Trường ca Đam San - viên ngọc quý của người Ê Đê

Pho sử thi của người Ê Đê - “Trường ca Đam San” là niềm tự hào, viên ngọc sáng trong kho tàng “khan” của các cộng đồng thiểu số ở Tây Nguyên.

 

 

dam-san-1-1652512674.jpgĐam san 1 : Ảnh minh hoa. Nguồn internet

 

Khi đến với người Ê Đê ở Đắk Lắk, trong các lễ hội thường diễn ra từ tháng giêng đến tháng 3 âm lịch, người ta dễ bắt gặp những cuộc kể "khan". Sinh hoạt văn hóa này có độ dài ngắn khác tùy mục đích. Khi thì để đón khách, lúc để mừng nhà dài mới, thậm chí là tiễn đưa linh hồn người chết. Những cuộc "khan" có thể chỉ diễn ra trong một vài giờ đồng hồ, có khi kéo dài suốt 2 ngày đêm liền.

Người bản địa gọi là "pô khan" diễn nôm nghĩa là kể chuyện xưa, nhưng kỳ thực "khan" thường là chuyện về tổ tiên của cộng đồng, những người được suy tôn là anh hùng, là tù trưởng của mọi tù trưởng. Đó thường là những người hoàn thiện, hoàn mỹ cả về hình thức, sức mạnh, lòng can đảm, trí tuệ lẫn tâm hồn. Và chàng Đam San trong thiên sử thi cùng tên là nhân vật hoàn hảo như thế.

Trường ca Đam San (hay còn gọi là Đăm Săn) được sáng tạo bởi người Ê Đê. Người Ê Đê có đời sống tinh thần phong phú, trong đó có kể "khan" với hàng trăm câu chuyện khác nhau và Đam San là câu chuyện nổi danh bậc nhất. Chuyện có hơn 2.000 câu thơ nói về cuộc đời và những cuộc chinh phục của tù trường Đam San.

Theo tập tục của người Ê Đê, Đam San phải lấy hai chị em là H'Nhi và H'Bhi làm vợ. Sau cưới, chàng phải về ở bên nhà vợ. Đam San không muốn lấy hai nàng "được trời ban" làm vợ, vì thế đích thân nhà trời phải đến thúc ép. Chàng phải khuất phục trước tập tục cộng đồng. Nhưng khi về nhà vợ, Đam San trễ nải việc ruộng nương, chàng còn cố tình chặt cây thần smuk là cây tổ tiên, cây hồn vía đã sinh ra hai người vợ của chàng là H'Nhi và H'Bhi. Hành động tày đình này đã khiến hai người vợ phải trải qua hai lần chết. Nhưng rồi chính Đam San lại khóc thương họ và cầu xin thần linh cho các nàng được sống lại.

dam-san-2-1652512674.jpegSử thi Đam San nói lên khát vọng lớn lao của con người trong công cuộc chinh phục thiên nhiên Ảnh minh họa – nguồn internet

Với sức mạnh trí tuệ và lòng can đảm vô song, Đam San đã lập nên những kỳ tích mà không một tù trưởng nào bì kịp. Chàng khẩn ruộng, làm rẫy, thuần phục đàn voi hung dữ và thực hiện những cuộc chiến với các tù trưởng (Mtao) đã bắt cóc vợ mình là Grư và Mxây và một vài tù trưởng khác khiến họ thần phục và đi theo mình. Để hiện thực hóa khát vọng lớn lao của mình, Đam San đi cầu hôn Nữ thần Mặt Trời như bị từ chối vì nàng đi đến đâu sẽ khiến cỏ cây cháy rụi, hạn hán liên miên. Chàng tức giận trở về và chết chìm giữa rừng sình lầy. Đam San hóa thành con ruồi bay vào miệng chị gái mình và sinh ra Đam San cháu, tiếp tục khát vọng của người cậu.

Nội dung câu chuyện là như vậy, nhưng để thực hiện được một cuộc kể "khan" Đam San không hề dễ dàng, khi thường chỉ được một người thực hiện nhiều khi kéo dài thâu đêm suốt sáng. Trong cuộc "khan", người kể trở thành trung tâm của cuộc vui. Đó là một tù trưởng, một sự hóa thân của chàng Đam San với đầy đủ sức hấp dẫn của nhân vật huyền thoại. Người kể bằng năng lực của mình tái hiện một Đam San trong sử thi với "Ria mép như mây song bột, râu cằm như mây song đá, râu quai nón mọc từ cằm đến sát tai. Lông chân thì quăn, lông đùi thì rậm, lông mi cong, mặt mũi đỏ hồng như men rượu nồng". 

Ngoài ra người kể khan còn phải diễn ta được sức mạnh của chàng trong những cuộc chiến mà ở đó không hề có cảnh chết chóc, đau thương nhưng vẫn toát lên sức mạnh vô địch của người anh hùng. Đam San chỉ đánh cho kẻ thù thua cuộc mà thần phục mà hướng thiện. Việc tái hiện một cách sáng tạo nỗi thất vọng của Đam San khi bị nữ thần Mặt Trời từ chối lời cầu hôn cũng đòi hỏi người diễn phải đạt đến một tài năng nhất định.

Trong sử thi nói chung và Đam San nói riêng, vẻ đẹp hoàn mỹ cũng như sức mạnh vô song của nhân vật anh hùng là trung tâm của câu chuyện. Đó cũng là ước vọng và khát khao vươn đến sự sung túc, khát khao chinh phục thiên nhiên cũng như những thế lực siêu nhiên, thần bí của cộng đồng. Và niềm khao khát ấy sẽ còn mãi theo cùng sự phát triển của những làng bản mơi núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ và của xã hội loài người. Đó cũng là điều làm nên sự trường tồn của thiên sử thi.

Tác phẩm không chỉ có sức ảnh hưởng đối với cộng đồng người Ê Đê mà đã trở thành kiệt tác văn chương của văn học dân gian Việt Nam. Trường ca Đam San được giảng dạy trong chương trình ngữ văn THPT và từng xuất hiện trong những dự án điện ảnh. Sử thi Đam San còn là nguồn cảm hứng cho những ca khúc mang âm hưởng dân ca Tây Nguyên, trong đó phải kể đến Đi tìm lời ru Nữ thần Mặt Trời của nhạc sĩ người Tây Nguyên Yphon Ksor. Qua lời bài hát nói về người nghệ sĩ một mình lang thang đi tìm lời ru mặt trời ta như bắt gặp bóng dáng chàng Đam San bước ra từ huyền thoại. Ca khúc đã được nhiều thế hệ nghệ sĩ thể hiện thành công, trong đó nổi bật là cố NSND Y Moan, một người con ưu tú của cộng đồng dân tộc Ê Đê.