Triết lý kinh doanh của doanh nhân Việt đầu thế kỷ XX

Doanh nhân đầu TK XX là lớp doanh nhân đầu tiên của Việt Nam. Ra đời trong hoàn cảnh đất nước bị đô hộ bởi thực dân Pháp, nền kinh tế lạc hậu, khoa học kỹ thuật không phát triển. Triết lý kinh doanh của tầng lớp này thể hiện nhất quán sâu sắc từ tinh thần khởi nghiệp đến hoạt động, mục đích kinh doanh. Các doanh nhân đã xác định rõ: khởi nghiệp kinh doanh để kiếm tiền, làm giàu cho bản thân, quốc gia.

 

Doanh nhân Bạch Thái Bưởi. Ảnh internet

Sự khởi đầu này luôn gắn với việc chấp nhận rủi ro. Bên cạnh mong muốn làm giàu cho bản thân, mục đích kinh doanh của doanh nhân Việt Nam đầu TK XX là tự cường, cứu nước. Tư tưởng xuyên suốt trong văn hóa kinh doanh là dân quốc phú cường giành lại độc lập; thức tỉnh mở mang dân trí, đổi mới văn hóa; đua tranh với tư bản nước ngoài, khẳng định vị thế của doanh nhân Việt Nam.

Nói đến triết lý kinh doanh là nói đến những quan điểm chỉ đạo, định hướng dẫn dắt hoạt động kinh doanh. Triết lý kinh doanh là hạt nhân cốt lõi nhất của văn hóa kinh doanh, được hình thành trên cơ sở thế giới quan, nhân sinh quan, xã hội quan của thời đại, của mỗi cộng đồng doanh nhân. Triết lý kinh doanh được hình thành từ thực tiễn, những trải nghiệm trong kinh doanh của doanh nhân, sau mỗi giai đoạn thành công hoặc thất bại, họ phải định hướng lại tương lai: làm gì, làm thế nào để ngày càng phát triển. Triết lý kinh doanh cũng có thể được xác lập ở giai đoạn khởi nghiệp của doanh nhân, khi mới hình thành con đường kinh doanh, khi những người đứng đầu tự hoạch định đường hướng, làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động kinh doanh, thể hiện tầm nhìn của doanh nhân, dẫn dắt doanh nghiệp hoạt động, gặt hái thành công.

Triết lý kinh doanh của doanh nhân Việt Nam đầu TK XX thể hiện ở tư tưởng dân quốc phú cường giành lại độc lập, tức lấy tinh thần yêu nước làm đầu. Là thế hệ doanh nhân đầu tiên trong lịch sử nước ta, doanh nhân Việt Nam đầu TK XX ra đời với tâm thế là người dân của một nước mất độc lập, tự do. Khao khát giành độc lập, tự do luôn chảy trong trái tim của người Việt nói chung, doanh nhân nói riêng: “Sống làm nô lệ sống như chết/ Chết có tinh thần, chết tựa sinh” (1). Vì vậy, kể từ khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta, lớp lớp người Việt đã nổi dậy đấu tranh giành độc lập, song các cuộc đấu tranh lần lượt đi đến thất bại.

Trong khi hoàn toàn bế tắc vì các phong trào yêu nước, đặc biệt là phong trào Cần Vương do tầng lớp sỹ phu phong kiến lãnh đạo đều đi đến thất bại, các trí thức Việt Nam đã gặp làn sóng tân văn, tân thư và chứng kiến sức mạnh của khoa học kỹ thuật do thực dân Pháp mang tới. Tư tưởng của cuộc cách mạng Pháp qua tân văn, tân thư, tinh thần từ cuộc duy tân của Nhật Bản như luồng ánh sáng đem lại những nhận thức mới cho các nhà Nho yêu nước thời kỳ này.

Đứng trước câu hỏi tại sao Nhật Bản, một nước đồng chủng, lại thành công đến vậy, những trí thức Việt Nam tìm kiếm một con đường để mưu cầu cứu nước: đó là duy tân đổi mới. Phải thông qua đổi mới giáo dục thực nghiệp, đổi mới kinh doanh mới có thể làm cho nước mạnh, dân giàu, từ đó đi đến giành độc lập. Đầu TK XX, trong Văn minh tân học sách đã đề cao tinh thần thực nghiệp công thương, chỉ ra yêu cầu cấp thiết phải chấn hưng công nghệ. Nhận thấy cái lý chung của một nước quan trọng nhất là buôn bán. Đường buôn bán có thịnh thì nước mới thịnh, đường buôn bán suy thì nước cũng suy.

Việc tân học kíp đem dựng nước

Hợp doanh đoàn cả nước cùng nhau

Việc buôn ta lấy làm đầu

Mọi nghề cùng với địa cầu một phen.

Hay:

Rủ nhau một họ Hồng Bàng

Hồng Tân Hưng Thịnh mở ngôi hàng bán chung (2).

Xuất phát từ nhu cầu tìm một con đường cứu nước, các trí thức đã tìm hiểu lý do sâu xa khiến kẻ thù có thể đặt chân xâm lược nước ta do nước yếu, dân nghèo. Từ đó, họ tự giác trở thành những người tiên phong đầu tư kinh doanh buôn bán, kêu gọi người Việt Nam cùng khởi nghiệp kinh doanh như: Lương Văn Can, Trần Chánh Chiếu, Hồ Tá Bang... Phải khẳng định rằng, trong khi các tầng lớp xã hội chưa tìm được một giai cấp lãnh đạo đủ mạnh, chưa có một con đường đúng đắn để giành độc lập thì hướng đi của các doanh nhân, trí thức thời kỳ này là hợp lý, rất đáng trân trọng. Những thành quả kinh doanh của họ đã được sử dụng với mục đích hỗ trợ thanh niên yêu nước xuất ngoại tìm đường cứu nước trong phong trào Đông Du: “Những mong dụng sức xoay trời lại/ Vận động đàn em gấp xuất dương” hay âm thầm ủng hộ kinh tài cho những yếu nhân Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Cường Để... thực hiện truyền bá tư tưởng, tinh thần yêu nước.

Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, lớp doanh nhân đã sáng rõ con đường kinh doanh vì lý tưởng độc lập dân tộc. Bằng nhiều hoạt động thiết thực, nhiều doanh nhân Việt Nam đã cống hiến cho cách mạng như: Trịnh Văn Bô, Nguyễn Sơn Hà... Thành quả kinh doanh của họ là nguồn tài chính vô cùng quý giá ủng hộ cách mạng, một trong những điều kiện tiên quyết để sự nghiệp giành và giữ độc lập dân tộc.

Tinh thần yêu nước của lớp doanh nhân Việt Nam đầu TK XX thể hiện rõ trong cách mạng tháng Tám. Sau khi giành chính quyền, ngân khố quốc gia gần như trống rỗng. Trước nhu cầu cấp bách về tài chính, chính phủ chủ trương thành lập Quỹ độc lập, bước đầu tổ chức Tuần lễ vàng trong cả nước từ ngày 17-9-1945. Chỉ trong 7 ngày từ 17 đến 24-9-1945, đồng bào cả nước, chủ yếu là các gia đình doanh nhân giàu có đã ủng hộ nhiều vàng, bạc, tiền Đông Dương. Tiêu biểu như gia đình các ông bà: Trịnh Văn Bô, Ngô Tử Hạ, Nguyễn Sơn Hà… Việc làm này đã thể hiện tinh thần yêu nước, ý thức giác ngộ cách mạng của giới công thương đối với sự nghiệp bảo vệ nền độc lập dân tộc. Triết lý kinh doanh của lớp doanh nhân đầu TK XX không phải là những khẩu hiệu to tát, không phải là những bài diễn văn hùng hồn mà bằng những hoạt động cụ thể thiết thực, từ âm thầm ủng hộ cách mạng đến sôi nổi trong tuần lễ vàng, những đóng góp to lớn trong kháng chiến chống Pháp.

Triết lý kinh doanh thức tỉnh, mở mang dân trí, đổi mới văn hóa. Tâm lý coi thường kinh doanh buôn bán, tư tưởng an phận thủ thường, ngại dấn thân, không dám đi xa, thiếu thành thật, thiếu kiên nhẫn, ưa phù hoa nên sự nghiệp kinh doanh buôn bán nằm cả trong tay những người đàn bà vốn bị coi là không làm được việc lớn. Lương Văn Can, một doanh nhân, đồng thời là người thày trong giới nhà buôn cũng đã chỉ ra: “Cổ nhân thường khinh sự buôn là mạt nghệ, bởi người xưa trọng đạo đức mà khinh công lợi, thấy người buôn bán tham lợi vô yếm, ít có nói thực, sợ mất cái lòng đạo đức đi” (3). Các doanh nhân đã nhận thức sâu sắc cần phải có cách nhìn nhận xác đáng về vai trò của thương mại chấn hưng kinh tế, làm cho đất nước tự cường. Việc kêu gọi và trực tiếp bỏ tiền ra làm ruộng, buôn bán, mở mang thương mại, chấn hưng kinh tế được coi là cuộc cách mạng của các nhà Nho tân tiến, chống lại quan niệm cũ lạc hậu, thủ cựu.

Những suy nghĩ trọng nông ức thương, coi thường công nghệ ăn sâu trong tâm trí người Việt tưởng chừng không thể thay đổi. Nhưng chỉ trong thời gian vài thập kỷ, bắt đầu từ một cuộc vận động mang tính chất tư sản, cùng với yếu tố khách quan là chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, đã bị các trí thức Việt Nam tận dụng thời cơ, đấu tranh, tuyên truyền làm thức tỉnh các tầng lớp nhân dân. Đầu tiên là các bài viết của tác giả Lương Thúc Dũ, bút danh của Lương Khắc Ninh, trên tờ báo kinh tế Nông cổ mín đàm. Đây được coi là tờ báo phục vụ những doanh nhân, nhà tư sản, những người muốn khởi nghiệp kinh doanh. Đồng thời là tờ báo thể hiện tiếng nói của giới doanh nhân lúc bấy giờ:

Nghĩ coi lục tỉnh nước ta,

Mấy nơi buôn bán, mấy nhà công ty

Cũng vì cái tính đa nghi

Làm cho phong tục bại suy luân thường

Bao giờ mở đặng cuộc thương

Muôn dân lạc nghiệp âu trường âu ca.

 (Báo Nông cổ mín đàm, ngày 1-5-1902)

Sau đó, càng nhiều bài viết trên báo Lục tỉnh tân văn, Thực nghiệp thời báo... Một phong trào kinh doanh sôi nổi bắt đầu diễn ra khắp cả nước. Đây chính là cuộc cách mạng lớn nhất trong suy nghĩ, hành động của các nhà Nho học, Tân học, đồng thời là doanh nhân giai đoạn này. Một cuộc cách mạng về tư tưởng. Đó là sự thức tỉnh trước thực tế quá lạc hậu của xã hội Việt Nam với nền kinh tế nông nghiệp manh mún, sự phát triển khoa học của các nước đang diễn ra mạnh mẽ. Vì vậy, có thể khẳng định, tư tưởng thức tỉnh mở mang dân trí, đổi mới văn hóa là một trong những giá trị cốt lõi trong triết lý kinh doanh của doanh nhân Việt Nam đầu TK XX.

Triết lý kinh doanh, tinh thần đua tranh với tư bản nước ngoài đã khẳng định vị thế của doanh nhân Việt Nam. Tập quán của người Việt vốn không trọng kinh doanh buôn bán nên chỉ khi sự xuất hiện của tư bản phương Tây, trước nhu cầu tìm một con đường cứu nước hoàn toàn mới, đặc biệt là sự vận động của thế giới với công cuộc đổi mới của các quốc gia châu Á, người Việt mới sực tỉnh cơn mê. Trước thực tế các hoạt động buôn bán lớn đều trong tay người nước ngoài, tiền của đều bị người nước ngoài rút hết đưa về nước họ, doanh nhân Nghiêm Xuân Quảng đã viết những lời xót xa: “Biết bao nhiêu là đèn, là dầu, là vải, là vóc, là ô, nào giày, nào bít tất, là đồ văn minh các nước vẫn chở vào nước mình; thế mà nước mình không có một cái gì để đổi lại. Mà lại để cho những hiệu khách buôn đi bán lại, để thâu cho hết tiền bạc của ta, mang từng xe từng hòm đi… nước ta được bao nhiêu của, giọt máu, mồ hôi, mà để đựng vào cái chén bốn mặt thấm hết đi, thì được bao lâu mà cạn hết?” (Nghiêm Xuân Quảng, Đăng cổ tùng báo, số 796, năm 1907).

Không chỉ đơn thuần là sự hô hào sách vở, một cuộc tranh thương gay gắt chưa từng có, kéo dài trong khoảng 10 năm (1919-1929), khắp các thành phố lớn. Sau sự kiện, một thương nhân Hoa kiều tỏ ý khinh thường khả năng kinh doanh của người Việt, một số cửa hàng Hoa kiều tăng giá hàng hóa. Doanh nhân Việt Nam đã hùn vốn, đồng lòng đoàn kết để tạo nên sức mạnh cạnh tranh với Chệc, Chà (Chệc hay Chệt chỉ những nhà buôn người Hoa, Chà hay Chà Và chỉ những nhà buôn người Ấn). Phong trào tẩy chay khách trú gay gắt, thậm chí đã đẩy lên thành bạo động (đập phá cửa hiệu của người Hoa ở Hải Phòng) khiến cho nhà cầm quyền Pháp phải ra tay can thiệp.

Không chỉ cạnh tranh với thương nhân Chà, Chệt, doanh nhân Việt Nam còn sẵn sàng đối đầu với tư bản Pháp, khẳng định vị thế của mình. Câu chuyện về cuộc đối thoại giữa Bạch Thái Bưởi và Robin, mặc dù chỉ là giai thoại, nhưng thể hiện khí phách của doanh nhân Việt Nam (4). Những doanh nhân sau này như: Trương Văn Bền, Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà… cạnh tranh với tư bản nước ngoài bằng trí tuệ, bản lĩnh, luôn học hỏi, tìm tòi công nghệ mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, từng bước chiếm lĩnh thị trường, đánh bại sản phẩm từ các nước tiên tiến. Xà bông Cô Ba của Trương Văn Bền, sơn Durolac của Nguyễn Sơn Hà... ngày càng được người tiêu dùng lựa chọn, thậm chí vươn ra thị trường thế giới. Hơn thế, họ luôn tự hào mình là người Việt Nam, muốn khẳng định vị thế của người Việt trên trường quốc tế. Điều này được thể hiện ở việc đặt tên những con tàu mang đậm dấu ấn lịch sử như: Lạc Long, Hồng Bàng, Trưng Trắc, Đinh Tiên Hoàng, Lê Lợi, Hàm Nghi... Quảng cáo sản phẩm bằng những câu thơ, câu vọng cổ… thấm đẫm tình yêu quê hương, gắn liền với văn hóa Việt Nam.

Như vậy, không khó để thấy rằng, mục đích cuối cùng của hoạt động kinh doanh của các doanh nhân đầu TK XX là khôi phục lại độc lập dân tộc, khôi phục chủ quyền cho đất nước, “cho mở trí dân nhà”, cho “nước ta phú cường”, để “tự cường độc lập là đường chân tu”. Triết lý kinh doanh của các doanh nhân không phải chỉ là những ý tưởng nằm trong suy nghĩ, trên lời nói mà đã được hiện thực hóa qua hoạt động của họ như: hùn vốn mở rộng sản xuất, hùn vốn khai khoáng mỏ hay mở các cửa hàng dịch vụ. Chỉ trong một thời gian ngắn, với triết lý kinh doanh cao cả làm kim chỉ nam cho mọi hành động, phong trào chấn hưng kinh tế, chủ trương phát triển thực nghiệp của doanh nhân Việt Nam phát triển rộng khắp, khẳng định bản lĩnh doanh nhân Việt, góp phần vào thắng lợi của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.

______________

1. Câu đối ghi trên bia mộ doanh nhân Hồ Tá Bang chính là quan điểm sống của ông và thế hệ doanh nhân đầu TK XX.

2. Văn thơ Đông Kinh Nghĩa Thục, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1997, tr.154-155.

3. Lương Văn Can, Thương học phương châm, nhà in Thủy Ký, Hà Nội, 1936, lời tựa.

4. Trong một cuộc họp của Hội đồng kinh tế tài lý, Bạch Thái Bưởi đã lên tiếng bênh vực quyền lợi của người dân bị trị. Bị chạm nọc, René Robin, Thống sứ Bắc kỳ lúc bấy giờ giận dữ đe dọa: “Nơi nào có Robin thì không có Bạch Thái Bưởi”. Bạch Thái Bưởi đáp lại: “Nước này còn Bạch Thái Bưởi thì không còn Robin. Tôi kinh doanh trên đất nước tôi, xung quanh tôi là đồng bào tôi, chẳng lẽ đồng bào tôi không ủng hộ tôi hay sao”. Robin rất tức tối nhưng không làm gì được vì ông Bưởi hoạt động rất kín kẽ.