Trong có ấm ngoài mới êm

Cụ Tình năm nay chín mươi ba tuổi, dáng người tầm thước, ở tuổi này rồi mà lưng cụ hơi còng chút thôi. Tuy tuổi đã cao, ấy vậy mà cụ còn đi xe đạp giỏi lắm.

minh-hoa-2-1650258223.jpgHình ảnh minh họa do tác giả cung caaso.

 

Hơn bảy giờ sáng cụ dắt xe đến quán nghiền bột:

-Chị ơi! Chị có ở nhà đấy hở?

-Dạ! Cháu có, cụ chờ cháu một chút cháu sẽ lên ngay đây ạ!

Chị chủ quán năm nay gần năm mươi tuổi, đúng bề bậc thì chị gọi cụ Tình bằng ông xưng cháu nhưng vì chị đã có cháu nên chị gọi cụ Tình là cụ xưng cháu cho phải phép. Ngày nào cũng vậy, tám rưỡi sáng là chị đón đứa cháu nội từ nhà riêng của con trai về nhà mình, vì vậy sáng ra chị phải tranh thủ làm hết những việc vặt cho đỡ mải. Đang giở tay, nghe tiếng cụ Tình gọi chị đành bỏ việc đó chạy lên xem cụ cần gì.

-Dạ! Cụ ơi cháu có thể giúp gì cho cụ đây?

-Chị nghiền giúp tôi chỗ đậu đỗ này với.

-Vâng! Cụ đưa đây cháu làm cho ạ!

Chị mở túi đỗ của cụ ra thấy có đỗ đen, đỗ tương, đỗ xanh, gạo nếp và hạt sen khô, tất cả đã được trộn đều, chín tới, nhìn thôi cũng đủ thấy người rang thật là khéo tay. Vừa đổ lên máy chị vừa hỏi cụ:

-Chỗ đậu đỗ này tự tay cụ rang đấy ạ?

-Không con dâu tôi nó rang hôm qua đấy, thấy nó bận quá tôi bảo nó: cứ để đấy mai thầy mang đi nghiền. Ơn trời tôi vẫn còn đi lại được chị ạ, cái gì bản thân có thể làm được thì tôi vẫn làm chứ việc gì cũng chờ chúng nó thì khổ thân chúng. Vừa rồi ra ngõ tôi dặn vợ chồng nó là: tớ đi nghiền bột nhé. Ngày xưa mình đẻ ra nó, trông nom nó, khà khà khà giờ mình già nó phải quản lại mình chị ạ!

Thật tài tình, tiếng máy cứ ro ro vậy mà chị hỏi câu nào cụ trả lời câu ấy, không cần phải hỏi đến câu thứ hai, cụ kể thêm:

-Nói thật chả giấu gì chị, con dâu tôi hôm nào mà nó đi chợ…là nó mua giò chả, bánh cuốn cho tôi ăn sáng. Tôi nghiền bột này…hôm nào nó không đi chợ thì tôi cho một thìa vào cốc với chút đường…đổ nước sôi vào khuấy lên thế rồi uống… no đến trưa chị ạ!

-Cụ ơi! Vậy là cụ ăn riêng đấy hở?

-Vâng tôi ăn riêng!

-Cụ nấu một bữa ăn hai hay ăn bữa nào cụ nấu bữa đấy ạ?

-Ăn bữa nào nấu bữa đấy chị ạ!

-Vâng! Một mình cụ cứ ăn bữa nào nấu bữa đấy cho nó ngon chứ cứ cắm đi cắm lại thì vừa cháy vừa cứng thì ăn làm sao được cụ nhỉ?

-Vâng đúng rồi chị ạ!

Nhìn cụ cười mà hai hàm răng chưa rụng đi là mấy, nụ cười hiền lành phúc hậu.

-Cụ ơi! Thế gạo cụ ăn hàng ngày thì cô chú nào cho ạ?

-Không chị ơi tôi không lấy của đứa nào, tôi đi đong chị ạ !

-Thế cụ có lương không ạ?

Chả giấu gì chị tôi có tí trợ cấp năm mươi năm tuổi đảng, với lại tí trợ cấp người già..cộng với chút tiền lãi tiết kiệm hàng tháng nữa…tất cả khoảng hơn triệu. Nói thật với chị tôi có vậy đó..tiêu pha đi rồi nếu dư dả đồng nào tôi toàn đưa cho con dâu giữ hộ chứ mình cũng chẳng cầm làm gì. Tôi có một anh con trai với ba cô con gái, chị biết chứ?

Vừa tắt máy nghiền chị vừa trả lời cụ:

-Dạ cháu có biết ạ!

-Bốn đứa nhà tôi đứa nào cũng quan tâm đến bố.. mấy bà hàng xóm cứ bảo rằng: nhà ông chúng nó còn hay mua giò, mua bánh cuốn chứ nhà tôi có c*t chúng nó ý. Tôi bảo với các bà ấy rằng: các bà buồn cười lắm, tại sao các bà cứ nói con cái thế nhỉ, bây giờ chúng nó cũng còn phải nuôi con chúng nó tốn kém lắm chứ.. mình nên thông cảm cho chúng nó bà ạ. Chị tính nhiều hôm con cái đến nhà chơi các bà ấy còn nói thế này chứ..các bà ấy bảo: mẹ nó, nó lại vác mặt tới rồi đấy. Tôi bảo: con cháu nó đến thì các bà phải vui mừng thì chúng nó mới quý chứ ai lại đi nói vậy thì lần sau chúng nó không muốn đến đâu.

Rót cốc nước chè mời cụ xong chị ngồi lắng tai nghe cụ kể tiếp:

-Chị ạ! Ngày xưa lúc tôi mới đi thoát ly có người giới thiệu cho tôi một cô gái người thành phố nhưng lúc đó tôi trả lời rằng tôi chưa nghĩ đến chuyện lập gia đình vì tôi mới ngoài hai mươi tí ý mà.

-Dạ! Cháu xin ngắt lời cụ, thế cụ đi thoát ly thì phải có lương chứ ạ?

-Ngày xưa tôi lấy một cục rồi chị ạ! Chị để tôi kể tiếp cho mà nghe. Thế rồi sau đó tôi về lấy bà nhà tôi cùng cảnh quê cho dễ sống chị ạ. Tôi nhớ lời thầy tôi dặn là trong gia đình có chuyện gì cứ nói với nhau lúc ăn cơm ý, chứ khi ăn xong rồi đứng lên mỗi người một nơi thì ai còn nói với ai nữa. Vậy là nhà tôi cứ đến bữa là lần lượt, anh con trai lớn bảo với mấy đứa em rằng: để tớ kể trước nhé, mấy đứa em gái bảo rằng: vâng anh kể trước đi. Thế là anh lớn kể: này nhé lúc chiều ông A hàng xóm chửi đm bà A , thế là bà A chắp tay vào nách bảo: đ** chó, đ** chó.

Nghe cụ kể vậy nên hai ông cháu cùng phá lên cười, cụ tiếp tục kể:

-Thế rồi đến lượt cô con gái lớn nhất kể: này nhé hôm qua em đi ra đồng bắt gặp bà B xóm mình đang ngồi ị đồng nhé, thế là cả nhà tôi đang ăn cũng phải phá lên cười, tôi bảo: thứ nhất quận công, thứ hai ị đồng mà lại.

-Thế là sao hở cụ? Chị hỏi.

-Là sướng như quan công ngày xưa với lại ị đồng nó mát vì không có ruồi muỗi bâu í mà khà khà khà.

Thế rồi bốn đứa con nhà tôi cứ lần lượt kể chuyện trong bữa ăn, nhiều người đi qua ngõ cứ bảo nhà này ăn cơm mà nói chuyện xôn xao thế ! khà khà khà!

-Vâng thế thì vui cụ nhỉ, vậy cụ cho cháu hỏi cụ bà mất được mấy năm rồi ạ?

-Mười năm rồi chị ơi, năm ngoái bố con tôi làm mộ cho bà ấy rồi. Tiền mua quan quách và chi phí bốc mộ thì tôi bỏ ra còn tiền ăn uống thì anh cả bỏ, ba cô con gái cứ đòi đóng góp, cô con dâu bảo các cô đưa cho tôi mỗi người một trăm mua hương hoa cho bà là xong!

-Một trăm nghìn á cụ? Chị hỏi lại cho chắc hay cụ nói nhầm.

-Vâng một trăm nghìn ý! Nhớ lại lúc bà nhà tôi yếu đau. Ba anh con rể cứ đòi trông nom, tôi bảo việc đấy cứ để tôi, các anh cứ đi làm việc của các anh đi, anh có ăn thì tôi cũng có ăn. Các anh ấy về hết bà nhà tôi mới bảo với tôi rằng: sao ông không để chúng nó thay nhau giúp. Tôi bảo: bà ơi ngày xưa chúng nó còn bé, chỗ khô con nằm chỗ ướt bà nằm, bà vất vả thế cơ mà, giờ tôi phục vụ bà chút ít có là gì đâu.

   Chị ngồi đó gật đầu lia lịa cảm phục một người như cụ sống trọng tình trọng nghĩa quá, bỗng chị nhớ ra một sự việc về cụ mới gần đây thôi, chị hỏi:

-À cụ ơi! Thế hôm nọ cháu nghe nói cụ bị làm sao thế ạ?

-Ui! Chị ơi, hôm đó tôi đi nộp tiền điện về, có lẽ tôi bị tụt huyết áp nên ngã sấp mặt xuống đường, máu me đầy mồm, người không biết gì nữa. Thế rồi hàng xóm gọi nhau đưa tôi về sau đó gọi anh Tuấn sang tiêm trợ sức với cầm máu cho tôi (người chuyên đi tiêm ở địa phương). Cô con gái út thì đổ sữa vào miệng cho tôi nhưng lúc đấy tôi bị cứng hàm, nó cứ đổ rồi chảy vào tí nào hay tí ấy. Dần dà hơn tiếng sau tôi mới tỉnh sau đó anh ấy mới tiếp đạm cho tôi. Nói với chị rằng trường hợp như của tôi vào người khác cứ dựa vào cái bảo hiểm rồi đưa ngay đi viện có khi lại chết dọc đường ấy chị ạ!

-Vâng quả thật là may quá cụ nhỉ? Năm nay cụ bao tuổi rồi ạ?

-Tôi chín mươi ba đấy chị!

-Ui ! Cụ chín mươi ba tuổi mà vẫn đi được xe đạp này, mắt vẫn còn sáng này, răng chưa rụng mấy này, tai lại không bị điếc nữa này, quả thực mấy ai được như cụ ạ!

-Tôi thì không giàu tiền nhưng tôi giàu tình cảm, sống có đầu có đuôi, gia đình tôi lúc nào cũng vui vẻ, trong có ấm thì ngoài mới êm chị ạ! Mình là người đầu tầu, mình sống sao để làm gương cho con cháu. Mình sống phải thì con cháu nó mới phục.

Chợt nhớ ra mình ngồi hơi lâu sợ rằng con cái lại sốt ruột cụ đành lòng đứng lên:

-Thôi chị ơi, có lẽ tôi phải về đây không vợ chồng anh con trai lại sốt ruột. Từ nãy tới giờ tôi nói có gì không phải chị bỏ qua nhé!

-Dạ! Cụ ơi cháu cũng muốn nghe cụ nói chuyện lắm ạ nhưng giờ cháu cũng phải vào đón thằng cháu nội ra đây ạ!

Dắt xe đạp cho cụ ra ngoài đường chị dặn:

-Cụ ơi, cháu xin phép dặn cụ câu này ạ, tuổi cụ cao rồi nên cụ hạn chế đi xe đạp thôi cụ nhé!

-Vâng thôi tôi về chị nhé!

-Vâng cụ về ạ!

Nắng đã lên cao, chị nhìn theo bóng cụ đi khuất, chị vội khoá cổng vào đón thằng cháu, chắc giờ này nó đang chờ chị.

Chuyện Làng Quê