Việt Nam có bao nhiêu làng nghề chế biến gỗ?

Các làng nghề chế biến gỗ của Việt Nam đã tồn tại từ rất lâu trong khu vực nông thôn. Các làng nghề này không chỉ đem lại công ăn, việc làm cho cộng đồng cư dân của các làng quê Việt Nam mà còn là nơi duy trì, bảo tồn các bản sắc văn hóa dân gian của làng quê Việt.

lang-nghe-che-bien-go-1632566853.jpg 

Từ những căn nhà dân dụng đơn sơ đến những mái đình cong vút, từ sự tinh tế trong tượng Phật Quán thế âm nghìn mắt, nghìn tay, đến các đồ gỗ nho nhỏ làm quà lưu niệm cho khác du lịch phương xa,.. đâu đâu cũng thấy sự hiện diện của những bàn tay tài hoa của những nghệ nhân các làng nghề mộc, cũng như tiềm ẩn một nền văn hóa đậm đà bản sắc Việt Nam. Nhiều sản phẩm đồ gỗ, làng nghề chế biến gỗ đã trở nên nổi tiếng trong mắt bạn bè thế giới. Chính những sản phẩm đồ gỗ mang đậm nét văn hóa dân tộc của các làng nghề chế biến gỗ này đã góp phần quan trọng làm nên sự khác biệt của Việt Nam trong sự hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Đó là một sự hội nhập nhưng không hề không hề hòa tan trong thế giới mênh mông đó.

Hàng năm cứ đến ngày 20 tháng 12 âm lịch, các làng nghề gỗ, các hiệp hội chế biến gỗ,... đều dâng nén hương tưởng nhớ ông tổ của nghề là Nguyễn Công Nghệ. Giỗ tổ ngành mộc chính là ngày lễ để tưởng nhớ đến các bậc tiền nhân, những người đã khai sáng và truyền bá rộng rãi ngành mộc, là dịp để mọi người thể hiện tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, “tôn sư trọng đạo” đối với những bậc thầy trong nghề. 

Ngày nay, làng nghề chế biến gỗ nói riêng và làng nghề nói chung vừa là đối tượng quản lý nhà nước vừa là chủ thể thụ hưởng các chính sách bảo tồn và phát triển làng nghề và chính sách về nông thôn mới của nhà nước, vốn đang khá được quan tâm hiện nay, nhất là từ Chương trình OCOP (Mỗi xã, Một sản phẩm). Không xác định rõ ràng, cụ thể số lượng các làng nghề nói chung và làng nghề chế biến gỗ nói riêng thì chính sách làm ra đều không có căn cứ, chỉ là chính sách trên mây và hiệu quả của chúng chắc chắn là không thể có được như mong muốn!

Vậy nước ta có bao nhiêu làng nghề chế biến gỗ?

Đó là một câu hỏi cho tất cả những ai quan tâm đến vấn đề này.

Trên các văn bản của cơ quan quản lý nhà nước, cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng gần đây luôn tồn tại con số hơn 300 làng nghề chế biến gỗ trong cả nước. Một số nơi cẩn thận hơn thì viết một cách áng chứng, chung chung là "cả nước có khoảng trên (hơn) 300 làng nghề chế biến gỗ"!

Xin thưa rằng đó là con số... RẤT TÀO LAO, nhưng lại cứ... DĨ HƯ TRUYỀN HƯ, người nọ truyền sang người kia, văn bản nọ đẩy sang văn bản kia,... và được sử dụng như... ĐÚNG RỒI. Cho dù trong cuốn "Định hướng và giải pháp phát triển bền vững ngành chế biến gỗ Việt Nam" xuất bản tháng 5/2013 TS. Nguyễn Mạnh Dũng đã dành hẳn một hộp tại trang 7-8 viết về sự vô lý này.

Do đâu mà có con số 300 hoặc hơn 300 làng nghề chế biến gỗ trong cả nước? Cuốn sách trên cũng đã cho ta thấy rõ khởi nguồn của con số nêu trên như sau:

"Theo kết quả điều tra về làng nghề của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết hợp với cơ quan hợp tác quốc tế của Nhật Bản (Jica) được thực hiện vào năm 2002-2003 thì cả nước có 342 làng nghề chế biến gỗ, chiếm 11,5% tổng số các làng nghề trong cả nước. Trong đó, vùng Đồng bằng sông Hồng có 182 làng nghề, chiếm 53,2% tổng số làng nghề chế biến gỗ, vùng Đông Bắc bộ có 20 làng nghề (5,8%), vùng Tây bắc bộ có 24 làng nghề (7,0%), vùng Bắc Trung bộ có 61 làng nghề (17,8%), vùng Nam Trung bộ có 5 làng nghề (1,5%), vùng Đông Nam bộ có 17 làng nghề (17,0%), vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 33 làng nghề (9,6%). Theo lịch sử hình thành làng nghề thì số làng nghề chế biến gỗ được hình thành trên 100 năm chiếm 21,7%, hình thành từ 30 năm đến dưới 100 năm là 29,9%, mới được hình thành từ 30 năm đến dưới 10 năm chiếm 37,0%, còn lại 11,4% là các làng nghề chế biến gỗ mới được hình thành trong 10 năm gần đây."

Có thể nói con số 342 làng nghề chế biến gỗ của cả nước được Cục Chế biến nông lâm sản và ngành nghề nông thôn (thay mặt Bộ Nông nghiệp và PTNT) kết hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) triển khai điều tra năm 2002-2003 trong khuôn khổ dự án "Nghiên cứu về quy hoạch phát triển ngành nghề thủ công theo hướng công nghiệp hóa nông thôn ở nước CHXHCN Việt Nam" là con số có thể tin cậy được trong thời điểm đó. Bởi lẽ đây là một cuộc điều tra bài bản duy nhất cho đến thời điểm này trong lĩnh vực làng nghề chế biến gỗ nói riêng và làng nghề Việt Nam nói chung được thực hiện rất cẩn thận, chuyên nghiệp, bài bản, có quy mô toàn quốc,  với những tiêu chí về làng nghề rất cụ thể và phù hợp với sự phát triển làng nghề của nước ta và kinh nghiệm về bảo tồn và phát triển làng nghề của Nhật Bản.

Năm 2010 Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (Vifores) cũng đưa ra nhận định "cả nước có 302 làng nghề chế biến gỗ, tập trung chủ yếu ở vùng đồng bằng sông Hồng (130 làng nghề, chiếm 43% tổng số làng nghề gỗ cả nước)".  Tuy nhiên, con số này không hề có bất cứ một thông tin nào đề cập đến xuất xứ và độ tin cậy của số liệu đưa ra. Có khi con số này là kết quả của người đánh máy nào đó trong lúc vô tình hay hữu ý đã biến con số 4 ở giữa thành số 0 cho có vẻ khác lạ chăng?

Trong thời gian gần đây, cũng có một số nguồn số liệu về số lượng làng nghề chế biến gỗ  được đưa ra và tương đối có căn cứ, cũng như có độ tin cậy nhất định. Chẳng hạn như: 

Theo Báo cáo thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề (thực hiện Nghị quyết số 1014/UBTVQH12) của Chính phủ thì cho đến tháng 7/2011 cả nước có 3.355 làng nghề, trong đó có đến 37% là làng nghề làm đồ thủ công mỹ nghệ (Chế biến gỗ là chủ yếu).

Theo Báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 20/10/2006 về phát triển ngành nghề nông thôn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì chỉ riêng trong số 55 tỉnh, thành phố được thống kê đã có đến 4.575 làng nghề, với 1.324 làng nghề đã được công nhận và 3.521 làng nghề chưa được công nhận.  

Nếu thừa nhận tỷ lệ làng nghề chế biến gỗ chiếm 11,5% tổng số các làng nghề trong cả nước như cuộc tổng điều tra làng nghề năm 2002-2003 đưa ra (trên thực tế thì tỷ lệ này tương đối phù hợp, có thể chấp nhận được) thì số lượng làng nghề chế biến gỗ theo Báo cáo thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề (thực hiện Nghị quyết số 1014/UBTVQH12) của Chính phủ sẽ là 3355 x 11,5% = 386 làng nghề (năm 2011). Còn theo Báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Nghị định số 66/2006/NĐ-CP, thì năm 2011 cả nước có 4575 x 11,5% = 526 làng nghề chế biến gỗ. Số liệu này có thể còn cao hơn vì Báo cáo này chỉ có số liệu của 55 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Mặc dù vậy, theo kết quả tổng điều tra nông nghiệpnông thôn gần đây nhất, năm 2016 (vì tổng điều tra năm 2020 chưa công bố kết quả) thì số làng nghề chế biến gỗ trong cả nước chỉ là 127 làng nghề, chiếm 10,958% tổng số làng nghề cả nước? (xem ảnh).

Vì sao lại có sự chênh lệch số liệu ghê gớm vậy?

Có một nguyên nhân được đa số những người có liên quan, kể cả những người có trách nhiệm trong lĩnh vực này đưa ra là: DO TIÊU CHÍ VỀ LÀNG NGHỀ TRONG CÁC CUỘC ĐIỀU TRA LÀ KHÁC NHAU, DẪN ĐẤN KẾT QUẢ ĐƯA RA LÀ KHÁC NHAU (!?).

Trên thực tế thì không thể có nguyên nhân này được. Bởi lẽ ngay từ cuộc điều tra làng nghề toàn quốc năm 2002-2003, JICA và Cục Chế biến nông lâm sản và ngành nghề nông thôn đã rất chú trọng đặt ra các tiêu chí xác định làng nghề trước khi triển khai điều tra. Các tiêu chí này sau được chuyển vào nội dung của Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 20/10/2006 về phát triển ngành nghề nông thôn  và được lặp lại trong Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn mới đây. Theo đó, Tại khoản 3 điều 5 Nghị định 52/2018/NĐ-CP, một đơn vị dân cư được xác định là một làng nghề phải thỏa mãn 03 tiêu chí sau:

"a) Có tối thiểu 20% tổng số hộ trên địa bàn tham gia một trong các hoạt động hoặc các hoạt động ngành nghề nông thôn quy định tại Điều 4 Nghị định này.

b) Hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định tối thiểu 02 năm liên tục tính đến thời điểm đề nghị công nhận.

c) Đáp ứng các điều kiện bảo vệ môi trường làng nghề theo quy định của pháp luật hiện hành."

Như vậy, cho dù là các cuộc điều tra của Chính phủ để báo cáo Quốc hội năm 2011; Báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 20/10/2006 về phát triển ngành nghề nông thôn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2011 hay kết quả tổng điều tra nông nghiệp, nông thôn năm 2016 của Tổng cục thống kê điều phải tuân thủ các nghị định của Chính phủ trong lĩnh vực chuyên môn là "LÀNG NGHỀ VIỆT NAM". Không lẽ các cơ quan điều tra nêu trên lại không tuân thủ các nghị định do Chính phủ ban hành?

Vậy, hiện nay cả nước ta có bao nhiêu làng nghề chế biến gỗ? 342, 302, 386, 536 hay chỉ có 127 làng nghề?

Câu hỏi này biết dành cho ai đây?

Có khi nào các làng nghề chế biến gỗ của nước ta lại suy tàn nhanh khủng khiếp thế sao?