Văn hóa phải được coi là sức mạnh mềm của đất nước để cạnh tranh trên trường quốc tế

GS.TSKH Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: Trong thời kỳ hội nhập, văn hóa không chỉ là tài sản để cất giữ, để tự hào mà phải được coi là sức mạnh mềm của đất nước để có thể mở rộng hợp tác và cạnh tranh sòng phẳng trên trường quốc tế.

 

 

Văn hóa là “tấm căn cước” của một cộng đồng

Trong bài tham luận tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11, GS.TSKH Vũ Minh Giang cho biết thực tế phát triển của nhiều quốc gia, dân tộc trên thế giới hiện nay đã cho thấy những minh chứng cụ thể về sự thành công trong sự phát triển đất nước, khi biết dựa vào văn hóa như một nền tảng tinh thần.

Vào cuối thế kỷ XIX, quan điểm “hòa thần, dương khí” (tinh thần Nhật Bản, phương tiện châu Âu) do Fukuzawa Yukichi đề xuất không những đã xóa bỏ tâm trạng đầy mặc cảm về sự tụt hậu của dân tộc Nhật đồng thời là một nhân tố góp phần giúp Nhật Bản cải cách thành công và đưa nước này lên hàng cường quốc trên thế giới vào đầu thế kỷ XX. Chính vì vậy mà mặc dù là quốc gia hiện đại, Nhật Bản là nước đặc biệt coi trọng văn hóa truyền thống.

Tại Hàn Quốc, khẩu hiệu nổi tiếng “Hãy biến tất cả những gì người Hàn có thành lợi thế cạnh tranh quốc tế” cũng là một trong những giá trị cốt lõi tạo nên “kỳ tích sông Hàn”. Người Hàn Quốc luôn coi văn hóa là sức mạnh của họ trong thời đại toàn cầu hóa. Tất cả điều này cho thấy, sự phát triển của một quốc gia chỉ có thể đứng vững khi được đặt trên nền tảng văn hóa. Do đó, để phát triển đất nước mang tính bền vững, trước hết cần phải biết mình, biết người; nhằm khai thác tối đa những gì mình có cũng như áp dụng tối đa những gì mình học, để vươn lên cùng thế giới.

Theo GS.TSKH Vũ Minh Giang, có thể coi văn hóa là căn cước của một cộng đồng, nhưng bao giờ cũng có hai hợp phần nội sinh và ngoại sinh (tiếp thu được từ bên ngoài, biến thành cái của mình, trong văn hóa học thường gọi là quá trình tiếp biến). 

Nói đến văn hóa Việt Nam trước hết phải nói tới nền tảng tinh thần là ý thức tự tôn dân tộc, tinh thần độc lập, tự cường. Đây là nội dung cực kỳ quan trọng của văn hóa Việt Nam và là yếu tố cấu thành phẩm chất của con người Việt Nam. Tinh thần dân tộc cao sẽ là động lực và sức mạnh thúc đẩy một dân tộc vươn tới đỉnh cao. Vấn đề đang đặt ra hiện nay cho Việt Nam là làm thế nào để động viên được tới các mức cao nhất sức mạnh này trong công cuộc xây dựng đất nước và cạnh tranh quốc tế. Thêm vào đó trong văn hóa Việt Nam, truyền thống hiếu học và khả năng trí tuệ của người Việt đã và đang trở thành một yếu tố bảo đảm cho sự phát triển với tốc độ cao của đất nước và trở thành một thế mạnh trong cạnh tranh quốc tế trong tương lai.

Một trong những nét đặc sắc đồng thời cũng là thế mạnh con người Việt Nam là tính cách mềm dẻo, cởi mở và dễ hội nhập. Đây là một yếu tố hết sức thuận lợi trong hoàn cảnh ngày nay, khi mà thế giới ngày càng phát triển theo xu thế hội nhập và chu kỳ thay đổi công nghệ ngày càng có xu hướng rút ngắn. Trong khi đó văn hóa Việt Nam đa dạng, phong phú với bản sắc hết sức độc đáo. Đó là lợi thế lớn cho Việt Nam trong thời kỳ chủ động hội nhập.

Không chỉ là trách nhiệm của ngành văn hóa

Để có thể biến văn hoá thành nguồn lực, khai thác các di sản như những tài nguyên, GS.TSKH Vũ Minh Giang cho rằng điều quan trọng đầu tiên là phải đổi mới tư duy nhận thức một cách căn bản. Trước hết phải thấm nhuần sâu sắc quan điểm văn hóa không chỉ là một lĩnh vực hoạt động thuộc phạm vi quản lý của ngành văn hóa, mà là nền tảng tinh thần của xã hội, là hồn cốt, khí chất của dân tộc. Trên thực tế, trong các quan điểm chỉ đạo của mình, Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã luôn đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hóa cũng như thẳng thắn thừa nhận những hạn chế, yếu kém trong công tác chỉ đạo và thực hiện chính sách phát triển văn hóa của Đảng .

Bên cạnh đó, cùng với việc đổi mới tư duy nâng cao nhân cao nhận thức về tầm quan trọng của văn hóa, cũng phải đánh giá đúng và thấy hết những khó khăn khi khai thác các nguồn lực văn hóa.

Trước hết đó là những trở ngại trước những thói quen, tập tính và hạn chế của một cư dân nông nghiệp khi bước vào thời kỳ công nghiệp hoá và hiện đại hoá; mà một trong những nhược điểm lớn, gây rất nhiều hậu quả tai hại là không có thói quen nhìn xa, hay tâm lý "ăn xổi".

Ngoài ra, một trong những hạn chế lớn khác của di tồn văn hóa có hại cho sự phát triển là tâm lý "bình quân cào bằng". Trong lịch sử, sự bình đẳng làng xã, sự phân hoá xã hội không mấy sâu sắc đã từng đóng vai trò quan trọng cho sự cố kết cộng đồng. Quan niệm “dàn hàng ngang mà tiến” hay “xấu đều hơn tốt lỏi” đôi khi là những yếu tố cần thiết để điều chỉnh hành vi của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, mặt trái của nó chính là tâm lý ghét sự vượt trội - một biểu hiện của tâm lý bình quân. Trong phát triển nói chung, đây là yếu tố có sức cản vô cùng mạnh mẽ.

Một trong những điều quyết định thành công trong sự nghiệp phát triển đất nước đi tới phồn vinh là phải khơi dậy khát vọng của cả dân tộc, trong đó đặc biệt là giới trẻ như tinh thần Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII đã chỉ ra. Giáo dục văn hóa, lịch sử cho mọi tầng lớp từ lãnh đạo đến nhân dân, nhất là tầng lớp thanh thiếu niên cần được coi như một nhiệm vụ mang tầm chiến lược. Khát vọng sẽ dẫn tới tự tin và có thể biến tất cả những gì mình có thành lợi thế, thành sức mạnh.

Trong thời kỳ hội nhập, văn hóa không chỉ là tài sản để cất giữ, để tự hào mà phải được coi là sức mạnh mềm của đất nước để có thể mở rộng hợp tác và cạnh tranh sòng phẳng trên trường quốc tế. Trên ý nghĩa này, đẩy mạnh ngoại giao văn hóa không chỉ dừng ở những hoạt động giới thiệu hình ảnh Việt Nam ra bên ngoài mà phải có những tính toán lâu dài và hiệu quả, trong đó phải đặc biệt coi trọng thế mạnh của con người Việt Nam.

Ngoài ra, việc phát huy sức mạnh mềm, làm sống dậy các di sản, di tích cũng là một giải pháp quan trọng, cần được đặc biệt quan tâm. Nền văn hiến lâu đời và lịch sử dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc Việt Nam đã để lại một truyền thống hào hùng và gắn với nó là vô vàn những di tích quý giá. Dù vậy cho đến nay những di sản này chưa được khai thác có hiệu quả. Thế giới hiện đang có rất nhiều kinh nghiệm làm sống dậy di sản văn hóa, khai thác di sản như những tài nguyên góp phần vào sự nghiệp phát triển đất nước.