Có thể vì nôn nóng, có thể chỉ nhìn sự việc qua góc độ hành chính, người nhà cháu M và một số bạn đọc đã trách chị Hương “không chịu trao con” cho chính cha mẹ đẻ của cháu. Riêng tôi, nhìn từ góc độ văn hóa, tôi vô cùng cảm phục chị Hương, một người mẹ tuyệt vời đã có công dưỡng dục cháu M. thành một cháu bé có nhân cách đẹp.
Từ góc độ hành chính, việc phát hiện hai cháu bị trao nhầm, phải đổi lại cho hai gia đình, là việc làm tất yếu và có phần không khó khăn. Với công nghệ hiện đại, các cháu đã sớm được xác định là con ai. Do vậy, tới bây giờ, hai cháu đã trở về với chính bố mẹ đẻ của mình. Thế là sự việc kết thúc? Không, không hề đơn giản như vậy. Nó chỉ kết thúc ở công đoạn hành chính. Và, nó mới bắt đầu ở giai đoạn chuyển đổi tâm lý. Nếu người lớn đơn giản hóa, không quan tâm đến tâm lý con trẻ, có thể sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường.
Qua thông tin đã được công bố, chị Hương là một người nghèo và phải bươn chải để vượt qua biết bao khó khăn trong cuộc sống. Trong hoàn cảnh đó, chị đã nuôi con như thế nào? Nhìn ảnh chị, người phụ nữ gầy xác, và cháu M, một chú bé mụ mẫm, có thể hiểu thế nào là tình mẹ con. Tuy chị không kể lể về sự vất vả mà chị đã phải vượt qua, không nói tình yêu thương và cách dạy dỗ mà chị đã dành cho cháu M như thế nào, nhưng chỉ qua một số hành động của cháu M, tôi cảm nhận rằng cháu M đã được chăm sóc chu đáo cả về vật chất lẫn tinh thần, mà đặc biệt là tinh thần. Tuy mới 6 tuổi, khi biết được mình không phải là con mẹ Hương, khi về với gia đình ruột của mình sẽ được sung sướng hơn, M đã nói được câu: “Con là con của mẹ Hương, con chỉ có một mẹ Hương” và tỏ ra không cần sự sung sướng đó, vì “chỉ thích ở với mẹ Hương”. Khi được trao cho chính bố mẹ đẻ của mình, M kêu lên: “Mẹ ơi, mẹ ơi, mẹ cứu con!”. Những biểu hiện đó cho thấy rằng M có một tình yêu mạnh mẽ, sự gắn bó máu thịt với người đàn bà đã nuôi mình, là thứ tình cảm cần được nâng niu, nhất là trong tình trạng xuống cấp đạo đức đang ngày một trầm trọng như hiện nay. Trẻ con vô tư, cảm nhận theo trực giác, cho nên sẽ yêu người nào biết chăm nom mình và không yêu ai cư xử không tốt với mình. Trong xã hội có nhiều tiêu cực như hiện nay, khi mà bố, mẹ có thể hành hạ con đến thành thương tật, mà cháu M yêu mẹ Hương đến vậy, chứng tỏ cháu đã được chăm bẵm tận tình đến thế nào.
Cách suy nghĩ, giải pháp mà chị Hương cũng như cháu M thể hiện trong quá trình trao trả con, cũng cho thấy chị và cháu M có chung một điểm, đó là lòng vị tha. Chị Hương luôn nghĩ tới giải pháp giúp các cháu không bị sốc, ổn định tâm lý, quen với cuộc sống mới. Chị mong mọi người hiểu là các cháu đang tuổi mới lớn, nếu không làm tốt về tư tưởng, sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của các cháu sau này. Chị tâm sự: “Tôi chỉ mong sao những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với hai con”. “Thời gian tới, tôi sẽ nghỉ công việc ở trường mầm non để dành thời gian ổn định tâm lý cho con”. Tuy chỉ muốn ở với mẹ Hương, và có lúc phản ứng dữ dội việc phải xa mẹ Hương, nhưng M vẫn nghĩ đến giải pháp tốt đẹp cho cả hai phía, theo lối tư duy ngây thơ của con trẻ. M bày cho mẹ: “Mẹ làm cho con một hình rô bốt, sau đó mẹ nhét bông vào, mẹ chụp ảnh con rồi dán vào mặt hình rô bốt ấy. Mẹ làm cho con cái điều khiển để con điều khiển hình rô bốt ấy về nhà chú Sơn, cô Hiền. Còn con thì vẫn được ở đây với mẹ”.
Tôi nghĩ, bố mẹ đẻ cháu M và và đình cần biết ơn chị Hương vì đã dạy dỗ M thành người có tình cảm đẹp đẽ, biểu hiện một nhân cách tốt như vậy. Hai gia đình cần tạo mọi điều kiện để hai cháu vẫn giữ được tình cảm nồng hậu với người đã nuôi dưỡng mình và làm quen, dần dần gắn bó với gia đình mới. Câu nói của chị Hương có thể là định hướng cho tương lai của các cháu: “Mẹ vẫn là mẹ của con, cho dù con làm gì mẹ vẫn đứng đằng sau con” – có nghĩa là các cháu từ nay sẽ có hai bố - mẹ, hai gia đình. Không phải là vật chất hay biện pháp hành chính sẽ giúp các cháu ổn định tâm lý, hòa nhập vào môi trường sống mới, mà chính tình yêu thương, cách xử lý tinh tế, hợp tâm lý, sẽ giúp các cháu có một cuộc sống tốt đẹp.
) - Sự việc Bệnh viện Đa khoa huyện Ba vì (Hà Nội) trao nhầm trẻ sơ sinh xảy ra cách đây 6 năm khiến cả hai gia đình có con bị trao nhầm đều rơi vào bi kịch. Anh Phùng Giang Sơn (SN 1990, Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội), người có con bị trao nhầm, cho biết từ khi biết sự thật, gia đình anh rất “sốc”, cuộc sống bị đảo lộn hoàn toàn. Gần 3 tháng qua, chưa đêm nào anh được ngủ một giấc trọn vẹn, cứ nhắm mắt lại hình ảnh về hai người con lại khiến anh day dứt, đau lòng. Hiện tại, do một số khúc mắc chưa được giải quyết nên hai bé bị trao nhầm vẫn chưa được trao trả về gia đình thực sự của mình. Cháu Phùng Thanh H. hiện vẫn sống với gia đình anh Sơn và chưa được biết sự thật. Trong khi đó, người con ruột của anh là cháu Đoàn Nhật M. đang được gia đình chị Vũ Thị Hương nuôi nấng, chăm sóc. Anh Sơn cho hay, hiện tại từng ngày, từng giờ, gia đình anh mong muốn được đón người con ruột về nuôi nấng, bù đắp cho con. “6 năm qua gia đình chúng tôi dồn hết tình yêu và những gì mình có cho H. Khi biết con không phải là con đẻ của mình, cảm giác đau đớn, khổ tâm tột cùng. Quan điểm của tôi, con nào cũng là con. Nếu được phép, sau này khi các cháu trở về với gia đình thực của mình, chúng tôi sẵn sàng nhận cháu làm con nuôi, nếu được tôi vẫn chu cấp cho cháu như con đẻ, chứ không hề phân biệt đối xử”, anh Sơn nói. |