Bên cạnh những phân tích về xu hướng gần đây của nền kinh tế, dưới tiêu đề "Việt Nam số hóa - Con đường đến tương lai”, ẩn phẩm kỳ này đã đi sâu phân tích những gì Việt Nam cần thực hiện để đạt tham vọng trở thành một trong những nền kinh tế số tiên tiến trên thế giới.
Thông cáo báo chí của W.B nhấn mạnh, mặc dù nền kinh tế đã ghi nhận kết quả vững chắc trong nửa đầu năm 2021, song do tác động của đợt bùng phát Covid-19 lần thứ tư đã ảnh hượng nặng nề đến hoạt động kinh tế xã hội, nên tăng trưởng kinh tế cả năm sẽ thấp hơn hai điểm phần trăm so với dự báo do W.B đưa ra vào cuối năm 2020.
Trong ấn bản của Báo cáo Điểm lại, một ấn phẩm cập nhật sáu tháng mới nhất về tình hình kinh tế Việt Nam ra mắt trong ngày, báo cáo đã chỉ ra nỗi đau kinh tế liên quan đến đợt dịch COVID-19 bùng phát. Theo đó, các biện pháp hạn chế đi lại của Chính phủ nhằm kiềm chế đại dịch đã có ảnh hưởng lớn đến kinh tế trong nước.
Trong tháng 07, doanh số bán lẻ giảm 19,8% so cùng kỳ năm trước, là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 04 năm 2020 là thời điển bắt đầu bùng phát dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam. Cùng với doanh số bán lẻ sụt giảm, chỉ số sức mua hàng (PMI) cũng giảm đáng kể. Về kinh tế đối ngoại, cán cân thương mại hàng hóa đã chuyển sang thâm hụt trong thời gian gần đây, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài đã thể hiện sự thận trọng. Các chuỗi cung ứng và khu công nghiệp bị gián đoạn do dịch COVID-19 tái bùng phát diện rộng, dường như buộc các đơn vị xuất khẩu phải tạm thời đóng cửa nhà máy hoặc đình hoãn sản xuất.
Nhìn nhận về triển vọng kinh tế Việt Nam dưới tác động của đại dịch Covid-19, Quyền Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Rahul Kitchlu cho rằng “Nền kinh tế Việt Nam liệu có phục hồi vào nửa sau năm 2021 hay không? Điều này còn tùy thuộc vào kết quả kiểm soát đợt dịch COVID-19 bùng phát hiện nay, hiệu quả triển khai vắc-xin, và hiệu suất của các biện pháp tài khóa nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ gia đình bị ảnh hưởng, và để kích thích phục hồi,”. Theo ông “Tuy rủi ro theo hướng suy giảm gia tăng, nhưng các yếu tố căn bản của nền kinh tế Việt Nam vẫn vững chắc và nền kinh tế có thể quay lại với tốc độ tăng trưởng GDP trước đại dịch ở mức từ 6,5 đến 7% từ năm 2022 trở đi”.
Báo cáo khuyến nghị các cấp có thẩm quyền cần xử lý những hệ quả xã hội của khủng hoảng COVID-19 bằng cách cải thiện chiều sâu và hiệu quả của các chương trình an sinh xã hội. Các cấp chính quyền cũng cần cảnh giác với rủi ro gia tăng ở khu vực tài chính, cụ thể là cần quan tâm đến nợ xấu. Chính sách tài khóa cũng cần được quan tâm hơn nữa vì các nhà hoạch định chính sách cần tìm cách cân đối cho phù hợp giữa nhu cầu hỗ trợ phục hồi kinh tế và nhu cầu duy trì nợ công ở mức bền vững.
Bên cạnh xu hướng gần đây của nền kinh tế, ẩn phẩm kỳ này, dưới tiêu đề "Việt Nam số hóa - Con đường đến tương lai", đã đi sâu phân tích những gì Việt Nam cần thực hiện để đạt được tham vọng trở thành một trong những nền kinh tế số tiên tiến trên thế giới.
Khủng hoảng COVID-19 đã đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số của nền kinh tế trong nước khi ngày càng nhiều doanh nghiệp được cung cấp dịch vụ trực tuyến và Chính phủ cũng tăng cường số hóa các thủ tục và cơ sở dữ liệu của mình.
Báo cáo cho rằng, cũng giống như hầu hết các quốc gia trên thế giới, Việt Nam có trở thành công xưởng thế giới về công nghệ số hay không sẽ không phụ thuộc vào khả năng tạo ra đột phá về công nghệ mà được quyết định bởi năng lực khai thác nhiều nhất những công nghệ số được phát triển ở các quốc gia khác.
Trong khuôn khổ của cuộc họp báo, Jacques Morisset chuyên gia cao cấp của W.B đã làm rõ những vấn đề cần làm để trở thanh nước có nền tảng kỹ thuật số tiên tiến, Theo ông, cách mạng kỹ thuật số tạo ra những công nghệ đột phá. Các quốc gia hàng đầu về đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực này sở hữu gần 2/3 số bằng sáng chế Công nghệ thông tin ( CNTT) và công nghệ liên quan đến máy tính đăng ký hàng năm. Tuy nhiên,trong tương lai, hầu hết các quốc gia sẽ quyết định bởi năng lực tận dụng tối đa công nghệ kỹ thuật số do các nước khác phát triển.
Để trở thành cường quốc kỹ thuật số, Việt Nam cần tạo điều kiện để các đơn vị trong nước áp dụng và thích ứng với những công nghệ kỹ thuật số toàn cầu mới. Ngày nay, Việt Nam có thể so sánh được với nhiều đối thủ và có tham vọng về sự phổ biến của điện thoại di động và khả năng kết nối tốt với Internet của người dân cũng như doanh nghiệp.
Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của Việt Nam khá hiện đại, phủ khắp các tỉnh, thành và do các công ty viễn thông trong nước đầu tư. Việt Nam đã trở thành điểm đến của một số công ty CNTT hàng đầu thế giới như Apple, Samsung, Intel,… Điều này thể hiện khả năng cạnh tranh của Việt Nam để tạo lập nền tảng đặc biệt cho các doanh nghiệp và đơn vị phát triển trong nước. Báo cáo Điểm lại của W.B cho rằng, Việt Nam cần phải làm nhiều hơn nữa nếu muốn trở thành cường quốc kỹ thuật số như mục tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Để làm công việc này, Chính phủ cần tập trung giải quyết thất bại của thị trường bằng những giải pháp thông minh. Theo các nhà phân tích, thất bại của thị trường đã hạn chế khả năng có thể đạt được với những nguồn lực sẵn có. Xã hội có nhiệm vụ khắc phục sự thất bại, đồng nghĩa với việc đảm bảo sự phát triển của lực lượng lao động có kỹ năng kỹ thuật số và sự tham gia của khu vực tư nhân trong nước năng động , tích cực cùng với tiếp cận thông tin tốt và an toàn hơn. Theo đó, dảm bảo khả năng cung cấp lực lượng lao động có kỹ năng số là giải pháp trọng tâm vì số hóa có thể dẫn tới nguy cơ 1/3 số việc làm có thể bị mất trong khoảng 5 năm.
Mặc dù chuyển đổi kỹ thuật số tạo ra nhiều việc làm mới, những công việc này đòi hỏi phải có thêm nhiều kỹ năng mới. Có thể kỳ vọng thị trường lao động sẽ được điều chỉnh dần dần do nhu cầu cao về lao động có kỹ năng sẽ làm tăng mức lương tương đối; điều này cũng sẽ khuyến khích người lao động và doanh nghiệp tăng thêm đầu tư vào giáo dục và đào tạo.
Kinh nghiệm quốc tế đã từng chỉ ra, người lao động có thể không có thông tin hoặc nguồn lực tài chính để đầu tư vào con đường học vấn lâu dài và với tốc độ hiện tại, Việt Nam phải mất 25 năm để có số lượng sinh viên đăng ký vào các trường đại học tương đương như tại Thái Lan hiện nay. Ở các quốc gia thành công, chính phủ đã giải quyết thất bại của thị trường bằng cách: ( i)loại bỏ trở ngại pháp lý đối với dịch chuyển lao động;
(ii) cung cấp thông tin cho người lao động về các xu hướng và nhu cầu của thị trường lao động để họ biết khi ra quyết định;
(iii) nâng cao chất lượng các chương trình giáo dục kỹ thuật và dạy nghề; và
(iv) hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động về tài chính khi học những kỹ năng mới.
Giải pháp thứ hai là đảm bảo để khu vực tư nhân trong nước luôn năng động vì chu kỳ đổi mới kinh tế kỹ thuật số diễn ra không dài. Để giữ cho khu vực tư nhân năng động và có động lực áp dụng công nghệ mới, Chính phủ cần đảm bảo duy trì khả năng cạnh tranh thị trường, trong khi một số doanh nghiệp hàng đầu do nắm giữ bí quyết kỹ thuật gần như thống trị một cách tự nhiên.Theo đó, cần có chính sách để giảm bớt các rào cản gia nhập và tăng cường các quy định pháp lý để tránh việc lạm dụng.
Ngoài hạ tầng hiện đại, ba giải pháp được nhấn mạnh tập trung vào xây dựng năng lực số quốc gia với vai trò trung tâm của Chính phủ. Các nhà hoạch định chính sách cần khuyến khích doanh nghiệp và người lao động có kỹ năng phù hợp để tận dụng quá trình chuyển đổi số, bồi dưỡng năng lực đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp thông qua cạnh tranh và hỗ trợ tài chính cho khởi nghiệp và nhân tài trong nước, đồng thời thúc đẩy khả năng truy cập, chất lượng và an ninh thông tin. Ba định hướng chính sách này đòi hỏi Chính phủ phải can thiệp khôn khéo và phối hợp chặt chẽ với khu vực tư nhân theo hướng minh bạch, đầy đủ để tránh bị lạm dụng bởi lợi ích nhóm cả ở khu vực công và tư nhân.
Các nhà phân tích của W.B cho rằng ,Việt Nam cần nhanh chóng khắc phục những thất bại thị trường để đưa đất nước tiến lên trên con đường hướng tới những mục tiêu kinh tế số đầy tham vọng.Điều quan trọng là phải hết sức cẩn trọng để Chính phủ không tạo ra những can thiệp có mục đích tốt nhưng thiếu cân nhắc . Sai lầm của Chính phủ có thể làm trầm trọng hơn tình thế thay vì giải quyết những biến dạng của thị trường và các chính sách khuyến khích ban đầu trong sử dụng nguồn lực của Nhà nước cho các chương trình đào tạo không phù hợp với nhu cầu của thị trường hoặc Chính phủ có thể bảo vệ doanh nghiệp không bị cạnh tranh quá mức, hạn chế sự phát triển trong tương lai. Về nguyên tắc, các giải pháp của Chính phủ cần được xây dựng và thực hiện trong mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với khu vực tư nhân và đảm bảo tính minh bạch tối đa nhằm tránh bị các thành phần nhà nước hoặc tư nhân lợi dụng.