhận (chắc do mặc cảm). Bác ấy bảo, con gái ông ấy đã lấy chồng ở vùng Tuyên Quang thì phải...

Miếng đất cha mẹ tôi cho ông khoảng hai trăm mét vuông, có vườn cây nhãn, hồng ngâm, chuối,...Sau khi cha mẹ tôi cho đất, ông chặt cây nhãn, cây hồng thành từng khúc, cho lên xe ba gác, chở đến nhà tôi...Rồi, do cuộc sống khó khăn, ông xén đất bán dần chỉ còn khoảng hơn chục mét vuông để ở. Có thể vì như vậy...nên chẳng dám nhận con!

Ngày 17.6 năm Kỷ Hợi 2019, ông Nhật đã ra đi mãi mãi.

Đám ma ông, không một vành khăn tang, có một vài người đại diện chính quyền, một số bà con chòm xóm...

Ông là Nguyễn Hữu Nhật, ở ngõ 1 Trần Quốc Tuấn, phường Ngô Quyền, thành phố Vĩnh Yên, thọ 90 tuổi (tuổi theo giấy tờ; còn tôi nhớ, năm 1976 ông bảo tôi: "Tớ 37 tuổi", tức lúc ông mất là 80 tuổi).

*

Tôi kể câu chuyện này, với hi vọng tìm con, cháu cho ông. Mong rằng vì tình máu mủ, con của ông sẽ nhớ về ông và biết ông đã qua đời, để ông không còn cô độc.

Mong muốn của tôi, dù thật mong manh, nhưng tôi vẫn cứ hi vọng.

Theo Chuyện làng quê