Việt Nam diễn nghĩa – Tập IV-A (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 13)

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập IV (A)  “CHUYỂN GIAO VƯƠNG TRIỀU VÀ NHÀ HẬU TRẦN ĐÁNH GIẶC MINH” của PGS TS Cao Văn Liên.

Kỳ 13.

Lý Huệ Tông hỏi:

-Ngài Đoàn Thượng sai tướng quân vào kinh có việc gì không?

-Dạ, bẩm hoàng thượng, bẩm Thái úy phụ chính, chúa công họ Đoàn muốn từ nay quy phục triều đình, nguyện làm một chức quan coi giữ vùng đất Hồng Châu cho hoàng thượng.

  Lý Huệ Tông hỏi Trần Tự Khánh đứng bên cạnh:

-Quan Thái úy phụ chính thấy thế nào?

  Trần Tự Khánh đáp:

-Bẩm hoàng thượng, họ Đoàn quy phục triều đình là tốt, bớt đi những trận quyết chiến đẫm máu tương tàn. Hoàng thượng hãy phong tước cao cho họ Đoàn.

chhung-nhan-dai-vuong-1583722304-1651244529.jpgMiếu Mẽ, Mỹ Xá, thị trấn Hưng Nhân - Nơi thơ Hưng Nhân Đại Vương Phùng Tá Chu. Nguồn: baothaibinh.com.vn

 

  Lý Huệ Tông nói:

-Vậy ta phong tước vương cho họ Đoàn, vì trước đó đã phong tước hầu rồi.

  Vũ Hốt quỳ lạy:

-Đa tạ hoàng thượng.

  Trần Tự Khánh nói:

-Về nói với chúa công của tướng quân phải mãi mãi trung thành với triều đình, đáp lại lòng ưu ái của hoàng thượng, rõ chưa.

-Đa tạ quan Thái úy phụ chính căn dặn, mạt tướng sẽ nói lại.

  Tháng 6 năm 1218, để nắm chắc thêm thế lực của họ Đoàn, Trần Tự Khánh đồng ý gả em gái là Trần Tam Nương cho Đoàn Văn Lôi, em Đoàn Thượng, vậy là đã tạm thời thu phục được đất Hồng Châu cho triều đình, thu phục được một thế lực sứ quân tương đối hùng mạnh.

  Hai năm sau, tháng 5 năm 1220, Trần Tự Khánh ngồi nhâm nhi chén trà vừa trù tính tiêu diệt Hà Cao ở Quy Hóa trước hay là Nguyễn Nộn ở Bắc Giang trước, sau đó ra lệnh:

-Tướng quân Lai Linh, tướng quân Phan Cụ nghe lệnh.

-Có mạt tướng.

-Hai tướng quân dùng thuyền đem quân tiến theo sông Lô (Tuyên Quang) tiến vào bao vây thủ phủ của Hà Cao.

-Mạt tướng tuân lệnh.

-Nội thị phán thủ Trần Thừa nghe lệnh.

-Mạt tướng nghe lệnh.

-Tướng quân đem 2 vạn quân cùng ta theo dòng sông Quy Hóa (sông Hồng) tấn công doanh trại của Hà Cao.

-Mạt tướng tuân lệnh.

  Hành dinh của sứ quân Hà Cao vừa là quân doanh vừa là nơi gia đình ở, là những căn nhà lợp ngói chen lẫn nhà sàn,  chung quanh là trại dân binh và gia nhân. Chung quanh doanh trại được vây bọc bởi dãy tường đất sét đắp cao, ngoài tường là hào sâu có nước, bên ngoài hào được vây bọc bởi lũy tre gai. Buổi sáng Hà Cao đang ngồi uống trà sau bữa ăn sáng thì có gia nhân vào báo:

-Dạ bẩm chúa công, quân của Trần Tự Khánh có hai đạo tiến theo đường thủy sắp đổ bộ đánh vào trang trại ta.

 Hà Cao hốt hoảng ra lệnh:

-Cho hết dân binh ra chặn đánh ở hai bờ sông.

-Dạ.

  Quân Trần đổ bộ lên gặp đám dân binh của Hà Cao thì lao vào chém giết. Nửa canh giờ sau, đám dân binh bị tiêu diệt, xác chết ngổn ngang, máu đỏ bờ sông. Quân Trần phá cổng tràn vào thì Trần Tự Khánh thấy Hà Cao và vợ con thê thiếp đã thắt cổ tự sát chết hết. Trần Tự Khánh thở dài nói:

-Sao không quy thuận triều đình mà sống cùng vợ con. Tự xưng hùng xưng bá mà không có thực lực thì tự chết.

  Dẹp xong Hà Cao, một vùng Thượng Nguyên Lộ (Thái Nguyên), Tam Đái Giang (Vĩnh Phú) rộng lớn yên ổn đều quy thuận triều đình. Trận đánh Hà Cao là trận đánh cuối cùng của Trần Tự Khánh. Giữa năm 1223, Trần Tự Khánh ốm nặng và cuối năm đó qua đời ở Phù Liệt, thọ 49 tuổi, được truy phong là Kiến Quốc Đại Vương. Quyền bính trong triều chuyển sang tay Trần Thủ Độ là em con ông chú của Trần Tự Khánh. Trần Tự Khánh là một tướng lĩnh xuất sắc, đánh dẹp được tất cả các thế lực cát cứ cuối thời Lý, thống nhất đất nước. Thế lực lớn nhất là Họ Đoàn cũng đã quy phục triều đình. Chỉ còn Nguyễn Nộn ở Bắc Giang nhưng thế lực không đáng kể. Tháng 12 năm 1228, Đoàn Thượng bị Nguyễn Nộn tiêu diệt, không lâu sau đó Nguyễn Nộn cũng chết. Thiên hạ vào những năm 20 thế kỷ XIII đã thu về một mối. Công lao của Trần Tự Khánh với nhà Lý, nhà Trần thật to lớn, đặc biệt đã bình thiên hạ trong thời kỳ loạn lạc, không để Đại Việt lại lâm vào tình trạng sứ quân phân liệt trầm trọng như cuối thời Ngô, đặt nền tảng và mở đường cho cuộc chuyển giao vương triều hòa bình, mở đầu cho một vương triều mới: Triều Trần, đủ sức đối phó với cuộc xâm lăng của đế quốc Nguyên-Mông sau đó 30 năm.

*       *

*

Sau đám tang của Trần Tự Khánh, vua Lý Huệ Tông thiết triều. Bá quan văn võ trong điện Càn Nguyên quỳ hành lễ:

-Hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế.

-Miễn lễ, các ái khanh bình thân

-Tạ ơn hoàng thượng.

-Các ái khanh nghe khẩu dụ của trẫm. Nay Thái úy Chương thành hầu Trần Tự Khánh đã mất, trẫm sắc phong Trần Thừa làm Thái úy phụ chính, tước Liệt hầu, phong Trần Thủ Độ chức Điện tiền chỉ huy sứ, tước Thượng Phẩm phụng thừa, phụ trách toàn bộ cấm quân và lực lượng quân sự ở đô thành, phong Phùng Tá Chu làm Thái phó.

  Trần Thừa, Trần Thủ Độ và Phùng Tá Chu quỳ hành lễ:

-Đa tạ ơn hoàng thượng.

  Như vậy việc Trần Tự Khánh mất đi, quyền lực của họ Trần trong triều đình nhà Lý không giảm mà lại còn tăng lên mạnh mẽ bởi chức Thái úy phụ chính đã vào tay Trần Thừa, anh trai Trần Tự Khánh, chức này không chỉ nắm quyền hành chính, dân sự, tư pháp mà còn nắm cả binh quyền. Lại thêm chức quan trọng nữa là Điện tiền chỉ huy sứ, nắm binh quyền ở kinh đô và cung cấm rơi vào tay Trần Thủ Độ, em con ông chú của Trần Tự Khánh.

  Sau buổi thiết triều, gần như giao toàn bộ quyền bính cho họ Trần, Lý Huệ Tông bảo quan nội thị:

-Đi gọi quan Thái phó Phùng Tá Chu gặp trẫm.

-Thần tuân chỉ.

  Một lát Phùng Tá Chu đến, đó là một người khoảng 30 tuổi nhưng râu tóc như một ẩn sĩ, mặc áo đội mũ văn quan. Đó là quan Thái phó Phùng Tá Chu, quê ở Phụng Thiên, Quảng Bá, Tây Hồ, người có kiến thức sâu rộng, tinh thông tam giáo, cửu lưu, bách gia chư tử, thông kinh bác cổ, giỏi Nho, lý, số, được coi là bậc tài cao đức trọng, kiến thức thâm hậu của đương thời.

  Giới trí thức phong kiến Đại Việt thời nào cũng có người trung quân ái quốc. Nhưng Phùng Tá Chu sống vào cuối thời Lý, triều đình đã suy vi, các thế lực quân phiệt hào trưởng nổi lên cát cứ, gây chiến tranh với nhau, đẩy dân tộc vào cuộc nội chiến tương tàn. Phùng Tá Chu cũng như các trí thức tiến bộ thấy cần phải tìm ra một con đường giúp bách tính tránh được tai họa chiến tranh tranh chấp tương tàn. Giải pháp duy nhất của lịch sử khi đó là tuân theo quy luật tự nhiên, cái mới phải thay cái cũ, triều đại, chế độ già nua lỗi thời phải được thay bằng triều đại, chế độ mới tiến bộ đang lên, mở ra bước phát triển mới cho dân tộc. Với Phùng Tá Chu, có đưa một người nào đó họ Lý thay Lý Huệ Tông thì cuộc đấu tranh giành quyền lực vẫn tiếp diễn, đất nước vẫn biến loạn, không thể khác được. Phải thay thế triều đại nhà Lý hết sức sống bằng một triều đại khác tràn đầy cái mới và sức mạnh mới mở ra lối thoát cho dân tộc khi đó. Ý tưởng đó ngày càng rõ nét trong tư tưởng chính trị của Phùng Tá Chu. Ôm tư tưởng chính trị như vậy, ông có mang tội là phản bội triều đình nhà Lý, một triều đình đã tín nhiệm và trọng dụng cha ông là Phùng Tá Thang rồi sau đó lại tín nhiệm và trọng dụng ông tới chức Thái phó. Không phải vì ông phản bội triều Lý mà muốn cứu nguy cho nhân dân, cho dân tộc, cho đất nước. Một triều đại, một chế độ đã lạc hậu thì phải loại bỏ, thì phải thay bằng một triều đại, một chế độ tiến bộ. Không còn cách nào khác.

  Còn với Trần Thừa và Trần thủ Độ, bây giờ họ nắm quyền hành của triều đình trong tay, họ có muốn chuyển ngai vàng từ tay nhà Lý sang tay nhà Trần không? Họ muốn. Nhưng rất may cho họ là ý muốn của họ lại phù hợp với nguyện vọng của dân tộc, của lịch sử, của thời đại đang đặt ra là phải thay đổi triều đại. Do đó, trong quan điểm chính trị này Phùng Tá Chu gặp tư tưởng của Trần Thừa, Trần Thủ Độ.

  Kiệu  đã đến Tử cấm thành cắt đứt dòng suy nghĩ của Phùng Tá Chu. Ông theo quan nội thị vào cung của Lý Huệ Tông. Phùng Tá chu quỳ xuống hành lễ:

-Hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế.

-Miễn lễ, bình thân.

-Tạ ơn hoàng thượng.

-Người đâu dâng trà.

-Tạ ơn hoàng thượng.

  Các ngươi lui hết ra đi.

  Trong gian phòng, khói bốc hương thơm của trà tỏa khắp phòng ấm cúng. Những lò than trong phòng Lý Huệ Tông đỏ rực xua tan giá lạnh của mùa đông năm 1223. Sau một lượt trà, Lý Huệ Tông đặt chén xuống và nói:

-Trẫm nối ngôi tiên đế vào lúc khí vận của triều Lý suy vi, suốt 10 năm nội chiến, xa giá long đong nay đây mai đó, dân tình khổ cực, lầm than đói rách vì chiến tranh. Trẫm có lỗi với thiên hạ nên trời trừng phạt, không cho có hoàng tử để kế vị, chỉ có hai công chúa với Thuận Trinh hoàng hậu, đứa lớn là Thuận Thiên công chúa, đã yên bề gia thất với trưởng nam của Phụ quốc thái úy Trần Thừa là Trần Liễu, đứa thứ hai là Chiêu Thánh công chúa năm nay mới 8 tuổi, tư chất thông minh, tháng 10 năm 1224 được phong hoàng thái tử. Trẫm muốn truyền ngôi cho Chiêu Thánh công chúa. Làm như vậy liệu có giữ yên được hòa bình và thống nhất cho thiên hạ, bình an cho bách tính không? hay là phải chọn một người con trai trong vương tôn nhà họ Lý lên ngôi?

  PhùngTá  Chu cạn một ly trà và nói:
-Hoàng thượng đã quyết chí đem lại sự thống nhất cho thiên hạ, hòa bình cho đất nước thì không nên chọn một vương tôn trong tôn thất nhà Lý lên ngôi, ngài đó không có quân quyền trong tay nên vẫn phải dựa vào họ Trần sẽ dẫn đến mâu thuẫn xung đột giữa hoàng đế mới với nhà Trần, xung đột giữa các sứ quân khác thì nước nhà không có hòa bình thống nhất, họ Lý nhà ta sẽ gặp họa bị tàn sát. Cho nên, cách tốt nhất là hoàng thượng cho công chúa Chiêu Thánh lên ngôi. Dần dà công chúa sẽ kết hôn với người con trai thứ hai của Trần Thừa là Trần Cảnh, đó là một trang nam nhi tuấn tú tài giỏi. Trần Cảnh và công chúa Chiêu Thánh hiện là học cùng lớp do thần đang dạy dỗ nên thần biết khả năng của Trần Cảnh. Sau khi thành phu thê, Công chúa Chiêu Thánh có thể nhường ngôi cho chồng hoặc là Trần Cảnh phò tá cho nữ vương thì cũng tạo nên một triều đại vững chắc, xây dựng được một triều đại hùng mạnh, bảo đảm được hòa bình thống nhất cho thiên hạ, bởi hai người này không chỉ có tài năng mà vương triều của họ còn dựa được vào lực lượng quân sự hùng mạnh của nhà Trần. Điều đó dù nhà Lý còn ngai vàng, hay có thể ngai vàng chuyển sang tay nhà Trần nhưng đều thực hiện được mong muốn của hoàng thượng cũng như của bách tính là hòa bình và thống nhất đất nước, Hoàng thượng rất thấu hiểu ngai vàng không phải là của riêng một dòng họ mà ngai vàng quyền lực là của dân tộc, của đất nước, như bà Dương Vân Nga xưa đã nhường ngai vàng cho Lê Đại Hành để cứu đất nước, như các đại thần Đào Cam Mộc, sư Vạn Hạnh của triều Lê Long Đĩnh đã trao ngai vàng cho Lý Thái Tổ nhà ta lúc mà nhà Lê đã hết năng lực. Đó là mệnh trời mà ngày nay chúng thần và hoàng thượng cũng phải tuân theo cho phải đạo. Mong hoàng thượng minh xét.

(Còn nữa)

CVL