Nhiều người từng đến xem phòng tranh triển lãm sơn mài mang tên “Nước thời gian“ của nhà giáo ưu tú hoạ sĩ Đoàn Văn Nguyên tại Hàng Bài khai cuộc từ đầu tuần, đều gật đầu khen chất lượng của cú trình làng đâu ra đấy với bạn nghề già trẻ, đồng nghiệp đều “tâm phục khẩu phục “mà mừng cho bác ấy.
Hầu như diện kiến cả mấy chục tác phẩm, chắt chiu lao động nghệ thuật cả cuộc đời của một nghệ sĩ nhà giáo, mới thấy cái cốt cách khiêm nhường, mộc mạc, chân thành ở hoạ sĩ được chắt lọc truyền dạy bởi nét tinh hoa từ thân phụ anh là thi sĩ nổi tiếng trên văn đàn Thơ mới của Việt nam đầu thế kỷ trước - thi sĩ lưu giữ hồn quê”- Đoàn Văn Cừ!
Hầu như các bức tranh sơn mài của hoạ sĩ Đoàn Văn Nguyên, đều phảng phất đâu đó hình ảnh làng quê yên bình, dòng sông, cây đa, bến nước, sân đình! Ngay cả ở nhiều bức tranh sơn mài khổ lớn, hoạ sĩ thậm chí còn bố cục rất giản dị với những cảnh đấu vật, chọi trâu, thả diều như muốn tái tạo lại không khí đầm ấm, hội hè dân dã chốn thôn quê. Điểm nhấn nổi bật nhất trong triển lãm tranh sơn mài của hoạ sĩ Đoàn Văn Nguyên, chính là khả năng phô diễn trước mọi đồng nghiệp làng sơn mài lâu nay biết tiếng ở kỹ thuật sử dụng tài tình, hoà sắc nhuần nhuyễn những sắc mầu truyền thống quen thuộc của nghề vẽ sơn mài : son trai, son tươi, son thắm, son nhì, sơn cánh gián, sơn then, vỏ trắng và vàng bạc...tạo nên sự lộng lẫy, sâu lắng mà vẫn rất đằm thắm, đầy sức lan toả cho mỗi cung bậc cảm xúc trong tranh! Với bất kỳ người nào tới xem triển lãm tranh sơn mài của mình, hoạ sĩ Đoàn Văn Nguyên luôn tự hào ông là người đã kế tục được nhiều kỹ thuật cơ bản, tiếp lối cách thức truyền thống của các hoạ sĩ tài danh thế hệ bậc thày được đào tạo từ thời Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông dương như cụ Nguyễn Gia Trí, Hoàng Tích Chù, Nguyễn Tiến Chung...Nhưng sự khuôn thước, chuẩn mực của một nhà giáo cũng đã ảnh hưởng ít nhiều đến cá tính sáng tạo nghệ thuật ở một hoạ sĩ như Đoàn Văn Nguyên trong cảm hứng suốt nhiều năm qua, ông gần như lặng lẽ sáng tác, vẽ không nghỉ trong hơn 30 năm để có được cuộc triển lãm khá hoành tráng này không chút ngượng ngập về sự ẩn mình tận tâm giảng dạy trên giảng đường những năm tháng qua! Đặc biệt, sery tranh về các dáng hình thiếu nữ khoả thân mềm mại, nuột nà và cảm giác phồn thực, tràn đầy sức sống được hoạ sĩ Đoàn Văn Nguyên khai bút cho dòng tranh này khá sớm, ngay từ năm 1987 là ra đời tác phẩm đầu tiên. Gần hai chục tranh sơn mài vẽ nude dường như đã được “nước thời gian” phôi pha theo năm tháng trên từng đường nét, nhát mầu, nhưng vẫn đều “bóng, trong và sâu”! Nghĩa là hoạ sĩ đã nghiêm cẩn thể hiện rất theo bài bản của các cụ xưa về nghề làm tranh sơn mài! Giá như tôi có thật nhiều tiền để là một nhà sưu tập tranh ở xứ mình, chắc là tôi “ôm luôn“ bộ tranh của hoạ sĩ Đoàn Văn Nguyên, bởi chỉ riêng tính lịch sử thì nó cũng đã trải qua hơn ba chục năm có lẻ trên đời rồi, quả là những bức tranh “độc“ đáng sưu tầm! Tôi chỉ là một người xem tranh trong dòng người đã ghé thăm phòng triển lãm tranh sơ mài “Nước thời gian” của hoạ sĩ Đoàn Văn Nguyên, đã may mắn được trò chuyện với ông đôi điều về bao kỷ niệm văn thơ của cha ông là thi sĩ lừng danh thời thơ mới Đoàn Văn Cừ.Và càng thêm hiểu sâu xa hơn, ẩn ý mà ông đã chẳt lọc từ hai câu thơ của cha mình, mà dân văn chương cả nước, ai cũng thuộc lòng suốt gần tám chục năm qua:
“Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ
Nước thời gian gọi mái tóc trắng phau phau “.
May mắn sao, khi biết tôi vốn là cựu sinh viên Tổng hợp Văn giờ đang làm việc ở Nhà đấu giá CHON’S,hoạ sĩ Đoàn Văn Nguyên đã vui vẻ đích thân ký tặng tôi cuốn “Tuyển tập thơ Đoàn Văn Cừ “! Một món quà quý giá bất ngờ biết nhường nào tôi vinh hạnh được nhận từ con trai ông trước khi chia tay phòng triển lãm. Thi sĩ Đoàn Văn Cừ đến cuối đời ông, đã được các con ông, trong đó có người con trai thứ chính là hoạ sĩ Đoàn Văn Nguyên đã tập hợp toàn sáng tác trong đời ông, thậm chí cả không ít di cảo bút tích chép tay quý hiếm của ông cũng tìm được, in lại trong tập sách đặc biệt này Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành năm 2013! Cầm tập sách dày cộp trên tay, bìa sách và nhiều trang minh hoạ được lựa chọn từ chính những bức tranh sơn mài dân dã, cảnh thôn quê như bao tứ thơ năm xưa thi sĩ Đoàn Văn Cừ từng ngâm ngợi lúc canh khuya, như đã lắng đọng lại, níu giữ trong trí nhớ người con sau này hoá ra thành đường nét, hoà sắc trên tranh con trai ông mà vậy chăng? Dẫu sao, cuốn sách Toàn tập Đoàn Văn Cừ - một ấn phẩm văn hoá trang trọng - với riêng tôi đã ghi nhận tấm lòng thành, ý nguyện tri ân bậc sinh thành của anh em trong gia đình hoạ sĩ Đoàn Văn Nguyên!
Nghệ thuật sơn mài dân tộc đích thực, theo đúng kỹ thuật truyền thống, mang đậm bản sắc văn hoá Việt nam, sẽ vượt qua sự bào mòn, khoả lấp của thời gian như một minh chứng về con đường phát triển tất yếu trong tương lai. Xem tranh sơn mài “Nước thời gian” với bao bức tranh đẹp, nền nã và tràn ngập hoà sắc, ngồn ngộn sức sống của hoạ sĩ Đoàn Văn Nguyên, ta có thể vững tin về điều ấy.
Tác giả Trương Nhuận và họa sĩ Đoàn Văn Nguyên