Xuân về, nhớ hương vị tết xưa

Khi cái rét đã vơi đi, nhường chỗ cho những ngày ấm áp nhưng vẫn còn đủ lạnh để người ta xích lại gần nhau trong những đêm cuối tháng Chạp, cũng là lúc người dân hai miền Nam, Bắc trên dải đất hình chữ S rộn ràng chuẩn bị đón Tết cổ truyền, cái Tết đã có từ bao đời, từ rất xa xưa do ông bà, tổ tiên truyền lại.

huong-vi-tet3-1642691596.jpg 

 

Vào những ngày này, nắng vương nhẹ nhàng, tuy nhạt nhưng cũng đủ để cho các cô gái, các chàng trai còn son trẻ diện dàng những bộ cánh đẹp nhất để trở nên đẹp hơn trong mắt người thương, cũng đủ để cho các em nhỏ tung tăng khoe áo mới, áo hoa xanh, đỏ, tím, vàng đủ sắc màu rực rỡ mà suốt một năm chúng hằng ao ước, mong chờ; cũng đủ để cho các cụ bà trông như trẻ lại trong chiếc áo gấm hoa, đầu chít khăn mỏ quạ, miệng tươi thắm bỏm bẻm nhai trầu...

Ngoài đồng, con nước ải đổ về trong vắt, tràn ngập những dòng kênh, những bờ mương,  những con ngòi nhỏ. Ngắm nhìn dòng nước tươi mới ấy, lòng người ta  như trẻ lại, như chợt thấy có một nguồn năng lượng cũng hết sức tươi mới, dồi dào để phấn chấn làm việc hăng say, tin tưởng và ước mong về một vụ mùa mới óng ánh sắc lúa vàng xuộm, trĩu bông trên những bờ xôi ruộng mật.

Từ độ hăm bảy, hăm tám Tết, mọi người, mọi nhà tạm gác lại việc đồng áng, tíu tít sắm Tết, quét dọn, trang hoàng nhà cửa. Ông ngoại ra bụi tre ở đầu ngõ, chặt một cây tre đực thật dài, thật cao để làm cây nêu dựng ở trước sân vườn. Ông bảo cây nêu này có tác dụng trừ tà, sát quỷ, giữ cho khu đất, mảnh vườn, ngôi nhà mình đang ở được an lành để đón một năm mới thật nhiều may mắn.

Nhìn ông cắm nêu, tôi ngước nhìn lên ngọn cây nêu cao vút, lòng trẻ thơ ngây ngô mường tượng về cái vẻ thần bí của nắm lá bùa trên ngọn nêu và tin tưởng tuyệt đối vào những điều ông ngoại bảo. Rồi tôi theo chân ông không rời nửa bước, xem ông làm đủ các việc. Ông vào góc bếp, lấy chiếc thuổng ra vườn, đào mấy bụi hương bài. Mùi cây cỏ này sao mà thơm đến lạ lùng, một mùi thơm thật dễ chịu, khoan khoái lòng người. Ông đập đập, giũ giũ nhè nhẹ cả bụi vào cán thuổng cho sạch đất, cả bụi hương bài còn trơ ra toàn những củ, những rễ dài ngoằng, màu vàng nhạt, trông mà thích mắt. Rồi ông cắt phần củ, phần rễ cho vào chiếc sảo, phần còn lại, ông để làm giống, trồng lại xuống đất để ngày này năm sau lại có mà dùng. Ông loay hoay, cặm cụi chế biến, tán nhỏ chúng thành bột rồi tỉ mẩn dùng giấy bản mỏng tang, nhẹ nhàng rải từng lớp bột mịn thơm phức, cuộn cuộn, lăn lăn tròn tròn trong những chiếc nan nhỏ thẳng tưng. Rồi ông đem phơi chúng trên chiếc mẹt để trên giàn trầu. Ông làm  cẩn trọng nhưng thạo việc, nhanh nhẹn, dáng vẻ thư thái, thanh thản. Tôi ngồi cạnh ông, hai tay chống cằm, chăm chú ngắm nhìn ông, lòng vô cùng yêu kính, ngưỡng mộ, thấy ông ngoại đẹp như một ông tiên.

huong-vi-tet2-1642691597.jpg 

Ngày ba mươi tết, cả nhà tất bật làm cỗ. Tôi lại theo sát chân ông, không rời nửa bước, mắt dán vào xem ông chặt gà, thái thịt, bày đĩa. Mùi thịt gà, thịt lợn luộc thơm phức. Mùi miến nấu măng; mùi hạt tiêu bắc dậy lên thơm lừng trong những bát nấu, trong những đĩa xào; mùi  bánh chưng dịu dàng, thơm ngậy vị của đất, của nước, của khí trời và cỏ cây hoa lá phảng phất trên mâm cỗ hoà quyện trong làn khói hương bài thơm ngào ngạt bay ra từ bàn thờ ông bà ông vải sao mà dễ chịu đến lạ đến lùng. Cái mùi hương thơm ấy quyện trong cái không khí se se lành lạnh của tháng Chạp, hoà trong sự chuyển mình của đất trời hiu hiu ấm áp vào xuân, lẫn trong tiếng pháo nhà ai đó thỉnh thoảng lại đì đùng rồi rộ lên, thấm vào tâm hồn háo hức, non dại, trắng trong như tờ giấy trắng của cô bé con tuổi mẫu giáo, theo cô bé ấy đi suốt cuộc đời, không bao giờ có thể quên, không bao giờ có thể lẫn với bất kì một mùi vị nào khác.

Cái mùi vị chiều ba mươi tết ấy sao lại đặc biệt, thiêng liêng và trang trọng đến thế? Đã hơn bốn chục mùa xuân qua. Đã hơn bốn chục lần đón tết. Đã hít hà, thâu nạp vào trong khứu giác không biết bao nhiêu là hương vị cuộc đời. Vậy mà tôi vẫn không sao có thể quên, không sao có thể lẫn được hương vị ngày Tết của những năm xưa, những năm tuổi thơ gần gũi bên ông bà ngoại vô cùng mến thương, yêu kính của tôi.

Ôi! Cái mùi vị Tết xưa! Sao cháu lại thấy nhớ nó quá đi! Ông ngoại ơi! Bà ngoại ơi!  Cháu đang nghe con tim mình thổn thức. Và trên má cháu, hai vệt nước mắt lăn dài, nóng hổi.

huong-vi-tet1-1642691597.jpg