Trường Đại học Nội vụ Hà Nội tổ chức Tọa đàm khoa học “Bầu cử và việc hình thành bộ máy chính quyền ở Việt Nam”

Huy Thủy

Chiều 11/9, thực hiện kế hoạch của Trường Đại học Nội vụ Hà Nội, Khoa Tổ chức và Xây dựng chính quyền tổ chức Toạ đàm khoa học với chủ đề: “Bầu cử và việc hình thành bộ máy chính quyền ở Việt Nam” thông qua hình thức trực tuyến. PGS.TS Nguyễn Quốc Sửu, Phó Hiệu trưởng Nhà trường tham dự và phát biểu khai mạc, chỉ đạo tọa đàm. Đồng chủ trì Toạ đàm có; PGS.TS Nguyễn Tất Đạt, Quyền Trưởng khoa Khoa Tổ chức và Xây dựng chính quyền.

s-1631368646.jpg
PGS.TS Nguyễn Quốc Sửu, Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc Tọa đàm

Buổi tọa đàm có sự tham gia của GS.Nguyễn Đăng Dung, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS.TS Đỗ Ngọc Ninh, nguyên Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Hoa, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đảm bảo chất lượng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền; PGS.TS Vũ Thị Loan, Viện Khoa học Hành chính và chính sách công; TS. Nguyễn Văn Hạnh, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Lý luận chính trị, HVCTQGHCM; TS Trần Thị Thúy Ngọc, Phó Trưởng khoa Khoa Chính trị học, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam; TS. Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Giảng viên, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khu vực 1… đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Trường, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong và ngoài Trường, cùng đông đảo sinh viên tham dự.
 

s2-1631368674.png
Hội thảo đã thu hút đông đảo chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học, giảng viên, học viên và sinh viên quan tâm tham dự

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Nguyễn Quốc Sửu, Phó Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ: Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp luôn là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước nhằm lựa chọn, bầu ra những đại biểu xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân; Thông qua bầu cử để hình thành bộ máy chính quyền ở các cấp, qua đó củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì vậy Khoa Tổ chức và Xây dựng chính quyền chọn chủ đề rất thích hợp với chuyên ngành do khoa đào tạo là Xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước đồng thời vừa có tính thời sự chính trị vì năm 2021 cả nước tiến hành tổng tuyển cử bầu quốc hội và hội đồng nhân dân. 
Đồng thời mong muốn sẽ nhận được nhiều ý kiến tham luận sâu và kỹ đến từ tất cả mọi người, đây sẽ là cơ sở để giúp cho công tác nghiên cứu, đào tạo của Nhà trường ngày càng hoàn thiện và vững chắc hơn trong tương lai từ đó tạo ra nguồn nhân lực phục vụ cho các công việc tại các cơ quan Nhà nước với nhiều vị trí khác nhau.
Đóng góp ý kiến tham luận, PGS.TS Đỗ Ngọc Ninh đưa ra một số vấn đề trong đó có việc: Tổ chức bộ máy trong các cơ quan của Quốc hội cần sắp xếp lại, cơ quan giúp việc của Đảng và nhà nước có những mặt công tác trùng nhau; Tổ chức bộ máy hành chính cần tiếp tục tinh gọn… 

240748547-219631813518297-7270104138503791086-n-1631369317.jpg
Các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý tham dự và trình bày tham luận, ý kiến...

Theo quan điểm của PGS.TS.GVCC. Nguyễn Thị Ngọc Hoa, thì Bầu cử tại Việt Nam luôn có các nguyên tắc để đảm bảo quyền bầu cử của cư tri như: Nguyên tắc phổ thông, nguyên tắc bình đẳng, nguyên tắc trực tiếp, nguyên tắc bỏ phiếu kín; Mỗi một nguyên tắc sẽ là cơ sở để Đảng và Nhà nước làm căn cứ trước khi thực hiện hoạt động bầu cử tại tất cả các điểm trên cả nước theo quy định. Với PGS.TS Vũ Thị Loan, lại có góc nhìn về “Cử tri” là chủ thể quyền lực và, quyết định sự thành công hay thất bại trong các cuộc bầu cử dân chủ. GS Nguyễn Đăng Dung, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội thì cho rằng: Bầu cử là một phương pháp hữu hiệu nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước thuộc về mình. Bầu cử có liên quan mật thiết với trách nhiệm của chính quyền. Bầu cử như là một biện pháp truy tầm trách nhiệm của chính quyền Nhà nước. 
PGS.TS Nguyễn Tất Đạt việc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào thế kỷ XVIII được xem là dấu ấn dân chủ đầu tiên khi nguyên thủ một quốc gia hình thành do bầu cử trong khi thời điểm đó chính quyền trên thế giới hầu hết là quân chủ. Tổng thống Mỹ được hình thành qua bầu cử từ nhân dân là lý do để giải thích vì sao Tổng thống Mỹ có nhiều quyền hơn các Tổng thống ở Đức và ở Ý; Tổng thống do dân bầu và nội các do Tổng thống lập ra nên không phải chịu trách nhiệm trước quốc hội. Tổng thống cũng không có quyền giải tán quốc hội vì Người dân Mỹ cùng một lúc vừa bầu ra hành pháp (tổng thống) vừa bầu ra lập pháp(các nghị sĩ). Cả tổng thống và quốc hội đều phải chịu trách nhiệm trước cử tri. Chính vì nguyên tắc phân quyền và cơ chế đối trọng cân bằng, chế độ bầu cử đã góp phần đem lại sự ổn định cho chính quyền Mỹ hơn hai trăm năm . Vì vậy bầu cử Tổng thống Mỹ được xem là rất quan trọng và thủ tục bầu cũng diễn ra rất phức tạp. Nhưng cử tri Mỹ vẫn chấp nhận cách thức bầu cử này và các nhà nghiên cứu vẫn đánh giá quá trình bầu cử này là công bằng và dân chủ góp phần to lớn vào sự ổn định, phát triển của nước Mỹ.

s4-1631368647.jpg
PGS.TS Nguyễn Tất Đạt, Quyền Trưởng khoa Khoa Tổ chức và xây dựng chính quyền phát biểu

Kết thúc Toạ đàm, PGS.TS Nguyễn Tất Đạt đã phát biểu cảm ơn tới Ban Giám hiệu Nhà trường, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện lãnh đạo các đơn vị, giảng viên, sinh viên tham dự. Buổi Toạ đàm Khoa học “Bầu cử và việc hình thành bộ máy chính quyền ở Việt Nam” với 16 bài viết tham luận và 7 ý kiến trình bày tại Tọa đàm đã giúp đại biểu tham dự có thêm góc nhìn nhiều chiều và trao đổi về những vấn đề lý luận, thực tiễn những tư liệu mới quý đối với bầu cử ở Việt Nam, tọa đàm cũng giúp đội ngũ giảng viên, sinh viên khoa Tổ chức và Xây dựng có thêm kiến thức, tư liệu để giảng dạy và học tập tốt hơn, qua đó nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường.