Việt Nam diễn nghĩa – Tập V (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 45)

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập V “NỘI CHIẾN TRỊNH -NGUYỄN VÀ NHÀ TÂY SƠN” của PGS TS Cao Văn Liên

Kỳ 45.

Quân Tây Sơn nghe nói bị bao vây hoảng loạn tháo chạy khỏi chiến trường. Cả Nguyễn Quang Thùy cũng ra lệnh rút, cả vua Bửu Hưng cũng hoảng loạn tháo chạy. Quân Tây Sơn qua cầu phao sông Linh Giang tranh nhau chạy rơi xuống sông chết vô kể. Trên chiến lũy, Bùi Thị Xuân đang nắm chắc phần thắng, lũy Đâu Mâu sắp thất thủ nhưng khi quay đầu nhìn xuống, quân Tây Sơn không còn ai nữa, cờ đỏ vứt ngổn ngang với xác chết đầy ắp bờ bắc sông Nhật Lệ. Bùi Thị Xuân uất hận:

-Đại quân chạy hết, ta có lấy được Đâu Mâu cũng chẳng để làm gì. Các muội rút lui.

-Dạ, tuân lệnh.

chvua-gia-long-075821-100220-32-1650119685.jpgVua Gia Long tên thật là Nguyễn Phúc Ánh, sinh năm 1762 mất năm 1820. Ông là vị vua có công rất lớn trong việc thống nhất, mở mang bờ cõi nước ta với vùng đất rộng lớn từ ải Nam Quan đến đất mũi Cà Mau. Nguồn: Internet.

 

Các nữ binh từ trên mặt chiến lũy cao ngất phi thân như bay xuống mặt đất và rút chạy trước sự kinh hoàng thán phục của quân Nguyễn. Một người lính nói:

-Nghe danh nữ tướng Tây Sơn từ lâu nay mới được  chứng kiến. Bái phục, bái phục.

Tháng 3 năm 1801, Quy Nhơn một buổi sáng, Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng, Bùi Hữu Hiếu đang vây đánh thành, Võ Tánh và Ngô Tùng Châu đang rất nguy khốn, hết lương thực, đạn dược. Bỗng nhiên từ trong thành bốc lên ngọn khói và cửa thành Quy Nhơn mở, quân Nguyễn tay cầm cờ trắng kéo ra đầu hàng. Một tùy tướng của Võ Tánh tay cầm một phong thư nói:

-Cho mạt tướng gặp tướng quân Trần Quang Diệu.

-Ta đây. Sao trong thành lại bốc khói. Chủ tướng Võ Tánh và Ngô Tùng Châu của ngươi đâu, không ra đầu hàng?

Viên tùy tướng vội quỳ và đáp:

-Dạ, bẩm tướng quân, chủ tướng Thường hầu Quán Hội Quận Công Võ Tánh cùng Lễ bộ Thượng thư Ngô Tùng Châu biết thành sắp mất nên đã tự thiêu chết rồi ạ, lửa thiêu hai tướng đã làm cháy trụi cung Bát Giác nên bốc khói ạ.

Trần Quang Diệu mở thư của Võ Tánh đọc, thư viết: “Thành mất, tướng quân vào thành hãy mở lượng từ bi không nên giết bách tính và quân Nguyễn. Họ chỉ là những người đáng thương. Vĩnh biệt tướng quân”.

Trần Quang Diệu đang định cho quân tiến vào thành thì có thám mã về báo:

-Dạ, nguy cấp, thành Phú Xuân đã bị Nguyễn Phúc Ánh lấy. Nữ tướng Bùi Thị Xuân đã hộ giá vua Cảnh Thịnh chạy ra Bắc, đem 3 vạn quân về đánh lũy Thầy để tiến về lấy lại Phú Xuân ạ. Chiến sự đang rất ác liệt ở bờ Bắc sông Nhật Lệ ạ

Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng, Bùi Hữu Hiếu đều bàng hoàng trước tin dữ. Trần Quang Diệu nói:

-Chúng ta sai rồi. Mải mê đánh Quy Nhơn không để quân chủ lực và tướng giỏi phòng thủ kinnh thành. Chúng ta phải nhanh chóng ra  đánh lấy lại Phú Xuân. Tướng quân Nguyễn Văn Long đâu.

-Dạ, có mạt tướng.

-Tướng quân lĩnh 1 vạn quân giữ Quy Nhơn. Ta với Võ tướng quân, Bùi tướng quân về đánh lấy lại Phú Xuân.

-Mạt tướng tuân lệnh.

Rồi Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng, Bùi Hữu Hiếu dẫn 3 vạn quân đi theo đường thiên lý về Phú Xuân. Đến một đoạn đường hiểm trở gần đèo Hải Vân, thốt nhiên một phát hỏa pháo bắn lên trời, tiếp đó súng và cung tên, tạc đạn ném, bắn vào quân Tây Sơn như mưa. Quân Tây Sơn đã bị quân Nguyễn do Đắc Lộc Hầu Nguyễn Đình Đắc mai phục. Bị bất ngờ, quân Tây Sơn gục xuống hàng nghìn. Tiếp đó quân Nguyễn bốn bên xông ra chém giết. Quân Tây Sơn chống cự ngoan cường nhưng phần lớn hy sinh. Xác quân Nguyễn cùng quân Tây Sơn chồng chất, máu ngập đường thiên lý vài dặm, Trần Quang Diệu, Bùi Hữu Hiếu, Võ Văn Dũng mở đường máu chạy lên đường thượng đạo, tìm đường về Bắc sông Linh Giang. Bỗng có thám mã về báo:       

-Dạ bẩm Thiếu phó, quân ta đã bại trận ở Nhật Lệ, Nghệ An cũng đã mất tháng 5 năm 1802. Nguyễn Quang Bàn, Nguyễn Văn Thận, Đặng Xuân Đằng ở Thanh Hóa đã đầu hàng Nguyễn Phúc Ánh, Thăng Long mất vào tay quân Nguyễn tháng 6 năm 1802. Hoàng thượng Bửu Hưng, Nguyễn Quang Thùy chạy lên phía Bắc, bây giờ không biết ở đâu ạ.

Trần Quang Diệu hỏi:

-Tướng quân có biết nữ tướng Bùi Thị Xuân giờ ở đâu không  ?

-Đô Đốc Bùi Thị Xuân giờ vẫn ở Nghệ An, chắc là chờ Thiếu phó.  

Bùi Hữu Hiếu nói:

-Đại cục đã sụp đổ, Thiếu phó và Đại Đô đốc hãy cùng  về miền quê Nông Cống hẻo lánh của mạt tướng may ra tránh được sự truy lùng gắt gao của quân Nguyễn.

Trần Quang Diệu nói:

-Ta không thể bỏ mặc thê tử của mình được. Ta phải về Nghệ An để tìm. Võ Đại Đô đốc đi với Bùi tướng quân đi.

Ba người nắm tay nhau bùi ngùi:

-Cáo biệt Thái phó.

-Cáo biệt Võ Đại đô đốc, Bùi Đại đô đốc.

Rừng Nghệ An trút lá vàng, gió xạc xào buồn nẫu ruột trước cuộc chia ly không bao giờ gặp lại.       Ngày 1 tháng 6 năm Nhâm Tuất 1802, Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi hoàng đế. Mấy ngày sau, tại Phú Xuân, Trong điện Trung Hòa, Nguyễn Phúc Ánh đầu đội vương miện màu vàng, những dây ngọc của vương miện rủ xuống hai vai lấp lánh lung linh, áo bào vàng rộng thùng thình vẽ hai con rồng uốn quanh rất dữ tợn và châu đầu vào hình tròn tượng trưng cho mặt trời, hai chân đi hài vàng. Nguyễn Phúc Ánh nói:

-Nhờ sự cố gắng chiến đấu của các tướng lĩnh, nay đã lật đổ được nhà Tây Sơn. Nước một ngày không thể không có vua, tuân theo mệnh trời và lòng mong mỏi của các tướng lĩnh, của ba quân, nay ta  đăng quang hoàng đế, lấy đế hiệu Gia Long, Kinh đô Phú Xuân, Quốc hiệu Việt Nam, còn có thể gọi là  Đại Nam.                                                            Bá quan văn võ vội quỳ hành lễ:

-Chúc mừng hoàng thượng, hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế.

-Miễn lễ, các ái khanh bình thân

-Đa tạ hoàng thượng

Gia Long nói tiếp:

-Nay ta tuyên bố tăng thuế và sưu lên nhiều lần để bù vào những tổn thất sau nhiều năm chiến tranh, để xây dựng lăng tẩm, hoàng thành, Tử Cấm thành ở Phú Xuân sao cho nguy nga tráng lệ như Tử Cấm thành của nhà Minh -Thanh ở Đại Đô.

-Xóa bỏ tất cả những chính sách mà nhà Tây Sơn đã thi hành. Xóa bỏ tất cả nhưng di tích văn hóa, sách vở, lăng mộ bia, đền chùa của nhà Tây Sơn và những đền miếu thờ Tây Sơn.

-Khai quật lăng mộ của nhà Tây Sơn, đặc biệt là mộ Nguyễn Nhạc, Nguyễn Hụệ, Nguyễn Lữ.

-Tiêu diệt tất cả những anh em thuộc dòng họ Tây Sơn, những gia đình dòng họ các tướng lĩnh Tây Sơn hoặc có dính líu đến Tây Sơn.

-Quân ta đã bắt được Nguyễn Quang Toản, Nguyễn Quang Thùy ở Kinh Bắc, Nguyễn Quang Bàn ở Thanh Hóa dù đã dầu hàng nhưng vẫn không được tha. Nay ta  xuống chỉ đem tất cả những người con của Nguyễn Huệ ra pháp trường, cứ một tội đồ cho 5 voi xé xác.

-Quân ta đã bắt được thê tử Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân và con gái ở Nghệ An. Nay ta truyền chỉ đem Trần Quang Diệu xử lột da, đem Bùi Thị Xuân và con gái cho voi xé xác.

-Rất nhiều tướng lĩnh của Tây Sơn đã tháo chạy còn chưa bắt được như Tây Sơn thất hổ tướng: gồm Lý Văn Bưu, Võ Văn Dũng, Võ Đình Tú, Nguyễn Văn Tuyết, Lê Văn Hưng, Nguyễn Văn Lộc, Bùi Hữu Hiếu mà nay mới chỉ bắt được mỗi Trần Quang Diệu. Nay ta xuống chỉ truy lùng gắt gao bắt các tướng lĩnh Tây Sơn đang lẩn trốn đem về trị tội. Các khanh nên nhớ rằng ta vì chín đời chúa mà trả thù cho nên không thể lơ là, không thể nương tay. Ai chứa chấp cũng như là giặc Tây Sơn, giết.

Bá quan văn võ trong điện Trung Hòa vội quỳ xuống hô:

-Hoàng thượng anh minh, chúng thần tuân chỉ.

Trời Phú Xuân bỗng nhiên tối xầm lại, gió như bão và bắt đầu mưa. Những hạt mưa đỏ như máu dội xuống ào ào lênh láng cả hoàng thành, cả kinh thành. Lá cờ vàng trên đỉnh nóc điện Trung Hòa đổ gục xuống. Một triều đại mới bắt đầu, nội chiến tương tàn đã chấm dứt, hoàn thiện việc thống nhất đất nước mà Tây Sơn đã đặt nền tảng.

Nhưng Gia Long đã thiết lập một chế độ phong kiến chuyên chế cực đoan, với bộ máy quan lại tha hóa, độc ác, bóc lột dân nghèo xơ xác, kìm hãm đất nước trong vòng lạc hậu về tư tưởng, kinh tế, quốc phòng. Kết quả 60 năm sau, Việt Nam thất bại trong cuộc chiến tranh Việt- Pháp (1858-1884), triều đình Huế ký hàng ước Patonot bán nước. Việt Nam bị biến thành thuộc địa của Pháp. Máu của bá tính dân lành vẫn tiếp tục tuôn chảy trên con đường lịch sử thăng trầm đầy máu lửa của dân tộc Việt.

                                                                                        12-5-2020

(Hết tập V)

CVL