Việt Nam diễn nghĩa – Tập V (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 30)

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập V “NỘI CHIẾN TRỊNH -NGUYỄN VÀ NHÀ TÂY SƠN” của PGS TS Cao Văn Liên.

Kỳ 30.

Trong trận chiến Gia Định năm 1777 do Nguyễn Huệ chỉ huy đã lật nhào ngai vị của chúa nguyễn, kết thúc 200 thống trị Đàng Trong của dòng họ này. Thái Thượng Vương Nguyễn Phúc Thuần, chúa Nguyễn Phúc Dương bị bắt và bị giết cùng 18 tướng lĩnh nhà Nguyễn. Chỉ riêng Nguyễn Phúc Ánh khi đó mới 15 tuổi chạy thoát. Nguyễn Phúc Ánh là cháu nội Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát, con của thế tử Nguyễn Phúc Luân, gọi Nguyễn Phúc Thuần và Nguyễn Phúc Dương là chú. Thế tử Nguyễn Phúc Luân đã bị quyền thần Trương Phúc Loan giết chết để đưa Nguyễn Phúc Thuần còn bé lên ngôi chúa để Loan dễ bề thâu tóm quyền lực. Khi quân Trịnh chiếm Phú Xuân, Nguyễn Phúc Ánh cũng chạy theo Nguyễn Phúc Thuần vào Gia Định. Trong trận chiến 1777, Nguyễn Phúc Ánh chạy ra đảo Thổ Chu. Cuối tháng 10 năm 1777, Nguyễn Phúc Ánh được tướng Đông Sơn Đỗ Thành Nhơn đưa về Gia Định, tập hợp lực lượng và năm 1781, Nguyễn Phúc Ánh xưng là Đại Nguyên soái, Nhiếp Chính Vương. Nhưng không lâu sau Nguyễn Phúc Ánh nghe lời dèm pha của Quận Công tả Chưởng cơ Tống Phước Thiêm và Huỳnh Thiên Lộc lại giết chết Phương Quận Công Đỗ Thành Nhơn vì Đỗ Thành Nhơn lộng quyền, không coi Nguyễn Phúc Ánh ra gì. Theo thám mã về báo thì lực lượng của Nguyễn Phúc Ánh lúc này có 3 vạn quân, 400 chiến thuyền, trong đó có 80 thuyền loại vừa, 13 thuyền chiến lớn, còn có 5 tàu hiện đại kiểu châu Âu đặt đại bác cỡ lớn, có tính năng sát thương và phá hủy cao, trong đó có 3 tàu Bồ Đào Nha do sĩ quan và thủy thủ Bồ Đào Nha điều khiển. 5 tàu châu Âu đặt dưới sự chỉ huy chung của một sĩ quan pháp là Manuel Cacluy. Cũng theo tin thám mã, sau khi có lực lượng hùng hậu, vào năm 1782, Nguyễn Phúc Ánh đã chiếm dinh Long Hồ, Gia Định và Bình Thuận. Và bây giờ, Nguyễn Phúc Ánh đang dàn quân ở Cần Giờ, dựa vào thành Gia Định để mong đánh bại quân Tây Sơn.

Tiếng viên tùy tướng hướng đạo cắt đứt dòng suy nghĩ của Nguyễn Huệ:

-Dạ bẩm Bắc Bình Vương, chúng ta đã tiến vào vùng biển Cần Giờ.

Nguyễn Hụê lên lâu thuyền quan sát. Trời đã sang chiều. Phía cửa biển Cần Giờ không có thủy binh quân Nguyễn dàn ra như năm 1777. Nguyễn Huệ ra lệnh:

-Cho rẽ phải tiến vào sông Cần Giờ, sẵn sàng chiến đấu.

chquang-trung-1-1648821685.jpgTranh minh họa: Quang Trung Nguyễn Huệ. Nguồn: Internet.

 

Từ xa, Nguyễn Huệ đã trông thấy 400 chiến thuyền quân Nguyễn do Quận Công Tả chưởng cơ Tống Phước Thiêm chỉ huy và 5 tàu chiến lớn của Bồ Đào Nha dàn trận ở Thất Kỳ Giang, khúc hạ lưu của sông Lòng Tàu, nhận nước của bảy con sông khác như sông Đồng Tranh, sông Dưa…tạo nên nơi giao nhau của 7 con sông-Thất Kỳ Giang. Chiều hôm đó, nước từ ngoài biển dâng vào sông Cần Giờ, vào Thất Kỳ Giang rất cao, gió thổi rất mạnh về hướng chiến thuyền quân Nguyễn. Nguyễn Hụê biết đây là thiên thời địa lợi đánh hỏa công rất tốt, liền ra lệnh:

-Cho 50 thuyền nhỏ chứa chất cháy xuống  và đốt cháy, đánh hỏa công.

-Tuân lệnh Bắc Bình Vương.

Quân Tây Sơn hạ 50 thuyền con chứa chất cháy xuống, châm lửa và đẩy về phía chiến thuyền quân Nguyễn. 50 thuyền lửa cháy rừng rực theo gió và nước trôi nhanh về chiến thuyền của Tống Phước Thiêm. Tống Phước Thiêm hoảng hốt ra lệnh nã đại bác vào thuyền lửa, vài chiến thuyền lửa trúng đạn vỡ ra, dầu lửa loang ra nhanh chóng và trôi dạt như bay vào, bắt đầu đốt cháy chiến thuyền quân Nguyễn. Từ vài chiếc lửa bắt đầu cháy lan ra 400 chiến thuyền, cháy vào cả 5 chiến hạm châu Âu, Thất Kỳ Giang biến thành biển lửa. Các chiến thuyền Tây Sơn đi sau các thuyền lửa, tiến vừa tầm thì nã đại bác vào làm cho các chiến thuyền Quân Nguyễn cháy dữ dội hơn và tan nát. Khu vực Thất Kỳ Giang và vùng Cần Giờ khói lửa lưng trời, tiếng nổ của đại bác Tây Sơn, tiếng nổ của đạn dược trên tàu quân Nguyễn bị cháy làm rung chuyển mặt đất, khói bốc cao vài trượng đen kịt trời. Dòng sông Cần Giờ, Thất Kỳ Giang đầy máu xác chết, tro than và lửa thảm thương. Hòa với tiếng đại bác của quân Tây Sơn gầm rú, nước của dòng Thất Kỳ Giang cũng sôi lên sùng sục như chiếc chảo không lồ luộc chín 2 vạn thủy binh Nguyễn. Tàu khổng lồ 10 đại bác của tướng Pháp Manuel cũng bốc cháy và chìm dần. Nguyễn Phúc Ánh có một đội thuyền nhỏ ở ngoài trận hỏa công, đứng nhìn bất lực vốn liếng xây dựng 4 năm trời mà không thể cứu ứng được, cuối cùng bị thiêu rụi. Nguyễn Phúc Ánh chạy về Bến Nghé, bị thủy binh Tây Sơn truy kích, Nguyễn Phúc Ánh dẫn tàn quân chạy về Ba Giòng ( Định Tường), chạy về Lạt Giang và bạt về miền Hậu Giang, ra Phú Quốc. Trong khi đó đạo quân bộ của Nguyễn Phúc Ánh do Chu Văn Tiếp, Tôn Thất Dụ chỉ huy ở Bình Thuận bị Trần Quang Diệu đánh bại. Tiếp và Dụ phải chạy về Trấn Biên. Quân Tây Sơn do Nguyễn Văn Kim chỉ huy đã đánh bại đạo quân Nguyễn do Nguyễn Hữu Thận chỉ huy, Thận phải chạy về Giang Lắng.

                                           IX

Một ngày tháng 2 năm Quý Mão (1783), Nguyễn Phúc Ánh ngồi trong Tổng hành dinh ở thành Gia Định với các tướng. Nguyễn Phúc Ánh nói:

-Sau trận thất bại năm 1782, nhờ sự giúp đỡ của các tướng, ta nay  đuổi được Nguyễn Lữ, lại thu hồi được Gia Định, nhưng thế nào Nguyễn Huệ cũng sẽ tấn công. Các tướng có kế sách gì đối phó không?

Tướng Hồ Văn Lân nói:

-Bẩm chúa công, mạt tướng nghĩ nên củng cố lại đồn Thị Nghè và đồn Bến Nghé trên sông Cần Giờ để bảo vệ từ xa cho thành Gia Định.

Nguyễn Phúc Ánh nói:

-Tướng Tôn Thất Mẫn.

-Dạ có mạt tướng.

-Tướng quân ra chốt giữ đồn Thị Nghè, khi quân Tây Sơn đến thì đánh vào sườn bên hữu của chúng.

-Dạ, mạt tướng tuân lệnh.

-Tướng quân Hồ Văn Lân.

-Dạ, có mạt tướng.

-Tướng quân đem binh thuyền ra trấn giữ đồn Bến Nghé, khi chiến thuyền Tây Sơn đến thì đánh vào bên tả, tức là sườn phía Nam  chúng.

-Mạt tướng tuân lệnh.

-Tướng quân Chu Văn Tiếp:

-Dạ, có mạt tướng.

-Tướng quân toàn quyền chỉ huy 100 chiến thuyền bảo vệ thành Gia Định, chi viện cho hai đồn Thị Nghè, Bến Nghé, đồn Thảo Câu và Giác Ngư, bất ngờ dụ địch vào trận địa, đánh trận hỏa công này cho tốt, đốt hết chiến thuyền Tây Sơn.

-Mạt tướng tuân lệnh.

-Tướng quân Dương Công Trừng.

-Dạ, có mạt tướng.

-Tướng quân đem quân giữ đồn Giác Ngư, phối hợp với đồn Bến Nghé, đánh vào sườn bên tả quân Tây sơn.

-Mạt tướng tuân lệnh.

-Giám quan Tô.

-Dạ, có mạt tướng.

-Tướng quân chịu trách nhiệm phát hỏa, Khi chiến thuyền quân Tây Sơn lọt vào trận địa mai phục, tướng quân cho đốt tất cả các bè nứa hai bên bờ sông có chất cháy và thuốc nổ để thiêu đốt chiến thuyền Tây Sơn. Nhớ là phải khai hỏa đúng thời cơ. Rõ chưa?

-Dạ, mạt tướng tuân lệnh.

-Tướng quân Nguyễn Huỳnh Đức.

-Dạ có mạt tướng.

-Tướng quân đem 20 chiến thuyền nhỏ ra cửa sông Cần Giờ dụ chiến thuyền Tây Sơn vào trận địa hỏa công.

-Dạ, mạt tướng tuân lệnh.

Nguyễn Phúc Ánh nói:

-Các tướng quân hãy thực hiện cho tốt chức trách được giao phó để có một trận “Xích Bích” trên sông Cần Giờ thiêu sống Nguyễn Huệ. Ha!ha!ha!...

Các tướng đều đồng thanh đáp”

-Chúng mạt tướng tuân lệnh, chúc chúa công thành công.

(Còn nữa)

CVL