Truyện Kiều với người lính chúng tôi (Tiếp theo)

Vậy là tôi đã tham gia sinh hoạt nhóm “Cà phê- Truyện Kiều” 7 kỳ từ tháng 8/2016 đến tháng 3/2019. Lần đầu vừa quen vừa lạ. Khi tôi nghe thầy giáo cũ dẫn tôi đến nhóm Cà phê- Truyện Kiều thám thính. Lần nào cũng được nghe các hội viên của nhóm bình thơ, đọc tham luận về Kiều. Tôi càng say sưa, thích thú.

Đặc biệt chú ý khi có bài của những người đam mê hiểu biết về Kiều như thầy giáo Hoài, ông Bách, ông Lộc, bà Thịnh... thu hút tôi quên đi mọi ngỡ ngàng ban đầu, bởi tôi cũng tùng yêu quý truyện Kiều. Kính trọng và thâm thìa sự đa tài của thi hào Nguyễn Du. Các hội viên Kiều học bằng sáng tác của mình đủ loại, đúng luật như Vịnh Kiều, lẩy Kiều, tập Kiều… Nhiều nhất là thơ lục bát. Thể loại thơ mà cụ Nguyễn Du giành cho truyện Kiêu. Tôi chỉ nghe và đọc những tham luận bằng văn xuôi để phản biện, bình phẩm... rồi liên hệ cuộc sống của mình qua kiệt tác văn học truyện Kiều.

chuykieu-1646210340.jpgẢnh do tác giả cung cấp.

 

Mỗi lần họp nhóm Cà phê truyện Kiều về, yên tĩnh trong gian phòng của mình giữa đêm khuya, tôi đã không ngủ, ôn lại các diễn cảm bình luận của các hội viên... Tôi nhớ đến người mẹ, từng đọc Kiều cho tôi nghe. Hát để ru những câu Kiều cho tôi ngủ từ những ngày xưa khi tôi còn bé bỏng. Bố tôi mất sớm vì bệnh tật, khi tôi mới lên 3 lên 4 tuổi. Mẹ đưa tôi cùng em gái sơ sinh về quê ngoại để được các cậu dì chăm sóc giúp đỡ bên con sông Ngàn Sâu hiền hòa. Tôi được biết mẹ chỉ có trình độ văn hóa lớp 2 bổ túc. Bà kể cho tôi nghe rằng vì đói nghèo, lại phải đấu tranh chống chính sách thực dân đô hộ. Nhiều người Việt ngày ấy đã mù chữ, dẫn đến càng đói nghèo. Sau cải cách ruộng đất (1956), Đảng ta có chủ trương xóa mù chữ bằng mọi cách. Ví như: muốn vào được chợ người mù chữ phải nhớ hình con số 1 số 2, hoặc chữ A, chữ C... đế khi cán bộ xóa mù chữ của Đảng gác sẵn ở cổng chợ hỏi, trả lời đúng, mới được vào chợ để mua bán.

Vũ Quang quê tôi ngày ấy còn hẻo lánh. Còn nhiều thú rừng như voi, nai, gấu, khỉ và hổ.. .đầy nguy hiểm! Nhưng mọi người đều muốn biết chữ, đã tìm cách để đến chợ thật sớm, thật nhiều lần. Mẹ tôi luôn mong được cán bộ hỏi chữ, bất chấp mọi hiểm nguy, những lần mẹ trả lời suôn sẻ, được cán bộ khen, càng phấn khích, đến chợ nhiều hơn... coi như được học thêm bài, biết thêm chữ.

Mẹ nói! Truyện Kiều những ngày đó, ở quê tôi hiếm lắm. Nhưng sao mẹ tôi thuộc được nhiều thơ Kiều thế. Hình như mẹ thuộc từ đầu chí cuối. Có ai hỏi đoạn nào, mẹ tôi đều đọc được. Có thể vì mưa dầm thấm lâu. Cụ Nguyễn đã tái tạo từng hơi thở, từ ngữ của đời sống văn học dân gian. Mẹ tôi cũng là người rất yêu thích dân ca ví dặm. Mẹ thường sử dụng những câu Kiều để ví dưới ánh trăng khi đò ngược, đò xuôi! Bà ngoại của tôi không biết chữ. Nhưng cụ đã truyền tải đạo lý cho mẹ tôi lớn lên qua những lời ru bằng thơ của truyện Kiều. Mẹ đã thấm dần, thuộc dần vào từng nhịp thở, vào máu thịt. Để rồi tiếp tục nuôi tôi khi tôi vào học lớp 1, lớp 2, mẹ vẫn trải lòng cho con bằng những câu Kiều. Tôi bắt đầu thuộc dần một vài câu. Với âm hưởng diễn cảm của tình mẫu tử. Tôi đã cảm nhận rồi suy tưỏng đến không ngủ, vừa thương cho mẹ vừa thương cho số phận cô Kiều. Có đôi lần tôi đã không vui khi mẹ ru.

Lớn dần theo năm tháng, tôi hiểu thêm về ý nghĩa của 1 số câu từ, mà cụ Nguyễn đã giành cho truyện Kiều. trở nên yêu thích môn văn. Thầy giáo dạy văn đã hiểu ở tôi, nên thầy càng chăm chút bồi dưỡng thêm trong các tiết học... tôi trở thành học sinh giỏi văn của lóp, của trường... Rồi được đi thi học sinh giỏi văn của huyện, của tỉnh. Tôi nhận ra nhũng câu thơ lục bát tả cảnh thiên nhiên, phù họp nội tâm con người. Ở đại thi hào Nguyễn Du thật độc đáo, không ai có thể viết được.

... Nao nao dòng nước uốn quanh

Nhịp cầu nho nhỏ, cuối ghềnh bắc ngang.

Chỉ có câu lục bát ngắn gọn, ta hình dung ra một bức tranh tuyệt đẹp từ não bộ. Nếu tả chiếc cầu ấy bằng văn xuôi, qua một khúc sông chúng ta phải viết đến mấy trang mấy dòng.

Cũng những năm học đầu đời, nhà trường đã cho tôi cùng các bạn học 5 điều Bác Hồ dạy. Trong 5 điều đó, tôi quan tâm ý nghĩa của điều thứ nhất nhiều hơn: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào”. Có thể từ ý tưởng ấy (nó) đã định hình cho tôi biết cuộc sống con người rất cần có môi trường xung quanh. Vì vậy, tôi đã được tập thể dìu dắt, kết nạp tôi vào Đội, vào Đoàn rất sớm so với cùng lứa tuổi.

Gia đình họ tộc và quê hương đang kỳ vọng cho tôi lớn lên sẽ thành người có văn hóa để giúp ích mọi người. Tôi cũng đã cố gắng hướng nghiệp mình được phục vụ nhân dân bằng con đường văn hóa nghệ thuật. Nhà trường cùng địa phương đã bắt đầu bồi dưỡng cho tôi một ít chồi non về lý tưởng cộng sản. Cụ thể là giới thiệu tôi đi học một lớp đối tượng Đảng. Tuổi 17, tôi hồi hộp sôi nổi nghe theo.

Vào năm học 1964- 1965 bỗng giặc Mỹ ồ ạt, leo thang đánh phá cả nước. Chúng gây ra muôn vàn tội ác với đồng bào vô tội . Là thanh niên yêu nước, tôi tự xếp bút nghiên xung phong cầm súng đi bảo vệ Tổ quốc thân yêu.

Trước lúc lên đường, tôi cùng thầm yêu trộm nhớ một cô bạn cùng học. Bạn gái của tôi cũng đẹp như Thúy Kiều theo cách hiểu (người yêu mới là đẹp)

Nơi chiến trận, lòng tôi như mưa nguồn, gió biển. Nhớ về quê hương, nơi có mẹ, có em, có mái trường và các bạn thân yêu. Tôi nhớ lời thầy giáo muôn vàn kính yêu, dặn dò khi lên đường “Em chỉ được phép chiến đấu dũng cảm, giành thắng lợi cho Tổ quốc như Bác Hồ đã nói với bộ đội ở Đền Hùng” (Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta hãy cùng nhau giữ lấy nước).

Tôi đã trải qua những trận chiến có thắng lợi vì chính nghĩa và quyết tâm.

Thực tế trong chiến trận có “nắm lấy thắt lưng địch mà đánh” như lời bà Định ở Bến Tre mới giành được thắng lợi lớn. Có vậy, mới có những đồng đội được lên cấp, lên chức, thậm chí là tá, tướng và anh hùng. Nhưng cũng có trận thất bại bởi phương tiện chiến đấu của mình còn lạc hậu, nghèo nàn so với đối phương.

Nhiều đồng đội của tôi đã ngã xuống mãi mãi không về. Tôi cũng bị thương nhiều lần. Được đồng đội cứu giúp, được nhân dân đùm bọc che chở yêu thưong.

Khi cùng toàn quân, toàn dân đuổi được kẻ thù. Để giành ngày thống nhất non sông. Tôi trở về với mẹ và quê hương dù trên cơ thể (mặt trời của mẹ) đầy sẹo. Nhưng mẹ tôi mừng lắm, tóc mẹ đã bạc, người mẹ héo mòn vì thương nhớ con trai độc nhất qua tháng năm chinh chiến. Mẹ lại đọc Kiều cho tôi nghe trong nước mắt vui mừng.

Ngẫm thay muôn sự tại trời

Trời kia đã bắt làm người có thân

Bắt phong trần phải phong trần

Cho thanh cao mới được phần thanh cao

Có đâu thiên vị người nào

Chữ tài chữ mệnh, dồi dào cả hai …

Còn bạn gái của tôi đã không hiểu, vội vã lấy chồng. Tôi không trách ai, chỉ thương số phận của mình. Tôi cùng mọi người có hạnh phúc, có cơm no áo ấm. Hàng ngày đi trên những con đường, bằng phẳng hiện đại đông đúc. Tôi không nguôi nhớ đến đồng đội của mình trong quá khứ hào hùng. Có thời gian thảnh thơi, đọc lại truyện Kiều, tham gia vào nhóm Kiều, mới nhận ra rằng:

Các Liệt sỹ đã có tâm với nhân dân, thực sự “trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc...” mà thi hào Nguyễn Du đã từng viết “... Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.

Tôi còn sống cũng có thể là do “trời định”, không xanh cỏ, không đỏ ngực, chỉ bình dị như muôn vàn đồng đội của tôi từng chiến thắng trở về. Tôi đã chiến đấu và bị thương nặng nhưng không phế, được gặp mẹ, gặp quê hương khi hết giặc. Tôi cảm nhận như là đại thi hào Nguyễn Du đã nhận định về số phận của tôi cách đây hơn 200 năm, đế tôi yên tâm vui sống với mọi người.

(Còn nữa)….

Theo Trái tim người lính