Về nhân vật Trịnh La trong kí ức Định Tường xưa

Sau cách mạng tháng 8/1945, trong không khí hồ hởi chào đón luồng văn hoá cách mạng mới, nhiều văn hoá xa xưa bị đánh đồng cùng hủ tục, người công dân của chế độ mới rũ bỏ hình tượng của chế đô phong kiến.

chuyen-lg-que1g-1634905500.jpgẢnh minh họa do tác giả cung cấp.

 

Quê tôi, Định Tường, không tránh khỏi luồng gió văn hoá đó, nhiều hủ tục bị dẹp bỏ, nhưng cuốn trong vòng xoáy ấy, nhiều nét đẹp xa xưa không thể tự bảo vệ mình, đành rời bỏ nơi mà ngàn đời gắn bó. Tục thờ thành hoàng làng của các làng ở Định Tường đã xoá nhoà và hầu như không còn đọng lại chút gì trong tâm trí hôm nay.

Tôi lần tìm thông tin qua một số sách và website viết về Yên Định, hoá ra trước kia khá nhiều làng thờ chung thành hoàng làng. Nổi lên ở Định Tường có nhân vật Trịnh La, một nhân thần được dân các làng như Đắc Trí, Lý Yên, Thành Phú... thờ phụng là thành hoàng làng. Ngày nay, nếu không qua sách vở, hỏi người làng, kể cả các cụ cao tuổi, cũng khó có người nhớ được, làng mình từng có thờ nhân thần - Trịnh La.

Danh xưng của nhân thần các nơi khác nhau cũng không giống. Có nơi gọi ngài là Trịnh Ra, Trịnh Gia... nhưng trong khuôn khổ bài viết trong kí ức Định Tường, chúng tôi sẽ ưu tiên gọi ngài theo tên gọi của người Định Tường cũ, các tích về ngài cũng ưu tiên theo kí ức của Định Tường. Bạn đọc có thể tìm thêm thông tin về ngài theo thần tích ở các làng khác, bởi vì có thể ngay từ xa xưa, việc kể lại chủ yếu qua truyền miệng ắt sẽ có hiện tượng"tam sao thất bản".

Làng Thành Phú, trước kia còn có tên là làng Phú Thọ. Làng có thờ hai thành hoàng làng, trong đó có thờ thành hoàng làng là Thánh Quản. Duệ hiệu của thần là "Quản gia đô bác, Trịnh Phủ quân thượng đẳng tôn thần", ngài vốn là một nhân thần.

Quản gia đô bác tên là Trịnh La người làng Nhật Chiêu (thuộc Vĩnh Lộc). Tương truyền ngài là người thông minh, mẫn tiệp và nhân hậu, giúp nước giúp dân, cho nên nhiều làng thờ, và ngài cũng được nhiều triều đại sắc phong. Trịnh La làm tù trưởng ở làng Nhật Chiêu, nhưng theo địa chí Vĩnh Lộc thì ở Thiên Vực, nhà ngài ở xứ Long Xá, quê ngoại ở làng Đức Chiêu. Các địa danh này nay tập trung ở xã Vĩnh Hùng và vùng lân cận.

Thế kỷ IX, nước ta còn bị đô hộ bởi nhà Đường, quân Nam Chiếu nhiều lần sang cướp phá, quan binh nhà Đường không dẹp nổi nên dân ta vô cùng khổ. Mãi đến năm 886, Cao Biền dẹp được quân Nam Chiếu. Cao Biền gặp và có lòng yêu mến Trịnh La, giao cho chức Khố Sứ quan. Đó là chức quan coi kho và trông nom việc binh lương ở Phủ đô hộ. Sau Trịnh La xin nghỉ, về quê, được Cao Biền thưởng cho 500 quan tiền và ban cho một vùng đất hưởng huyết thực đời đời. Ông biết thương người nghèo đói đem của chu cấp cho nhân dân trong cả huyện.

Trịnh La có em trai là Trịnh Thường, em gái là Trịnh Thị Thanh (gả chồng cách sông Mã). Vì chuyện xích mích, 3 anh em bị em rể (người xã Vĩnh Thành) lừa giết, thả xác trôi sông. Xác Trịnh La trôi xuôi dòng sông Mã rồi lại trôi ngược lên làng Nhật Chiêu, Quang Biểu. Cao Biền thương xót cho xây mộ, lập đền thờ ở quê, phong là Quản gia Đô bác thần vương, giao cho dân làng cúng lễ.

Đến đời Hồ vì có ứng mộng nên Hồ Quý Ly sức cho dân ven sông Mã thờ làm thành hoàng. Do đó nhiều làng xa gần trong đó có các làng ở Định Tường, thờ ngài làm thành hoàng làng. Theo các nhà nghiên cứu sông Mạn Định, một con sông chảy qua Định Tường, thì Mạn Định có thể từng là dòng chính sông Mã xưa trước khi sông đổi dòng, không thì chí ít cũng là một nhánh lớn của sông Mã. Vì vậy việc các làng ở Định Tường thờ ông cũng hợp lý.

Tại đình làng Thành Phú có câu đối về Thánh Quản như sau:

Nhật Chiêu Mã giang chung nghĩa khí

Trung lưu Phú Thọ hiển linh từ

Tạm dịch nghĩa: Làng Nhật Chiêu và sông Mã cùng chung nghĩa khí. Về sau làng Phú Thọ lập đền thờ rất hiển linh. (Phú Thọ là tên cũ của làng Thành Phú).

Ở Định Tường, Thánh Quản còn được thờ ở làng Lý Yên, xã bên là Định Bình thì thờ ở Đắc Trí, Kênh Khê. Ngày 14 tháng 11, dân Lý Yên và Thành Phú tế Đức Thánh Quản. Cả làng làm bánh chưng, bánh dì, bánh răng bừa, xôi thịt... Tế xong, làng sẽ chia phần cho dân làng theo sổ hương ẩm. Vào mồng 5, mồng 6 tháng giêng, 4 làng này khiêng kiệu rước Thánh Quản đến cồn Đình thuộc thôn Đắc Trí để giao tế. Mỗi khi cầu đảo, kiệu Thánh Quản được rước ra cầu cúng.

Tiếc rằng đến nay, cả hai làng Lý Yên và Thành Phú đều không còn đình làng, cũng không còn chùa miếu thờ các nhân thần. Những kí ức dần cũng xoá mờ trong kí ức. Dẫu biết thời gian sẽ xoá nhoà nhiều điều tốt đẹp, nhưng khi đọc lại thông tin người quê mình lòng mỗi người không tránh khỏi bâng khuâng...