Đã từ lâu sản phẩm miến làng So, xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội được thị trường cả nước biết đến như một đặc sản của vùng quê xứ Đoài mây trắng. Miến dong làng So được làm từ nguyên liệu 100% bột củ dong riềng nguyên chất, nổi tiếng với sợi miến thơm ngon và dai mềm. Món ăn bình dị, dân dã đậm đà chất quê này đã đem lại cuộc sống ấm no cho mỗi người dân nơi đây.
Trong nắng xuân chan hòa, khắp đường làng ngõ xóm tại thôn Thị Ngoại, xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội lại nhộn nhịp, hân hoan với dòng người đang bắt tay vào vụ sản xuất miến đầu năm mới. “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” với làng quê nào không biết chứ những người thợ làm miến làng So vẫn tất bật sản xuất những mẻ miến để kịp phục vụ nhu cầu của thị trường.
Cánh đồng phơi miến của người dân làng So xã tân Hòa, huyện Quốc Oai
Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh thôn Thị Ngoại, anh Dương Đình Khôi - chủ cơ sở sản xuất miến dong Dương Kiên đã giới thiệu đầy đủ quy trình để sản xuất ra những sợ miến làm nên đặc trưng của sản phẩm miến làng So nức tiếng từ bao đời nay. Mới là tháng Giêng nhưng không khí sản xuất của cả làng miến đã tấp nập, phần thì bởi sau bao nhiêu ngày mưa, nay trời đã có nắng, phần vì bởi miến là sản phẩm tiêu dùng quanh năm. Đối với người làm miến thì thích nhất thời tiết nắng và gió, bởi như vậy mới tạo ra được những sợ miến dai, ngon. Mỗi xưởng sản xuất miến nơi đây đều thực hiện các công đoạn làm miến từ làm bột, làm sợi, hong miến... Một ngày lao động của những người thợ thường bắt đầu rất sớm, từ 5 giờ sáng và kết thúc vào lúc 18 giờ chiều. Từ tờ mờ sáng, đồng loạt các cơ sở sản xuất trong làng đều lên lửa, tiếp đó máy quấy bột, máy tráng miến chạy ro ro, xình xịch báo hiệu một ngày làm việc của những người làm miến bắt đầu. Khi nắng lên, những người thợ làm miến mang những phên nứa phơi bánh ra dựng san sát quanh các bức tường quanh xưởng. Chúng tôi còn được anh Khôi dẫn ra tận cánh đồng phơi miến.
Anh chia sẻ: Máy móc và quy trình sản xuất thì có thể giống nhau, nhưng điểm phơi miến, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất lại là cái làm nên điều khác biệt của mỗi cơ sở. Miến Dương Kiên có cả một cánh đồng phơi miến rộng xa nơi dân cư, xa đường đi lối lại, ở nơi mà chỉ có cây cỏ và những phên nứa phơi miến. Những sợi miến óng ả, nuột nà trải mình, đón nắng đón gió cho đến khi đạt được độ khô theo đúng tiêu chuẩn để đóng gói. Phơi miến dưới nắng và gió cũng là cả một nghệ thuật. Phơi đúng kỹ thuật sợi miến sẽ ngon hơn. Người phơi miến tính hướng của gió, làm sao để gió đưa từ dưới lên trên, các sợi miến sẽ khô từ phía dưới lên bề mặt. Nhờ sức hút của gió và nắng, miến sẽ khô đều và giữ được kích thước cho đến lúc khô kiệt.
Người dân làng So xã Tân Hòa không ai nhớ rõ nghề làm miến chính xác xuất hiện ở làng từ bao giờ, chỉ biết đó là nghề truyền thống của các cụ xưa để lại. Trong tiềm thức xa xăm của dân làng là cảnh nhà nhà làm miến. Miến phơi trên những chiếc phên nứa, phên nứa xếp dài dằng dặc trên những con đường dẫn ra cánh đồng.
Hiện nay toàn xã Tân Hòa có hơn 40 hộ sản xuất miến dong, ước tính công suất bình quân của mỗi hộ làm nghề khoảng 1 - 1,5 tấn miến mỗi ngày. Đây là nghề phụ nhưng lại cho thu nhập chính đối với nhiều hộ dân trên địa bàn xã Tân Hòa. Điều đáng mừng là sản phẩm miến làng So hiện nay đã được đóng trong bao bì khá đẹp mắt với nhãn hiệu riêng của từng hộ làm nghề.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan gian hàng giới thiệu đặc sản miến So và các mặt hàng thủ công mỹ nghệ và sản phẩm OCOP Thủ đô
Cơ sở sản xuất miến dong Dương Kiên là một trong những cơ sở sản suất nổi tiếng nhất và có thâm niên làm nghề miến dong nhiều năm nay. Xưởng sản xuất do anh Dương Đình Khôi và gia đình quản lý hiện có hơn hai mươi nhân công đang tất bật làm việc. Dù mỗi người một khâu làm việc khác nhau nhưng được liên kết nhịp nhàng tạo thành dây truyền sản xuất khoa học. Do nắm bắt được sự phát triển của công nghệ hiện đại, năm 2016 gia đình anh Khôi đã đầu tư trên 2 tỷ đồng để mua sắm máy móc hiện đại, chuyển từ tráng miến thủ công sang sản xuất bằng máy, theo dây chuyền khép kín từ khâu lọc bột, làm chín, đến tráng miến. Nhờ công nghệ máy móc hiện đại và có kỹ thuật làm nghề lâu năm, nên hiện nay sản phẩm miến dong Dương Kiên đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, có mặt ở khắp các tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt, cứ vào mùa vụ cận Tết Nguyên đán, sản phẩm miến dong của gia đình anh Khôi làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, có những ngày cao điểm gia đình anh xuất xưởng 3 - 4 tấn miến dong.
Anh Dương Đình Khôi giới thiệu cách phơi miến để sợ miến dẻo, dai mà không cần phải qua khâu sấy
Miến dong Dương Kiên khác biệt với các loại miến khác là vì miến làm bằng bột dong riềng nguyên chất, nước làm miến dong cũng được lấy từ nước giếng đá ong tại gia đình nên miến sản xuất rất bảo đảm chất lượng. Sau khi sản xuất, miến được phơi nắng tự nhiên ở cánh đồng, cách xa khu dân cư, không bụi bẩn, không sử dụng chất bảo quản, chất tẩy mùi hoặc bất cứ phụ gia thực phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Sản phẩm miến dong Dương Kiên được đóng gói tiêu chuẩn 500g/túi, có tem, nhãn mác, với đầy đủ thông tin về thành phần dinh dưỡng, tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và đang từng bước khẳng định được thương hiệu trên thị trường.
Ông Vương Sỹ Trung - Chủ tịch UBND xã Tân Hòa cho biết: Xác định miến dong là sản phẩm chủ lực giúp người dân phát triển kinh tế, trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục quy hoạch vùng sản xuất, tạo sự chuyên môn hóa trong sản xuất. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá thương hiệu sản phẩm; tiếp tục hỗ trợ thêm cho các cơ sở về dây chuyền sản xuất, vận động một số ít cơ sở còn lại sử dụng bao bì, nhãn mác theo tiêu chuẩn để đảm bảo sản phẩm đưa ra thị trường có tính đồng bộ.
Nghề làm miến đã làm cho cuộc sống ở Tân Hòa ngày một thay da đổi thịt. Nhiều gia đình nhờ nghề làm miến đã trở nên khấm khá, nhà cửa khang trang, và mua sắm thêm nhiều máy móc, phương tiện phục vụ cho sản xuất. Nghề làm miến cũng góp phần giải quyết công ăn việc làm tại địa phương.
Dương Dương
Xem thêmTại đây