Việt Nam diễn nghĩa – Tập V (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 28)

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập V “NỘI CHIẾN TRỊNH -NGUYỄN VÀ NHÀ TÂY SƠN” của PGS TS Cao Văn Liên.

KỲ28.

Những chiến thuyền tiên phong đã nhìn thấy khoảng 100 chiến thuyền quân Nguyễn do Mạc Thiên Tứ chỉ huy dàn trận ngay ở cửa sông Cần Giờ, một đường thủy duy nhất từ biển đi vào thành Gia Định. Nguyễn Huệ cho đây là phòng tuyến số 1 để bảo về thành Gia Định từ xa, cách Gia Định khoảng 100 dặm. Nguyễn Huệ nghĩ rằng để tiêu diệt phòng tuyến này cần phải bao vây, thần tốc dáng đòn mãnh liệt, sấm sét. Nguyễn Huệ ra lệnh:

-Hình thành thế bao vây, các chiến thuyền bên tả, bên hữu bao vây thuyền địch, còn các chiến thuyền trung quân xông lên.

chnguyhuej-1648650475.jpgTượng Quang Trung Nguyễn Huệ. Nguồn: Internet.

 

Các chiến thuyền Tây Sơn xông lên, trống trận vang rền, tiếng reo hò át tiếng sóng. Các chiến thuyền quân Nguyễn nhả đạn nhưng tầm bắn còn xa, đạn rơi xuống biển. Có lẽ do quá hoảng loạn mà quân Nguyễn bắn từ xa không hiệu quả. Lợi dụng lúc quân Nguyễn còn nạp đạn, Nguyễn Hụê thúc chiến thuyền xông lên khi vừa tầm bắn thì ra lệnh:

-Bắn.

Pháo trên tất cả các chiến thuyền Tây Sơn nổ ầm ầm, đạn bay vào các chiến thuyền quân Nguyễn. Sau những quầng lửa cháy lên là xác thủy binh Nguyễn tung lên trời, chiến thuyền bốc cháy và chìm dần. Hết đợt pháo này lại đến đợt pháo khác từ chiến thuyền Tây Sơn nã vào chiến thuyền quân Nguyễn cả trước mặt, sau lưng, ngoài biển và gần bờ. Quân Nguyễn hoàn toàn bất lực, không đánh trả được. Các chiến thuyền Tây Sơn sau đó áp sát vào dùng hỏa hổ phun xuống và ném tạc đạn xối xả. Toàn bộ 100 chiến thuyền và một vạn quân Nguyễn trở thành gio than chìm dần, lửa khói vẫn ngùn ngụt ngút trời ở cửa biển Cần Giờ mù mịt. Mạc Thiên Tứ nhanh chân lên một thuyền con chạy về bản doanh ở Hà Tiên.

Cửa vào thành Gia Định đã mở, Nguyễn Huệ cho quân ăn bữa chiều bằng bánh chưng, bánh đa, giò bò, giò lợn, sau đó rẽ hướng Tây, theo đường sông Cần Giờ vào thành Gia Định.

Sông Cần Giờ quanh co, có nhiều nhánh phụ. Mặt sông có thể dàn được ba chiến thuyền. Nguyễn Huệ cho 50 thuyền đi tiên phong dò đường. Mãi tới canh ba khi còn cách thành Gia Định nửa dặm, Nguyễn Huệ cho các chiến thuyền con tấn công. Đại bác đặt trên mặt thành Gia Định nã vào các chiến thuyền Tây Sơn, có tới 10 thuyền con trúng đạn bốc cháy. Các thuyền cháy rẽ vào các lạch ven sông mở đường cho các thuyền sau tiến lên. Trong khoảng lặng khi trên thành quân Nguyễn còn nạp đạn vào đại bác, Nguyễn Huệ ra lệnh cho đại bác ở các thuyền chiến lớn bắn dồn dập không ngừng. Thành Gia Định đắp bàng đất sét nên bị công phá, vỡ toang từng mảng lớn, các khẩu thần công trên thành gục đổ theo, quân trên thành tan xác bay lên trời. Khi gần bờ, quân Tây Sơn nhảy lên đốt cháy cổng thành rồi ào ạt xông vào phun hỏa hổ, ném tạc đạn. Thành Gia Định bốc cháy tan hoang. 2 canh giờ sau, 2 vạn quân Nguyễn bị giết. Nguyễn Phúc Dương và Nguyễn Phúc Thuần được Lý Tài hộ giá chạy đi đâu không rõ.

Sáng hôm sau, trong tổng hành dinh, Nguyễn Huệ ăn sáng xong đang ngồi uống trà thì có thám mã về báo:

-Bẩm chủ tướng, Lý Tài đã đem hai chúa Nguyễn chạy về Hóc Môn.

-Gọi tướng Võ Văn Dũng, Phan Văn Lân vào đây.

-Dạ.

Võ Văn Dũng, Phan Văn Lân vào:

-Chủ tướng cho gọi

-Tướng quân Võ Văn Dũng đem 1 vạn quân đi đường thủy, đến Hóc Môn cho đổ bộ bắt Lý Tài và 2 chúa Nguyễn.

-Mạt tướng tuân lệnh.

-Tướng quân Phan Văn Lân đã từng cai trị và chiến đấu ở đây nên thuộc địa hình đường sá, tướng quân đem 1 vạn quân đi đường bộ truy kích đến Hóc Môn bắt Lý Tài và hai chúa Nguyễn về đây.

-Mạt tướng tuân lệnh.

Ngày hôm sau Nguyễn Huệ được thám mã về báo:

-Dạ bẩm chủ tướng, Lý Tài từ Hóc môn chạy về Ba Giòng và đã bị Đỗ Thành Nhơn mai phục giết chết rồi ạ.

-Còn Nguyễn Phúc Dương và Nguyễn Phúc Thuần, Nguyễn Phúc Ánh chạy đi đâu?

-Dạ, Nguyễn Phúc Thuần, Nguyễn Phúc Ánh theo Đỗ Thành Nhơn về Tranh Giang rồi ạ.

-Còn Nguyễn Phúc Dương ?

-Dạ mạt tướng chưa dò la được ạ.

Lại có thám mã về báo:

-Dạ bẩm chủ tướng, Nguyễn Phúc Dương theo Trương Phúc Thân về Tam Phụ rồi ạ.

-Lệnh cho tướng quân Phan Văn Lân truy kích đến Tam Phụ.

-Dạ.

10 ngày sau, thám mã về báo:

-Dạ, bẩm chủ tướng, Nguyễn Phúc Dương và Nguyễn Phúc Thuần chạy về Long Xuyên bị Chưởng cơ Thành quân ta bắt rồi ạ.

-Giải về đây.

-Dạ, tuân lệnh chủ tướng.

Ngày 29 tháng 10 năm 1777, Thái Thượng Vương Nguyễn Phúc Thuần và chúa Nguyễn Phúc Dương cùng 18 tướng lĩnh bị xử tử tại thành Gia Định. Chỉ có Nguyễn Phúc Ánh khi đó mới 15 tuổi chạy thoát. Nguyễn Phúc Thuần ở ngôi chúa được12 năm, thọ 23 tuổi, Nguyễn Phúc Dương ở ngôi chúa được 1 năm.

Sau 7 tháng chiến tranh, Nguyễn Huệ đã lật đổ ách thống trị của chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Tại Nam Trung Bộ, Nguyễn Nhạc cũng đánh bại đạo quân Nguyễn do Chu Văn Tiếp chỉ huy. Tây Sơn cho đến năm 1777 đã làm chủ từ đèo Hải vân cho đến toàn bộ miền Nam Đại Việt gọi là Gia Định.

             

                                       VII

Sáng mùa hè năm 1788, nắng như lụa mỏng rải xuống miền Trung, nắng rải xuống thành Quy Nhơn đầy núi non, sông ngòi, cảnh sắc thiên nhiên như bức tranh tuyệt mỹ của trần gian. Phía Tây thành có dãy Kim Sơn cao xanh chất ngất, có núi Long Côn và gò Thập Tháp như hổ cuộn rồng chầu. Bốn nhánh của dòng sông Côn quanh co như rồng cuộn gặp nhau ở Lý Nhân tạo nên sự quy tụ thiêng liêng. Xa xa bốn hướng của thành có núi non cao thấp trùng trùng điệp điệp. Phía Bắc là núi Sa Lung, xa nữa là núi Phù Cũ, Hai Lương (đèo Nhông), núi Ô Nhi. Phía Nam thành, xa nữa có núi Phước Du, An Tường, phía Tây là dãy Hương Sơn nhô lên chạm mây gió quanh năm. Đầm Hải Hạc chu vi gần 1 vạn trượng tạo nên biển nước mênh mông. Núi Tháp Thầy soi xuống đầm làm nước thêm lung linh. Xa nữa là đầm Thị Nại mênh mông quanh năm vỗ sóng vào chân núi Triều Châu hoang dã, hoành tráng.

Thành Quy Nhơn còn gọi là thành Đồ Bàn do vua Chiêm Thành InđravarmanIV xây dựng vào thế kỷ X. Trong hai năm 1777-1778, Nguyễn Nhạc cho sửa chữa lại thành, rộng hơn chu vi thành cũ 10 dặm, cao 2 trượng, tường dầy nửa trượng. Phía Ngoài thành còn có một vòng thành thứ hai bao quanh gọi là Càn Thành. Trong thành có điện bát giác cho hoàng đế thiết triều. Phía sau điện bát giác có chính tâm điện của cung phi và hoàng hậu, phía trước có lầu bát giác cho vua ở. Tả hữu là từ đường thờ tứ thân phụ mẫu của vua và còn nhiều cung điện khác như cung Quyền Bồng, Nam Môn Lầu. Trong thành Đồ Bàn bày la liệt những tác phẩm điêu khắc của Chiêm Thành như voi đá, ngựa đá, nghé đá, vũ công, vũ nữ bằng đá. Qua bao binh lửa, trong thành Đồ Bàn vẫn còn lại ngọn tháp Chăm màu nâu sừng sững nhô lên trời cao bất tử.

(Còn nữa)

CVL