Xét xử vụ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ giữa Công ty Tuần Châu Hà Nội và đạo diễn Việt Tú

(Vanhien.vn) Chiều 14/3, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án kinh doanh thương mại về tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ giữa nguyên đơn là Công ty Cổ phần Tuần Châu Hà Nội (viết tắt là Tuần Châu) và bị đơn là Công ty Cổ phần Đầu tư tổng hợp truyền thông DS (viết tắt là DS) do đạo diễn Nguyễn Việt Tú là Giám đốc.

(Vanhien.vn) Chiều 14/3, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án kinh doanh thương mại về tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ giữa nguyên đơn là Công ty Cổ phần Tuần Châu Hà Nội (viết tắt là Tuần Châu) và bị đơn là Công ty Cổ phần Đầu tư tổng hợp truyền thông DS (viết tắt là DS) do đạo diễn Nguyễn Việt Tú là Giám đốc.


Vụ kiện liên quan đến kịch bản “Ngày xưa” – vở diễn thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam do đạo diễn Việt Tú xây dựng và Tuần Châu là
Vụ kiện liên quan đến kịch bản “Ngày xưa” do đạo diễn Việt Tú xây dựng và Tuần Châu là chủ đầu tư. Ảnh: Quỳnh Hương


Theo đơn khởi kiện, ngày 16/11/2015, Tuần Châu và DS ký hợp đồng nguyên tắc với tổng giá trị gần 7,4 tỉ đồng. Hai bên thống nhất giao DS tư vấn, thiết kế mỹ thuật, dàn dựng chương trình cho dự án trình diễn thực cảnh của Công ty Tuần Châu.

Dựa trên hợp đồng này, đạo diễn Việt Tú đã xây dựng kịch bản “Ngày xưa” (hay còn gọi là “Thủa ấy xứ Đoài”) để biểu diễn tại khu du lịch Tuần Châu Hà Nội (huyện Quốc Oai). Tổng chi phí mà Tuần Châu đầu tư khoảng 13 tỷ đồng. 

Sau khi tác phẩm ra đời, giữa đạo diễn Việt Tú và chủ đầu tư xảy ra tranh chấp về bản quyền vở diễn.

Tuần Châu cho rằng đạo diễn Việt Tú và DS cố ý trì hoãn không thực hiện hợp đồng, tự ý công bố vở diễn khi chưa được sự đồng ý của chủ đầu tư, gây ảnh hưởng đến quyền tài sản của công ty.


Quang cảnh phiên toà.


Trong đơn kiện, Tuần Châu yêu cầu tòa án buộc DS chuyển giao quyền chủ sở hữu, quyền tác giả đối với kịch bản “Ngày xưa”. Tuần Châu cũng yêu cầu DS chấm dứt việc quảng cáo, quảng bá, giới thiệu, viết bài hoặc mọi hoạt động quảng cáo và truyền thông khác liên quan tới việc sử dụng và khai thác kịch bản “Ngày xưa”.

Ngoài ra, Tuần Châu khẳng định DS đã vi phạm các nghĩa vụ bàn giao sản phẩm, cung cấp hóa đơn tài chính và vi phạm điều khoản bảo mật khi đạo diễn Việt Tú cung cấp nội dung thỏa thuận giữa hai bên cho báo chí, truyền thông. Các hành vi của DS đã khiến Tuần Châu không khai thác được sản phẩm và phải thuê người khác xây dựng chương trình thay thế là vở diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” với giá hơn 5,9 tỷ đồng.

Trên cơ sở đó, Tuần Châu đề nghị tòa buộc DS phải bồi thường hơn 6,2 tỷ đồng. Đây là khoản tiền mà Tuần Châu phải bỏ ra để xây dựng vở “Tinh hoa Bắc Bộ” và tiền thuê luật sư hỗ trợ giải quyết vụ án.

Công ty DS có đơn phản tố, cho rằng Tuần Châu xâm hại quyền tác giả khi tạo ra một tác phẩm phái sinh mà không có sự cho phép của tác giả. Ngoài ra, Tuần Châu chưa thanh toán những khoản tiền theo phụ lục hợp đồng... Từ đó, DS đề nghị Tòa buộc Tuần Châu phải bồi thường 6,3 tỷ đồng và các chi phí phát sinh 350 triệu đồng.

Tại phiên tòa, đại diện nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu trong đơn khởi kiện. Tuy nhiên, về phần yêu cầu bồi thường, nguyên đơn chủ động giảm xuống còn hơn 6 tỷ đồng.

Trong phần xét hỏi và tranh luận, Hội đồng xét xử đã tập trung làm rõ các nội dung liên quan đến ý tưởng kịch bản, các yêu cầu về nội dung trong kịch bản, cơ sở xác định thiệt hại, về các điều khoản trong hợp đồng hợp tác giữa hai bên… Phía Tuần Châu Hà Nội và đạo diễn Việt Tú cùng đưa ra nhiều chứng cứ, quan điểm chứng minh bản quyền tác giả trong phiên tòa tranh chấp bản quyền tác giả giữa vở diễn "Ngày xưa" và "Tinh hoa Bắc bộ".

Phát biểu về quan điểm giải quyết vụ án, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng vở diễn “Ngày xưa” là kết quả của việc thực hiện Hợp đồng số 0111 giữa Tuần Châu và DS. Tuần Châu chỉ hỗ trợ đạo diễn Việt Tú sáng tạo, do đó không được công nhận là tác giả. Đạo diễn Việt Tú là tác giả duy nhất.

Theo Viện Kiểm sát, Tuần Châu là chủ sở hữu tác phẩm, Việt Tú là tác giả. Ở đây, Việt Tú chỉ có quyền nhân thân, bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén gây ảnh hưởng tới uy tín của tác giả, còn Tuần Châu được phép cho người khác công bố tác phẩm, biểu diễn, sao chép, phân phối bản sao, bản gốc, truyền đạt tác phẩm tới công chúng. Về việc yêu cầu bồi thường số tiền hơn 6 tỷ đồng của Tuần Châu, Viện Kiếm sát đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận số tiền 5,9 tỷ đồng, chỉ chấp nhận số tiền hơn 300 triệu đồng chi phí pháp lý phát sinh.

Về yêu cầu của bị đơn, Viện Kiểm sát cho rằng việc công nhận hay không công nhận “Tinh hoa Bắc bộ”có kế thừa hay không kế thừa "Ngày xưa" không ảnh hưởng tới DS nên đề nghị Tòa không chấp nhận yêu cầu của DS. Viện Kiểm sát chỉ đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu bồi thường do chậm thanh toán, còn việc yêu cầu bồi thường khoản 10% doanh thu bán vé là không có căn cứ chấp nhận.

Kết thúc phần tranh luận, Hội đồng xét xử quyết định nghị án kéo dài. Vào 8h sáng 20/3, Hội đồng xét xử sẽ tuyên án.