Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ  với mười năm  “ngoài vòng cương toả”

Thường xét ở nước ta có một bậc vĩ nhân, nói về công thì công rất lớn, nói về đức rất dày, mà nói về ngôn thì ngôn luận văn chương rất có giá trị... Bậc vĩ nhân ấy là cụ Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ vậy.

  

nguyen-cong-tru-1623081956.jpg 

Danh nhân Nguyễn Công Trứ (1778-1858) tự Tồn Chất, hiệu Ngộ Trai, bút hiệu Hy Văn sinh ra ở huyện Quỳnh Côi phủ Thái Binh nhưng vốn quê làng Uy Viễn, nay là xã Xuân Giang huyện Nghi Xuân tỉnh Hà Tĩnh. Thân phụ là Giải nguyên Đức Ngạn hầu Nguyễn Công Tấn, từng làm Tri huyện Quỳnh Côi phủ Thái Bình. Thân mẫu là bà Nguyễn Thị... con gái quan nội thị được phong tước Cảnh Nhạc bá, người xã Phượng Dực huyện Thượng Phúc, nay thuộc Thị xã Sơn Tây-Hà Nội.

   Sống và làm việc trái qua ba đời vua Minh Mệnh, Thiệu Trị và Tự Đức, Nguyễn Công Trứ đã ba lần lều chõng đi thi, đến tuổi 42 đỗ Giải nguyên trưởng Nghệ. Trong 28 năm ở chốn quan trường, Nguyễn Công Trứ từng giữ 26 chức vụ khác nhau từ Hành tẩu (một chức thấp nhất trong hàng quan) thăng dần lên đến Thượng thư Bộ Binh hàm Chánh nhị phẩm. Ba lần đi chấm thi, bốn lần làm tướng cầm quân, một lần làm nhà ngoại giao, một lần làm lính thú, về hưu với danh xưng Uy Viễn tướng công. Ông quan niệm về “Chí nam nhi” về sự ‘hành tàng’ của người quân tử trong cuộc đời : - Lúc làm đại tướng tôi không lấy làm vinh thì nay làm tên lính tôi không lấy làm nhục, nhưng ở cương vị nào cũng phải làm tròn bổn phận của mình...

         Làm trai sống ở trong trời đất

         Phải có danh gì với núi sông...

   Sinh thời cái chí nam nhi của Nguyễn Công Trứ đã  làm được ba điều bất hủ, đó là Lập công, Lập đức, Lập ngôn. Theo Giải nguyên Hán học - Giáo sư Lê Thước (1891 - 1975): “... Lập Công tất là công lập nghiệp vẻ vang trong bốn cõi, Lập Đức tất là đức trạch lưu truyền đến muôn đời, Lập Ngôn tất là ngôn luận văn chương có bổ ích cho nhân tâm thế đạo. Trong ba điều ấy, có được một vẫn là khó mà gồm được ba chưa dễ mấy ai. Thường xét ở nước ta có một bậc vĩ nhân, nói về công thì công rất lớn, nói về đức rất dày, mà nói về ngôn thì ngôn luận văn chương rất có giá trị... Bậc vĩ nhân ấy là cụ Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ vậy. Này chính Nam phạt Bắc thế là công, tịnh thổ thực dân thế là đức, văn chương lỗi lạc ngôn luận hùng hồn thế là ngôn...”

    Ghi nhận tài năng và công lao to lớn của Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ đối với Vương triều Nguyễn, khi ông qua đời, Hoàng đế Tự Đức đã cho người mang lễ vật và bức đối liễn ra viếng:

            - Tả hữu nghi văn nghi võ

            - Tử sinh danh tướng danh thần

   Ngẫm lại con đường học hành khoa cử và sự nghiệp kinh bang tế thế của Nguyễn Công Trứ lại gần như song hành với cái mệnh ‘hoạn hải ba đào’ của bản thân ông. Khi đương chức, say sưa với công việc, mãi cho đến năm Mậu Thân (1848) khi đã vào tuổi bẩy mươi đang làm Thự Phủ doãn Thừa Thiên, Nguyễn Công Trứ mới dâng sớ xin được về hưu. Nhà vua chuẩn y và gia ân cho ông thực thụ hàm Phủ doãn trí sỹ. Năm Kỷ Dậu (1849), Nguyễn Công Trứ rời Kinh thành Huế trở về quê hương. Tuy nhiên ông không ở Uy Viễn quê cha đất tổ mà lại chọn núi Nài xã Đại Nài thuộc Tỉnh thành Hà Tĩnh để làm nơi “... Di dưỡng tinh thần, sống ngoài vòng cương tỏa... ngất ngưởng chẳng tiên mà chẳng tục ...” một thời gian khá dài.

                                             ***

    Núi Nài (tức Cảm Sơn hoặc Cảm Lĩnh) là một quả đồi nằm giữa cánh đồng thuộc giáp (thôn) Trung Tiết xã Đại Nài mé đông nam Tỉnh thành Hà Tĩnh, nay thuộc phường Đại Nài Thành phố Hà Tĩnh. Trên núi có ngôi miếu thờ Thần Núi (Sơn Linh) và ngôi chùa cổ Cảm Sơn tự, thường gọi là Chùa Nài. Chùa do Hoan Quận công chủ trì công đức xây dựng vào khoảng niên hiệu Thịnh Đức đời vua Lê Thần Tông (1653-1657). Thời nhà Nguyễn, chùa Cảm Sơn được xếp là một trong tám cảnh đẹp của Tỉnh thành Hà Tĩnh. Về đây Nguyễn Công Trứ cho dựng mấy gian nhà tranh ở lưng chừng núi bên cạnh chùa Nài. Phía trước nhà ông cho đề mấy câu đối - bản dịch của Giáo sư Trương Chính:

       - Thích tĩnh vẫn không quên suối nước

       - Hưởng nhàn nào phải học thần tiên

Hoặc:

       - Phá chùa Phật đốt sách Kinh, Đường Hàn Dũ một người thôi chứ

       - Tô đài hoa xây gác đá, Hán Vĩnh Bình muôn thuở lại nay

    Trong thời gian ở núi Nài, năm Canh Tuất (1850) khi đã vào tuổi 73, Nguyễn Công Trứ đã cưới bà vợ thiếp thứ 8. Về chuyện duyên tình của mình khi đã qua tuổi ‘xưa nay hiếm’ ông đã làm bài ca trù “Tuổi già cười vợ hầu”, trong đó có hai câu được người đời truyền tụng:

         Tân nhân dục vấn lang niên kỷ

         Ngũ thập niên tiền nhị thập tam ...

   Dịch thơ:

      Vợ mới hỏi chàng bao nhiêu tuổi

      Năm mươi năm trước tớ hăm ba...

   Theo tìm hiểu của các nhà nghiên cứu lịch sử và văn hoá dân gian thì bà vợ thiếp thứ 8 là cô đào Phan Thị Bảo ở làng Như Sơn - một làng có tiếng cầm ca ở phía nam Cửa Sót, nay thuộc xã Thạch Hải huyện Thạch Hà tỉnh Hà Tĩnh.

      Trở lại đời thường, ngày ngày Nguyễn Công Trứ hay ngồi xe bò kéo dạo chơi trong vùng, thỉnh thoảng lại đi ra phía bắc thưởng ngoạn phong cảnh chùa Hương Tích, chùa Thiên Tượng hay chùa Uyên Trừng trên núi Hồng Lĩnh. Sau xe bao giờ cũng có nàng hầu và tiểu đồng đi theo. Một giai thoại thật thú vị là có lần ngồi xe dùng con bò cái kéo. Cụ bảo tiểu đồng lấy chiếc mo cau buộc vào che chỗ đít bò và nói đùa là ‘che miệng thế gian’ Nhân sự việc này, cụ làm bài thơ tứ tuyệt:

     Xuống ngựa lên xe nọ tưởng nhàn

     Lợm mùi tiến chức với thăng quan

     Về hưu dạo chiếc xe bò kéo

     Mượn cái mo che miệng thế gian

  Những lúc ở nhà, Nguyễn Công Trứ cùng bạn hữu đàm đạo ngâm vịnh thơ hoặc bày tiệc hát ca trù để tiêu khiển. Nhiều khi cuộc hát và tiếng ‘tom chát’ kéo dài thâu đêm át cả tiếng tụng kinh gõ mõ. Nhà sư trụ trì chùa Cảm Sơn cảm thấy ‘cửa thiền’ không yên tĩnh nên đến bẩm báo và nhờ quan Bố chánh Hà Tĩnh Hoàng Nho Nhã can ngăn hộ. Vốn đã biết tiếng tăm Uy Viễn tướng công trí sỹ, vị Bố chánh tỉnh nhà bèn đến chơi và lựa lời khuyên phải trái. Nghe xong Nguyễn Công Trứ vẫn làm thinh rồi mời Hoàng Nho Nhã ở lại uống rượu và dự cuộc hát để nghe cô đào ca bài “Ông ngất ngưởng” mà cụ mới làm xong:

    ... Đô môn giải tố chi niên

    Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng

    Kìa núi nọ phau phau mây trắng

    Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi

    Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì

    Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng...

   Sau lần đó, quan Bố chánh đành lắc đầu chịu phép và khuyên các nhà sư không nên can thiệp vào thú vui riêng của cụ Nguyễn Công Trứ. Hoàng Nho Nhã còn tặng bức đối liễn:

        Sự nghiệp kinh nhân thiên hạ hữu

        Phong lưu đáo lão thế gian vô

Dịch nghĩa: -.Sự nghiệp kinh đời trong thiên hạ vẫn có người làm được /- Phong lưu mãn kiếp giữa thế gian không còn kẻ nào hơn.

    Các Nho sỹ trong vùng thưởng đến núi Nài xin bái kiến cụ Nguyễn Công Trứ. Bạn bè, nhiều tao nhân mặc khách qua đây cũng không quên ghé thăm cụ cùng đàm đạo thế thái nhân tình và xướng họa thơ văn. Giải nguyên khoa Tân Mão (1831) Nguyễn Hàm Ninh quê làng Phú Ninh huyện Quảng Trạch tỉnh Quảng Bình bỏ chức quan ra Hà Tĩnh làm nghề thuốc, đã nhiều lần đến chơi cụ Nguyễn và để lại bài thơ “Cảm Sơn tự yết Hy Văn”

    Già tới thiền môn mới thấy nhàn

    Hơn xa mong ước của chàng Ban

    Việc quan biết đã qua dòng nước

    Gặp gỡ dè đâu lại Cảm San

    Trống cháo chuông chay hương nửa nén

    Đàn bao kiếm hộp cỏ ba gian

    Một cành sống chết trao ai hiểu

    Muốn gấp theo ông hái thuốc thang.

                                      (Lương An dịch)

   Năm Tân Hợi (1851) cụ Nguyễn Công Trứ ra Bắc chơi theo lời mời của các vị chức sắc và nhân dân hai huyện: Kim Sơn (Nính Bình) và Tiền Hải (Thái Bình). Với tấm lòng biết ơn sâu sắc khi cụ làm quan Dinh điền sử giúp dân quai đê lấn biển mở mang đồng ruộng để sản xuất vượt qua đói nghèo xây dựng xóm làng tươi đẹp yên vui. Hai địa phương đã tự nguyện đóng góp công sức và tiền của xây dựng Sinh từ Dinh Điền sứ (Đền thờ Nguyễn Công Trứ khi đang sống) Đốc học Nam Định là Hoàng giáp Phạm Văn Nghị (thường gọi là Ông Nghè Tam Đăng) đã chấp bút viết bài ‘Văn tế sống Uy Viễn tướng công’ Sau đây là trích đoạn:

  ... Đan thanh dấu cũ

      Quan cái triều xưa

 Bút cự nho xông thẳng trường văn, ba ngàn sỹ tử chịu co tay, tên đỏ chói đứng đầu bảng Hổ

 Cờ đại tướng trỏ ngang giáo võ, trăm vạn hùng cứ đều khiếp tiếng, biển trong veo lặng ngắt tăm Kình

 Phá toang bãi cỏ lập nền dân chẳng quản chân tay bủn lấm

 Tát sạch đồng chua làm ruộng tốt công đức bốn cõi rõ ràng

 Danh tướng danh thần là một

 Linh thanh sực nức ngàn thu...

    Sau cuộc hội ngộ đậm đà tình nghĩa đó, Nguyễn Công Trứ bị một số kẻ xấu vu cáo là:”...có âm mưu tụ tập khởi loạn phải cấp tốc lai kinh hậu cứu...”. Nhà vua cho triệu về kinh xét hỏi rồi được giải oan. Có lẽ câu thơ lục bát: “...Đem lưng cho thế gian ngồi/ Rồi ra mang tiếng là người bất trung...” ra đời trong hoàn cảnh tương tự.

   Từ chuyển đi Huế về, cụ Nguyễn Công Trứ ở lại quê nhà, không vào núi Nài-Cảm Sơn nữa. Cụ tự tổng kết hành trạng cuộc đời trong bộ câu đối nôm 132 chữ:

   - Cũng may thay công đăng hoả có là bao, theo đòi vừa phận lại vừa duyên, quan trong năm bảy thứ, quan ngoài tám chín phen, nào cờ nào quạt nào mão nào đai, nào hèo hoa gươm bạc, nào võng tía dù xanh, mặt tài tình trong hội kiếm cung, khắp trời nam bể bắc cũng tung hoành, mùi thế trải qua ngần ấy đủ.

   - Thôi quyết hẳn cuộc phong trần chi nửa tá, ngất ngưởng chẳng tiên mà chẳng tục, hầu gái một vài cô, hầu trai năm bảy cậu, này cờ này kiệu này rượu này thơ, này đàn ngọt hát hay, này chè chuyên chén mẫu, tay thao lược đã ngoài vòng cương tỏa, lấy gió mát trăng thanh làm tri thức, tuổi trời ít nữa ấy là hơn.

   Năm Mậu Ngọ (1858), cụ Nguyễn Công Trứ bước sang tuổi 81 với hơn mười năm vui thú điền viên. Khi nghe tin quân Pháp đánh vào Đà Nẵng, cụ vẫn xin trở lại cầm quân đánh giặc, nhưng chỉ một thời gian ngắn, ngày 14 tháng 11 năm đó, cụ tạ thế tại tư dinh ở làng Uy Viễn quê nhà.

   Tiến sĩ Trương Quốc Dụng quê ở làng Phong Phú huyện Thạch Hà khi đi vãn cảnh núi Nài-Cảm Sơn đã có câu đối như hồi tưởng và trân trọng cụ Nguyễn-một Danh nhân của Núi Hồng sông Lam

   - Hào kiệt anh hùng vào bậc nhất, nước Lam Giang núi Hồng Lĩnh, tìm nguồn có nguồn đó !

   - Tiếng tăm sự nghiệp ba mươi năm, Thần Tiền Hải, Phật Cảm Sơn, khi vui thì về đâu ?

   Giải nguyên Phan Bội Châu cũng đã làm bài thơ về cụ Nguyễn Công Trứ (trích):

    ... Sao bằng cái thú ông Uy Viễn

    Say dắt đào nương đến cửa thiền...

   Sau khi qua đời, tại mộ phần Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ ở làng Uy Viễn, con cháu đã trồng một cây thông theo ý nguyện cuối đời của cụ

      Ngồi buồn mà trách ông xanh

Khi vui muốn khóc buồn tênh lại cười

      Kiếp sau xin chớ làm người

Làm cây thông đứng giữa trời mà reo

      Giữa trời cành lá cheo leo

Ai mà chịu rét thì trèo với thông

   Bài thơ ngắn là nỗi niềm tâm sự nhưng phải chăng cũng là lời trăng trối đã phần nào thể hiện cốt cách và bản lĩnh của Danh nhân Nguyễn Công Trứ khi “... Ý thức cá nhân được khẳng định với ba phạm trù: Công danh, Cái nhàn hưởng lạc, Cái ta hơn người. Chúng tạo ra trong con người ông một sự hài hoà tự tin, phong lưu tự do đứng trên mọi phương diện được mất khen chê...” Âu đó cũng là lời nhắn gửi của một bậc chính nhân quân tử để lại cho đời và được lưu truyền muôn thuở.

 Đ.N

            TÀI LIỆU THAM KHẢO

 - Giai thoại Nguyễn Công Trứ

 - Hà Tĩnh-Thành Sen - 160 năm mới

 - Kỷ yếu hội thảo Nguyễn Công Trứ

 - Từ điển Nhân vật Xứ Nghệ