Việt Nam diễn nghĩa – Tập I (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 24)

 Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập I của PGS TS Cao Văn Liên. 

   

cvl4z-1631065821.jpg

Núi Hàm Quỷ nơi Quỷ Môn Quan. Nguồn: Internet

Sách Đại Nam nhất thống chí có chép rằng: “Cửa quan Quỷ Môn – ở phía nam châu Ôn (Lạng Sơn), thuộc địa phận xã Chi Lăng. Đường ải nhỏ hẹp, đá núi hiểm cao, phía tây gần khe sâu, nước độc không thể uống, hình thế hiểm ác, có đá như đầu ma đầu quỷ, nên đặt tên như vậy.”

                                    

Kỳ 24.

Sáu năm cai trị ở Giao Chỉ, Tô Định chỉ nghe nói về sự hiểm trở của miền biên ải phía Bắc. Bây giờ Tô Định đang đi và đang chứng kiến địa thế hiểm trở của núi rừng nơi đây, đặc biệt là Quỷ Môn Quan, nơi Tô Định, em hắn là Tô Quảng và 3 vạn binh sĩ đang dẫn thân vào, cái chết có thể ập xuống bất cứ lúc nào. Tất cả đều do hắn gieo gió thì phải gặt bão. Giá như khi là Thái thú Giao Chỉ, hắn không tham lam, không tàn ác. Hắn lấy làm kỳ lạ là những kẻ đang nắm quyền và tham lam thì rất say sưa, hoàn toàn không nhận thức được hậu quả. Tiếng bước chân, tiếng ngựa hí làm đứt dòng suy tư của Tô Định. Hắn thấy Quỷ Môn Quan có hai núi đá đối nhau và ở giữa có một độ rộng khoảng 30 bước chân. Hai khối núi đá hai bên dốc đứng quanh co, hang hốc, cây cối xanh bạt ngàn che hầu hết ánh sáng mặt trời chiếu vào thành ra lối đi rất mờ tối. Vì lối hẹp giữa hai vách núi nên gió lạnh đưa vào như giao cắt. Tiếng những con chim “bắt cô trói cột” kêu vang núi. Tiếng tắc kè kêu “Tếch về! Tếch về!” như đuổi Tô Định và quân Hán quay về cố quốc.

Hết Quỷ Môn Quan, quân Tô Định bắt đầu đi vào một nơi hiểm địa tiếp theo nhưng rộng rãi hơn. Đó là ải Chi Lăng. Trước mắt Tô Định là một thung lũng hẹp nằm giữa hai dãy núi: Phía Đông là dãy núi đất Bảo Đài, Thái Hòa, phía Tây là dãy núi đá dựng đứng tạo nên một thung lũng dài hơn 2 dặm, rộng khoảng 1,5 dặm. Một con đường hẹp từ Quỷ Môn Quan xuyên qua thung lũng này chạy về Luy Lâu, về Cổ Loa và đi về quận Cửu Chân, Nhật Nam, tạo nên một con đường thiên lý. Dọc thung lũng là những ngọn núi thấp, nằm rải rác có tên là núi Hòn Quỷ, núi Phượng Hoàng, núi Kỳ Lân, núi Mã Yên. Hai đầu Bắc- Nam của thung lũng bị núi đá phía Tây, núi đất phía Đông khép lại là lũy Ải Quỷ và núi Ngõ Thề. Địa thế ở đây rộng hơn nên 3 vạn quân Hán không đi hàng một mà dồn lên đi kín cả mặt thung lũng.

  Đi đã lâu mà không có phục binh, Tô Định vui mừng nói:

-Trưng Trắc  ơi là Trưng Trắc, nơi đây mà nhà ngươi cho phục binh thì bản thân Thái thú không có đất mà chôn.

Tô Định vừa dứt lời, bỗng từ rừng rậm ngọn núi phía Đông vài phát tên có mồi lửa bắn lên trời. Quân Hán chưa kịp định thần thì tiếng trống đồng, tiếng thanh la, tiếng tù và vang động khắp rừng xanh. Những âm thanh rùng rợn mà Tô Định nghe cách đây 2 năm vẫn còn ám ảnh làm cho hắn kinh hoàng, run sợ thì bây giờ lại nổi lên báo hiệu giờ tận số của hắn. Tiếng la thất thanh của quân Hán càng góp phần làm náo loạn thung lũng:

-Có mai Phục!!

-Có mai phục

Tô Định hoảng hốt định quay đầu ngựa chạy về phía Bắc nhưng không được vì quân Hán vỡ trận chen chúc nhau không có lối đi. Từ hai bên sườn núi những trận tên cung nỏ như mưa bắn xuống quân Hán. Hàng nghìn tên giặc Hán trúng tên vào lưng, vào mặt, vào bụng ngã gục chết theo nhiều kiểu. Tô Định hét to:

-Lấy mộc da bò che tên và chạy về phía Bắc!

Tiếng hét của các tướng Hán nghe câu được câu chăng vì âm thanh ngựa hí, người gào hỗn loạn. Theo bản năng chiến đấu, quân Hán dùng khiên mộc che đỡ những trận mưa tên. Những múi tên cắm vào các miếng mộc da bò đã hạn chế thương vong. Nhưng từ hai sườn núi, đá như lở ầm ầm lao xuống hai sườn quân Hán, đá lại từ không trung dội thẳng xuống đầu. Thi thể quân Hán và đội hình dập nát, như bị cối đá nghiền. Tiếng Thanh la, tiếng tù và, tiếng trống đồng rung chuyển rừng núi cùng những trận mưa tên, mưa đá, rồi mưa gỗ cây, mưa mũi lao phóng xuống. Khắp thung lũng máu phun, thịt nát, thây chồng chất lên nhau cao dần, máu đỏ như suối hòa vào một đoạn sông Thương đặc quánh. Tô Định đang luống cuống thì một mũi tên cắm phập giữa mặt, xuyên qua phía sau mà gục xuống. Tô Quảng kêu lên:

-Huynh, Tô Định!!!

  Tô Quảng liếc đọc dòng chữ của mũi tên “Trưng Vương-Hoàng Đế Hùng Lạc”. Tô Quảng nghiến răng:

-Trưng Tặc, ta quyết phải báo thù này!

Nhưng Tô Quảng chưa dứt được lời thì đã bị một viên đá lớn đáp trúng giữa mặt, lăn xuống ngựa mà chết.

  Từ trên hai sườn núi, quân Việt tràn xuống thả sức chém giết tàn quân Hán còn lại. Xác 3 vạn quân Hán chồng chất làm tắc nghẽn dòng sông Thương, làm nước không chảy được nữa. 3 vạn quân tiên phong của Mã Viện bị tiêu diệt hầu hết ở trận Quỷ Môn Quan, chỉ còn một vài tên sống sót chạy về báo tin cho Mã Viện.

Mã Viện kinh hãi:

-Ta đã đẩy Tô Định vào đất chết, âu cũng là quả báo. Sáu năm làm Thái thú ở quận Giao Chỉ hắn đã gây biết  bao nghiệp chướng nên phải đền tội ác.

- Lưu Long hỏi:

-Ải Quỷ Môn Quan không qua được, bây giờ chủ tướng định tiến công đường nào?

Mã Viện nhắm mắt đáp:

-Cái chết của ba vạn quân và anh em Tô Định là giá đắt nhưng không phải vô ích, nó chứng minh rằng quan ải Quỷ Môn Quan vô cùng hiểm trở, không thế hành quân qua đó để tiến sâu vào Giao Chỉ. Trưng Trắc mai phục tiêu diệt đạo quân tiên phong của ta tuy là thắng lợi nhưng thật ra là một thất bại.

Lưu Long và các tùy tướng ngẩn người ra:

-Mạt tướng không hiểu.

Mã Viện vẫn nhắm mắt đáp

-Nếu Trưng Trắc để cho Tô Định đi qua Quỷ Môn Quan thì ta tin rằng không có mai phục, chờ khi ta đi qua, Trưng Trắc mới đánh thì cuộc chiến tranh lần này Trưng Trắc đã toàn thắng. Ta đã bị tiêu diệt mà Tô Định với ba vạn quân tiến sâu vào Giao Chỉ cũng sẽ bị tiêu diệt.

Bọn Lưu Long ồ lên:

-Chủ tướng thật là sáng suốt.

Lưu Long hỏi:

-Bây giờ chủ tướng định tiến theo đường nào ?

Mã Viện đáp:

-Ta đã có chủ ý nhưng thôi cứ vào thành Lạng Sơn phòng thủ, sau đó ta sẽ suy nghĩ thêm.

Nói rồi Mã Viện thu 7 vạn quân về cố thủ ở thành Lạng Sơn

Trong tổng hành dinh của Trưng Vương, các tướng đến chúc mừng chiến thắng. Trưng Vương không vui nói:

-Ta cứ tưởng Mã Viện có mặt trong 3 vạn quân bị mai phục thì đã diệt được một trong số tên tướng giỏi nhất của nhà Đông Hán, cuộc mai phục lần này có thể nói là thắng lợi. Nhưng Mã Viện quả là tên tướng già quỷ quyệt, hắn đã thoát được cái chết ở Quỷ Môn Quan. Cái bẫy lớn nhất của ta đã bị lộ, hắn sẽ không đi qua đây nữa. Cuộc chiến rồi đây sẽ rất khó khăn. Phải theo dõi sát hành động của hắn thì mới đối phó được.

Trưng Vương thu quân hạ trại, cách nơi đóng quân của Mã Viện khoảng 4 dặm để nghe ngóng tình hình rồi mới quyết chiến.

Thời gian trôi qua đã 15 ngày, Trưng Vương đem quân tiến lại gần thành Lục Hải khiêu chiến mà bên Mã Viện không ra. Trên thành vẫn cắm rợp cờ xí, quân lĩnh vẫn đi lại canh gác bình thường. Trưng Vương còn đang phân vân thì thám mã từ Đông đạo về báo:

-Bẩm Trưng Vương, 2000 chiến thuyền của quân Hán với khoảng 10 vạn quân đã đến gần Bạch Đằng, đang neo đậu ở gần cửa sông.

Trưng Vương nói:

-Ngươi đi gấp về nói với Hùng Bàn và Phật Nguyệt kiên quyết chặn thủy binh địch ở Bạch Đằng, không cho chúng tiến lên Lục Đầu Giang và đổ bộ lên Long Uyên, Luy Lâu, Kê Từ phối hợp với Mã Viện.

-Dạ, tuân lệnh Trưng Vương.

Thám mã lập tức đi ngay. Trưng Vương đi đi lại lại trong Tổng hành dinh suy nghĩ. Nếu so về lực lượng Mã Viện còn trong tay 7 vạn quân, không có lý do làm cho hắn sợ mà không giao chiến. Chắc là hắn đang thực hiện một âm mưu gì to lớn quyết định đến trận đánh. Chợt có thám mã từ Luy Lâu về báo:

-Dạ bẩm Trưng Vương, Mã Viện chỉ để lại một vạn quân ở Lục Hải, hắn đã đem 6 vạn quân hành quân bí mật theo đường Đông Bắc, nay đã đến Lãng Bạc và đang chuẩn bị tiến đánh Mê Linh.

Trưng Vương hơi bị bất ngờ, đập tay xuống vỏ gươm và nói:

-Quả như dự đoán, thằng giặc già quả là quỷ quyệt, nếu ta không về nhanh, kinh đô Mê Linh sẽ nguy mất.

Trưng Vương vội vã cho quân hành quân cấp tốc về chặn Mã Viện ở Lãng Bạc, thuộc huyện Luy lâu.

Tại Tổng hành dinh quân Hán tại Lãng Bạc, sau khi nghe thám mã báo quân Việt đã từ Lục Hải về đóng ở phía Tây Lãng Bạc, mặt trước đối diện với quân Hán, Mã Viện cười ha hả:

-Trưng Trắc đã trúng kế của ta, đã hành quân theo ý muốn của ta và đã mất thế chủ động. Trong binh pháp nói khi đã mất thế chủ động thì có nguy cơ bị tiêu diệt. Chỉ cần một nước cờ nữa thì quân Việt sẽ đại bại. Nước cờ này trông chờ phần lớn vào đạo thủy quân của Đoàn Chí.

Mã Viện đưa thư cho thám mã:

-Ngươi đưa thư này cho Đô đốc Đoàn Chí, bảo phải thực hiện bằng được kế hoạch trong thư, nếu không sẽ bị thi hành quân luật.

Thám mã đáp:

-Dạ, tuân lệnh chủ tướng.

(Còn nữa)

CVL