Tuyên Quang: Lâm Bình làm tốt công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng

Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ diện tích rừng khá lớn, trải rộng trên nhiều địa phương. Xác định rừng là tài sản quý giá, không chỉ có tác dụng đối với bảo vệ môi trường thiên nhiên mà còn góp phần đem lại nguồn lợi kinh tế cho người dân, BQL rừng phòng hộ huyện Lâm Bình luôn làm tốt công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng.

2caa6e6c89f8dda6c1ed4b3ebd35fd6d-1651735026.jpgCán bộ ban quản lý rừng phòng hộ huyện Lâm Bình tuần tra bảo vệ rừng

 

Ông Tề Minh Giáp - Phó Giám đốc BQL rừng phòng hộ huyện Lâm Bình cho biết: Lâm Bình là một huyện miền núi, diện tích đất cho sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ lệ thấp, đời sống người dân còn nghèo. Các ngành nghề phụ chưa phát triển, thu nhập kinh tế từ nông nghiệp không đáp ứng được cuộc sống. Người dân sống ven rừng vẫn là thói quen dựa vào rừng. Vì vậy, việc khai thác vận chuyển và buôn bán gỗ lén lút vẫn thường xuyên diễn ra. Mặt khác, diện tích rừng do BQL đảm trách đều ở xa, có vùng giáp ranh với các huyện Na Hang và Chiêm Hóa (Tuyên Quang) hay Bắc Quang của tỉnh Hà Giang địa hình hiểm trở, chia cắt nhiều suối sâu, rất khó cho công tác tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng.

Để làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng, BQL coi trọng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân, ngăn chặn không cho người dân vào rừng hoạt động trái phép. Ngay từ đầu năm, đơn vị đã xây dựng các kế hoạch, phương án kiểm tra, bảo vệ rừng; tham mưu cho huyện thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra, truy quét lâm tặc tại vùng giáp ranh với huyện Na Hang và huyện Chiêm Hóa các khu vực rừng đầu nguồn là nơi còn giàu tài nguyên rừng đã được tăng cường nhiều cuộc tuần tra, truy quét lâm tặc. Song song với công tác tuần tra, đơn vị đã sơn sửa lại các bảng tuyên truyền nội quy bảo vệ rừng và cắm hàng chục bảng cấm lửa trong rừng. Các trạm chủ động tổ chức thực hiện nhiệm vụ của ban.

Cuối tháng, có báo cáo thông qua hội nghị trực báo, từ đó nắm bắt được mọi diễn biến, các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng. Đơn vị cũng chủ động tăng cường số lượng và chất lượng tuần tra, kiểm tra xác định thời điểm cao điểm và điểm nóng vùng có trữ lượng gỗ lớn để tổ chức lực lượng tuần tra, nắm bắt tình hình… phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi, vi phạm đến mức thấp nhất, không để xảy ra điểm nóng phá rừng và khai thác rừng, lấn chiếm đất rừng.

Từ đầu năm đến nay, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách thuộc Ban Quản lý tuần rừng được 72 lần với 246 người tham gia, phát hiện 2 vụ vi phạm, đơn vị đã lập hồ sơ ban đầu báo cáo cơ quan chức năng theo thẩm quyền.

Làm nhiệm vụ ở một địa bàn miền núi còn gặp nhiều khó khăn nên Chi ủy, Ban Giám đốc BQL rừng phòng hộ huyện Lâm Bình thường xuyên đi sâu sát chỉ đạo, nắm bắt tâm tư, tình cảm, tư tưởng cán bộ, nhân viên nên cán bộ, đảng viên, nhân viên luôn an tâm công tác, thực hiện nghiêm mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Phó Giám đốc Tề Minh Giáp cho biết: Những tháng cuối năm 2022, mục tiêu của đơn vị vẫn là tập trung giữ vững vốn rừng hiện có theo hướng quản lý rừng bền vững; giao khoán bảo vệ rừng theo chỉ tiêu hàng năm; chăm sóc rừng và trồng rừng thay thế theo chỉ tiêu của cấp trên giao; làm tốt công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về tài nguyên rừng; trước hết chúng tôi phải coi trọng công tác tuyên tuyền, phổ biến Luật Lâm nghiệp, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản pháp luật; Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”; thực hiện nghiêm túc, nhất quán chủ trương “Bảo vệ rừng tận gốc” nhất là đối với diện tích rừng tự nhiên hiện có.

Tuy gặp khó khăn về nhân lực, công cụ hỗ trợ nhưng lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của BQL rừng phòng hộ Lâm Bình vẫn nỗ lực khắc phục để thường xuyên tổ chức các đợt tuần tra, truy quét bảo vệ rừng. Đơn vị còn phối hợp tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng cho người dân, nhất là người dân sống gần rừng, ven rừng.

Tại những khu vực có nguy cơ cao về phá rừng, lấn chiếm đất rừng, các lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách phối hợp với lực lượng kiểm lâm, UBND cấp xã nắm bắt các đối tượng để tuyên truyền, vận động ký các cam kết bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…