Việt Nam diễn nghĩa – Tập IV-A (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 5)

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập IV (A)  “CHUYỂN GIAO VƯƠNG TRIỀU VÀ NHÀ HẬU TRẦN ĐÁNH GIẶC MINH” của PGS TS Cao Văn Liên.

Kỳ 5.

 Vào một buổi sáng tháng tư năm 1209, đã hết xuân sang hè, ánh mặt trời rực rỡ tỏa ánh nắng sáng loáng xuống vùng Hải Ấp. Ánh nắng rải xuống những làng quê uốn lượn quanh co màu xanh cây lá. Cây lá phủ lên những mái nhà lợp rạ dầy hàng gang tay của hàng nghìn nông dân nghèo vùng Bố Hải Khẩu. Ánh nắng rải xuống những cánh đồng lúa vụ chiêm đang thì con gái xanh mơn mởn mênh mông. Ánh nắng soi xuống khu nhà sang trọng lợp ngói tường gạch, cột lim láng bóng của hào trưởng Trần Lý. Những cái sân trước nhà lát gạch. Quanh sân và quanh nhà cây cối bao quanh. Kế liền sân là những chiếc ao trong veo lộ ra những đàn cá tung tăng bơi lội đớp mồi tạo nên những đợt sóng trên mặt ao lung linh.

chtrthidung-1650549712.jpgTranh minh họa: Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung. Nguồn: Internet.

 

  Trong khu đại sảnh của nhà Trần Lý tấp nập lạ thường. Hôm nay nhà hào trưởng Trần Lý mở tiệc chiêu đãi khách quý từ Thăng Long về, đó là đón Đàm Hoàng hậu, thái tử Lý Hạo Sảm và hai công chúa của nhà Lý. Trong gian nhà ngói rộng ba gian, sát tường gian giữa đặt bàn thờ gia tiên. Bàn thờ sơn son thếp vàng, Phía trong bàn cao hơn và thấp dần ra ngoài. Trên các bàn thờ đặt nhiều bài vị, bát hương lớn bằng sứ vẽ rồng phượng màu xanh, từng bát đã đầy hương đang tỏa khói nghi ngút. Những lư hương bằng đồng đặt cạnh xếp đầy hương chưa đốt. Hàng cột gỗ lim to nâu bóng đứng hai bên của bàn thờ ngoài cùng treo hai câu đối sơn đen, chữ Hán màu vàng bóng. Trên cao treo hoành phi màu đỏ chữ vàng óng ánh. trên bàn thờ phía ngoài đã đặt ba mâm cỗ có ba thủ lợn lớn đã luộc chín, còn có vàng hương, trầu cau và những bình rượu thơm đã được mở nắp.

  Ngoài gian giữa và gian hai bên là những bộ tràng kỷ, giữa những bộ ghế tràng kỷ là những chiếc bàn. Bàn ghế là bằng gỗ lim gụ, màu nâu bóng, có khắc hoa văn và nạm khảm trai bóng loáng. Trên những bộ bàn ghế bày la liệt những ấm trà và chén. Các bàn trong nhà đã ngồi đầy khách  khứa và gia chủ. Ngoài sân, gia nhân và đầy tớ đi lại bê cỗ và rượu, nước. Ngồi ở gian bàn ghế giữa nhà, quay ra sân là Đàm hoàng hậu, hoàng thái tử Sảm, hai công chúa. Kế tiếp đó là hai bàn gồm những người quan trọng trong gia đình Trần Lý. Hai bên là những khách khứa, chủ yêu là các bô lão trong gia tộc họ Trần Tự. Sau một lượt trà, Tô Trung Từ ngồi gần với thái tử Sảm đứng lên và nói:

-Bẩm An Toàn hoàng hậu, bẩm thái tử, hôm nay gia đình nhà anh rể thần là Trần Lý tổ chức bữa rượu nhạt nghênh đón hoàng hậu, thái tử và hai công chúa xa giá về Hải Ấp, cũng là để hoàng hậu, thái tử và hai công chúa làm quen với gia đình Trần Lý. Xin giới thiệu với gia đình ta, đây là đương kim An Toàn hoàng hậu còn gọi là Đàm hoàng hậu.

  Tô Trung Từ dứt lời, tất cả đều đứng dậy chắp tay cúi đầu:

-Hoàng hậu thiên tuế, thiên thiên tuế.

  Tô Trung Từ nói tiếp:

-Còn đây là hoàng Thái tử Lý Hạo Sảm và hai công chúa, em của thái tử.

  Tất cả lại chắp tay và nói:

-Hoàng thái tử thiên thiên tuế, công chúa thiên thiên tuế.

  Thái tử Sảm đứng dậy và nói:

-Kính mời tất cả bình thân.

-Đa tạ hoàng hậu, đa tạ thái tử, đa tạ công chúa.

  Khi mọi người đã an tọa, Tô Trung Từ nói tiếp:

-Bẩm hoàng hậu, bẩm hoàng thái tử, bẩm nhị vị công chúa, thần xin giới thiệu những người trong gia tộc họ Trần: Đây là Trần Lý, hào trưởng đất Hải Ấp, anh rể của thần.

  Một ông già khoảng 50 tuổi, khỏe mạnh, quắc thước ngồi đối diện với Tô Trung Từ đứng dậy:

-Dạ bẩm hoàng hậu, bẩm hoàng thái tử, bẩm nhị vị công chúa.

  Tô Trung Từ nói tiếp:

-Còn đây là phu nhân của ngài Trần Lý, Tô Lan Phương, chị gái của thần.

  Người đàn bà ngồi cạnh Trần Lý, khoảng gần 50 tuổi nhưng vẫn xinh đẹp đứng dậy:

-Dân nữ kính chào hoàng hậu, thái tử và nhị vị công chúa.

Tô Trung Từ nói tiếp:

-Còn đây là các con của ngài Trần Lý và Tô phu nhân: Trần Thừa, trưởng nam, nhị lang Trần Tự Khánh, tiểu thư Trần Thị Dung, còn gọi là Trần Nhị Nương, em của Trần Tự Khánh, còn đây tiểu thư Trần Tam Nương, em của Trần Thị Dung.

  Cả bốn người đứng dậy chắp tay cúi đầu hành lễ:

-Kính chào hoàng hậu, hoàng thái tử và nhị vị công chúa ạ.

  Trần Thừa và Trần Tự Khánh có vóc dáng cao lớn, khỏe mạnh, oai phong lẫm liệt, dáng dấp võ tướng. Còn Trần Thị Dung quả là tuyệt sắc giai nhân, chim sa cá lặn, dung nhan cực kỳ kiều diễm, mái tóc dầy đen óng ả ôm lấy khuôn mặt trái xoan, da trắng như trứng gà bóc, mắt lúng liếng như sao sa, đôi môi đỏ tươi như bông hoa hé nở. Chiếc áo tứ thân màu lụa nâu ôm lấy tấm thân tròn lẳn, nở nang, thắt dáy lưng ong của nàng càng tăng thêm vẻ đẹp diệu kỳ. Hoàng thái tử nhìn nàng bỗng nhiên thấy choáng váng.

  Tô Trung Từ trỏ tay vào người thanh niên ngồi ngoài cùng bên cạnh Trần Thị Dung, có dáng người khỏe mạnh, khuôn mặt thâm trầm, thông minh, đôi mắt sáng như đang suy nghĩ những vấn đề gì đó xa xăm nhưng hiện thực:

-Còn đây là công tử Trần Thủ Độ, cháu gọi ngài Trần Lý bằng bác.

  Trần thủ Độ vội đứng dậy chắp tay hành lễ:

-Kính chào hoàng hậu, hoàng thái tử và nhị vị công chúa.

  Tô Trung Từ nói tiếp:

-Còn thần là Tô Trung Từ, em của phu nhân Tô Lan Phương. Còn đây là các em của thần: Tô Tường Văn, Tô Khang Sơn, Tô Danh Hiển và Tô Thị Kim Liên. Thân phụ của thần là Tô Hiến Thành, đại thần triều Lý Anh Tông, là vì thái ấp của nhà thần cũng ở gần Hải Ấp nên mới được vinh dự là thông gia với nhà ngài Trần Lý.

  Cả bốn người vội đứng dậy khoanh tay hành lễ:

-Kính chào hoàng hậu, chào Thái tử và nhị vị công chúa.

  Tô Trung Từ chỉ vào một người khoảng 50 tuổi nói tiếp:
-Còn đây là ngài Phạm Ngu, bạn của ngài Trần Lý và gia tộc họ Trần.

  Phạm Ngu vội đứng dậy vái chào:

-Kính chào hoàng hậu, kính chào thái tử và nhị vị công chúa.

-Còn đây là Lưu Thiện, tướng bảo vệ của hoàng thái tử.

  Lưu Thiện vội đứng dậy vái chào tất cả. Khi Lưu Thiện ngồi xuống, Trần Lý đứng dậy chắp tay nói:

-Kính bẩm hoàng hậu, bẩm hoàng thái tử, nhị vị công chúa, hôm nay vùng Hải Ấp xa kinh thành và gia đình hạ thần được vinh hạnh đón tiếp hoàng hậu, hoàng Thái tử và nhị vị công chúa. Kính mời hoàng hậu, hoàng thái tử, nhị vị công chúa, tướng Lưu Thiện vui với gia đình, gia tộc chúng tôi chén rượu nhạt, tỏ niềm vui buổi gặp gỡ.

  Rồi Trần Lý gọi:

-Người đâu

-Dạ.

-Bày tiệc rượu ra.

-Dạ, chủ nhân.

 Tiếp theo đó gia nhân, đầy tớ tấp nập bê mâm bát, cốc chén thịt rượu lên các bàn. Con cái Trần Lý và những người trẻ tuổi lui xuống ngồi mâm dưới. Mâm giữa nhà chỉ còn hoàng hậu, thái tử Sảm, Tô Trung Từ, Trần Lý, Tô Lan Phương, Lưu Thiện, Phạm Ngu và nhị vị công chúa. Mọi người ăn uống chuyện trò vui vẻ. Quá trưa sang chiều tiệc mới tan.

  Không lâu sau ngày gặp nhau ở nhà Trần Lý, một hôm Tô Trung Từ gặp hoàng thái tử Sảm, thấy sắc mặt thái tử u buồn, người có vẻ như hao gầy. Tô Trung Từ hỏi:

-Sao thần sắc điện hạ u buồn, có vẻ như  không được khỏe mạnh?

  Thái tử Sảm thở dài và nói:

-Tô Thị Lang đã hỏi thì ta cũng phải nói thực và nhờ ái khanh giúp đỡ.

-Điện hạ cứ nói, nếu giúp được thì thần sẽ giúp.

-Ta muốn kết nghĩa phu thê với tiểu thư Trần Thị Dung, cháu của ái khanh, con gái ngài Trần Lý.

-Việc này chắc không khó, để thần trao đổi với ngài Trần Lý.

  Một buổi chiều Tô Trung Từ đến nhà Trần Lý, sau khi cạn một lượt trà, Tô Trung Từ nói:

-Ta có việc này, huynh nên suy xét mà quyết định.

-Việc gì đệ cứ nói.

-Thái tử Sảm muốn kết nghĩa phu thê cùng cháu Trần Thị Dung.

  Trần Lý đáp:

-Con gái lớn thì phải lấy chồng, cháu Dung cũng đã đến tuổi rồi, được thái tử để ý đến thì còn gì bằng, tốt quá rồi. Bay đâu.

-Dạ.

-Cho gọi Tô phu nhân và tiểu thư Trần Thị Dung đến đây.

-Dạ.

  Phu nhân Tô Lan Phương và Trần Thị Dung đến. Trần thị Dung chắp tay cúi đầu:

-Con chào phụ thân, chào mẫu thân, cháu chào cậu.

  Trần Lý nói:

-Phu nhân và con ngồi đi.

-Phu nhân và con này, thái tử Lý Hạo Sảm muốn kết nghĩa phu thê với  con. Phu nhân và con thấy thế nào?

  Phu nhân Tô Lan Phương nói:

-Con cũng đã đến tuổi cập kê rồi, thái tử ngỏ lời thì tốt quá rồi.

  Trần Thị Dung đỏ mặt ngập ngừng đáp:

-Dạ, nhưng mà còn đệ Trần Thủ Độ. Đệ ấy…

  Trần Lý ngắt lời:

-Trần Thủ Độ thì thiếu gì con gái trong thiên hạ mà phải lấy chị con ông bác. Ta đã quyết rồi. Con không muốn làm thái tử phi và sau này thái tử kế vị, con là hoàng hậu sao? Con không muốn giúp cha và giúp họ Trần sao? Ý cha đã quyết, không thể nào khác được.

  Trần Thị Dung hơi buồn nhưng một lát sau thì đáp:

-Con xin vâng lời cha, mẹ và cậu.

-Con ngoan lắm, ba ngày nữa sẽ tổ chức đám cưới cho con và hoàng thái tử.

-Dạ, con cảm ơn cha mẹ và cậu.

  Trần Thị Dung quay về phòng buồn vui lẫn lộn nhưng buồn thì nhiều hơn. Nàng tiếc cho mối tình nơi thôn dã với người em con ông chú Trần Thủ Độ đầy thơ mộng vừa chớm nở nay đành đứt gánh giữa đường.Vài giọt lệ trào ra từ đôi mắt đẹp của nàng cũng là để khép lại mối tình thôn quê vào quá khứ.

  Thế rồi trong ba ngày đám cưới của Trần Thị Dung và hoàng tử Lý Hạo Sảm diễn ra đông vui tấp nập chưa từng có. Rượu như nước, xôi thịt bánh trái như núi. Gia tộc họ Trần, họ Tô, quan viên Hải Ấp, gia nhân, đầy tớ, binh lính của Tô Trung Từ ăn uống ba ngày mới dứt. Từ trước đến nay chưa từng có đám cưới nào ở Hải Ấp mà linh đình như vậy. Trần Thị Dung một bước trở thành thái tử phi và trong tương lai sẽ là hoàng hậu. Trần Lý, một hào trưởng nơi thôn dã bỗng chốc thành nhạc phụ của thái tử và trong tương lai là nhạc phụ của hoàng đế Đại Việt. Họ Trần và họ Tô, dân làng ở Hải Ấp hết thảy đều vui mừng cho dịp may hiếm có.

(Còn nữa)

CVL