“Con dù lớn vẫn là con của mẹ,
Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con”
(Con cò - Chế Lan Viên)
Tỉnh dậy, người đầu tiên tôi nhìn thấy là mẹ. Bàn tay gầy gò, gân guốc, xanh xao của người nắm chặt lấy bàn tay tôi như truyền hơi ấm, như canh giấc ngủ, như nắm giữ lấy linh hồn đứa con gái bé bỏng thật chặt, ngăn cản vị thần bóng tối đón đi, vuột khỏi tình yêu thương của mẹ mãi mãi. Mẹ mệt, đầu gục xuống giường chợp mắt lúc nào không hay, những nếp nhăn trên trán mẹ xô lại, đan cài những lo âu cho đứa con gái nhỏ bé nhiều thiệt thòi. Mấy ngày chăm tôi bệnh, mái tóc mẹ bạc trắng. Nhìn mẹ thiêm thiếp trong giấc ngủ, lòng tôi quặn thắt, thương đến nao lòng. Cả cuộc đời mẹ là những chuỗi ngày vất vả, gian truân, chẳng được mấy niềm vui.
Ngày ấy, chiến tranh loạn lạc, ngoại tôi đưa sáu người con lưu lạc khắp mọi nơi trên đất Sài Gòn thênh thang, rộng lớn. Ngày thì lang thang khắp thành phố kiếm việc làm, ai thuê gì làm nấy miễn là có cái ăn nuôi đàn con nheo nhóc, đêm về mấy mẹ con trú ngủ ở vườn bông gần bãi rác, chịu biết bao khổ cực, đói lạnh.
Năm được 14 tuổi, mẹ rời Sài Gòn về quê sống nhờ nhà người quen. Với dáng người mảnh mai, mái tóc đen huyền dài óng ả, làn da trắng hồng với gương mặt phúc hậu, khả ái lại dịu dàng nết na đằm thắm và siêng năng nên được rất nhiều chàng trai để mắt. Cô Năm, chủ nhà cứ tấm tắc “đứa nào lấy được con bé này là có phúc lắm đó, vừa dịu dàng, lại chịu khó, tao mà có con trai tao sẽ nhận nó làm con dâu”. Lời khen của cô khiến mẹ ngại ngùng vô cùng bởi thấy mình tứ cố vô thân, ăn nhờ ở đậu, vẫn còn nhiều điều thiếu sót, chưa hoàn thiện, đâu có xứng đáng như lời khen ngợi của cô.
Chớm đôi mươi, mẹ lấy ba làm chồng – một chàng trai hiền lành, hay lam hay làm, hay giúp đỡ người khác một cách vô tư không vụ lợi. Cuộc sống làm dâu đầy nỗi nhọc nhằn, đắng cay mà mẹ không thể biết trước được khi lấy ba làm chồng. Bà nội tính tình phong kiến, khắt khe, bắt bẻ lỗi mẹ từng việc nhỏ. Bà đâu biết rằng, mỗi gia đình đều có gia cảnh khác nhau, chịu ảnh hưởng của sự giáo dục khác nhau nên khi về sống với nhau, ngoài những điều mà ta cho là “hòa hợp” thì cũng phải có một số điều có sự “vênh nhau” cần phải điều chỉnh để cho phù hợp, tiến tới xây dựng một gia đình hạnh phúc, ấm êm.
Thực ra, những việc mẹ làm đều không có lỗi, những cái lỗi của mẹ là do bà nội “đẻ” ra để giày vò cho bõ ghét. Mẹ có tội tình gì đâu mà sao bà nội hành hạ nhiều đến vậy. Quét nhà sót lại cọng rác, mắng; ăn cơm chưa kịp mời tăm, mắng; nấu cơm chậm chễ, mắng; cha đi làm về mệt, chưa kịp pha nước chanh đường, mắng; cơm có bữa nấu không ngon, mắng. Bị hắt hủi, cơ cực là vậy, nhưng mẹ vẫn không một lời ca thán, cãi lại bà lấy nửa lời. Mẹ cam chịu, mẹ nhu nhược? Không phải mẹ nhu nhược đâu. Mẹ muốn dùng tình cảm, sự chân thành của người con dâu hiếu thảo cảm hóa, mong rằng sẽ có ngày nội sẽ hiểu.
Làm dâu chưa được bao lâu nội cho ba mẹ tôi ra ở riêng. Để nuôi sống gia đình, ba phải bôn ba đi làm ăn xa nên ít có điều kiện về thăm gia đình. Chúng tôi nhớ ba lắm, lúc nào cũng hỏi mẹ ba đi đâu mà lâu không về với chúng con. Mẹ cười buồn, giấu vội giọt nước mắt trực lăn dài trên má “vài hôm nữa ba về, mua nhiều quà cho các con, nào là bánh kem, gấu bông, búp bê.... các con thích không?”. “Con thích”, tôi trả lời. “Ừ, ngủ đi con, khi thức dậy con sẽ có nhiều quà...” mẹ nhẹ nhàng xoa đầu, vuốt lưng, vỗ về chị em tôi đi vào giấc ngủ bằng lời ru dịu ngọt.
Trong giấc ngủ, tôi thấy cha về mang theo nhiều quà bánh cho mấy chị em. Cha nựng nịu, ôm hôn từng đứa. Còn chúng tôi tranh nhau giành phần được ba ẵm bồng, tranh nhau kể chuyện nhà cho cha nghe. Nào là chị hai hay đánh con, nào là đàn vịt nhà mình thỉnh thoảng bị mất trộm, nào là.....nhẹ nhàng đưa tôi vào giấc ngủ êm đềm.
Chị em tôi, đau bệnh triền miên, vắng người trụ cột của gia đình,vì thế, bao vất vả, lo toan càng oằn nặng trên đôi vai nhỏ bé, gầy gò của mẹ! Năm tôi lên ba, trong một đêm trăng rằm tháng giêng, ánh trăng sáng ngời tuyệt đẹp, mẹ hỏi tôi: “đố con, trăng của ai?”, “Dạ! Trăng của con …”. Trong suy nghĩ non nớt của mình, tôi thấy vầng trăng thật lạ mà gần gũi, tự lạm nhận là của mình. Mẹ chan hoà niềm vui, ôm chặt tôi vào lòng mắt lệ rưng rưng! Giá mà có ba ở bên thì mẹ đâu phải cực khổ nhiều như vậy.
Sau này, tôi được bác Hai kể cho biết sở dĩ mẹ tôi phải trốn nợ, phải sống trong sự khổ cực, đói nghèo là do bà nội ích kỉ vì sợ mẹ lén đem tiền của về bên ngoại nên khắt khe, đay nghiến, không giúp đỡ, mặc mẹ con tôi xoay sở, mặc dù nhà bà nội khá giả, có của ăn của để.
Đúng! Nhà ngoại tôi nghèo lắm, nhưng không vì sự đói nghèo mà đánh mất phẩm giá của mình “nghèo cho sạch, rách cho thơm”, dẫu có nghèo đói như thế nào đi chăng nữa cũng không nhờ vả nhà nội. Mà mẹ có “biển thủ” cái gì của nhà chồng đâu. Mẹ có lòng tự trọng của mẹ chứ! Những điều nội làm, mẹ dấu kín tận đáy lòng. Mẹ bảo phận làm con là phải có hiếu với cha mẹ, dù cha mẹ có điều gì không đúng. Phải biết bao dung và độ lượng. Có như vậy lòng mình mới thanh thản con ạ.
Mùa xuân năm 2000, khi những cánh én trao lượn hân hoan trong tiết trời ấm áp, những cành mai e ấp nụ báo hiệu mùa xuân đang đến gần thì gia đình xảy ra biến cố đau lòng. Mẹ suy sụp hẳn khi chị ba tôi rời khỏi cõi đời vì căn bệnh sốt cấp tính. Hơn một tháng mẹ nằm liệt giường, bỏ ăn bỏ uống thương số phận đứa con gái ngắn ngủi, đang tuổi ăn tuổi lớn đã phải ra đi. Chị mất, mẹ đau lòng lắm, tự dằn vặt liệu có phải do mình chủ quan, chưa quan tâm sâu sát tới con nên con mình mới bị bệnh? Phải chăng, do nghèo đói, không có tiền đưa con đi khám bệnh kịp thời nên chị mới sớm phải đi xa khi tuổi đời còn rất trẻ. Đau xót thay kẻ đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh.
Năm 16 tuồi, tôi mắc phải bệnh tim phải phẫu thuật. Khám bệnh ở Sài Gòn về, tôi chưa bao giờ được an giấc, đêm đêm đều nghe thấy tiếng trằn trọc, trăn trở của ba mẹ “dù thế nào cũng phải kiếm tiền để lo cho con mình được phẫu thuật sớm. Ba dứt khoát “bán hết ruộng đất để lo cho con”. Nghe những lời ấy, tôi thấy mình thật hạnh phúc khi được làm con của cha mẹ. Sự hy sinh của cha mẹ vì con cái là vô bờ bến, không có gì so sánh được. Thấy cha mẹ khổ cực vì mình, tôi đau lòng lắm khi thấy mình là gánh nặng, là nỗi bất hạnh của cha mẹ. Căn bệnh tim quái ác đã đem đến cho tôi sức khỏe yếu đuối, đem đến cho cha mẹ tôi nhiều lỗi lo âu. Nước mắt chan hoà ướt mềm chiếc gối, bờ môi run run nghe lòng chua xót.
Mẹ thức thâu đêm bên giường bệnh. Mẹ tắm giặt, lo cho tôi ăn từng muỗng cháo, muỗng canh, giấc ngủ. Tôi xót xa khi thấy mắt mẹ quầng sâu bao đêm dài thức trắng, đôi gò má nhô cao, đôi môi khô cứng nhưng mẹ vẫn nở nụ cười tươi gieo vào lòng tôi sự yên bình “ ca phẫu thuật thành công, con bình an là mẹ yên tâm rồi, bây giờ con cố ăn một chút cháo cho lại sức nhé”. Vâng lời mẹ, tôi cố gắng ăn hết chén cháo mà mẹ đã thức khuya dậy sớm nấu. Bàn tay nồng ấm của mẹ nhẹ nhàng vuốt gò má xanh xao, ánh mắt hiền từ trìu mến “Con khoẻ là niềm vui lớn nhất đời mẹ”. Vùi đầu vào ngực mẹ, cảm thấy hạnh phúc trong vòng tay yêu thương của người.
Dù tôi đã lớn nhưng mẹ vẫn quan tâm, chăm sóc như những ngày còn bé bỏng, bởi, so với các chị em trong nhà, tôi là đứa thiệt thòi nhất. Bệnh tim sau khi mổ cũng đã ổn định, còn bệnh đa khớp, thoái hóa đốt sống cổ cứ hành hạ tôi mãi. Tôi ở viện điều trị nhiều hơn ở nhà để châm cứu. Mỗi lần nhập viện, mẹ luôn là người ở bên lo lắng, chăm sóc cho tôi. Mẹ dìu tôi từng bước chân, nắn bóp các khớp cổ tay, cổ chân cho tôi đỡ đau đớn. Mỗi lần thấy gương mặt tôi nhăn nhó vì châm cứu đau, mẹ rơm rớm nước mắt, vội lau không để tôi nhìn thấy “bụi bay vào mắt ấy mà, đừng lo cho mẹ..”.
Ở tuổi 65, đáng lẽ mẹ phải được nghỉ ngơi, vui cùng con cháu, chăm sóc cây cảnh, đi tập thể dục dưỡng sinh với các cụ cao tuổi trong xã. Những niềm vui đơn giản của riêng mình, mẹ đành gác lại để tận tâm, tận lực chăm sóc cho đứa con gái nhiều thiệt thòi.
Lặng nhìn những sợi tóc của mẹ, tôi thấy mắt mình cay cay “Mẹ ơi, tình yêu của mẹ thật bao la, suốt cuộc đời này con không trả hết được”.