Truyền thống "Tôn sư trọng đạo", tình nghĩa thầy trò qua năm tháng

Ngày mai là kỉ niệm ngay Nhà giáo Việt Nam (20/11/2021), xin gửi bạn đọc bài viết của cha tôi, cựu giáo chức thời kì chống Pháp!

chuy-qu1e-1637289166.jpg

Từ xa xưa, trải qua hàng ngàn năm lịch sử, dân tộc ta đã xem nghề dạy học là một nghề cao quý. Vai trò và vị thế của nhà giáo luôn được đề cao, quý trọng. Nhà trường là nơi truyền thụ kiến thức, tri thức, tạo nên những công dân có trí, có tâm, những bậc hiền tài làm nguyên khí cho đất nước phát triển giàu mạnh. Bởi thế, dưới các triều đại phong kiến, đạo nho đã xếp nhà giáo vào hạng thứ hai trong thang bậc xã hội : "Quân, Sư, Phụ", chỉ sau vua, trên cả bậc sinh thành, đánh giá ý nghĩa công lao của nhà giáo vô cùng to lớn, "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư (một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy)". Trong dân gian, nhiều thành ngữ, tục ngữ đã được lưu truyền từ đời này sang đời khác: "Không thầy đố mày làm nên", "Trọng thầy mới làm được thầy", "Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy",...

chuy-qu3g-1637289377.jpgHai ảnh trên do Minh Nguyệt Trần Thị cung cấp.

Cho đến những năm chế độ phong kiến sắp kết thúc với sự suy yếu, sụp đổ của triều đại nhà Nguyễn, bản thân người viết bài này, khi còn là tuổi thiếu niên cắp sách đến trường, cũng vẫn còn cảm nhận được sự tôn trọng của mọi người đối với người thầy. Gặp thầy, học sinh phải nghiêm túc dừng lại, cất mũ, cúi đầu chào thầy rồi mới đi. Ngày Tết, cha mẹ dẫn con ăn mặc tử tế đến nhà cung kính mừng tuổi thầy. Dân gian cũng có câu “Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy”. Dù có lúc thầy phạt oan, nhưng học sinh và cả phụ huynh học sinh đều không dám có sự phản ứng với những lời lẽ khiếm nhã.

Trong lịch sử dân tộc ta đã có những người thầy sống mãi trong lòng nhândân, tiêu biểu nhất là Chu Văn An. Ông không những là một vị đại quan yêu nước, yêu dân, liêm chính , trung trực, mà còn là một nhà giáo mẫu mực, một nhà sư phạm lỗi lạc được các sĩ tử và nhân dân đương thời và về sau biết ơn, kính phục, nhiều nơi đã lập đền thờ.

Trước đây, đã có thời gian cùng với sự sút kém về mặt văn hóa, đạo đức ngoài xã hội, trong nhà trường đây đó cũng xảy ra một số hiện tượng tiêu cực trong quan hệ thầy trò khiến công luận bất bình. Cần thành thật mà nhận rằng đã có lúc chúng ta coi nhẹ ngành sư phạm, coi nhẹ vai trò của người thầy. Thi vào đại học, các em học sinh (kể cả phụ huynh) phần lớn chỉ muốn đặng ký vào các ngành có triển vọng nhiều “bổng lộc”. Còn các em yếu kém, biết thân biết phận nên thi vào ngành sư phạm dễ lọt hơn! Lệch lạc này đã được Đảng và Nhà nước chấn chỉnh. Những chính sách, chế độ mới đối với ngành sư phạm, với nhà giáo đã được ban hành. Thí sinh hàng năm thi vào các trường sư phạm đã đông hơn, nhưng cũng khó hơn, chẳng kém gì các trường khác.

Điều đó chứng tỏ mặc dù thời thế có thay đổi thế nào, truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, tình nghĩa thầy trò vẫn sống mãi trong chiều sâu tâm hồn người dân Việt Nam, mà trước hết, theo tôi nghĩ, là đối với tất cả những ai đã đứng trên bục giảng.

Để minh chứng thêm cho chân lý này, tôi xin được nêu ra đây 1 số trải nghiệm thực tế của bản thân mình.

Trước Cách mạng tháng Tám ít lâu và trong thời gian kháng chiến chống Pháp, tôi cũng từng là một nhà giáo trẻ. Từ đó đến nay có đến bảy, tám thập niên, trải qua mấy cuộc kháng chiến cứu nước khốc liệt và thời kỳ hòa bình xây dựng đầy thử thách khó khăn với nhiều sự thay đổi, nhiều sự chuyển dịch, ấy thế mà không ít học sinh của tôi vẫn tưởng nhớ đến thầy cũ, trưởng xưa.

Năm 1971, tôi về dự một cuộc hội nghị của Ty Văn hóa tỉnh Hà Tĩnh – tỉnh quê hương tôi. Trong khi chờ đợi giờ khai mạc, vị Chủ tịch tỉnh Trần Quang Đạt ngồi cạnh tôi, bỗng đứng dậy, vui vẻ giới thiệu tôi với mấy cán bộ lãnh đạo Ty : “Xin giới thiệu với các đồng chí đây là thầy giáo cũ của tôi…” Tôi ngạc nhiên, bất ngờ. Phải mấy phút suy nghĩ , tôi mới nhớ ra đây là học sinh của tôi hồi tôi dạy học ở một trường trung học tư thục trong tỉnh năm 1944.

Năm 2000, tôi đến viếng một người bạn đồng hương ở Nhà tang lễ bộ Quốc phòng tại Hà Nội, lại bất ngờ gặp một học sinh cũ hồi tôi con làm hiệu trưởng kiêm giảng dạy ở trường tiểu học quê nhà – anh Thái Quý. Anh lúc này đã sáu mươi mấy tuổi với chức danh giáo sư, tiến sĩ, đang giữ trọng trách làm việc ở Viện Huyết học, bệnh viện Bạch Mai. Thầy trò gặp nhau, tay bắt mặt mừng. Hình ảnh một Thái Quý làm lớp trưởng, nhanh nhẹn, chăm chỉ cách đây đã 50 năm lại hiện về trong ký ức của tôi. Không lâu sau, tôi nhận được thư của anh với mấy câu thơ mộc mạc nhưng rất chân tình:

Hơn 50 năm mới gặp lại thầy

Rưng rưng xúc động nước mắt rơi

Nhớ thuở thiếu thời thầy vẫn dạy

Đời là biển cả cố mà bơi

Cha mẹ sinh thành, thầy giáo huấn

Thăng trầm gian khổ vượt biển khơi

Để đến hôm nay cuối chặng đời

Giáo sư, tiến sĩ đã vươn tới

Công Đảng, ơn dân, có công thầy

Năm 2005, năm tôi 80 tuổi, nhân dịp tôi lâu ngày về thăm quê (Trường Sơn, Đức Thọ, Hà Tĩnh), một số học sinh của các khóa 1948-1949-1950 nay đã là những cán bộ, giáo viên, sĩ quan quân đội,… về hưu, những ông nội bà nội, ông ngoại bà ngoại, tuổi đời trên dưới 70, đã bảo nhau tổ chức cuộc gặp mặt thầy trò. Đơn giản nhưng rất đầm ấm, cảm động. Tấm biển mừng thọ và những bài thơ tặng thầy tràn đầy ý nghĩa, xin trích một vài đoạn:

Ất Dậu thầy Nhật tám mươi

Còn trò trên dưới bảy mươi cả rồi

Nhớ xưa lớp học thiếu thời

Thầy trò trưa sớm đứng ngồi bên nhau

---------------------------------

Chúc thầy thượng thọ sống lâu

Thanh cao, mực thước, thằng ngay tấm lòng

Tự hào vì chẳng phụ công

Của thầy dạy dỗ những năm trường làng

Đoàn Mạnh Giáp

------------------------------------

Trên đầu mái tóc bạc phơ

“ Nhân sinh thất thập…” bây giờ gặp nhau

Trải qua nhiều cuộc bể dâu

Tình thầy trò vẫn một màu đẹp tươi

Đoàn Văn Chương

----------------------------------

Học trò tuổi đã bảy mươi

Mừng gặp lại nhau, nhớ thời đi học

Ngày ấy

Trường là ngôi đền thiêng nhất

Lũ chúng em chân đất đầu trần

Giấy viết rồi vắt khế vắt chanh

Hết ngâm, phơi, đem ra dùng lại

Tuổi học trò với bao điều khờ dại

Nghịch ngợm, kiện thưa làm bận lòng thầy

------------------------------------

Tuổi mười bảy, đôi mươi sức vóc tràn đầy

Người vào lính, kẻ xa nhà công tác Những buồn vui của thời trận mạc

Một thời sống chết vô tư

Em vẫn không quên nét phấn thầy xưa

Và dáng thầy trong những giờ trên lớp

Cả giọng nói ấm trầm quen thuộc…

Nguyễn Hữu Trí

Cảm động để lại cho tôi một ấn tượng sâu đậm nhất là trường hợp Phạm Văn Kha – một học sinh vì gia đình không may gặp tai họa, mấy người thân ruột thịt qua đời, một mình sống côi cút, thiếu thốn, đau thương đến mù lòa cả 2 mắt, đến nay đã trên 60 năm trời. (Tôi sẽ có một bài viết riêng nói về nghị lực sống của trò Kha) Ở đây tôi không nói về nghị lực sống phi thường của Kha, trong hoàn cảnh như vậy vẫn vươn lên xây dựng được một gia đình êm ấm, hạnh phúc, cả 5 người con đều đã trưởng thành, 4 người là cử nhân sư phạm dạy học ở các trường phổ thông, mà muốn đề cập đến tấm lòng của người học trò đối với thầy giáo cũ của mình. Phải bỏ học, xa nhà trường từ thuở thiếu niên đến nay đã sáu, bảy thập niên, lại sống cực khổ, gian truân trong bóng tôi, phiêu bạt vào làm ăn sinh sống ở Bình Phước miền Nam, tưởng thầy học cũ của mình chẳng còn, nhưng hình ảnh thầy vẫn còn đọng lại sâu thẳm trong tâm thức. Bất ngờ năm 2015, biết được tin thầy còn sống ở Hà Nội, Kha hết sức vui mừng, lập tức đọc thư cho con viết gửi ra hỏi thăm sức khoẻ thầy và gia đình. Và từ đó đến nay, ngày Nhà giáo Việt Nam mỗi năm, Kha đều gửi thư hoặc gọi điện thoại ra chúc mừng thầy đối với một ít quà cây nhà lá vườn, lời lẽ chân thành, cảm động. Đây là những câu của bức thư đầu tiên:

“Thưa thầy kính mến thật là một sự tình cờ nhờ chú Quế em mới được gặp lại thầy, người thầy giáo cũ kính mến sau 2 phần 3 thế kỉ. Nhận đuoc tin thầy, điều em mừng nhất biết thầy đã lên tuổi đại thọ, còn khoẻ, vẫn minh mẫn như thuở nào. Lần đầu tiên em gặp thầy em thấy như trẻ lại, hình ảnh thời thơ ấu lại ùa về, những lời giảng dạy của thầy còn văng vẳng bên tai...”

Và đây nữa mấy câu cuối của bức thư Kha gửi hồi tháng 5 năm nay, khi Kha đã là ông cụ 84 tuổi:

“Thầy trò gặp nhau mới đó đã 6 năm rồi. Quỹ thời gian của thầy và em không còn nhiều nữa, em chỉ cầu mong thầy được sống khoẻ vui cùng con cháu trong quãng đời còn lại. Học trò của thầy: Phạm Văn Kha.”

Sẽ là thiếu sót nếu tôi không nói đến một chút tình cảm của học sinh đối với bà nhà tôi và con gái cả của tôi cũng là những nhà giáo chuyên nghiệp đã về hưu. Bà nhà tôi là 1 cô giáo hiền lành, nhân hậu, tận tụy với nghề, rất mực thương yêu học sinh, nên dù dạy ở trường nào, ở Hà Tĩnh hay ở Hà Nội, đều được học sinh, phụ huynh học sinh và đồng nghiệp mến mộ, kính trọng, khi còn tại chức cũng như khi đã khuất bóng. Con gái tôi cũng vậy, về hưu đã hơn 13 năm, nhưng ngày Tết, ngày sinh nhật, ngày Nhà giáo VN, bao giờ cũng có những học sinh cũ đến thăm, mặc dù nhiều em đã ra trường cách đây ba, bốn chục năm, có em cũng đã lên ông lên bà rồi. Đây là mấy câu thơ vui ứng khẩu ghi lại lần mấy em cùng con gái chúng tôi đến thăm sức khỏe chúng tôi tháng 3 năm 2016:

Trò còn trẻ nhưng tuổi không còn trẻ

Cô chưa già nhưng tuổi đã già

Mái trường cũ đã lùi xa

Nghĩa tình sau trước trong ta vẫn còn

Thủy chung lòng dạ sắt son

Làm đời thêm đẹp, tâm hồn thêm vui

Để kết thúc bài viết, một lần nữa, tôi xin được bày tỏ niềm tin truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, tình nghĩa thầy trò vẫn mãi trường tồn, đương thời cũng như mai sau. “Sự nghiệp trồng người” nhờ đó mà ngày càng góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước.

Theo Chuyện quê