Tuyên Quang: Dân dã món canh chua từ rau rừng

Đồng bào dân tộc vùng cao sử dụng nhiều loại rau rừng để nấu canh chua, trong đó một loại rau phổ biến được bà con ưa chuộng là cây lá lồm nấu canh chua.

 

rau-rung

Lá lồm còn có tên gọi khác là lá giang, là một loại lá cây rừng có vị chua, thanh mát. Nhờ hương vị chua nhè nhẹ, lại dễ ăn nên lá lồm được sử dụng rất phổ biến. Trong các bữa ăn của đồng bào vùng cao, người dân đều không quên nấu một bát canh chua lá lồm. Để bát canh chua lá lồm ngon, đồng bào dân tộc thường nấu với cá, thịt gà, thịt vịt... Trước khi nấu phải dùng tay vò nát để lá ra bớt chất chua.

Khi nồi canh vừa chín mới nêm nếm gia vị vì nếu nêm quá sớm sẽ khó kiểm soát được độ mặn nhạt, nồi canh sẽ bị chua gắt, ảnh hưởng đến chất lượng của món ăn. Để lá lồm mềm và ngon hơn, trong quá trình nấu có thể thêm một chút dầu ăn. Với cách chế biến đơn giản này, vị thơm, ngọt của thịt, cá kết hợp với vị chua chua thanh mát của lá lồm tạo nên sức quyến rũ khó cưỡng cho bất kỳ ai thưởng thức. Ngoài ra, lá lồm còn được dùng nấu lẩu, xào với thịt trâu… cũng vô cùng thơm ngon, quyến rũ. 

Không chỉ dùng để chế biến thành món ngon, cây lá lồm là cây thuốc dân gian, dùng chữa chứng ăn uống không tiêu, đau dạ dày, đau nhức xương khớp. Vì vậy, lá lồm là loại rau bổ dưỡng, được hầu hết đồng bào vùng cao lựa chọn trong bữa cơm gia đình.