Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị quy định Lịch sử là môn học bắt buộc

Ủy ban Văn hoá, Giáo dục đề nghị Bộ GD-ĐT tiếp thu ý kiến tiếp thu ý kiến đông đảo của cử tri, các tầng lớp nhân dân theo hướng quy định môn Lịch sử là môn học bắt buộc đối với cấp trung học phổ thông, với khối lượng kiến thức phù hợp.

Nội dung này được nhấn mạnh trong Báo cáo về “việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với môn Lịch sử cấp trung học phổ thông” vừa được Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các bộ ngành liên quan sau khi có nhiều ý kiến cử tri, nhân dân và dư luận băn khoăn đối với quy định môn học Lịch sử cấp trung học phổ thông là môn học lựa chọn, không phải là môn học bắt buộc.

3 khả năng khi Lịch sử là môn tự chọn

Cơ quan của Quốc hội cho biết, trên cơ sở tổng hợp ý kiến cử tri trước Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tiếp tục giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, trong đó có nội dung liên quan đến môn học Lịch sử ở cấp trung học phổ thông, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Thực hiện chỉ đạo trên, cơ quan này tổ chức Tọa đàm tham vấn chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà giáo; dự phiên họp của Văn phòng Chính phủ về môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông và nghiên cứu báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được phân chia 2 giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản 9 năm (từ lớp 1 đến lớp 9); giai đoạn định hướng nghề nghiệp 3 năm (từ lớp 10 đến lớp 12); thể hiện sự công phu, khoa học, nhìn chung đáp ứng yêu cầu đổi mới và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam. Đến nay Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được triển khai đối với lớp 1 (năm học 2020 - 2021), đối với lớp 2, 6 (năm học 2021-2022) và tiếp tục triển khai đối với lớp 3, 7 và lớp 10 (năm học 2022-2023).

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã quán triệt tinh thần Nghị quyết của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo; Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Chính phủ; được xây dựng và ban hành theo quy định của pháp luật; huy động lực lượng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhà khoa học có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục tham gia xây dựng và thẩm định.

Chương trình môn học Lịch sử là nội dung bắt buộc trong toàn bộ giai đoạn giáo dục cơ bản (cấp tiểu học và trung học cơ sở) và là môn lựa chọn trong giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (trung học phổ thông), được thiết kế theo hướng chuyên sâu.

Khi môn Lịch sử cấp trung học phổ thông là môn học lựa chọn sẽ có 3 khả năng xảy ra:

Nếu học sinh lựa chọn môn Lịch sử là một trong 5 môn học lựa chọn, học sinh sẽ học tổng thời lượng 210 tiết/3 năm học (tăng 70 tiết so với Chương trình giáo dục phổ thông 2006). 

Nếu học sinh lựa chọn môn Lịch sử là một trong 5 môn học lựa chọn, đồng thời lựa chọn chuyên đề học tập là môn Lịch sử, học sinh sẽ học tổng thời lượng 315 tiết/3 năm học (tăng 175 tiết). 

Còn nếu học sinh không lựa chọn môn Lịch sử thì không học thêm tiết nào. Kiến thức phổ thông dừng lại ở kiến thức chương trình tiểu học, trung học cơ sở và tích hợp ở một số môn học khác. Về thời lượng học ít hơn Chương trình giáo dục phổ thông 2006 là 140 tiết.

Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, cấu trúc Chương trình môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có sự thay đổi căn bản, thể hiện rõ mục tiêu định hướng nghề nghiệp có nhiều điểm mới so với trước đây.

Lịch sử cần phải là môn học bắt buộc

“Kết quả tổng hợp kiến nghị của cử tri, Nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo cho thấy, đa số các ý kiến không đồng tình đối với việc đưa môn Lịch sử cấp trung học phổ thông thành môn lựa chọn” – báo cáo cho biết.

Lý do được nêu ra, trước hết Lịch sử là môn học đặc biệt quan trọng, giữ vai trò chủ đạo trong việc giáo dục chính trị, tư tưởng đối với thế hệ trẻ; giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, truyền thống văn hóa, lịch sử; bồi dưỡng năng lực tư duy, hành động, thái độ ứng xử đúng đắn trong đời sống xã hội; từ đó hình thành những phẩm chất của công dân Việt Nam, công dân toàn cầu trong xu thế phát triển của thời đại.

Thứ hai, xét về tâm sinh lý lứa tuổi, học sinh trung học phổ thông (từ 15 đến 17 tuổi) có sự trưởng thành về nhận thức, khả năng tiếp nhận tốt hơn về lịch sử đất nước và lịch sử cách mạng Việt Nam. Đây cũng là lứa tuổi quyết định sự hình thành thế giới quan, hệ thống quan điểm về tự nhiên, về xã hội, về các nguyên tắc và quy tắc ứng xử, định hướng giá trị của con người.

Xét về khoa học giáo dục, việc bồi dưỡng kiến thức lịch sử cho học sinh trung học phổ thông là cần thiết nhằm phát triển con người toàn diện, khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của con người Việt Nam.

Nếu học sinh không lựa chọn môn lịch sử ở cấp trung học phổ thông (thực tiễn cho thấy, số lượng này có thể lên tới 50% học sinh), các em sẽ không được tiếp cận với những kiến thức rất quan trọng, có ý nghĩa giáo dục đối với lứa tuổi này.

Thứ ba, ở nhiều nước trên thế giới, môn Lịch sử trong Chương trình trung học phổ thông luôn là môn học bắt buộc.

Trên cơ sở đó, Ủy ban Văn hoá Giáo dục đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu ý kiến tiếp thu ý kiến đông đảo của cử tri, các tầng lớp nhân dân theo hướng quy định môn Lịch sử là môn học bắt buộc đối với cấp trung học phổ thông trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với khối lượng kiến thức phù hợp; thiết kế bao gồm khối lượng kiến thức lịch sử (phần bắt buộc) và khối lượng kiến thức định hướng nghề nghiệp (phần lựa chọn).

Bên cạnh đó cần tăng cường công tác tuyên truyền về Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nói chung, Chương trình môn Lịch sử nói riêng để tăng thêm sự đồng thuận, ủng hộ của xã hội trong việc triển khai thực hiện./.