Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội long trọng kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và đón nhận bức chân dung Bác Hồ do Khu Di tích trao tặng

Quyết Tuấn

Sáng ngày 19/5/2025, trong không khí trang nghiêm và xúc động, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã tổ chức Lễ kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025) và đón nhận bức chân dung Bác Hồ ghép từ hàng vạn đóa sen do Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch trao tặng.

Tham dự buổi lễ có các thầy cô trong Ban giám hiệu, đại diện các khoa, bộ môn, cán bộ, nhân viên, giảng viên của nhà trường, cùng đông đảo sinh viên các khóa. Buổi lễ cũng vinh dự đón tiếp đại diện các cơ quan quản lý cấp trên, các đơn vị đối tác và khách mời. 

Mở đầu chương trình là các tiết mục nghệ thuật đặc sắc, đầy xúc động đến từ NSƯT Hương Giang, Á quân Giọng hát hay Hà Nội 2024 Mai Nguyễn Anh, các Ca sĩ Thanh Phong, Minh Ngọc, Thanh Huyền và vũ đoàn Hương Sen – những nghệ sĩ đến từ quê hương Bác. Các tiết mục đã ngợi ca công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với dân tộc Việt Nam và nhân loại tiến bộ.

bh02-1747650221.jpg

Toàn cảnh buổi Lễ.

Tiếp theo, các đại biểu được xem bộ phim tài liệu “Hồ Chí Minh trên đất nước Lê-nin” do các nhà làm phim Liên Xô thực hiện. Những thước phim đen trắng quý giá ghi lại hình ảnh chân thực và xúc động về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những lần đến Liên Xô, từ hoạt động tại Đại hội Đảng, các buổi gặp gỡ lãnh đạo, đến những cuộc trò chuyện ấm áp với thiếu nhi và nhân dân Nga. Phim cũng tái hiện khoảnh khắc lịch sử chiến thắng của dân tộc tại Dinh Độc Lập, nơi mà Bác đã không còn kịp chứng kiến. Hình ảnh đó khiến người xem không khỏi nghẹn ngào.

Phát biểu tại buổi lễ, GS.TS Nguyễn Công Nghiệp – Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Thường trực Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã ôn lại những dấu mốc đặc biệt trong cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông nhấn mạnh, từ lần đầu tiên sinh nhật Bác được tổ chức năm 1946 đến nay, mỗi dịp tháng Năm về, toàn dân tộc lại bày tỏ lòng thành kính, biết ơn Người. Dù sinh thời Bác luôn giản dị, không muốn tổ chức sinh nhật linh đình, nhưng nhân dân vẫn ghi nhớ từng cột mốc, từng kỷ niệm gắn với ngày sinh của Người.

bh04-1747650392.jpg

GS.TS Nguyễn Công Nghiệp – Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Thường trực Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.

GS.TS Nguyễn Công Nghiệp đã kể lại hai lần sinh nhật đặc biệt: Lần thứ nhất vào năm 1946, sinh nhật Bác được tổ chức như một sự kiện chính trị, là biểu tượng của khối đại đoàn kết dân tộc trong công cuộc đấu tranh giành độc lập. Lần thứ hai là sinh nhật năm 1969, khi đất nước còn trong khói lửa chiến tranh. Dù không muốn tổ chức, Bác vẫn chấp nhận buổi lễ đơn giản và dành thời gian hoàn thiện Di chúc – bản tài liệu thiêng liêng để lại cho thế hệ mai sau.

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt căn dặn Đảng phải chăm lo giáo dục thế hệ trẻ – những người kế tục sự nghiệp cách mạng. Lời dạy “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau” luôn là kim chỉ nam trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo hiện nay. Điều này thực sự có ý nghĩa đối với những ngôi trường như Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.

Đặc biệt, trong buổi lễ, nhà trường vinh dự đón nhận bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh ghép từ gần 2.000 tấm ảnh hoa sen, với tên gọi “Thăng Long Kỳ Ảnh Vạn Sen”. Đây là món quà ý nghĩa do Ban Quản lý Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch trao tặng. Bức tranh không chỉ mang giá trị nghệ thuật mà còn thể hiện lòng tôn kính sâu sắc với Bác – Người đã trở thành biểu tượng thiêng liêng trong trái tim hàng triệu người dân Việt Nam. Bức tranh được ví như biểu tượng của sự hòa quyện giữa trí tuệ, tình cảm và nghệ thuật, gắn liền với câu đối: “Mười vạn đóa sen nên ảnh Bác – Dân Nam trăm triệu nhớ ơn Người”.

bh05-1747650829.jpg

bh08-1747650918.jpg

Ban Giám hiệu Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội lưu niện bên ảnh Bác Hồ tại buổi Lễ. 

Vị đại diện Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội khẳng định, đây không phải là bức tranh bình thường, mà là một tác phẩm nghệ thuật kỳ công, được tạo thành từ gần hai nghìn tấm ảnh hoa sen ghép trên chất liệu kính cường lực có kích cỡ lớn (1,70m * 2,50m, diện tích 4,25m2) do hơn một chục nghệ nhân, nghệ sĩ của Viện Kinh tế Văn hoá và Nghệ thuật thực hiện trong 06 tháng. Một điều đặc biệt là tác phẩm nghệ thuật quý giá này được hoàn thành cách đây đúng một năm, vào dịp sinh nhật lần thứ 134 của Bác. 

Đồng thời nhấn mạnh, việc Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được Ban Quản lý Khu di tích Chủ tịch HCM tại Phủ Chủ tịch trao tặng tác phẩm nghệ thuật vô giá này là niềm xúc động, tự hào và vinh dự lớn lao. “Thay mặt cho toàn thể CBGV và sinh viên nhà trường, tôi xin trân trọng cảm ơn Ban quản lý Khu di tích về món quà đầy ý nghĩa này. Đối với chúng tôi, đây thực sự là một báu vật. Báu vật này chắc chắn sẽ góp phần quan trọng trong việc giáo dục tư tưởng, đạo đức cách mạng, tinh thần yêu nước và sự phấn đấu hy sinh không mệt mỏi đối với thầy và trò Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội chúng ta trong quá trình thực hiện sứ mệnh “Vì lợi ích trăm năm trồng người” cao cả của mình…”, GS.TS Nguyễn Công Nghiệp nhấn mạnh. 

bh01-1747650080.jpg

Các đại biểu lưu niệm bên bức chân dung Bác Hồ.

Nhân dịp này, GS.TS Nguyễn Công Nghiệp – Bí thư đảng ủy, Phó hiệu trưởng Thường trực Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội khẳng định, kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Bác (19/5/1890 - 19/5/2025) là dịp để mỗi chúng ta bày tỏ tình cảm, lòng biết ơn sâu sắc tới Bác; báo công với Bác về những thành tích đã đạt được, thể hiện quyết tâm thực hiện thành công chủ trương, đường lối của Đảng đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đồng thời, kêu gọi toàn thể CBGV và sinh viên nhà trường phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, ra sức thi đua, quyết tâm phấn đấu dạy tốt, học tốt, thực hiện thật tốt lời dạy của Bác đào tạo nên những thế hệ cán bộ vừa hồng vừa chuyên, phục vụ cho sự nghiệp Phát triển đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh./.

Một số hình ảnh tại buổi Lễ: 

img-2555-1747654052.jpeg

img-2564-1747654293.jpeg

img-2563-1747654753.jpeg

img-2566-1747654807.jpeg

img-2568-1747656199.jpeg