Việt Nam diễn nghĩa – Tập V (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 27)

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập V “NỘI CHIẾN TRỊNH -NGUYỄN VÀ NHÀ TÂY SƠN” của PGS TS Cao Văn Liên.

Kỳ 27.                                                                             

Tống Phước Hiệp vội vàng mặc quần áo lên mặt thành quan sát thì quả nhiên hai nơi đó pháo nổ như sấm sét, lửa cháy ngút trời sáng rực cả một vùng. Tống Phước Hiệp nói:

-Thôi chết, quân Tây Sơn bất ngờ tấn công chúng ta rồi. Người đâu.

-Dạ.

-Nổi trống tập hợp toàn quân để ta đi cứu viện.

-Dạ.

https://vanhoavaphattrien.vn/chunguyenlu2-1648564116.jpg
Tượng Nguyễn Lữ (? -1787. Nguoodn: Internet
 

 

Trong đêm khuya, trống ngũ liên thúc dồn dập vang khắp thành. Phút chốc cửa thành mở. Tống Phước Hiệp mặc giáp cưỡi ngựa, tay cầm siêu đao dẫn 2 vạn quân ùn ùn ra khỏi thành, lao về phía núi Xuân Đài. Người ngựa phi rầm rập trong đêm. Thốt nhiên, một phát pháo sáng bắn lên trời. Quân Nguyễn còn đang ngơ ngác thì tạc đạn, súng hỏa mai, súng phun lửa, cung nỏ từ hai bên đường dội như mưa vào quân Tống Phước Hiệp. Tùy tướng của Tống Phước Hiệp la to:

-Chúng ta bị quân Tây Sơn Nguyễn Huệ mai phục rồi.

Viên tùy tướng lấy tay chỉ, Tống Phước Hiệp nhìn theo thì thấy lá cờ đỏ rộng lớn bay phần phật có ghi chữ vàng; “Đại tướng tiên phong Nguyễn Huệ”. 2 vạn quân Nguyễn lần lượt gục xuống, thây chồng như núi, máu chảy như sông. Quân Tây Sơn lao ra chém giết những tên còn sống sót. Tống Phước Hiệp hoảng sợ mở đường máu chạy lên phía Tây theo đường thượng đạo về Gia Định.

Hôm sau, tướng Nguyễn ở Bình Khang đem quân ra cứu Phú Yên, khi giáp chiến với quân Tây Sơn, Bùi Công Khế bị Nguyễn Huệ bắt sống. Tướng Tống Văn Khôi ở Khánh Hòa ra tiếp viện cho Phú Yên cũng bị Nguyễn Huệ giết tại trận.

Chiến thắng Phú Yên của quân Tây Sơn làm chấn động toàn bộ miền Trung  và miền Gia Định, Nguyễn Huệ khi đó mới 23 tuổi tăm tiếng lừng lẫy. Nguyễn Nhạc báo tin thắng trận cho Hoàng Ngũ Phúc. Hoàng Ngũ Phúc phong Nguyễn Huệ làm “Tây Sơn hiệu Tiên phong Tướng quân”. Nguyễn Nhạc cử Lý Tài trấn thủ Bình Thuận. Đó là mùa đông Giáp Ngọ năm 1774.

Xuân Ất Mùi năm 1775, Nguyễn Phúc Dương trốn về Gia Định. Lý Tài làm phản Tây Sơn cũng trốn vào đây, tôn Nguyễn Phúc Dương làm Tần Chính Vương, đưa về Thành Gia Định (Sài Gòn), Tôn Định Vương Nguyễn Phúc Thuần làm Thái thượng Vương. Đỗ Thành Nhơn không phục Lý Tài  đem quân bỏ về Đông Sơn.

Mùa xuân năm 1775, Nguyễn Nhạc ngồi trong tổng hành dinh ở thành Quy Nhơn, chợt có tùy tướng vào báo:

-Bẩm chúa công, Tán tương quân vụ Nguyễn Lữ đi đánh Gia Định đã chiến thắng trở về, xin vào gặp.

Nguyễn Nhạc mừng rỡ vội đứng dậy nói:

-Cho mời vào.

Nguyễn Lữ bước vào, dù là trong bộ quân phục võ quan nhưng dáng Nguyễn Lữ vẫn như xưa, khoan thai, chậm chạp và hiền lành, nhìn Tán tương quân vụ không ai có thể nghĩ đó là một võ sư, tác giả của môn võ “Hùng kê quyền”, một môn võ lấy nhu thắng cương nổi tiếng của Tây Sơn và của cả vùng Quy Nhơn, không ai có thể nghĩ đó là tướng chuyên lo lương thực, vũ khí cho quân đội Tây Sơn, một công việc vô cùng trọng đại và khó khăn.

Nguyễn Nhạc mừng rỡ ra đón:

-Xin chúc mừng đệ đã ca khúc khải hoàn.

-Đa tạ huynh.

Nguyễn Nhạc gọi:

-Người đâu.

-Dạ.

-Đem nước mời Tán tương quân vụ.

-Dạ.

-Còn nữa, làm một bữa cơm rượu thịnh soạn để chúng ta chúc mừng chiến thắng của Tán tương quân vụ.

-Dạ, tuân lệnh chúa công.

Sau một lượt nước trà, Nguyễn Nhạc hỏi:

-Đệ đánh bại Nguyễn Phúc Thuần như thế nào? Có giết được Nguyễn Phúc Thuần và Nguyễn Phúc Dương không?

Nguyễn Lữ chậm rải đáp:

-Đệ đem 200 chiến thuyền và 3 vạn quân, từ biển rẽ vào sông Cần Giờ tiến tới thành Gia Định. Đệ cho nã đại bác đánh tan 100 chiến thuyền của Nguyễn Phúc Thuần. Vậy là tuyến phòng thủ Gia Định bị phá. Đệ áp sát chiến thuyền nã đại bác vào thành. Khi đổ bộ lên thì Nguyễn Phúc Thuần, Nguyễn phúc Dương đã chạy về Trấn Biên, không bắt được hai chúa Nguyễn. Đệ xin chịu quân luật.

Nói xong Nguyễn Lữ bước ra quỳ xuống.

Nguyễn Nhạc đỡ Nguyễn Lữ dậy và nói:

-Đệ chỉ quen lo quân lương chứ chưa quen chiến trận, đó là vì chú ba Huệ bận đi dẹp hai con của Nguyễn Phúc Khoát dấy binh ở Quảng Nam mà phải cho đệ cầm quân. Trận đầu mà thắng lợi như vậy là lập công rồi. Nguyễn Phúc Thuần và Nguyễn Phúc Dương cứ để cho chúng sống thêm vài ngày nữa, bắt lúc nào chả được. Đệ ngồi vào uống rượu đi. Nguyễn Lữ nói thêm:

-Đa tạ huynh đã tha tội. Đệ cũng đã để Phan Văn Lân ở lại giữ Gia Định.

Nguyễn Lữ ngồi vào bàn uống  rượu, vừa uống vừa nói:

-Huynh này.

-Gì vậy đệ?

Nguyễn Lữ cứ chậm rải nhỏ nhẹ như thuộc tính của mình xưa nay:

-Vào Gia Định lần này đệ cho rằng các hào trưởng và bách tính Gia Định lòng vẫn hướng về họ Nguyễn vì họ Nguyễn giúp họ khẩn hoang để sinh sống bao đời. Vả lại chúng ta cũng chưa đặt được sự cai trị lên Gia Định, chưa có một kế sách nào mang lại lợi ích cho bách tính, nhất là những người nghèo khổ. Để lấy được lòng dân còn khó hơn lấy Gia Định. Xin đại huynh sau này lưu ý.

Nguyễn Nhạc nói:

-Huynh sẽ lưu tâm.

Rồi tiệc rượu linh đình bày ra, đầy đủ các tướng lĩnh, các anh hùng hào kiệt Tây Sơn. Các tướng đua nhau chúc mừng Nguyễn Nhạc và Nguyễn Lữ:

-Xin chúc mừng chúa công, xin chúc mừng Tán tương quân vụ chiến thắng trở về.

-Đa tạ, đa tạ.

Cứ như vậy cuộc vui đến canh ba, Nguyễn Lữ mới về phòng ngủ.  Trong giấc ngủ không mơ thấy binh đao, chiến trận mà lại mơ thấy một thế giới âm u, nơi rừng sâu núi thẳm huyện bí, nơi các bậc tu tiên của đạo Lão để thoát khỏi hồng trần đầy gió bụi kinh hoàng.

Nguyễn Lữ quả là con người không mơ sự nghiệp công hầu khanh tướng mà hoài bão của Nguyễn Lữ là thế giới tâm linh, đem tâm linh giúp cho bách tính lầm than khổ cực trong cuộc đời đầy bão táp do bọn cường quyền gây nên.

VI

Biển mùa xuân tháng 3 năm 1777, gió vẫn còn se lạnh thổi thốc tháo. Sóng biển miền Trung hình như dữ dội hơn các miền khác. Sóng xanh đen vỗ tới tấp vào 300 chiến thuyền quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy vào đánh chúa Nguyễn ở Gia Định. Thuyền chiến đè sóng đi như ngựa biển vì mỗi thuyền hai bên có tới 20 tay chèo. Cờ đỏ rợp trời biển. Thần công nòng đen tràn đầy sức mạnh dương cao nòng.

Trên lâu thuyền chỉ huy cao nhất, Nguyễn Hụê suy nghĩ về trận đánh sắp tới. Sau trận đánh của Nguyễn Lữ vào Gia Định năm 1775, chúa Nguyễn Phúc Thuần chạy ra Trấn Biên (Biên Hòa). Sau khi Nguyễn Lữ về Quy Nhơn, chúa Nguyễn tập hợp lực lượng, chiếm lại thành Gia Định, tập Trung các tướng Đỗ Thành Nhơn, Mạc Thiên Tứ, tổng trấn Hà Tiên. Ngoài Thái Thịnh Vương Nguyễn Phúc Thuần còn có chúa Nguyễn Phúc Dương vốn bị Tây Sơn bắt, nhưng tháng 10 năm 1775 trốn thoát về Gia Định. Điều đáng cho Nguyễn Huệ lưu tâm là lần này Tiết chế của quân Nguyễn là Lý Tài, tướng chỉ huy đội quân người Hoa, đã từng theo Tây Sơn và chiến đấu ngay những ngày đầu khởi nghĩa. Sau trận Phú Yên năm 1773, Lý Tài được Nguyễn Nhạc cử làm trấn thủ Bình Thuận, khỏng rõ vì cớ gì, Lý Tài phản Tây Sơn và chạy về Gia Định theo chúa Nguyễn. Về đây, Lý Tài tranh giành thế lực với tướng Đông Sơn Đỗ Thành Nhơn. Lý Tài chiếm ưu thế, buộc Nguyễn Phúc Thuần làm Thái Thượng Vương, đưa Nguyễn Phúc Dương là Đông cung thế tử lên ngôi chúa. Đỗ Thành Nhơn hận Lý Tài, lui quân về giữ Đông Sơn. Lần này chính Lý Tài là tiết chế chỉ huy quân Nguyễn ở thành Gia Định chống lại quân Tây Sơn mà Lý Tài đã 6 năm chiến đấu dưới cờ.

(Còn nữa)

CVL